(Thứ năm, 28/07/2022, 12:25 GMT+7)



Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) là người nổi tiếng với những trang văn viết về người lính.

Nhà văn Phùng Văn Khai đã đi nhiều nơi, đến với nhiều đơn vị đến nỗi “không thể nhớ hết có bao nhiêu chuyến đi”, nhưng có một điều anh day dứt mãi, thậm chí dằn vặt trở đi trở lại là khi anh đối diện với những người vợ có chồng là bộ đội hy sinh, nhất là hy sinh trong thời bình.

Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai (áo trắng) thăm hỏi gia đình một liệt sĩ thời bình

“Đất nước rộng dài. Mấy cuộc chiến tranh dài dằng dặc. Không đất nước nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như đất nước Việt Nam. Ngay thời bình, tôi đã chứng kiến không ít đồng đội hy sinh, có người khá thầm lặng”, anh bùi ngùi chia sẻ.
 
Qua những câu chuyện kể của nhà văn Phùng Văn Khai về những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong thời bình, chúng tôi như được xem lại những thước phim quay chậm về những tấm gương Bộ đội Cụ Hồ, những người đã quên cả thân mình hy sinh vì dân, vì nước, để lại cha già mẹ héo, vợ trẻ và cả những đứa con thơ còn thơm mùi sữa...
 
“Có người lính/ Mùa xuân ấy/ Ra đi từ đó không về... Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ trước hoàng hôn...”, các anh thực sự là những nhành hoa đỏ tỏa sáng giữa thời bình, truyền thêm sức mạnh về tinh thần và ý chí cho những người ở lại.


Chúng tôi rất ấn tượng và xúc động khi được nhà văn Phùng Văn Khai kể chuyện về cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngã xuống trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy. Câu chuyện về Đại úy Biên phòng Sơn La Lù Công Thắng hy sinh khi thực hiện chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy khiến chúng tôi day dứt mãi.
 
Khi ấy, vào những ngày nắng nóng tháng 7-2010, chuyên án đặc biệt đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Cục Phòng, chống tội phạm ma túy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và Đồn Biên phòng Pả Khôm nước bạn Lào đi vào giai đoạn quyết định.

Nhà văn Phùng Văn Khai đã đi nhiều nơi, đến với nhiều đơn vị để tìm hiểu về sự hy sinh quả cảm của đồng chí, đồng đội mình trong thời bình

Trước đó, từ tháng 6-2010, lực lượng đặc nhiệm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã phát hiện có một đường dây ma túy rất lớn từ Lào tổ chức đưa về Việt Nam. Những trùm buôn lậu ma túy thường xuyên vận chuyển hàng với số lượng lớn từ Sầm Nưa về khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam.
 
Tối 30-7-2010, sau nhiều tháng trinh sát vất vả, lăn lộn với cơ sở, tổ chuyên án được lệnh đánh án tại khu vực biên giới xã Chiềng Tương, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn La. Tổ mật phục có Thượng úy Lù Công Thắng, Trợ lý trinh sát Phòng phòng, chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu.
 
Và rồi đối tượng xuất hiện… Lập tức, mệnh lệnh người chỉ huy vang lên cũng là lúc Thượng úy Lù Công Thắng cùng đồng đội vọt tới triển khai đội hình bao vây và nhanh như chớp khống chế được một đối tượng. Bị bao vây bất ngờ, hai tên trong nhóm tội phạm phản kháng, chúng rút ngay súng giấu sẵn trong người bắn xối xả vào các chiến sĩ để giải vây cho đồng bọn và cũng là để thủ tiêu tang vật.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới

Thượng úy Lù Công Thắng cùng đồng đội hét lên dưới làn đạn đồng thời bất chấp nguy hiểm lao thẳng vào hai tên tội phạm... Hốt hoảng trước sự quả cảm của các chiến sĩ biên phòng, hai tên tội phạm vừa tìm cách tháo chạy vừa tiếp tục nhả đạn.
 
