Chúng tôi đến thăm mẹ tại xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng trong 1 ngày nắng đẹp cuối tháng 7/2017, khi xe vừa dừng bánh, mẹ vội vàng ra đón chúng tôi như đón những đứa con đi xa quay trở về thăm nhà.
Chị Thanh, con thứ 5 của mẹ chia sẻ với chúng tôi rằng “Mẹ nghe nói hôm nay có Đoàn viên thanh niên đến thăm nên thức dậy từ rất sớm, cứ đi ra rồi đi vào sốt ruột, ngóng các bạn đoàn viên thanh niên như ngóng trông con mình đi xa trở về vậy”. Quây quần với nhau trong căn nhà nhỏ, mẹ và chúng tôi cùng nhau thắp những nén hương cho các liệt sĩ và những người đã mất; và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời máu lửa tại vùng đất này.
Trong mắt chúng tôi, Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phùng Thị Lên xuất hiện với hình ảnh người mẹ gầy gò, nhỏ nhắn nhưng rất ấm áp, gần gũi và không kém phần nhanh nhẹn, khỏe khoắn mặc dù năm nay mẹ đã tròn 92 tuổi. Nếu không bận đón tiếp chúng tôi thì hôm nay mẹ vẫn loay hoay với vườn hoa, vườn cây ăn trái quanh nhà, mẹ nói thêm là mẹ được trời thương nên mắt còn tỏ, tai còn nghe được và còn có sức khỏe để có thể làm vườn, trồng trọt và chơi với con cái, cháu chắt của mẹ nữa.
Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phùng Thị Lên chia sẻ những kỷ niệm thời tuổi trẻ,
chia sẻ về những người con đã hi sinh của mình với đoàn viên thanh niên Sở Y tế
Khi chia sẻ cùng chúng tôi, dường như dấu vết thời gian lại in hằn sâu hơn trên khuôn mặt của mẹ. Mẹ bảo mẹ vẫn còn nhớ như in cái năm mẹ 18 tuổi, cái thời tuổi trẻ cũng hừng hực sức sống như mấy đứa bây giờ, thời ấy, mẹ bén duyên và cưới ổng (chồng của mẹ) đang cái tuổi mới lớn và mơ mộng lắm, thế là cưới nhau về mẹ sinh lần lượt 8 người con. Từ ngày về một nhà với nhau, do phải nằm vùng trong lòng địch nên chồng mẹ cứ đi suốt, vậy là một mình mẹ chăm sóc 8 đứa con đến lúc trưởng thành. Cái thời đó đói khổ nhưng giàu tình cảm lắm mấy đứa à, mẹ kể tiếp, nhà nghèo thì nghèo nhưng lúc nào mẹ cũng dành gạo cho bộ đội mình ăn có sức đánh giặc. Rồi các con mẹ lớn lên và lại lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Mẹ còn nhớ như in, sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1 năm, là năm 1969, thằng hai bị thương khi đang làm nhiệm vụ, lúc đưa về người nó máu me khiến mẹ như đứt từng đoạn ruột, vết thương quá nặng nên đồng đội đã chuyển thằng hai qua bên Miên (Campuchia) để điều trị; trong quá trình vận chuyển thương binh đã bị trúng bom của địch và chết hết cả thương binh lẫn người vận chuyển. Câu chuyện ngưng lại một lúc có thể vì cảm xúc níu chân nên mẹ không thể kể tiếp, chị Thanh tiếp chuyện, 2 năm sau là năm 1971, lúc đó cả ấp đang bị nạn đói do bị địch khống chế và dồn vào đồn bốt không cho người dân sản xuất trữ lương thực để tiếp tế cho bộ đội, lúc ấy bộ đội cũng đói mà dân mình càng đói khổ hơn, người ta chết đói nhiều lắm, lúc ấy, thằng ba (đứa con thứ 2) bị địch phục kích khi đang trên đường về thăm lại nhà cũ. Tuy không nghe được tiếng khóc hay tiếng nấc nhưng mắt của mẹ, của chị Thanh và chúng tôi đều đỏ hoe khi nghe kể đến, đó là câu chuyện kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh vẫn còn in hằn trong tâm trí mẹ và chị không bao giờ quên được.
Chị Thanh (con thứ 5 của Mẹ) xúc động chia sẻ về sự hi sinh của anh trai
Mặc dù hai đứa con đầu lòng ra đi trong sự mất mát khôn nguôi nhưng mẹ bảo mẹ không hề hối tiếc vì mẹ biết chiến tranh không chỉ gây tang thương cho gia đình mẹ mà còn gieo tang thương cho các gia đình khác trên khắp quê hương mình. Và chúng tôi biết nhờ có những gia đình như gia đình của mẹ và các chiến sĩ hy sinh thân mình như các con của mẹ mà chúng tôi, tuổi trẻ Sở Y tế nói riêng và người dân trên khắp mọi miền nói chung mới có được cuộc sống yên bình, ấm no như bây giờ.
Xe rời bánh trở về đơn vị, hình ảnh và câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phùng Thị Lên vẫn còn in sâu trong tâm trí của các bạn trẻ. Chúng tôi tự nhắc nhở nhau rằng hòa bình hôm nay quý giá lắm, các bạn trẻ không được quên công ơn của các gia đình và các liệt sỹ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như nhắc nhở bản thân mình phải sống có ích, sống có trách nhiệm với bản thân, với công việc và với xã hội, sống là không hối tiếc, sống là cống hiến hết mình.
Theo MAI THI / TUỔI TRẺ BÌNH DƯƠNG