(Thứ bảy, 27/02/2016, 09:34 GMT+7)

Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của Quân đội ta.
Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2007

                            Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

*
*     *

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hơn ai hết, Bác Hồ, Đảng ta, Quân đội ta ý thức sâu sắc rằng độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là sự nghiệp lớn còn nhiều thách thức phía trước. Pháp chiến bại. Mỹ tìm cớ nhảy vào Việt Nam. Một nửa đất nước bên kia giới tuyến 17 đứng trước họa ngoại xâm. Ngô Đình Diệm - con bài từ ống tay áo người Mỹ chui ra để Mỹ thao túng nhảy vào chiếm miền Nam Việt Nam, với dã tâm khống chế Đông Nam Á.
Thấy rõ điều đó, việc xây dựng quân đội chính quy, hùng mạnh để đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai là việc vừa cấp bách vừa lâu dài. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tổng Tư lệnh, Đại đoàn pháo binh 349 được thành lập. Phùng Thế Tài được bổ nhiệm cương vị Đại đoàn trưởng. Đại đoàn 349 lựu pháo 105 ly gồm năm trung đoàn (4, 5, 6, 34, 44), nòng cốt là Trung đoàn 349 Quân khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 460 pháo binh, một số đại đội bộ đội địa phương các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các Trung đoàn 34, 39, 52 bộ đội miền Nam tậpkết. Chính ủy là đồng chí Lê Đình Thiệp.
Trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn Pháo binh 349, Phùng Thế Tài cùng cấp ủy, chỉ huy Đại đoàn sớm đúc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, uy lực của Pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào học tập, rèn luyện để xây dựng Đại đoàn Pháo binh 349 có sức mạnh toàn diện, nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội pháo binh.
Năm 1958, Phùng Thế Tài được phong quân hàm Thượng tá. Ông đảm đương nhiều cương vị quan trọng của bộ đội Pháo binh: Từ tháng 11 năm 1961 đến tháng11 năm 1962 Phùng Thế Tài giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh. Thời gian này, ông cùng với bộ đội Pháo binh nghiên cứu nhiều cách đánh địch, nhất là cách bắn máy bay, tàu chiến Mỹ. Khi ở Điện Biên Phủ, pháo phòng không của ta đã chiến đấu kiên cường, bắn rơi nhiều máy bay địch nhưng đó là không gian hẹp, bắt buộc địch phải lao vào trận địa của ta. Đánh Mỹ sau này rất khác. Chiến trường rộng lớn. Máy bay, tàu chiến, thiết xa vận của Mỹ có nhiều lợi thế trong đó yếu tố hiện đại, vượt trội về kỹ thuật rất rõ ràng. Phải chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ trên chiến trường, trên không, trên biển là một bài toán khó. Những câu hỏi đó luôn nung nấu trong đầu Người cận vệ của Bác Hồ trên cương vị chỉ huy bộ đội Pháo binh.
Nhận rõ tình hình diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh và bản chất hiếu chiến của Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Binh chủng Phòng không. Tháng 12 tháng 1962, Phùng Thế Tài được bổ nhiệm là Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Binh chủng Phòng không được thành lập đã cho thấy sự nhìn xa trông rộng của Đảng ta, Quân đội ta trong việc quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hai chữ “Phòng không” đã luôn vang lên trong tâm trí Tư lệnh Phùng Thế Tài. Quân đội ta phải đánh giặc và phải thắng giặc ở trên không. Đó là mệnh lệnh mà Đảng, Bác Hồ giao cho bộ đội Phòng không.
Vào thời điểm này, lực lượng Phòng không chỉ mới có 5 trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không và 4 trung đoàn dã chiến thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh. Lực lượng Phòng không mỏng lại thiếu tập trung thống nhất nên địch hoạt động rất trắng trợn, liên tục bay sâu vào nội địa của ta, gây nhiều tội ác. Việc nâng cao khả năng chiến đấu của Bộ đội Phòng không được đặt ra một cách cấp bách.
Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Phòng không, việc đầu tiên Phùng Thế Tài đề nghị đưa 4 trung đoàn cao xạ dã chiến 214, 118, 224, 228 sát nhập vào Bộ Tư lệnh Phòng không, nâng lực lượng cao xạ lên 13 trung đoàn. Tiếp đó, Tư lệnh chỉ đạo tăng cường mạng lưới ra-đa cả về số lượng và chất lượng. Từ hai trung đoàn ra-đa 290, 291 đã phát triển thêm trung đoàn thứ ba: 292 nên vấn đề kiểm soát các mục tiêu trên không được thực hiện rất tốt. Ra-đa của ta được trang bị nhiều loại máy mới như P10, P15, 513K chủ động hơn trong việc phát hiện địch.