Lù Công Thắng lao thẳng đến một tên nhằm bắt sống hắn. Nhanh như cắt, người lính trinh sát Lù Công Thắng đã lập tức bay người về phía tên tội phạm, đẩy nòng súng sang một bên để giữ an toàn cho đồng đội mình. Và trong khoảnh khắc ấy, anh đã hứng trọn luồng đạn và bị thương, ra máu rất nhiều… Lù Công Thắng hy sinh ngay chiều hôm đó, ngày 31-7-2010…!

Chuyên án cũng đã thắng lợi với 6 bánh heroin bắt được tại hiện trường.


Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới
 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nối nghiệp cha mình làm Bộ đội Cụ Hồ, liệt sĩ Lù Công Thắng đã phấn đấu thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Khi ra trường, được công tác tại quê hương, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; với nghiệp vụ trinh sát, anh đã cùng đồng đội tổ chức phá nhiều chuyên án, nhiều lần được cấp trên khen ngợi…
 
Nhắc đến anh, Bí thư Chi bộ bản Pó Phứa (Sơn La) nói trong nấc nghẹn: "Lù Công Thắng là người con ưu tú của bản làng chúng tôi. Pó Phứa luôn coi nó là đứa con của cả bản. Nó là tấm gương sáng đấy, nó đã dũng cảm hy sinh vì sự bình yên biên giới nhưng trong lòng thôn bản sẽ mãi nhớ hình ảnh nó, hình ảnh của một người Bộ đội Biên phòng luôn gần gũi với nhân dân. Bà con ở đây không thể thiếu Bộ đội Biên phòng được đâu!”


Bộ đội Cụ Hồ luôn mang theo mình hành trang là lòng can đảm, can trường, để lúc nào cũng sẵn sàng, có lệnh là lên đường giúp dân trong tư thế hiên ngang, đối diện với hiểm nguy mà không chùn bước. Bỏ lại sau lưng cả hậu phương, gia đình, vợ con của mình, nhiều đồng chí ngã xuống khi chưa kịp liên lạc với người thân, bỏ ngỏ những giấc mơ cùng bao dự định dang dở...


Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhân dân mỗi khi bão lũ tràn về

Doanh trại Lữ đoàn Xe tăng 202, Quân đoàn 1, 1 giờ 45 phút ngày 1-11-2008.
 
Tín hiệu báo động khẩn cấp phát ra toàn đơn vị. Mệnh lệnh của thủ trưởng đơn vị là lập tức hành quân đến cứu đập Gia Tường (Nho Quan, Ninh Bình). Đập sắp vỡ.
 
Sau khi nhận mệnh lệnh, 100 cán bộ, chiến sĩ lập tức hành quân xuyên đêm đen, xuyên qua mưa gió bão bùng về biển nước mênh mông đang ngày một dâng cao, uy hiếp con đập mỏng manh.
 
Khoảng 2 giờ 30 phút, các cán bộ, chiến sĩ đã tiến đến vùng xung yếu của con đập. Khi ấy, bà con nhân dân đang kêu gọi í ới vật lộn với giặc nước. Những cán bộ, chiến sĩ thoăn thoắt chuyền tay nhau từng bao cát đắp những chỗ bị sạt, ngăn chặn dòng nước hung hãn. Thế nhưng, nước càng lúc càng lên, còn những người lính thì cũng đã thấm mệt sau hàng giờ vật lộn mà nguy cơ vỡ đập thì dường như ngày càng hiện rõ...
 

Các cán bộ, chiến sĩ giúp người dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở đất ở Phước Sơn, Quảng Nam năm 2020
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu hộ Quân khu 5 ăn trưa ngay tại hiện trường để tranh thủ thời gian tìm kiếm, cứu nạn đồng bào vùng lũ bị sạt lở núi, lũ cô lập ở hai huyện Phước Sơn và Nam Trà My (Quảng Nam) xảy ra năm 2020
 
Ở điểm nguy hiểm nhất ấy, một con sóng ào lên đánh sạt những bao cát lớn ngay dưới chân Trung úy Đặng Đình Hào. Anh hô to: “Các đồng chí mau vác bao cát vào đây!”, miệng nói và tay anh vác bao cát đến chỗ bị sạt. Anh vừa chèn bao cát vào đó thì đất đá bỗng sụt dưới chân, dòng nước hung tợn thắng thế, phá tan con đập mỏng manh và cuốn phăng anh vào xoáy nước…
 
