(Thứ sáu, 04/03/2016, 04:22 GMT+7)

Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 

Thượng tướng Phùng Thế Tài là một người cộng sản kiên trung, một vị tướng tài ba của Quân đội ta.
Trọn một đời theo Đảng, theo Bác Hồ tham gia cách mạng và kháng chiến, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một đảng viên rất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một người được rèn luyện trưởng thành từ chiến sĩ trở nên một vị tướng có tài của Quân đội ta.
Đồng chí sống trung thực, thẳng thắn, chiến đấu dũng cảm, chỉ huy chiến đấu quyết đoán, thông minh, sáng tạo; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ và Quân đội giao phó. Chiến công và thành tích của đồng chí trong quá trình cách mạng và kháng chiến đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội, ngày 3 tháng 8 năm 2007

                         
  Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
 

*
*     *

Những ngày đầu trên cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vô cùng vất vả. Kiện toàn và nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội Phòng không - Không quân là một bài toán lớn không dễ giải. Bộ đội Không quân rất non trẻ. Khi ấy ta mới thành lập Trung đoàn Không quân Tiêm kích 921 (ngày 30 tháng 5 năm 1963 tại cao nguyên Vân Quý - Trung Quốc) mang mật danh Đoàn Sao Đỏ. Đội ngũ phi công được đào tạo ở Trung Quốc chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1964, Lễ thành lập Trung đoàn 921 mới được tổ chức tại Mông Tự - Vân Nam - Trung Quốc cùng lúc với việc tiếp nhận 33 chiếc máy bay chiếc đấu MiG-17, 3 chiếc máy bay huấn luyện MiG-15UTI. Nhận định rõ việc phải khẩn trương đưa máy bay cùng các phi công về nước, Tư lệnh Phùng Thế Tài cùng Chính ủy Đặng Tính báo cáo cấp trên và quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn 921 gồm 70 phi công và số máy bay được viện trợ về nước với sự bí mật tuyệt đối. Đây là một thắng lợi không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển lực lượng không quân Việt Nam bước tiếp theo.
Lực lượng không quân luôn được Tư lệnh Phùng Thế Tài đặc biệt quan tâm. Ngày 4 tháng 8 năm 1965 Trung đoàn Không quân Tiêm kích 923 với mật danh Đoàn Yên Thế được thành lập gồm hai đại đội với 17 phi công MiG-17.

Không quân Việt Nam được trang bị thêm một số máy bay MiG-17F.
Cuối năm 1965, Không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số máy bay MiG-21. Một số phi công giỏi được đưa sang Liên Xô huấn luyện như Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Nhật Chiêu…
Sau khi gấp rút tổ chức huấn luyện và xây dựng các phương án tác chiến, không quân ta xuất kích và đánh thắng nhiều trận liên tiếp, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong tháng 7 năm 1966, Trung đoàn Không quân 923 tổ chức nhiều trận đánh tốt, bắn rơi 7 máy bay Mỹ trong khi ta chỉ bị thiệt hại 1. Ta chủ trương đưa MiG-21 vào xuất kích với số phi công vừa được đào tạo ở Liên Xô về. Những khó khăn, vướng mắc cũng nảy sinh như vấn đề phát huy tính ưu việt của MiG-21, tiếp tục khẳng định thế mạnh của MiG-17 và các lực lượng phòng không khác.
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài cho biết: “Trong bối cảnh đó, một hôm Bác gọi tôi lên báo cáo với Bác tình hình chiến đấu của không quân ta. Bác nghe chăm chú và hỏi lại nhiều điều, cuối cùng Bác nói, lần đầu tiên ta mở mặt trận trên cao, chiến sĩ ta còn non trẻ, gặp khó khăn là chuyện tất nhiên. Điểm quan trọng hôm nay là các chú phải giữ vững và động viên tinh thần anh em. Có Đảng lãnh đạo, có nhân dân đùm bọc, nhất định không quân ta sẽ giành được thắng lợi. Bác đọc bài thơ Bác đã tặng các cháu thanh niên xung phong thời chống Pháp: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Khi tôi đề nghị với Bác gửi thư động viên bộ đội không quân, Bác chấp nhận ngay.
Và ngày 20 tháng 7 năm 1966, bộ đội không quân lại nhận được thư khen của Bác Hồ. Toàn văn thư của Bác như sau:
Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam.
Trong những trận chiến đấu vừa qua, các đồng chí lái máy bay đã chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, lập nhiều chiến công hạ nhiều máy bay giặc Mỹ.
Các chú, các cô, phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và chí khí chiến đấu, chớ chủ quan khinh địch phải luôn luôn ra sức rèn luyện chiến thuật kỹ thuật và tư tưởng chính trị. Phải có tinh thần tập thể lập công. Phải phối hợp tốt với nhân dân và các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân để lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng trong việc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Chào thân ái và quyết thắng
BÁC HỒ”
Nhận được thư Bác, bộ đội Không quân vô cùng phấn khởi. Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc vẫn không giờ phút nào không nhớ tới người chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ trên tuyến đầu đánh giặc, những chiến sĩ với nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn, thách thức luôn là người nhận được nhiều sự quan tâm của Bác Hồ.                                             
Ngày 24 tháng 3 năm 1967, Sư đoàn Không quân Thăng Long với phiên hiệu quân sự 371 được thành lập gồm các Trung đoàn 921, 923, 919 và đoàn bay Z. Đây là Sư đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội ta. Vai trò và những nỗ lực của Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính trong bước đường xây dựng, trưởng thành của bộ đội Không quân là rất lớn.

Hồ Chủ Tịch và các đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh PK-KQ, Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân 
trong buổi lễ tuyên dương công trạng các đơn vị lập chiến công ngày 5-8-1964. Ảnh Tư liệu.
 
Đối với lực lượng Phòng không, lực lượng cực kỳ quan trọng được Bác Hồ hết sức quan tâm, Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Quân chủng ngày đêm trăn trở để nâng cao sức mạnh phòng không chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến chiến lược đã được Bác Hồ tiên đoán trước.

Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, Mỹ đã sớm đưa máy bay B-52 đánh phá các chiến trường trọng điểm của ta. Trong một lần báo cáo Bác Hồ khi còn là Tư lệnh Phòng không, Bác nhắc nhở Phùng Thế Tài: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?” Người cận vệ của Bác Hồ vốn thông minh, can trường trải bao trận mạc bỗng trở nên lúng túng. Thấy thế, Bác ân cần nói: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… nhưng từ nay, là Tư lệnh bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”.
Kể từ khi ấy, Tư lệnh Phùng Thế Tài luôn nhớ lời Bác dạy, ông chỉ thị cho các cơ quan tác chiến, quân báo và bằng nhiều nguồn tư liệu tìm mọi cách thu thập và làm rõ tính năng, tác dụng của pháo đài bay B-52. Một câu hỏi luôn vang lên trong đầu ông mọi lúc mọi nơi: “Liệu B-52 nó vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”.
Không một thông tin nào về B-52 Phùng Thế Tài bỏ sót. Năm 1965, Mỹ sử dụng B-52 ném bom Bến Cát - Tây Bắc Sài Gòn, ông tìm mọi cách để có được báo cáo trung thực nhất. Năm 1966, B-52 đánh Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông cho người vào tận nơi xem xét, nghiên cứu. Khi máy bay B-52 Mỹ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.
Tháng 5 năm 1966, Tư lệnh Phùng Thế Tài điều động Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh đánh B-52.
Từ trước đó, bộ đội Tên lửa luôn được Quân ủy Trung ương và Quân chủng Phòng không - Không quân đặc biệt quan tâm. Thời gian này, tên lửa và khí tài của ta do Liên Xô giúp, các kíp chiến đấu phần lớn do quân nhân Liên Xô trực tiếp thao tác. Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài xuống các trận địa tên lửa vùng Suối Hai - Trung Hà nằm bên hữu ngạn sông Đà trực tiếp động viên và chỉ thị các kíp chiến đấu bộ đội Việt Nam mau chóng học tập và trực tiếp cùng quân nhân, kỹ sư Liên Xô thao tác để sớm làm chủ vũ khí khí tài. Ngày 24 tháng 7 năm 1965, phát hiện tốp máy bay 4 chiếc F4 của không quân Mỹ bay ở độ cao bảy nghìn mét theo trục sông Đà, Trung đoàn tên lửa 236 đã phóng hai quả bắn rơi 1 chiếc F4. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không.
Trong cuốn hồi ký Trọn một đời đi theo Bác, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Bác Hồ đã về thăm sau những chiến thắng liên tiếp trên bầu trời Hà Tây, Ninh Bình, Yên Bái, bộ đội tên lửa phòng không lần đầu tiên được Bác đến thăm. Trong lúc máy bay Mỹ đang leo thang đánh phá, đưa bom đạn đến sát Thủ đô Hà Nội, mà Bác vẫn xuống tận trận địa làm cho các chiến sĩ vô cùng xúc động. Bác đến thăm trận địa và nghe báo cáo quá trình xây dựng, chiến đấu của bộ đội tên lửa. Bác đi thăm một lượt các khu vực trận địa. Thấy những chiếc lán bạt của bộ đội dưới các rặng cây vừa kín đáo, vừa mát mẻ, đẹp mắt, Bác tỏ ý hài lòng. Sau đó, Bác đến nơi bộ đội đã tập hợp chờ nghe Bác nói chuyện. Tiểu đoàn trưởng Hồ Sĩ Hưu, người vừa chỉ huy trận đánh xuất sắc ở Ninh Bình, lúng túng vì quá xúc động chưa kịp báo cáo thì Bác đã hô: Chào! Rồi Bác cười thân mật:
- Các chú không biết chào đấy nhé. Giờ Bác hô tiếp để các chú làm theo: Ngồi xuống!
Cả tiểu đoàn phấn khởi tuân theo lệnh Bác. Thế là buổi nói chuyện của Bác được bắt đầu trong không khí chan hòa, ấm cúng.
Mở đầu buổi nói chuyện, Bác khen ngợi thành tích mà bội đội tên lửa vừa qua đã đạt được: “Hôm nay, Bác đến thăm các chú. Thấy chú nào cũng vui vẻ, khỏe mạnh, Bác rất mừng. Bác vừa nghe chú Tài báo cáo các chú đã hạ được 1 máy bay Mỹ. Như thế là tốt. Nếu ta phấn đấu làm sao bắn ít đạn hơn mà lại rơi được nhiều máy bay nữa thì càng ưu điểm”.
Tiếp đó, Bác nói: “Hiện nay, chúng ta đang kháng chiến lần thứ hai. Chúng ta đang đánh giặc Mỹ, tên trùm đế quốc hung hãn, xảo quyệt, nhưng chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Chúng ta phải tin tưởng sâu sắc ở Đảng, không được ngại gian khổ, sốt ruột. Đế quốc Mỹ đánh ta, nhưng nhân dân Mỹ lại ủng hộ ta. Về phía ta, chúng ta quyết tâm, chúng ta có Đảng sáng suốt lãnh đạo và lực lượng to lớn của nhân dân ta. Hồi Cách mạng Tháng Tám, chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên thôi, nhưng Đảng nói: Cách mạng nhất định thắng lợi. Có đúng không các chú?”. Bộ đội đồng thanh đáp: Đúng ạ! “Trong kháng chiến trước đây, lực lượng thực dân Pháp rất mạnh. Nhưng lúc đó Đảng bảo: Kháng chiến nhất định thắng lợi có đúng không?”. Bộ đội ta đồng thanh đáp: “Đúng ạ! Đúng ạ! Lần này Đảng cũng bảo: “Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thì nhất định ta cũng đánh thắng.
Chúng ta phải tin tưởng sâu sắc ở Đảng, đồng thời mỗi chúng ta cũng không được sợ khổ, sợ khó. Các chú cần đề cao ý thức lập công tập thể, thắng lợi không được tranh công, khó khăn không được đổ lỗi. Thắng lợi là thắng lợi của lực lượng vũ trang và của toàn dân. Khi có khuyết điểm, tốt nhất là mình nên nhận trước để sửa chữa. Một mặt khác, Bác dặn các chú phải hết sức quý trọng sức người, sức của của nhân dân. Nếu bất đắc dĩ phải chặt cây, chặt tre của đồng bào thì phải bàn bạc cùng chi bộ địa phương, trả tiền cho sòng phẳng. Một điều quan trọng nữa là phải giữ gìn bí mật quân sự. Các chú phải dặn dò nhân dân giữ bí mật cho mình…”.
Cho đến hôm nay, mấy chục năm đã trôi qua, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những ngày tháng đáng ghi nhớ đó. Đối với chúng tôi, mỗi lần kỷ niệm ngày đánh thắng trận đầu của bộ đội tên lửa, đồng thời cũng là kỷ niệm ngày Bác Hồ đến thăm binh chủng. Trong câu chuyện thân mật của các buổi họp mặt từ cơ quan đến đơn vị gồm đủ các thế hệ, từ đồng chí trung đoàn trưởng chỉ huy trận đánh đầu tiên đến đồng chí trắc thủ trẻ tuổi, mới nhập ngũ, chúng tôi ai nấy đều bùi ngùi tưởng nhớ tới Bác vô cùng kính yêu”.
Sau một thời gian nghiên cứu và trực tiếp đánh B-52 tại tuyến lửa Vĩnh Linh chưa đạt hiệu quả, toàn Trung đoàn lập tức rút kinh nghiệm, kiên quyết bắn cháy B-52. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi một B-52. Bài toán đánh B-52 được mở ra làm cơ sở viết nên cuốn cẩm nang đỏCách đánh máy bay B-52. Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng cán bộ chiến sĩ Phòng không - Không quân đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Muốn bắt được cọp phải vào tận hang của chúng”.
Năm 1967, Phùng Thế Tài được phong quân hàm Đại tá, giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là bước trưởngthành mới của Người cận vệ của Bác Hồ. Cùng với sự trưởng thành mọi mặt của Quân đội ta, những người chiến sĩ theo Đảng, theo Bác Hồ từ buổi đầu cách mạng đã có những bước trưởng thành vượt bậc, đảm đương những cương vị quan trọng, đóng góp tài năng và trí tuệ của mình cho ngày toàn thắng.
Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 6 năm 1972 về tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, trong đó có việc chủ động đối phó với khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh phá thủ đô Hà Nội.
Bác Hồ luôn rất quan tâm tới việc đánh thắng máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nắm bắt được tâm tư của Bác cũng là chủ trương lớn của Đảng ta, Quân đội ta, ngày 6 tháng 7 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề đánh B-52 Mỹ, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì hội nghị. Tại Hội nghị này, nhiều phương án được chuẩn bị, nhất là ý chí quyết đánh và quyết thắng đã được khẳng định ở một tầm cao nhất.
Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn và nhắc nhở về việc chuẩn bị tốt nhất để đánh thắng B-52. Ngay từ năm 1962, khi được giao làm Tư lệnh Phòng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều với Tư lệnh Phùng Thế Tài về máy bay B-52 Mỹ và lưu ý Người cận vệ phải dành nhiều tâm sức hơn nữa cho cuộc đối đầu với B-52. Tiếp sau đó, trên cương vị là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó tổng Tham mưu trưởng đặc trách chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, ông luôn chủ động tìm các biện pháp để có thể tiêu diệt được pháo đài bay B-52. Phùng Thế Tài luôn hiểu sâu sắc rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn trăn trở và chủ động chuẩn bị mọi phương án đánh B-52.
Bác Hồ chỉ thị: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Đứng bên cạnh Bác, Phùng Thế Tài được nghe rõ ràng, trọn vẹn câu nói lịch sử của Người về B-52. Câu nói có ý nghĩa lịch sử đó của Bác đã đặt nền móng, đã chuẩn bị tư tưởng toàn diện để xây dựng quyết tâm đánh thắng B-52.
Đầu năm 1968, Bác Hồ gọi Phùng Thế Tài, lúc đó trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Đặng Tính - Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lên hỏi tình hình. Lúc này Bác không được khỏe. Ngay phút đầu tiên Người đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự chỉ đạo của Bác Hồ, với cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng đặc trách Phòng không - Không quân, Phùng Thế Tài bàn với lãnh đạo Quân chủng đưa thêm 4 Trung đoàn Tên lửa cùng một số máy bay M.21 vào khu 4 chi viện cho chiến dịch Trị Thiên đồng thời trực tiếp nghiên cứu cách đánh B.52. Từ những nghiên cứu thực tế tại chiến trường và bắn rơi máy bay B.52 đã hình thành cơ sở để Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng được: “Phương án đánh máy bay B.52”; “Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng” và tài liệu: “Cách đánh B.52 của bộ đội Tên lửa”.
Ngày 6 tháng 4 năm 1972, Mỹ huy động không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc; dùng B-52 đánh phá thành phố Vinh, thành phố Hải Phòng. Phùng Tế Tài được báo cáo và bản thân ông cũng có dự cảm chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh phá ác liệt, ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng trong năm 1972.
Bộ tổng Tham mưu mở hội nghị chuyên đề bàn cách đánh B.52 ngày 6 thán 7 năm 1972, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài kết luận và chỉ thị phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đánh chúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao. Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí để chiến thắng B-52 khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác.
Ngày 24 tháng 1 năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục hoàn thiện các mặt công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3 tháng 12 năm 1972.
Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Nich xơn chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng.
Hà Nội, trái tim của cả nước đang sẵn sàng cho một chiến dịch lớn sẽ đi vào lịch sử. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài luôn có mặt ở sở chỉ huy theo dõi động tĩnh mọi mặt. Mọi người ai cũng khẩn trương, sẵn sàng ở mức cao nhất và luôn tin tưởng vào chiến thắng.
Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1972, tin từ Cục 2 báo cáo Bộ tổng Tham mưu Mỹ sẽ tập kích B-52 vào Hà Nội vào 18 giờ tối. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài điện từ hầm chỉ huy tác chiến của Bộ tổng Tham mưu hỏi lại: “B-52 đến đâu rồi? Phải nắm cho thật chắc. Nó bay theo hướng nào phải báo cáo ngay”. Đồng chí Mạc Lâm, trực ban Cục 2 trả lời: “Vâng thưa anh, chúng tôi vẫn đang bám sát”. Phùng Thế Tài nói vui: “Tối nay, bộ đội ta bắn rơi B-52 thì Bộ sẽ thưởng Cục 2 một tấn lương khô và một con bò mộng”. Đồng chí Anh Lân, cán bộ Cục 2 vui mừng nói với anh em lời hứa của thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu. Mới thấy rằng, cả những khi căng thẳng và quyết liệt nhất trong trận đấu trí đấu sức với giặc Mỹ, cán bộ chiến sĩ ta vẫn hết sức lạc quan.
Trinh sát Cục 2 bám sát B-52 từng phút và báo cáo với Bộ tổng Tham mưu: “Có tín hiệu đặc biệt, B-52 gần đến đất liền”. Cục tác chiến thông báo: “Đã xuất hiện trên màn ra đa B-52”. Từng hồi còi báo động vang lên liên tục trong thành phố Hà Nội. Tại hầm chỉ huy tác chiến Bộ tổng Tham mưu, các thông báo được truyền đi liên tục xuống các đơn vị Phòng không - Không quân. Bộ đội ta đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. 19 giờ 15 phút, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở chỉ huy “Tổng hành dinh” cùng cán bộ chiến sĩ trong kíp trực bước vào trận đánh lớn với không quân Mỹ.
Cả thành phố Hà Nội vào trận. Các trận địa phòng không đều bắt được mục tiêu B-52. Tiếng bom ầm ầm dội đất bốn phía. Tiếng đạn pháo phòng không động trời, tiếng lao vun vút của tên lửa ta xé màn đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp cầm máy ra mệnh lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị đang đánh B-52. Không quân ta cất cánh. Mọi căm hờn đều trút lên đầu ngọn súng. Trên đài quan sát đặt trên đỉnh cột cờ báo về; Trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp: Một B-52 bắn rơi ở Đông Anh, lúc đó là 20 giờ 30 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972.
Trận đánh B-52 đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 400 lần chiếc máy bay chiến thuật và 90 lần B-52 đánh hơn 100 điểm khu dân cư, chúng ném xuống khoảng trên 6.000 quả bom làm chết 300 người. Ta bắn rơi 3 máy bay B-52, 5 máy bay phản lực, bắt sống 7 phi công Mỹ.
Rạng sáng ngày 19, Phùng Thế Tài lên máy bay trực thăng cùng đoàn kiểm tra đến thẳng cánh đồng Chuông thuộc xã Phù Lỗ huyện Đông Anh bên xác chiếc máy bay B-52 nằm chềnh ềnh. Xác siêu pháo đài bay B-52 - thứ vũ khí Mỹ vẫn khoe khoang là siêu đẳng nằm tả tơi nhàu nát trên một đám ruộng. Ông cùng đoàn công tác cho cưa một đoạn xác B-52 rồi lập tức trở về Tổng hành dinh tiếp tục cho trận đánh lớn.
Bộ Chính trị họp biểu dương các lực lượng đã chiến đấu dũng cảm đồng thời chỉ thị các đơn vị nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu để bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa. Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị: Bộ đội tên lửa đêm chiến đấu, ngày nguỵ trang sơ tán. Bộ đội ra đa phải thường xuyên theo dõi địch, quản lý vững chắc vùng trời cả ngày và đêm. Bộ đội pháo phòng không thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao và đánh thắngđịch.
Đêm 20 rạng ngày 21 - 12 bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B- 52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp gọi điện thoại xuống các sư đoàn biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân. Đại tướng nói: “Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi chặt chẽ cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Bộ đội Phòng không - Không quân trong 12 ngày đêm đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khiến nước Mỹ hoảng loạn. 7 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn.
Trong 12 ngày đêm chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B- 52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác.
Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng chiến đấu, quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân.
Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đến quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 và đã thất bại thảm hại trên bầu trời Hà Nội. Trong chiến thắng lịch sử, Người cận vệ của Bác Hồ đã góp một phần công sức. Phùng Thế Tài luôn tự nhủ: Giá như có Bác Hồ. Giá như Bác còn sống để mừng vui chiến thắng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không là cuộc đấu trí, đấu lực toàn diện của quân và dân ta với đế quốc Mỹ. Sau này, còn có nhiều sự kiện thú vị liên quan đến chiến thắng và những đấu tranh tiếp theo trên mặt trận ngoại giao để phát huy cao nhất chiến thắng lịch sử. Dù là được giao bất cứ việc gì trong thời điểm này, vị tướng Phùng Thế Tài đều hoàn thành theo cách sáng tạo nhất. Có những việc nhỏ nhưng rất ý nghĩa đã được ông kể lại trong hồi ký của mình: “Đó là một ngày đầu tháng 2 năm 1973, anh Lê Đức Thọ mời tôi đến gặp ở số 6 phố Nguyễn Cảnh Chân.
Sau khi mời tôi uống cà phê, ăn bánh ngọt, anh Thọ vui vẻ nói:
- Thắng lợi của Hội nghị Pa-ri thực chất là nhờ các cậu, nhờ bộ đội tên lửa phòng không, nhờ chiến thắng B52. Sau khi ký kết, Kít-xinh-giơ tâm sự với tôi là: “Không thua B52 trên bầu trời Hà Nội Ních-xơn không ký đâu”. Cho nên hôm nay tôi mời cậu lên để tỏ lời cảm ơn, cảm ơn bộ đội đội tên lửa phòng không Việt Nam anh hùng.
Là một người vốn rất thích được khen, tôi rất sung sướng, tự hào được nghe những lời như thế. Nhưng tôi cũng tỏ vẻ khiêm tốn nói mấy câu lấy lệ là chiến thắng nhờ cuộc đấu trí tài giỏi của các anh phái đoàn đàm phán, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Bác Hồ.
Sau đó anh Lê Đức Thọ nói với tôi:
- Hôm nay mời cậu lên đây để bàn việc chuẩn bị đón Kít-xinh-giơ đến Hà Nội. Ông ta sẽ đi Bô-ing-707, loại máy bay hành khách hiện đại nhất hiện nay. Cậu sẽ lo toàn bộ việc hạ cất cánh, đảm bảo an toàn. Ông ta đến hai ngày, nhưng chỉ một mình Kít vào thành phố, còn phi hành đoàn và nhân viên phục vụ sẽ ở lại sân bay. Cậu phải lo việc ăn nghỉ cho họ. Đây là việc cực kỳ quan trọng đấy, nhưng mình tin ở cậu, giao toàn quyền cho cậu. Còn cần gì, ở đâu, cậu cứ tự quyết định và cứ nói đây là ý kiến anh Thọ.
Hôm 8 tháng 1 năm 1973 khi trở lại Pa-ri để ký tắt hiệp định nhờ có chiến thắng B52 của bộ đội tên lửa các cậu mà tớ đã thẳng cánh mắng cho Kít-xinh-giơ một trận đích đáng… Ông ta im thin thít. Không có chiến thắng B52 làm sao tớ có tư thế đó, đúng là tư thế “đứng trên đầu thù”. Anh Thọ còn nói, sang Việt Nam lần này Kít-xinh-giơ muốn gặp Phùng Thế Tài lắm đấy. Ở Pa-ri mỗi lần gặp tớ, Kít-xinh-giơ cứ phân vân tại sao B52 lại rơi nhiều đến thế. Phải chăng tên lửa Việt Nam có gì mới. Ông ta bộc lộ:
Đêm 13 tháng 12 năm 1972 là đêm Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích B52 vào Hà Nội, cả Ních-xơn, cả Hội đồng an ninh quốc gia đều chắc chắn chỉ ba ngày là Bắc Việt phải quỳ gối đầu hàng. Ngày 13 tháng 12 khi B52 vừa cất cánh thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gửi tối hậu thư cho các ông, đề nghị họp lại ở Pa-ri vào ngày 22 tháng 12, với đúng điều kiện của Mỹ. Nghĩa là quân Mỹ rút ra nhưng quân miền Bắc cũng phải rút về… Nhưng cuối cùng thì các ông đã thắng. Tôi phải ký vì tôi thua bộ đội tên lửa các ông. Tôi thua trận B52 như Na-pô-lê-ông thua trận Oa-téc-lô.
Ngay đêm đó tôi lên Nội Bài để chuẩn bị việc đón Kít-xinh-giơ. Gay go nhất là vấn đề ăn ở của tổ lái và những người phục vụ. Đám tùy tùng không vào thành phố, nhưng cũng không ở trên máy bay. Ta phải làm cho họ một dãy nhà bạt dã chiến ở cuối đầu đông sân bay. Tôi điện cho Phòng Doanh trại Bộ Tổng Tham mưu lên ngay sân bay Nội Bài giao nhiệm vụ phải làm ngay một nhà rộng 30m2 khung gỗ, lợp tôn, sàn bằng gỗ, rải thảm, đủ chỗ cho 2 tổ lái 8 người, cộng với 2 nhân viên an ninh. Một nhà nhỏ hơn bằng 15m2 cũng khung gỗ, lợp tôn, sàn gỗ, trải thảm. Mỗi nhà có khu vệ sinh riêng, có hố xí tự hoại, có phòng tắm nước nóng đàng hoàng. Bộ phận hậu cần có sáng kiến dùng 2 xe téc một nóng, một lạnh, có vòi dẫn đến các phòng. Về ăn uống, tôi giao cho bếp Cục Đối ngoại. Anh Thọ dặn: “Họ thích chuối lắm. Cần thì ra chợ Đồng Xuân chọn chuối thật ngon. Cam, quýt họ không thích đâu”.
Hôm sau tôi đưa anh Thọ lên kiểm tra. Anh đi khắp một lượt, rất hài lòng:
- Tốt quá. Cậu giỏi quá!
Tôi rất khoái, nhưng cứ làm ra vẻ khiêm tốn:
- Tận dụng sức mạnh tổng hợp của bao nhiêu cơ quan đấy anh ạ! Đi đến đâu cứ nói đây là ý kiến anh Thọ là xong ngay, như 100m2 thảm đỏ, tôi cho người sang giao tế mượn, lúc đầu nhất định họ không cho, đến khi nói là ý kiến anh Thọ thì họ bảo cho cả ô tô chở lên đây.
Nghe tôi báo cáo thế, anh Thọ mỉm cười tủm tỉm…
Hôm lên Nội Bài đón Kít-xinh-giơ, tôi ngồi xe cùng với anh Thọ, khi anh Thọ giới thiệu tôi:
- Đây là Phùng Thế Tài.
Kít-xinh-giơ bắt tay tôi chặt và nhìn tôi rất lâu.
Đồng chí Thái, Cục phó Cục Bảo vệ đi cùng tôi hôm ấy, sau đó kể lại, tôi thấy ông ta cứ nhìn anh chằm chằm mà chẳng hiểu vì sao.
Tôi bảo:
- Tớ cũng nhìn ông ta như thế, cậu không thấy sao! Nhưng tớ nhìn ông ta với tư thế của người chiến thắng…
Xuống máy bay theo kế hoạch là vào Hà Nội ngay, nhưng Kít-xinh-giơ bảo muốn đi quanh sân bay một vòng. Tôi đưa mắt nhìn anh Thọ, anh Thọ gật đầu vào bảo tôi đưa Kít-xinh-giơ đi. Tôi cho ông ta dạo một vòng quanh sân bay rồi nói:
- Sân bay này là điểm đầu tiên đêm 18 tháng 12 các ông cho B52 rải thảm. Các ông muốn cho tất cả trở về thời kỳ đồ đá, thế mà giờ nó vẫn đàng hoàng đón tiếp máy bay loại lớn của các ông.
Có một chuyện lạ mà vui. Ngồi trên xe vào Hà Nội, Kít-xinh-giơ nói với tôi là ông ta muốn được ăn một bữa thịt ếch? Tôi cười bảo:
- Sẵn sàng! Bao nhiêu cũng có!
Nhưng ông ta chỉ ăn hai cái đùi tẩm bột mỗi buổi sáng. Hai buổi sáng vị chi là bốn đùi. Ông ta khen ngon quá. Thế mà bộ phận phục vụ mua đến mười con, để nhảy choi choi trong chậu.
Tôi bố trí cho Kít-xinh-giơ nghỉ ở 28 Cửa Đông,chỉ thị cho cậu Ngạch, đoàn trưởng đoàn 144 đưa một tiểu đội ra gác.
Trưa hôm sau anh Thọ mời cơm Kít-xinh-giơ. Tôi không được dự vì chắc hai ông ấy bàn chuyện đại sự với nhau. Tôi bảo đối ngoại làm thêm một đĩa thịt ếch nấu chuối và dặn phải có lá lốt. Ăn xong, anh Thọ gặp tôi nói:
- Cậu khá lắm! Kít-xinh-giơ rất khen món thịt ếch của cậu. Rồi anh Thọ hỏi nhỏ tôi:
- Sao cậu biết nó thích món này.
Tôi cười tủm tỉm ra vẻ bí mật.
Gần đây tôi nghe nói Kít-xinh-giơ đang viết hồi ký, không hiểu ông ta có nhắc đến món thịt ếch ở Việt Nam, sau trận Oa-téc-lô B52 không?
Buổi tối anh Đồng và anh Thọ chiêu đãi Kít-xinh-giơ. Tôi hỏi anh Thọ có làm món thịt ếch nữa không?
Anh Thọ cười vỗ vai tôi:
- Thôi! Thay món khác đi. Người sành ăn không ai người ta dùng một món hai bữa liền nhau đâu. Cậu bảo làm cho ba con chim bồ cầu quay. Anh Đồng thích ăn món này lắm.
Tôi cố nèo:
- Thế còn trưa mai, anh xem có nên chiêu đãi món cầy tơ bảy món không?
Lần này anh Thọ cười to thành tiếng:
- Nó không thích cái món “RTC” của cậu đâu.
Bỗng gương mặt anh Thọ lộ vẻ ưu tư:
- Tại sao nó lại thích cái món đùi ếch nhỉ?
Câu hỏi đó cho đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời. Sau khi tiễn Kít-xinh-giơ ra về tôi định gặp lại cậu phiên dịch của Bộ Ngoại giao để hỏi nhưng lại quên khuấy mất.
Khi ra sân bay Kít-xinh-giơ ngỏ ý muốn mời anh Thọ và tôi lên tham quan máy bay.
Do cửa máy bay có cặp chì nên phải chờ một lúc mới mở được. Tôi hỏi nhỏ cậu Thái, Cục phó Cục Bảo vệ:
- Nó tự cặp chì lấy hay ta làm?
- Nó làm đấy! Nó còn đóng cọc rồi căng vải đỏ xung quanh máy bay thành một vòng kín, hai tay an ninh thay nhau thức suốt đêm, mặc dầu ta đã huy động cả một đại đội bảo vệ vòng trong vòng ngoài.
Dọc đường từ sân bay về tôi mới hỏi anh Thọ:
- Bọn Mỹ ghê thật! Mình canh gác cho nó thế mà nó vẫn không yên tâm. Nghe cậu Thái bảo hình như có cả vệ tinh của nó thường xuyên cảnh giác trên trời.
Anh Thọ bình thản nói một câu làm tôi sướng rơn cả người:
- Nhưng cuối cùng ta vẫn thắng, nó vẫn thua!”.
Người Việt Nam chúng ta, ở giai đoạn lịch sử nào cũng đều tỏ rõ tính nhân văn và khí phách của tổ tiên truyền lại.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pa-ri rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu về nước. Cách mạng Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, việc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đứng trước thuận lợi lớn chưa từng có. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương luôn bám sát tình hình miền Nam để có những quyết định lớn mang tính lịch sử.

*
*     *

Khi tiếp cận các tài liệu, gặp gỡ trao đổi trực tiếp với Thượng tướng Phùng Thế Tài, những đồng đội chiến đấu, cấp trên, cấp dưới và các nguồn sử sách trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng tôi đã thấy được còn nhiều điều thú vị, nhiều nhiệm vụ, trọng trách mà vị tướng họ Phùng được giao. Điều đó càng khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các cấp dành cho ông cũng như năng lực toàn diện của Người cận vệ của Bác Hồ.
Cùng với trọng trách trực tiếp lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đánh thắng chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không, Phùng Thế tài còn là một trong những người trực tiếp nhận mệnh lệnh và tổ chức thực hiện thắng lợi tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ngày 11 tháng 8 năm 1967, đúng lúc giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đánh sập cầu Long Biên, công việc khẩn trương, quyết liệt cũng là lúc Phùng Thế Tài nhận quyết định điều động lên làm Phó Tổng Tham mưu trưởng. Trong buổi làm việc đầu tiên với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, ông đã được giao trọng trách đẩy mạnh hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển. Phùng Thế Tài lúc này với cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không - Không quân, Đoàn 559, Hải quân kiêm phụ trách hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thấy rõ trọng trách mới, trước yêu cầu chiến trường miền Nam đang rất cần vũ khí đạn dược, ngay sau khi rời phòng làm việc của Tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài lập tức trở về Quân chủng Phòng không - Không quân bàn giao công việc với đồng chí Đặng Tính - Chính ủy cũng vừa được bổ nhiệm Tư lệnh Quân chủng và ngay sáng hôm sau đã có mặt ở Hải Phòng để làm việc với Tư lệnh Quân chủng Hải quân - Đại tá Nguyễn Bá Phát.
Trên đường xuống Hải Phòng, lời Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng như vẫn còn văng vẳng: “Lúc này tuyến vận tải trên biển có một giá trị đặc biệt quan trọng. Bác rất quan tâm và có gợi ý giao thêm việc này cho chú Tài”. Nói rồi Tổng Tham mưu trưởng lại vỗ vai thân mật: “Cậu là người đầu tiên vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chí Minh, bây giờ lại được giao nhiệm vụ cùng anh em thực hiện tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là đúng quá còn gì”. Thời gian và nhiệm vụ dồn lên đôi vai sức vóc của người con họ Phùng.
Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt sự nỗ lực, thông minh, tài chí của bộ đội Hải quân, những đoàn tàu không số nối tiếp nhau lặng lẽ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ơi miền Nam ruột thịt. Bác Hồ từng day dứt: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
Chiến trường miền Nam đêm ngày rộn lên tiếng súng. Đánh hơi thấy việc vận chuyển vũ khí bằng đường biển của ta, Mỹ ngụy điên cuồng tìm trăm phương nghìn kế để ngăn cản sự chi viện của miền Bắc. Những cuộc đấu trí căng thẳng trên biển. Đã có những tổn thất, hy sinh nhưng quyết tâm của ta không hề thay đổi. Đường Hồ Chí Minh trên biển ngay từ những chuyến chi viện đầu tiên đã là một huyền thoại.
Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể lại: “Ngày mồng 3 Tết Mậu Thân, tôi vừa cùng với vợ con về quê lên, thì được điện của anh Văn Tiến Dũng gọi lên gặp ở Nhà Rồng có việc gấp.
Trên bàn làm việc của anh có nhiều mứt, bánh, kẹo.
Anh rót nước mời tôi và nói:
- Cậu thu xếp xuống ngay Hải Phòng, bàn với anh Phát dốc toàn lực chi viện cho miền Nam. Trong đó đang đánh lớn. Chậm nhất mồng 6, mồng 7 Tết, các tàu phải xuất phát. Vũ khí lần này, chú ý mang nhiều B40, B41.
Ngay tối hôm đó, tôi có mặt ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Có thế nói không khí ở đây đang như ngày hội, nhất là ở Phòng tác chiến và Phòng Hậu cần Kỹ thuật. Tin chiến thắng từ miền Nam đang thôi thúc cán bộ, chiến sĩ hải quân làm việc gấp mười thường ngày. Đâu đâu cũng nghe vang lên bài hát phổ thơ Xuân 1968 của Bác Hồ:
“Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
NamBắc thu đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.
Tất cả đang khẩn trương chuẩn bị cho một loạt tàu rời bến trong vài ngày tới. Trong đó có chuyến tàu C235 do Phan Vinh làm thuyền trưởng xuất phát từ bến Đồ Sơn làm tôi nhớ mãi cho đến hôm nay.
Đó là đêm mồng 6 tháng 2 năm 1968, đúng mồng 7 Tết Mậu Thân, trời mưa phùn và gió rét căm căm, tôi cùng anh Nguyễn Bá Phát ra tận tàu C235 tiễn các chiến sĩ lên đường. Tôi là người chịu rét khá bởi có nhiều năm sống ở Trung Quốc, lại là người có sức khỏe, chưa đến tuổi năm mươi, mà đêm hôm đó vẫn run lên cầm cập trong chiếc áo khoác dạ anh Văn Tiến Dũng cho mượn tạm, khi ở phòng làm việc của anh xuống thẳng Hải Phòng. Có lẽ phải vài chục năm mới có đợt rét đậm như đợt rét năm 1968 ấy. Thế mà các chiến sĩ ta vẫn băng băng xuống tàu ra khơi. Tôi nhìn các chiến sĩ nối tiếp nhau xuống tàu lên đường ra biển Đông giữa đêm tối mênh mông gió lạnh mà lòng tràn đầy xúc động. Một chuyến đi như thế, một chuyến đi xa hàng nghìn cây số, vào nơi sinh tử mà trên bến không có một chiến sĩ nào có người tiễn đưa. Họ ra đi thầm lặng và có thể sẽ hy sinh thầm lặng.
Đứng trên cầu cảng Đồ Sơn năm ấy, tôi và anh Phát bắt tay từng chiến sĩ, ôm chặt anh em vào lòng mà không ngăn được nước mắt. Dạo đó, không ai biết đó là một cầu cảng bí mật và hàng nghìn chiến sĩ hải quân đã ra đi trên những chuyến tàu không số ở đây.
Ngày nay ở đó, một tượng đài khá bề thế đã được dựng lên với tấm biển ghi rõ:
Bến tàu Không số - Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những con tàu “Không số” là kỳ tích huyền thoại, thiên anh hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam”.
Khu tượng đài “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, sẽ là sự nhắc nhở đối với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải sống như thế nào để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha ông ngày xưa, đặc biệt là sự hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc mà tiêu biểu là các chiến sĩ trên những con tàu không số huyền thoại.
Người cận vệ của Bác Hồ - Thượng tướng Phùng Thế Tài đã có những đóng góp hữu ích cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

(Còn nữa)