Ngoài trọng địa Hà Nội được bổ sung thêm trung đoàn 260 pháo trung cao gồm 6 đại đội 100ly có trang bị ra-đa COH9 và máy chỉ huy K6, các yếu địa Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, pháo phòng không 37ly được thay bằng 57ly hỏa lực mạnh hơn sẵn sàng giáng trả máy bay Mỹ. Mạng lưới phòng không được nâng cao sức chiến đấu rõ rệt. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vùng trời miền Bắc vẫn liên tục được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu quan tâm đặc biệt.
Ngày 11 tháng 8 năm 1963, máy bay Mỹ loại trinh sát phản lực RF101 ngang nhiên bay lượn nhiều vòng trên bầu trời Hà Nội. Hôm đó là chủ nhật, ta đang thực hiện một số hoạt động chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Bộ đội Phòng không nhận mệnh lệnh chiến đấu nhưng ra-đa của các đại đội pháo không bắt được mục tiêu đã để nỡ thời cơ tiêu diệt địch. Địch lượn lại lần thứ hai, các đại đội 109 trung đoàn 220, đại đội 130 trung đoàn 260 đã bắn nhiều loạt đạn 100mm nhưng không đạt hiệu quả. Trận đánh không thành công của hai đại đội pháo 100mm tại thủ đô Hà Nội đặt ra những vấn đề cấp bách và thiết thực. Tư lệnh Phùng Thế Tài thức trắng đêm. Bác Hồ cũng đã biết được chuyện đó. Về chuyện này, trong hồi ký Trọn một đời đi theo Bác, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Lần đầu tiên sau mười năm hòa bình, Hà Nội mới được nghe tiếng đạn pháo, mà lúc bấy giờ nhân dân gọi là đại cáo rền vang như thế. Và Bác Hồ cũng nghe tiếng súng đó. Khoảng hai tiếng sau đồng chí trực ban tác chiến hớt hải chạy đến tìm tôi:
- Báo cáo Tư lệnh, Bác Hồ gọi Tư lệnh ạ!
Tôi cầm máy, hồi hộp, lo lắng, chờ đợi sự khiển trách mắng mỏ, nhưng không ngờ lại được nghe một giọng nói vui vui, hiền từ:
- Chú Tài đấy à! Nghe nói chú vừa dùng đạn “đại cao” bắn chim phải không? Được con nào, sáng mai đưa lên cho Bác chén với…
Tôi chưa kịp nói gì để thanh minh cho nhẹ tội thì Bác đã nói tiếp:
- Sáng mai 6 giờ 30 nhé. Nói với chú Kỳ Bác hẹn đột xuất.
Rồi Bác cúp máy.
Tôi biết, trong những ngày này Bác đang bận nhiều việc, trong đó có việc chuẩn bị cho hội nghị Trung ương 9, ra nghị quyết về công tác đối ngoại và nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Bác vẫn dành thời gian gặp Tư lệnh Phòng không, đủ biết Bác quan tâm đến sự kiện này biết nhường nào.
Sáng hôm sau, 12 tháng 8 năm 1963, đúng 6 giờ 30 phút tôi đã có mặt ở chân cầu thang nhà sàn. Đồng chí Vũ Kỳ dẫn tôi vào phòng làm việc của Bác.
Vừa thấy tôi Bác đã hỏi ngay:
- Bác vừa nghe báo cáo hôm qua chú dùng mấy chục viên đạn đại cao pháo để bắn chim, có được con nào không mà không thấy đưa lên biếu Bác.
Tôi lặng người chết đứng vì hổ thẹn.
Ngừng một lúc Bác lại hỏi:
- Tất cả bao nhiêu viên chú có nắm đượckhông?
- Dạ! 45 viên ạ!
- Bác nghe nói mỗi viên đạn 100 ly mà hôm qua chú bắn vung vãi lên trời có thể nuôi sống một gia đình trung nông trong một năm. Vậy với 45 viên thì giá trị là bao nhiêu? Nước ta còn nghèo, chú cứ cho lệnh bắn lên trời phung phí như vậy mà không rơi chiếc máy bay nào, thì có lỗi với nhân dân lắm.
Tôi nhớ mãi những lời Bác dạy hôm ấy: “Chú còn nhớ không, từ khi Bác giao nhiệm vụ cho chú về làm Tư lệnh bộ đội Phòng không, mấy lần nghe chú báo cáo tình hình thì tưởng đâu như thằng Mỹ nó vào là chú thịt nó được ngay. Thế mà hôm qua, giữa thanh thiên bạch nhật, nó ngang nhiên “biểu diễn” trên đầu chú như vậy thì chú lại dùng đạn của nhân dân để “bắn chào” chúng”.
Tiếp đó sau khi cho tôi ăn kẹo, hút thuốc, loại thuốc gì ngon lắm, tôi quên mất tên, Bác nói:
- Thế mới biết giữa lời nói và kết quả của việc làm là một khoảng cách. Người cán bộ tốt là người biết tìm mọi biện phát rút ngắn khoảng cách đó. Muốn vậy tốt nhất là nói ít thôi, khoe khoang ít thôi mà phải làm thật nhiều, thật hiệu quả.”
Thật là một bài học nhớ đời.
Từ lời dạy của Bác Hồ, từ thực tiễn của mặt trận Phòng không, Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đã không quản ngày đêm, rà soát từng vấn đề, xây dựng các phương án để bảo vệ bầu trời của Tổ quốc.
Càng đánh giặc Mỹ, càng thấy rõ sự hiếu chiến, quỷ quyệt của Mỹ và bè lũ tay sai. Chúng gây hấn trên biển, trên không. Chúng hò hét leo thang chiến tranh. Chúng tàn sát dân lành vô tội bằng bom đạn, kể cả bom na pan, kể cả chất độc hóa học. Chúng muốn Việt Nam là một bãi thử vũ khí của đế quốc. Chúng đặt Việt Nam lên một thử thách cao chưa từng thấy.
Nhận thức rõ Quân đội ta phải lớn mạnh về mọi mặt để đánh và thắng Mỹ, Bác Hồ chỉ thị thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập, Phùng Thế Tài được cử giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng.
Việc thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân là một việc làm chiến lược hết sức đúng đắn của Đảng và Bác Hồ. Điều này cho thấy sự tin tưởng đặc biệt của Bác Hồ, Quân ủy Trung ương và nhất là niềm tin của cán bộ chiến sĩ dành cho Phùng Thế Tài. Trong các cuộc họp để hợp nhất, Cục trưởng Cục Không quân Đặng Tính đã luôn sát cánh cùng Phùng Thế Tài đề xuất nhiều sáng kiến thấu tình đạt lý. Ban nghiên cứu hợp nhất ra đời. Phùng Thế Tài là Trưởng ban, Đặng Tính là Phó ban. Với cách làm khẩn trương, khoa học, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, sức mạnh chiến đấu của Quân đội lên trên hết để tạo lên sức mạnh nền tảng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi còn có ý kiến khác nhau về tên Quân chủng. Có người đề nghị: Quân chủng Phòng - Không quân; có người đề nghị Quân chủng Không quân - Phòng không. Phùng Thế Tài và Đặng Tính thống nhất gửi các ý kiến lên để Quân ủy Trung ương xem xét. Quân ủy Trung ương trình lên Bác Hồ, Bác quyết định lấy tên là: Quân chủng Phòng không - Không quân. Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh. Đặng Tính được bổ nhiệm làm Chính ủy. Ngày 22 tháng 10 năm 1963, Quân chủng Phòng không - Không quân chính thức được thành lập. Đây là một bước trưởng thành lớn của Quân đội ta.
Ngay sau lễ thành lập, Tư lệnh Phùng Thế Tài và Chính ủy Đặng Tính lên gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác tình hình mọi mặt và xin chỉ thị về chủ trương xây dựng lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi căn dặn xong xuôi, Bác nói vui với Tư lệnh và nhất là với Chính ủy Đặng Tính: “Bác không bênh chú Tài đâu mà để tên Quân chủng như vậy đọc thuận hơn, Bác để dấu ngạch ngang ở giữa như vậy là có ý coi hai lực lượng đều quan trọng như nhau”.
Bác Hồ của chúng ta, ở mọi việc đều phân minh và công bằng. Chính điều này đã cho Phùng Thế Tài, Đặng Tính và những cán bộ Quân đội khác có thêm ý chí và niềm tin tất thắng.
Thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng Phòng không - Không quân lập tức xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch bảo vệ vùng trời miền Bắc, tích cực tiêu diệt các loại máy bay địch xâm phạm vùng trời miền Bắc; bảo vệ các yếu địa quan trọng, các trung tâm kinh tế chính trị của đất nước, nhất là Thủ đô Hà Nội; sẵn sàng lực lượng pháo phòng không dự bị và một bộ phận máy bay vận tải để sử dụng khi có tình huống xảy ra khi có lệnh của Bộ Quốc phòng. Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chỉ thị cho các đơn vị gấp rút bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến, kiểm tra củng cố hệ thống hầm hào, trận địa, duy trì chặt chẽ các chế độ bảo quản vũ khí, khì tài, chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Bác Hồ luôn rất quan tâm tới Bộ đội Phòng không - Không quân. Trong hồi ký Trọn một đời đi theo Bác, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Sáng mồng một Tết Giáp Thìn (ngày 13 tháng 2 năm 1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đại đội 130 thuộc trung đoàn Phòng không 260 bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Cán bộ chiến sĩ Phòng không sung sướng đón Bác ngay tại trận địa. Sau khi thăm doanh trại, nhà ăn, nhà ngủ của bộ đội, Bác cho phép cán bộ chiến sĩ quây quần xung quanh Bác, nghe Bác nói chuyện:
- Các chú ở bộ đội có vui không?
- Thưa Bác vui lắm ạ! - Các chiến sĩ thưa với Bác.
Bác lại hỏi:
- Tết có đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành không?
- Thưa Bác cỏ đủ ạ.
- Các chú đã sẵn sàng chiến đấu chưa?
- Thưa Bác đã ạ. - Toàn đại đội đồng thanh trả lời Bác. Bác nói tiếp:
- Hôm nay, Bác và các đồng chí Trung ương đến thăm các chú. Bác thấy chú nào cũng khỏe, vui vẻ, Bác mừng. Đơn vị các chú dược thưởng cờ, doanh trại trật tự, vệ sinh, như vậy là rất tốt. Bác chúc các chú năm mới mạnh khỏe, thắng lợi và nhờ các chú chuyển lời chúc Tết của Bác và các đồng chí Trung ương tới gia đình các chú.
Bác Hói tiếp:
- Các chú có thấy đồng bào miền Nam chiến đấu có giỏi không, có dũng cảm không?
- Thưa Bác có ạ.
- Vậy ta phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Đế quốc Mỹ còn nhiều âm mưu thâm độc, các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Muốn làm được như vậy, năm nay các chú phải ra sức rèn luyện kỹ thuật cho giỏi. Cán bộ chiến sĩ cần đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau như anh em một nhà.
Bác nhìn một lượt các cán bộ chiến sĩ thân thiết tin yêu, rồi căn dặn một lần nữa:
- Các chú phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc nước ta! Các chú lập được công, Tết sang năm Bác lại xuống thăm.
Bác vừa dứt lời, cả đại đội hô vang:
- Quyết tâm làm theo lời Bác dạy.
- Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu.
Các chiến sĩ ùa đến, quấn quít bên Bác, không muốn rời, Bác rất vui, nói với các chiến sĩ:
- Ngày Tết, các chú quên không mời Bác ăn bánh chưng mà chỉ hô khẩu hiệu!
Ngày Tết, theo phong tục của dân tộc, đi xông đất vào sáng mồng một là việc làm thiêng liêng. Bác đã dành thời khắc này để đến với Bộ đội Phòng không, những chiến sĩ sắp bước vào cuộc chiến đấu mới, vô cùng ngay go, ác liệt với không quân Mỹ. Bác muốn kiểm tra tại chỗ trạng thái tinh thần và các mặt công tác chuẩn bị của Bộ đội Phòng không trước cuộc chiến đấu. Bác ân cần dặn dò Bộ đội Phòng không những vấn đề quan trọng nhất để xây dựng đơn vị trưởng thành và giành chiến thắng là quyết tâm chiến đấu, kiên quyết bắn rơi máy bay địch, luôn cảnh giác, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỹ thuật giỏi, cán bộ chiến sĩ đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau như anh em một nhà”.
Ngay sau khi thành lập, Bộ đội Phòng không - Không quân đã lập chiến công, là lực lượng nòng cốt trong chiến thắng trận đầu ngày 5 tháng 8 năm 1964, khi không quân Mỹ bất ngờ tập kích ồ ạt vào các căn cứ Hải quân Việt Nam và các mục tiêu kinh tế, quân sự quan trọng từ Hòn Gai (Quảng Ninh) đến Sông Gianh (Quảng Bình). Trong chiến công này, Bộ đội Phòng không - Không quân đã bắn rơi 8 máy bay địch, bắn hỏng 3 chiếc khác và bắt sống giặc lái đầu tiên ở miền Bắc. Chiến công gây chấn động Lầu Năm góc đồng thời mở ra nhiều cách đánh Mỹ trên biển, trên không.
Lần đầu tiên ta bắn rơi và bắt sống giặc lái Mỹ. Chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964 làm nức lòng quân và dân cả nước, chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của Bộ đội Phòng không Việt Nam. Chiều ngày 5 tháng 8, sau khi tổ chức rút kinh nghiệm, Tư lệnh Phùng Thế Tài đang ở Sở chỉ huy thì có chuông điện thoại reo. Bộ Tổng Tham mưu điện xuống: “Sáng mai Tư lệnh Quân chủng lên báo cáo với Bác Hồ. Chuẩn bị mọi mặt để sáng ngày 7 tháng 8 tổ chức Lễ tuyên dương công trạng. Nhớ nắm chắc tình hình giặc lái”.
Tư lệnh Phùng Thế Tài sau khi tiếp nhận bức điện lập tức chỉ thị chuẩn bị xe để đi Quảng Ninh kiểm tra việc bắt tên giặc lái Mỹ. Đây sẽ là một sự kiện chấn động thế giới. Bác Hồ với tầm nhìn sâu sắc đã thấy trước sự quan trọng của sự kiện. Đích thân Tư lệnh Phùng Thế Tài đi Quảng Ninh ngay trong đêm. Xe đến Phả Lại, trời bỗng nhiên đổ mưa lớn phà không sang được. Trong hồi ký Trọn một đời đi theo Bác,ông kể lại: “Lúc này đã 10 giờ đêm. Mưa càng to, gió càng thổi mạnh. Đứng bên bờ sông mà lòng tôi như lửa đốt. Bác hẹn tám giờ sáng mai lên báo cáo mà bây giờ nửa đêm tôi vẫn còn ngồi đây. Chưa nhìn thấy xác máy bay, chưa nhìn thấy giặc lái thì sẽ báo cáo với Bác ra sao?
- Đi tìm đò, bỏ ô tô lại!
Tôi bỗng thét to lên với cậu Định, thư ký riêng của Tư lệnh.
Cậu Định bỗng trố mắt lên nhìn tôi:
- Báo cáo anh! Đêm hôm khuya khoắt thế này, lại đang mưa to gió lớn, tìm đâu ra đò.
Tôi rút trong túi số tiền bà Yến đưa cho lúc chiều nói với cậu Định:
- Tiền đây, đi tìm chủ đò, bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cách đưa tôi sang sông đêm nay.
Là một trợ lý thông minh, tháo vát, chưa đầy một tiếng sau, Định đã lo cho tôi sang được bờ bên kia. Biết tôi là Tư lệnh Phùng Thế Tài, đang trên đường đi công tác gấp nên ông chủ đò không lấy tiền, còn đi mượn cho chúng tôi một chiếc xe tải GAZ-51 để đi ngay xuống Bãi Cháy.
Công nhân phà Bãi Cháy đã về từ lâu, có lẽ anh em cho rằng mưa to, đêm khuya không có khách nên đã về nhà hết. Chúng tôi lại phải thuê đò sang sông.
Rất may, mọi chuyện đều suôn sẻ. Tôi vào cơ quan Tỉnh đội thấy anh em đang ngồi kháo chuyện rất rôm rả bên ấm nước chè và mấy gói kẹo. Họ đang vui mừng vì chiến thắng hôm nay. Lần đầu tiên quân và dân Quảng Ninh bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.
Vừa vào, tôi hỏi đồng chí Đường, Trung tá Tỉnh đội trưởng Quảng Ninh:
- Giặc lái đâu?
- Báo cáo anh, chúng tôi đang nhốt ở phía sau.
Tôi lao ngay ra phía sau nhà, Tỉnh đội trưởng dẫn chúng tôi đến một nhà kho. Tên An-va-rét đang nằm trên một tấm phản, nét mặt lo lắng, có vẻ sợ hãi, người nó nhỏ bé, có lẽ thấp hơn tôi. Đồng chí trợ lý quân báo tỉnh đội báo cáo với tôi một số thông tin về tên giặc lái. Tên đầy đủ: Evereet N.Alvarez. Cấp bậc: Trung úy hải quân. Ngày sinh 23 tháng 12 năm 1937. Số hiệu: 644124. Lái máy bay A4C. Quê quán: Salinas, bang California, Mỹ. Tôi nói với đồng chí Tỉnh đội trưởng:
- Chuẩn bị cho giặc lái lên Hà Nội ngay!
Tôi cũng không quên dặn lấy cho tôi một mảnh xác máy bay có ký hiệu để đưa về Hà Nội báo cáo với Bác.
… Tôi giao tên giặc lái cho Quân báo và dặn: “Đúng 7 giờ sáng mai phải giao phi công cho Hỏa Lò, tôi đã gọi điện cho anh Trần Quốc Hoàn chuẩn bị đón phi công ở Hà Nội. Khi bàn giao phải cụ thể, tỉ mỉ, kể cả cân nặng, chiều cao của phi công”. Vẫn chưa yên tâm, khi tên giặc lái đã ngồi trong chiếc U oát, tôi còn dặn thêm các chiến sĩ Quân báo: “Đi đường phải hết sức cẩn thận và cảnh giác. Tuyệt đối không được xảy ra chuyện gì”.
4 giờ sáng, chúng tôi rời Quảng Ninh về thẳng Hà Nội qua đường Phà Rừng, Quán Toan. Tôi bảo đồng chí Tỉnh đội trưởng điện cho lái xe của tôi đang ở Phả Lại quay về Hải Dương đón.
Đúng 7 giờ 30 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1964 tôi đã có mặt ở Cổng Đỏ lối vào Phủ Chủ tịch. Phải gần nửa tiếng nữa mới được gặp Bác theo hẹn. Sau suốt một đêm thức trắng, vất vả, lẽ ra tôi phải về nhà tắm giặt, nghỉ ngơi chốc lát nhưng tôi không thể làm thế được vì trong người đang nôn nao, sung sướng, hồi hộp chờ được gặp Bác để báo công, để được Bác khen. Tôi ngồi trong xe, tay cứ mân mê mảnh xác máy bay A4Đ vừa lấy ở Hòn Gai về. Đang ngồi đợi thì anh Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ đến cùng Mạc Lâm, một cán bộ Cục 2 tài năng, rất giỏi tiếng Anh đến. Các anh giao cho tôi biên bản bàn giao tên giặc lái đầu tiên với Hỏa Lòa và toàn bộ hồ sơ về tên giặc lái mà các anh vừa tranh thủ hỏi cung được.
Đồng chí Vũ Kỳ ra tận Cổng Đỏ đón tôi, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Hôm nay Bác sẽ tiếp cậu ngay trên nhà sàn”
Tôi hồi hộp bước nhẹ chân lên cầu thang, rồi im lặng đi đến phòng Bác.
Khác với lần trước, lần Bác “cạo tôi” đã vung vít đạn lên trời để “bắn chim, Bác bắt tôi đứng ở ngoài cửa gần nửa tiếng đồng hồ mới cho vào. Lần này vừa thấy tôi xuất hiện ở cửa, Bác ra tận nơi cầm tay kéo vào, trên bàn đã thấy một bát phở thơm nức.
- Bác biết đêm qua chú thức cả đêm, nhịn đói, đưa được cả xác máy bay cả giặc lái về, thế là rất tốt, Bác biểu dương. Việc làm của chú đúng là Tài. Bác đã gọi điện cho chú Văn, chú Tô, cả chú Thận, ngày mai tổ chức thật trọng thể lễ tuyên dương công trạng.
Rồi Bác chỉ tay vào bát phở:
- Bây giờ thì ăn đi cho khỏi đói.
Chỉ một loáng tôi đã giải quyết xong bát phở.
Sau đó Bác pha cho tôi một cốc cà phê rất giống hương vị cà phê của chị Việt Hoa cách đây 20 năm ở Côn Minh vẫn pha cho Bác và tôi uống mỗi sáng. Rồi Bác rút cho tôi một viên thuốc lá thơm, âu yếm nói:
- Uống cà phê đi, hút thuốc đi, rồi báo cáo tình hình với Bác.
Rồi Bác trở lại bàn làm việc.
Tôi vừa nhấm nháp ly cà phê vừa thong thả hút từng hơi dài điếu thuốc, vừa ngắm căn phòng của Bác mà lòng xốn xang biết bao suy nghĩ.
Căn phòng của Bác giữa lòng Thủ đô Hà Nội hôm nay chẳng khác căn phòng mà gia đình anh Tống Minh Phương và chị Trần Việt Hoa dành cho Bác hồi cuối năm 1944 đầu năm 1945 ở Côn Minh là mấy. Cũng khoảng 10m2 thế này thôi, cũng chiếc bàn gỗ cũ kỹ và chiếc giường cá nhân giản dị đơn sơ. Nhưng hồi đó Bác là cụ Hoàng đi công tác, gầy gò, ốm yếu đang phải hoạt động bí mật. Còn bây giờ là vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, có tên tuổi trên toàn thế giới mà Bác vẫn như thế này sao?
Tôi được nghe kể, khi từ Việt Bắc trở về Hà Nội, các anh đề nghị Bác vào ở dinh Toàn quyền để xứng đáng với cương vị của một chủ tịch nước, để bù đắp cho Bác những ngày gian khổ ở nhà sàn Việt Bắc, nhưng Bác không đồng ý. Bác chọn gian nhà cấp bốn của người thợ điện ở phía sau nhà phủ Toàn quyền, mùa hè thì nóng nực mùa đông thì rét buốt và Bác đã ở đây suốt bốn năm. Cho đến năm 1958 Bác mới chuyển sang ở ngôi nhà sàn hiện nay. Bác đã cho cải tạo cái ao trước đây làm nơi uống nước của ngựa và hươu của viên toàn quyền thành ao cá. Ngay trước cửa nhà sàn trồng xung quanh hồ những cây bụt mọc, những hàng liễu rủ và đặc biệt là râm bụt thì ở đâu cũng có, đứng sát bên nhau thành một hàng rào bằng cây tự nhiên rất đẹp mắt… Và cũng từ đây xuất hiện một hình ảnh đẹp của đất nước, của dân tộc, mà các nhà văn, nhà thơ, các nhà điện ảnh trong nước và nước ngoài có dịp ghi lại, một cụ già tóc trắng như tiên, sớm chiều vác cuốc tăng gia ngoài vườn, cho cá ăn trong ao… góp phần làm nên một huyền thoại Hồ Chí Minh trong thời đại chúng ta.
Tôi cứ nhấm nháp ly cà phê vừa nhìn Bác đang ung dung ngồi làm việc mà suy nghĩ mãi về con người của Bác.
Phải chăng Bác đang làm đúng như những điều Bác nói vào những ngày đầu cách mạng:
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được toàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính gì đến vòng danh lợi”.
Có lẽ đây chính là “Tuyên ngôn Hồ Chí Minh”,sau tuyên ngôn độc lập mồng 2 tháng 9 năm 1945 tại vườn hoa Ba Đình.
Ngày 7 tháng 8 năm 1964, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang nhân dân đã lập thành tích vẻ vang trong các cuộc chiến đấu chống những hành động khiêu khích và gây chiến của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc, đến chủ tọa trong lễ long trọng này.
Bác đến sớm và rất vui. Bác ân cần hỏi thăm các đại biểu về dự lễ.
- Các chú khỏe cả chứ?
Tiếp đó Bác nói thêm một câu đầy ý nghĩa:
- Nóng cả có phải không?
Sau đó Bác hỏi ngay đến tôi:
- Chú Hữu Tài đấy à? Lên đây! Lên đây
Bác vừa gọi vừa vẫy tay. Tôi bồi hồi xúc động được Bác gọi mình bằng tên cũ hồi ở Côn Minh. Thấy tôi còn chần chừ, Bác lại gọi:
- Chú Hữu Tài! Lên đây! Cả chú Phát nữa!
Tôi cùng đồng chí Nguyễn Bá Phát, tư lệnh hải quân, sung sướng đến bên Bác giữa tiếng vỗ tay ran ran của cả hội trường.
Hồ Chủ tịch đọc huấn thị. Tất cả các đại biểu dự buổi lễ kính cẩn lắng nghe từng lời dạy cả Người.
Hồ Chủ tịch nói:
- Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua.
Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc, vừa rồi lại nghe tin 4 chiếc máy bay Mỹ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt.
Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái hỏi thăm các đơn vị phòng không, hải quân, các đơn vị bộ đội và đồng bào ta ở các đơn vị bị giặc khiêu khích đã nêu cao truyền thống quyết chiến quyết thắng và đã trừng phạt đích đáng kẻ địch…
Bác căn dặn:
- Chúng ta phải biết đế quốc Mỹ và tay sai “chết thì chết, nết không chừa”. Chúng còn nhiều âm mưu hung ác.
Trong trận này, chúng ta đã cho đế quốc Mỹ một bài học đích đáng. Đồng thời chúng ta đã thấy rõ hơn những ưu điểm và nhược điểm của ta. Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và các địa phương cần rút kinh nghiệm để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu đế quốc Mỹ và tay sai xâm phạm đến miền Bắc nước ta, thì toàn dân ta nhất định sẽ đánh bại chúng.
Tiếp lời Hồ Chủ tịch, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp nói:
- … Chiến công vẻ vang của các chiến sĩ bộ đội phòng không, hải quân và các lực lượng vũ trang ta có ý nghĩa lớn. Đó là ý chí sắt đá của toàn quân và toàn dân ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ở miền Bắc nước ta. Đó là một sự trừng phạt đích đáng, dạy cho bọn kẻ cướp xâm lược Mỹ biết rằng: liều lĩnh xâm phạm đến an ninh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhất định chúng sẽ chuốc lấy thất bại nhục nhã.
Các đồng chí đã nêu cao truyền thống quyết chiến quyết thắng của nhân dân ta và quân đội ta.
Các đồng chí đã làm tốt nhiệm vụ vinh quang bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
Các đồng chí đã xứng đáng với đồng bào và Quân giải phóng miền Nam anh dũng hiện đang chiến đấu và chiến thắng trên tuyến đầu của Tổ quốc.
Nhắc đến hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, Đại tướng nghiêm khắc cảnh cáo:
- Đế quốc Mỹ hãy coi chừng! Mọi hành động khiêu khích xâm lược đối với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhất định sẽ bị sức mạnh của toàn thể nhân dân Việt Nam đánh bại.
Sau đó, Thiếu tướng Trần Sâm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đọc lệnh khen thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội trao tặng đơn vị phòng không và đơn vị hải quân huân chương Quân công hạng nhì và ôm hôn thắm thiết đại biểu hai đơn vị. Với cử chỉ rất thân mật, đồng chí Trường Chinh dặn dò: “Thắng lợi có ý nghĩa chính trị rất lớn, nhưng mới chỉ là bước đầu; phải chú ý rút kinh nghiệm để trận sau thắng to hơn.
Thay mặt toàn thể cán bộ chiến sĩ bộ đội Phòng không - Không quân, tôi tỏ lòng vô cùng phấn khởi được vinh dự nhân huân chương cao quý của Quốc hội và Chính phủ trao cho, chân thành cảm ơn sự quan tâm chăm sóc của Quốc hội và Chính phủ đối với quân chủng Phòng không - Không quân.
Chúng tôi hiểu rằng những thắng lợi mà chúng tôi vừa giành được mới chỉ là bước đầu. Đạt được những chiến thắng vẻ vang đó trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương và nhờ sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của các binh chủng, quân chủng bạn và sự giúp đỡ tận tình của nhân dân.
Nhận rõ vinh dự được nhận phần thưởng cao quý hôm nay, Quân chủng Phòng không - Không quân càng xác định rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước Đảng và nhân dân, luôn luôn cảnh giác cách mạng cao độ, kiên quyết chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trước khi buổi lễ kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn thêm:
- Vừa rồi, các cô, các chú làm nhiệm vụ như vậy là rất tốt, nhưng không được chủ quan khinh địch, phải đoàn kết cảnh giác, giặc đến là phải đánh, đánh là phải thắng.
Bác vui vẻ giơ từng ngón tay lên nói tiếp:
- Thi đua một người làm việc bằng hai, vừa qua ta bắn rơi tám chiếc phản lực, lần sau hai tám mười sáu, rồi ba tám hai mươi bốn…
Trong không khí tràn đầy phấn khởi tin tưởng, cả hội trường dậy lên tiếng hoan hô như sấm tỏ lòng kiên quyết thực hiện lời Bác dạy. Tiếng quân nhạc hùng tráng kết thúc buổi lễ như giục giã mọi người đạp lên đầu thù mà xốc tới và ngợi ca những tay súng tuyệt vời, với hào khí ngút trời đã làm nên chiến chông vang lừng một ngày đầu thu tháng tám.
Thực hiện lời dạy của Bác, quân và dân miền Bắc trong tám năm chống chiến tranh phá hoại không chỉ bắn rơi hai mươi tư máy bay mà đã bắn rơi 4.181 chiếc của đế quốc Mỹ… góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.”

(Còn tiếp)