Đồng đội anh cột chão ngang người xuống cứu anh lên nhưng không kịp nữa, anh hy sinh khi chưa tròn 32 tuổi, để lại người vợ ngoài đôi mươi và đứa con thơ mới chỉ 6 tháng tuổi…
 
Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 đã nhắc đến khoảnh khắc ấy trong xót xa: "Thằng Hào hy sinh bất ngờ quá. Lúc đang dầm mưa với anh em, khi đập quá yếu, đã chuẩn bị phương án xả lũ thì vỡ đập. Lúc bị lũ cuốn chắc nó đói và rét lắm. Anh em ai cũng đói rét cả. Báo động đi giữa đêm có kịp ăn uống gì đâu!”


Các lực lượng tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn nhân dân

Câu chuyện về Trung tá Lê Văn Phượng, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Quân khu 4, hy sinh ở cái tuổi sung sức nhất của đời người với nhiều dự định còn dang dở cũng khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào và cảm phục.
 
Trong cơn bão định mệnh năm 2009, khi anh vừa điện về dặn vợ gom góp mấy tấm lợp để anh về sửa nhà cho mẹ vừa bị bão cuốn thì chính anh, vào mờ sáng ngày 30-9, đã cùng đồng đội lao vào một cơn bão khác đang giáng xuống những người mẹ, những đứa trẻ thơ bên dòng sông Thạch Hãn. Và thế rồi, anh không thực hiện được lời hứa với mẹ mình…


Nhiều chuyến bay cấp cứu đã kịp thời đưa bệnh nhân nặng trên biển, đảo vào đất liền để chữa trị và chăm sóc sức khỏe

Ngày đó, 29-9-2009, sau khi ăn xong cơm chiều, Trung tá Lê Văn Phượng nhận mệnh lệnh cùng đồng đội đi giúp một số gia đình người dân gần đơn vị chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm đến vị trí an toàn khi hay tin cơn bão số 9 có cường độ rất mạnh vừa đổ bộ.
 
2 giờ ngày 30-9-2009, anh cùng 4 đồng đội khác đi ứng cứu nhân dân ở phường 2, thị xã Quảng Trị. Trong đêm tối, vật lộn với dòng nước xiết, các anh đã luồn lách, đưa ca nô vào các ngõ hẻm để cứu dân. Theo lời các đồng đội của anh, trên ca nô, thấy các cháu nhỏ bị ướt, Trung tá Lê Văn Phượng đã cởi ngay tấm áo mưa duy nhất của mình che cho các cháu, còn mình thì đội mưa, chịu rét, tiếp tục làm nhiệm vụ. Đêm đó, anh cùng đồng đội đã cứu được 7 người đến nơi an toàn.


Các đơn vị trong quân đội tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Đến rạng sáng hôm đó, khi vừa trở về thì đơn vị lại nhận được tin nhân dân ở 2 khu phố kêu cứu. Mặc dù đã dầm mình trong nước lũ suốt đêm, sức khỏe giảm sút nhưng anh Lê Văn Phượng vẫn xung phong lên đường.
 
Chiếc ca nô của tổ cơ động đến cầu Thạch Hãn thì bị nước lũ xoay mắc kẹt ở mố cầu. Các anh cố gắng cứu ca nô để không bị lật và tìm cách chuyển hướng. Cầm cự một lúc, sức lực đã cạn kiệt nhưng khi thấy trên ca nô vẫn còn đồng đội của mình đang bị dòng nước lũ uy hiếp đến tính mạng, anh đã nhảy ngay xuống ca nô, đẩy mũi ca nô ra khỏi mố cầu để anh em của mình thoát hiểm. Nhưng dòng nước quá mạnh, ca nô chòng chành và bị xoáy nước vật nhào, anh đã bị dòng nước ấy cuốn trôi và hy sinh anh dũng vào lúc 7 giờ ngày 30-9-2009.
 
Anh Trần Quốc Quang, người trong đội công tác cùng bị lật xuồng hôm ấy vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhắc lại câu chuyện đã xảy ra khi đó: Khi nhận mệnh lệnh tiếp tục đi cứu dân vào lúc rạng sáng, tôi biết anh Lê Văn Phượng đã rất mệt và đói do phải dầm nước suốt đêm nhưng anh vẫn xung phong đi tiếp. Mấy anh em chỉ kịp cầm vài thanh lương khô đã nát mủn lên ca nô và đi luôn. Khi ca nô bị đánh bạt vào chân cầu Thạch Hãn, anh Phượng đã thét lên: “Các đồng chí phải bằng mọi cách cứu được ca nô để lấy phương tiện cứu dân đang đợi chúng ta!” Còn bản thân anh thì đã dũng cảm lao xuống để đẩy ca nô khỏi vùng nước xoáy...


Các đơn vị trong quân đội tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu

Tấm gương các anh: Lù Công Thắng, Đặng Đình Hào, Lê Văn Phượng chỉ là 3 trong số nhiều liệt sĩ đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ thân thương để bình yên ở lại với người dân, quê hương, đất nước.
 
Mới đây nhất, vào năm 2020, khi cả nước đang phải đối đầu với dịch Covid-19, thì liên tiếp các đợt lũ chồng lũ đã tràn về dải đất miền Trung ruột thịt, gây nên bao đau thương, mất mát. Và khi đó, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã thầm lặng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhân dân…


Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường tích cực tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở Thừa Thiên Huế tháng 10-2020

Ngày 12-10-2020, ngay khi nhận được điện báo sạt lở đất vùi lấp nhiều người lao động ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế), lãnh đạo Quân khu 4 đã lập tức họp khẩn để chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, đồng thời cử đoàn công tác vào hiện trường để tổ chức cứu những người bị nạn.
 
Khi đến khu vực rừng núi gần công trình thủy điện Rào Trăng 3, phương tiện cơ giới không thể vượt qua được, nhưng đoàn công tác vẫn quyết định đi bộ, vượt suối, băng rừng để khẩn trương tới hiện trường... Nhưng nước lũ và sạt lở đất đá chặn lối, lại đêm tối, mưa rừng nên không thể đi tiếp, đoàn công tác đành trú lại ở trạm kiểm lâm giữa rừng... Bất ngờ, vụ sạt lở núi khủng khiếp lúc nửa đêm đã khiến 13 đồng chí cán bộ đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn.
 
Sau đó không lâu, sáng 18-10-2020, lại xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp giữa những ngày đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân.


Các lực lượng tích cực thông tuyến, cứu nạn tại khu vực Tiểu khu 67, Thừa Thiên Huế tháng 10-2020.

Hơn 20 cán bộ, chiến sĩ vừa sau những ngày dốc sức giúp đỡ nhân dân trở về, có người chưa kịp tắm giặt, có người chưa kịp thay bộ quân phục, có người chưa kịp đi vào giấc ngủ thường nhật...
 
Cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Bộ đội Cụ Hồ - Có lẽ chính vì vậy mà giữa lúc mưa lũ hiểm nguy, gian khổ nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, dù phải hy sinh tính mạng của mình cũng không chùn bước. Với các anh, cứu giúp nhân dân không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần, mà là mệnh lệnh từ trái tim người lính! Các anh đã đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên cả mạng sống của mình.

Khó khăn vẫn luôn rình rập nhưng dưới sấm sét, trong đêm đen, trước hiểm nguy rình rập, những anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn hòa cùng vào một khối, không kể lính biên phòng hay quân y, công binh, pháo binh, phòng không, thiết giáp, tất cả đều xung trận, thậm chí sẵn sàng nhịn đói, ngâm nước, dầm bão cứu dân, phá ma túy... để cuộc sống này luôn được bình yên, hạnh phúc.
 
Các anh chính là những khúc tráng ca thời bình, làm ngời sáng truyền thống và giá trị của Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới!


Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 927, Sư đoàn Không quân 371 trong Lễ ra quân huấn luyện năm 2022, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

Nội dung: TRỊNH DŨNG - LỆ HUYỀN - VIỆT CƯỜNG - NGUYỄN THẢO - THU THỦY
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân và nhân vật cung cấp
Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC