“Mẫu nhân cách văn hóa” là cuốn sách thực sự mang tinh thần khoa học bao gồm các mẫu nhân cách văn hóa danh nhân văn hóa lịch sử và mẫu nhân cách văn hóa xã hội.
Văn hóa là phạm trù rộng lớn bao hàm các giá trị sống của một cộng đồng người trong quá trình phát sinh, phát triển, được phân kỳ thành những giai đoạn kế tiếp nhau trên cơ sở những mốc lịch sử quan trọng có ý nghĩa thay đổi về bản chất.
Nghiên cứu văn hóa, nghĩa là tìm hiểu đặc trưng giá trị tinh thần, tức phần cốt lõi hay tâm thức con người, rất cần một phương pháp luận chính xác và một nền tảng tư tưởng như thứ công cụ chuyên dụng để giải mã trên cơ sở khoa học. Con người là một thực thể trong mối tương quan với xã hội và ngược lại. Vì thế, mỗi một thời kỳ lịch sử, văn hóa đều hình thành một hằng số như là căn tính dân tộc (hay cộng đồng) phản ứng với môi trường văn hóa ấy. Muốn tìm hiểu bản chất của nó, trước hết phải xây dựng được mô hình. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi nếu thiết kế mô hình sai, cho dù phương pháp luận của anh tốt đến mấy cũng sẽ thất bại.
Tôi vốn không mấy hiểu về nội hàm văn hóa trong cái bể mênh mông của các định đề, khái niệm, thuộc tính…, nhưng sau khi tiếp cận tác phẩm “Mẫu nhân cách văn hóa” của Nguyễn văn Sơn mới ngộ ra một điều, văn hóa là một phạm trù khoa học mang trong mình nó cả những thành phần bất biến và khả biến. “Mẫu nhân cách văn hóa” là đề tài nằm trong loại hình nghiên cứu nhân cách học văn hóa, phạm vi nghiên cứu của Nguyễn văn Sơn tuy chỉ là chuyên môn hẹp nhưng lại cần phải tham chiếu một số công trình khác có tính đa ngành như một động thái mở rộng biên độ nhằm làm sáng tỏ vấn đề “nhân cách con người văn hóa” và những phản ứng văn hóa của họ đối với môi trường xã hội ở thời điểm lịch sử có biến động dữ dội.
“Mẫu nhân cách văn hóa” là cuốn sách thực sự mang tinh thần khoa học bao gồm các mẫu nhân cách văn hóa danh nhân văn hóa lịch sử và mẫu nhân cách văn hóa xã hội. Trong phần danh nhân văn hóa lịch sử tác giả lại phân ra làm hai cấp độ: biểu tượng của lịch sử và văn hóa dòng tộc. Hai nhân vật chính thuộc biểu tượng cho mẫu nhân cách văn hóa Đại Việt được tác giả nghiên cứu kỹ lưỡng với nhiều tư liệu quý với dẫn chứng hết sức thuyết phục là Lý Công Uẩn và Trần Nhân Tông. Đây là hai vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Đại Việt cùng nằm trong một hệ hình văn hóa lấy đạo Phật làm phương châm hành xử và dùng đạo nho trị quốc bên cạnh đạo Lão như một tông giáo để cân bằng mối tương quan theo phương châm tam giáo đồng nguyên hay tam giáo tịnh hành.
Nghiên cứu về nhân cách văn hóa hai nhân vật này cũng chính là nghiên cứu tâm thức dân tộc ở một thời kỳ lịch sử huy hoàng. Bởi lẽ, Lý Thái Tổ và Trần Nhân Tông đều là những anh hùng cái thế, đồng thời cũng lại là hai vị thiền sư, giáo chủ có vai trò quan trọng trong việc dẫn đạo cho dân tộc.
Viết về Lý Công Uẩn, Nguyễn văn Sơn có những nhận xét có tính khai mở trong nhân cách văn hóa của ngài với tư cách quốc chủ đứng đầu nhà nước Đại Việt sau khi tiếp nhận chính quyền từ nhà Tiền Lê. Tuy nhiên, sự kiện này hoàn toàn không đơn giản như những dòng sử liệu được các sử gia ghi chép. Vì thế các nhà nghiên cứu mới tìm đến những tư liệu phi chính thống nằm trong dân gian vốn chứa đựng nhiều nguồn thông tin về một kế sách hoàn chỉnh trong sự kiện chuyển giao ngôi báu. Đó không phải ngẫu nhiên mà bởi những người đạo diễn ngồi trong màn trướng đã hiểu được chữ “thời” trong Dịch. Như Nguyễn văn Sơn phân tích, Lý Công Uẩn đăng quang trong điều kiện thiên thời, địa lợi nhân hòa và hầu như không có sự chống đối từ các các cựu thần nhà Lê. Đây chính là “thời” đã tạo một nhân cách đáng nể như Lý Công Uẩn để rồi, như một bậc anh hùng, Lý Công Uẩn lại tạo ra thời thế mới, hoàn cảnh mới mà tác giả gọi là “tái sản xuất văn hóa”.
Về mặt chính trị, đúng như Nguyễn văn Sơn khẳng định, Phật giáo chỉ giúp được phần nào cho công cuộc canh tân của ông vua mở đầu triều đại nhà Lý. Muốn xây dựng một chính quyền hoàn bị theo chuẩn của nhà nước chuyên chế phương Đông rất cần hệ tư tưởng nho giáo mà nòng cốt của nó là thành phần nho sĩ bổ sung vào guồng máy quan chức quản lý xã hội theo mô hình Trung Hoa. Như vậy, hơn một thế kỷ từ khi khai quốc, nhà nước Đại Việt với cấu trúc hài hòa trên cơ sở tam giáo tịnh hành “xã hội Nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo”, tư tưởng bình đẳng, bác ái, thân dân luôn là kim chỉ nam hướng dẫn đạo trị nước. Đây chính là điểm cốt lõi của nhân cách văn hóa Lý Thái Tổ, vị kiến trúc sư lỗi lạc đã tạo ra một quốc gia hùng mạnh vượt trội trong tương quan với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Trong quá trình tìm hiểu nhân cách văn hóa Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Sơn đã là rõ chữ “thời” qua hiện tượng rồng vàng xuất trước thuyền ngự khi nhà vua thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long: “Nhìn từ biểu tượng học, rồng thể hiện cho đế vương, cho sức mạnh vạn năng. Song, ở một ý nghĩa khác nó phản ánh khát vọng, ý chí đế vương của Lý Thái Tổ đã thành hiện thực. Mặt khác, nó còn chỉ rõ việc xây dựng hình ảnh và vị thế của Lý Thái Tổ trước thiên hạ. Bản chất tuyệt đối bên trong của lớp thông tin ‘rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự’ nó còn là ý chí chủ quan về học thuật của Lý Thái Tổ. Đó là tri thức về Đạo giáo có dấu vết của Phật giáo Mật Tông còn chưa đoạn tuyệt trong tổng quan tri thức của Lý Thái Tổ. Và xét đoán từ Con Người chính trị - Lý Thái Tổ, thì mọi phương tiện đó đều nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông. Qua đó, chúng ta nhận thấy Lý Thái Tổ đã sử dụng các ‘pháp’ (không câu nệ vào ‘pháp’ nào cụ thể) nghĩa là đạt được mục đích cao cả nhân văn của Người. “Vì thiên hạ lập kế dài lâu, để cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người... Như vậy Lý Thái Tổ đã ‘phá chấp’ và sử dụng các tri thức của ‘Tam giáo’ một cách linh hoạt trong hoạt động chính trị xã hội”.
Cũng như vị hoàng đế khai sáng vương triều Lý, Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba vương triều Trần được Nguyễn văn Sơn nghiên cứu kỹ lưỡng theo hướng “nhân cách học văn hóa, nhân học văn hóa” khi mà phương pháp luận tiếp cận của chuyên ngành văn hóa học về Trần Nhân Tông còn hạn chế. Về vấn đề này, tác giả cho biết khá rõ cách làm của mình của mình: “Do đó tôi quan niệm phải có hướng nghiên cứu khác với truyền thống nghiên cứu Trần Nhân Tông trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Về phương pháp nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về văn hóa học từ trước đến nay (2021) chưa có phương pháp nghiên cứu tiếp cận Trần Nhân Tông từ hướng nhân cách học văn hóa”.
Thật ra, ngoài tư cách tiểu luận bàn về nhân cách văn hóa Trần Nhân Tông, chuyên đề này còn là một luận án tiến sĩ do phó giáo sư tiến sĩ Đỗ Lai Thúy hướng dẫn. Đỗ Lai Thúy là một học giả đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về các loại hình văn hóa và văn học như “Con mắt thơ”, “Thơ như là mỹ học của cái khác”, “Chân trời có người bay” và đặc biệt là “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực” mở ra một hướng tiếp cận mới về nữ sĩ Xuân Hương mà trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có ai đề cập tới. Những nghiên cứu sinh được Đỗ tiên sinh hướng dẫn là một vinh hạnh bởi lẽ ông có vốn kiến văn sâu rộng, lại có nền tảng triết học và mỹ học khá vững, có thể làm sáng tỏ được những vấn đề nan giải về học thuật một cách rốt ráo.
Từ phương pháp luận lấy tư duy logic biện chứng làm nền tảng Nguyễn Văn Sơn có những kiến giải cặn kẽ sau khi thừa kế thành tựu của những người đi trước về chuyên ngành nhân học văn hóa áp dụng vào trường hợp cụ thể “Với hệ hình văn hóa Đại Việt, theo giới nghiên cứu lịch sử văn hóa thường thống nhất mẫu người văn hóa tiêu biểu có tính chất biểu tượng đại diện cho hệ hình văn hóa Đại Việt là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Trần Nhân Tông được lịch sử Phật giáo thiền tông xem là một trong những luận sư vĩ đại đã chuyển pháp luân hoằng dương Phật pháp. Lịch sử trên 2500 của Phật giáo thiền tông mới chỉ có năm người (Phật Thích Ca; Long Thọ; Bồ Đề Đạt Ma; Trần Nhân Tông; Osho), được xem là đã làm nên những cuộc cách mạng tôn giáo, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về Phật giáo, về thế giới”. Thế có nghĩa là, nghiên cứu về Phật Hoàng phải thoát ly mô hình tư duy lý thuyết trung đại bởi lẽ “các nhà sử học và các nhà khoa bảng thường nhìn Trần Nhân Tông ở cách nhìn của sử biên niên. Về phương pháp vẫn dừng lại ở mô hình tư duy lí thuyết trung đại, chưa có phương pháp tư duy logic biện chứng”.
Từ phương pháp nghiên cứu độc lập hoàn toàn mang tính học thuật, tác giả nhìn nhận nhân cách văn hóa Trần Nhân Tông qua ba lớp, trong đó lớp văn hóa hạt nhân với tư cách thiền sư có sự chi phối rất mạnh đến lớp văn hóa cấu tạo và lớp giao tiếp. Ở mỗi lớp văn hóa này, người viết đều đủ sở luận lý và dẫn chứng thuyết phục khiến người đọc nhận thức được những mô hình nhân cách chịu sự tác động của văn hóa đương đại, và chính nhân cách ấy phản ứng trở lại tạo nên sự tương tác trong quá trình tái sản xuất văn hóa như thế nào.
Tuy thuộc lĩnh vực học thuật khá xa lạ với truyền thống phương Đông vốn là những quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng từ đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ có những chuyên đề nghiên cứu về văn hóa theo phương pháp mới của các học giả phương Tây. Nguyễn Văn Sơn dành hẳn một số trang liệt kê tổng quát một số công trình đã xuất bản thuộc loại hình này, đồng thời cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản như một lời đề dẫn. Trong số đó có các cuốn sách “Trần Nhân Tông con người và tác phẩm”, “Vua Trần Nhân Tông và cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285, 1288”, “Thượng Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia”, “Một số vấn đề tư tưởng vua Trần Nhân Tông”, “Vị trí văn học của vua Trần Nhân Tông”, “Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm”... Như vậy tư liệu Trần Nhân Tông khá nhiều nhưng những công trình nghiên cứu về nhân cách văn hóa Trần Nhân Tông quá ít và nếu có cũng còn sơ sài chưa chạm được đến phần cốt lõi của tư tưởng và nhân cách ngài.
Theo chúng tôi, có lẽ chính vì đây là địa hạt gai góc, khó tiếp cận mà Nguyễn Văn Sơn đã mạo hiểm gánh trách nhiệm này như một thể nghiệm với tâm thức tri ân tiền nhân và đưa đến cho người đọc nhận thức mới về nhân cách văn hóa Trần Nhân Tông. Theo Nguyễn văn Sơn, “Trần Nhân Tông là một mẫu mực về cá nhân nhập thân văn hóa và tái sản xuất văn hóa với nhiều thành tựu” và “Với quan niệm đầy minh triết và duy lý cùng nơi ngôn cú, Trần Nhân Tông đã tìm hiểu và tu tập theo giáo lý của phật giáo Thiền tông, song không dừng lại ở việc truy tầm tri thức của một hành giả mà Trần Nhân Tông đã nâng tầm tư tưởng sáng tạo văn hóa của Ngài bằng việc viết sách luận giải về giáo lí Thiền tông để phổ độ cho đời sau”. Như vậy khi nghiên cứu sâu về Trần Nhân Tông với tư cách là một thiền sư, tác giả có nhưng luận giải khá mới mẻ về nhân cách của ngài được hình thành từ những yếu tố văn hóa thời đại, và qua đó, đã hình lớp văn hóa cấu tạo trong việc trước tác văn thơ, phú, kệ và các luận thuyết về thiền học.
Ở lớp văn hóa thứ ba, văn hóa giao tiếp, tác giả xem vai trò hoàng đế Đại Việt là trung tâm với đạo trị quốc trên nền tảng nho giáo nhưng lại lấy cảm hứng từ tinh thần thiền. Mà thiền là một hình thái tư tưởng, tác giả phân tích khá kỹ về hiện tượng ly tâm và hướng tâm trong sự tương tác giữa ba lớp văn hóa nhân cách trong cùng một con người Trần Nhân Tông. Đây chính là điểm khác biệt và quan trọng trong chuyên luận. Nó mở ra cách tiếp cận mới vừa khái quát, vừa cụ thể của tư duy logic biện chứng mà những mô hình tư duy trước đây không thể có được kết quả chính xác.
Trần Nhân Tông là nhân vật lịch sử đã vượt khỏi phạm vi dân tộc vươn đến tầm vóc thế giới. Di sản Phật Hoàng để lại cho hậu thế cực kỳ quý giá nhưng không phải ai cũng hiểu được đầy đủ. Chính vì thế, trong quá trình tìm hiểu về sự nghiệp của ngài rất cần những nghiên cứu chuyên sâu như Nguyễn văn Sơn. Cũng chính vì thế tác giả rất cẩn trọng trong thao tác diễn dịch bằng cách sử dụng lối văn hàn lâm bằng các khái niệm, các thuật ngữ khoa học chính xác nhưng khô cứng mà lại mang giá trị biểu cảm có sức thuyết phục “Với quan niệm đầy minh triết và duy lý cùng nơi ngôn cú, Trần Nhân Tông đã tìm hiểu và tu tập theo giáo lý của phật giáo Thiền tông, song không dừng lại ở việc truy tầm tri thức của một hành giả mà Trần Nhân Tông đã nâng tầm tư tưởng sáng tạo văn hóa của Ngài bằng việc viết sách luận giải về giáo lí Thiền tông để phổ độ cho đời sau.
Sự nghiệp sản xuất văn hóa và tái sản xuất văn hóa của Trần Nhân Tông được thể hiện trên ba phương diện: Những giá trị văn hóa của một thi sĩ; những giá trị văn hóa của một thiền sư; những giá trị văn hóa pháp chế, chính sách văn hóa của một hoàng đế.
Tổng những giá trị văn hóa của thời đại đã kết tụ, ngưng đọng vào mô hình mẫu nhân cách văn hóa Vô ngã Trần Nhân Tông. Do đó Trần Nhân Tông còn chứa đựng giá trị biểu tượng văn hóa trong dòng chảy của lịch sử văn hóa dân tộc”.
Sau Lý Thái Tổ và Trần Nhân Tông, Nguyễn văn Sơn có loạt tiểu luận về nhân cách văn hóa năm nhân vật lịch sử thuộc dòng tộc họ Phùng gồm Phùng Thanh Hòa, Phùng Hưng, Phùng Tá Khang, Phùng Tá Chu và Phùng Thế Tài. Trừ thượng tướng Phùng Thế Tài thuộc về thời hiện đại, các nhân vật Phùng Hưng, Phùng Tá Khang, Phùng Tá Chu trong các bộ chính sử đã có những ghi chép, tuy không nhiều những cũng đủ cho ta hình dung được thân thế sự nghiệp của các vị. Hơn nữa, ngoài chính sử còn các tư liệu bổ sung qua thư tịch, bi ký, gia phả, huyền tích từ dân gian cộng với nguồn thông tin thu thập sau những chuyến điền dã nên Nguyễn văn Sơn đã xây dựng được “mẫu nhân cách văn hóa” khá thuận lợi. Chẳng hạn, ở phần cuối bài “Mẫu nhân cách văn hóa Phùng Hưng” tác giả có những nhận xét rất chính xác về võ công văn trị của Phùng Vương “Sự ánh xạ tinh thần thượng võ của thời thại Phùng Hưng rất rõ nét vào vùng đất xứ Đoài ngày nay. Bằng chứng vật chất còn thấy trong đình Ngọc Than Quốc Oai, Hà Nội được các nghệ nhân điêu khắc mô tả hình ảnh người thiếu nữ một tay cầm dao găm, một tay túm đuôi hổ/báo để chuẩn bị đâm. Nhìn tư thế thiếu nữ rất điềm tĩnh, quyết đoán còn hổ/báo đôi mắt hoảng loạn thất thần… bàn về tính chất phát tán, di truyền các hiện tượng văn hóa tinh thần cũng như tinh thần thượng võ của thời đại Phùng Hưng ở châu Phong (xứ Đoài), nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân đã nhận định thật thuyết phục: “… từ Phùng Hưng, cũng là để đi đến minh định một vùng văn hóa - Văn hóa quyển xứ Đoài” và, “Bố Cái Đại Vương” Phùng Hưng chỉ huy cuộc khởi nghĩa nông dân năm 767 và chiến công đánh tan quân đội xâm lược nhà Đại Đường năm 782, đã đưa Phùng Hưng lên địa vị Người anh hùng trong lịch sử Việt Nam trung đại. Và những giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian, trong văn học, nghệ thuật, trong ngôn ngữ giao tiếp, trong văn hóa vật thể hơn 1300 năm qua đã đưa Phùng Hưng lên địa vị Người Anh hùng văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Thế nhưng đến Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa thì những tư liệu ghi chép trong các bộ chính sử rất ít ỏi mặc dù ông là một nhân vật nổi tiếng trong triều đình Lý Bí với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp chống giặc Lương. Nguyễn văn Sơn coi “Phùng Thanh Hòa là nhân vật lịch sử có thật cùng với những cống hiến cho lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Về phương pháp nghiên cứu, chúng tôi vận dụng phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) trên cơ sở phân tích các dữ liệu văn hóa dân gian kết hợp với phân tích logic lịch sử để làm sáng tỏ sự thật lịch sử…”. Để giải quyết vấn đề này, tác giả nói rõ quan điểm của mình “không nên quá lệ thuộc vào sử liệu thành văn mà chúng tôi chú ý đến sử liệu dân gian đã hóa thạch trong tư duy người Việt trải qua ngàn đời được thể hiện thờ phụng trong tín ngưỡng dân gian. Đồng thời chúng tôi chú ý đến nền tảng - bằng chứng vật chất của ngành khảo cổ học”.
Từ một ẩn số của lịch sử, qua nghiên cứu phân tích rồi tổng hợp các chuyến điền dã trong dân gian kết hợp với các số liệu của ngành khảo cổ, Nguyễn văn Sơn phục dựng được chân dung Phùng Thanh Hòa, từ đó làm sáng tỏ nhân cách văn hóa của ông trong tài năng cầm quân cũng như nghệ thuật giáo hóa dân “ Trong hơn hai mươi năm - từ năm 545 - 569 (có tài liệu nói ba năm, theo chúng tôi không hợp lý) gắn bó với mảnh đất Phùng Xá, được coi như quê hương thứ hai của Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, Ngài đã sống với nhân dân theo đúng nghĩa một người thầy, một người bạn tri kỷ, Ngài đã truyền dạy cho nhân dân những tri thức về canh nông, nghề làm thuốc cứu người, về đạo lý làm người, đặc biệt Ngài đã truyền thụ môn Võ Vật cho nhân dân làng Phùng Xá xưa. Khi Ngài hóa được nhân dân xưng tụng suy tôn làm Thành Hoàng làng Phùng Xá với danh xưng ông Tổ nghề Võ Vật hay Ông Trạng Võ Vật”.
Cũng trong cuốn sách này, hai bài “Phức cảm Cuội” và “Phức cảm Cua” rất đáng chú ý, bởi lẽ, Nguyễn văn Sơn đã dùng phương pháp nghiên cứu theo hệ chuẩn văn hóa nhân cách như một thao tác giải mã các quá trình bộc lộ hành vi tâm lý, hành vi văn hóa trong nhân cách cộng đồng Việt Nam. Nói cách khác, đó là một căn tính mà dù muốn hay không ta cũng phải chấp nhận để điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển trong thời đại toàn cầu hóa. Vì thế, mục đích của công trình nghiên cứu được tác giả nhấn mạnh “Thông qua đó tìm ra bản chất của sự kìm hãm sự lớn lên về văn hóa, tìm ra Mãnh lực tăm tối, hung tính trong cá nhân (chủ thể của văn hóa) để từ đó đề xuất phương pháp hạn chế và làm chủ những hành vi tâm lý, hành vi phản văn hóa. Nhằm xây dựng văn hóa lối sống lành mạnh trong sáng cho con người Việt Nam”.
Xét về mặt bản chất, nói dối đã trở thành thói quen trong sinh hoạt văn hóa công đồng ngày một gia tăng theo thời gian dẫn đến tình trạng văn hóa “lệch chuẩn” tiêu cực làm xói mòn đạo đức, làm băng hoại những hệ giá trị nền tảng cốt lõi, nhân văn của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Để chứng minh hiện tượng nói dối mang tính bản chất, Nguyễn Văn Sơn dẫn ra truyện “Nói dối như Cuội” trong “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, lập thành sơ đồ để khẳng định, Cuội thuộc thành phần vô danh tiểu tốt, vô học, vô thần, trí trá và gian manh. Từ “Cuội” tác giả khát quát sự dối trá thành bản chất chẳng những biểu hiện rất cụ thể ở tầng lớp cai trị mà còn là phương châm ứng xử của mọi thần dân như một giá trị sống “giới lãnh đạo chính trị dùng ngay thủ đoạn “trí trá” - nói dối trong chiến tranh để áp dụng vào sự thống trị thời bình. Thủ đoạn nói dối đã trở thành bản chất của tầng lớp thống trị, đã trở thành tập quán ứng xử của giới thống trị đối với thần dân. Một sự thật là giới thống trị cũng là một bộ phận của cộng đồng dân tộc, trải qua nghìn năm lịch sử nó đã hòa vào cộng đồng và mang theo lối sống, tập quán ứng xử nói dối trong cộng đồng dân tộc”.
Bằng sự lý giải có cơ sở khoa học, Nguyễn văn Sơn đưa ra một nhận xét khiến không ít người phải băn khoăn về hệ ý thức có nguồn gốc từ học thuyết Marx - Lenin và môi trường xã hội đang nuôi dưỡng căn tính dối trá ngày càng làm cho nhân cách dân tộc suy thoái “Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, từ sau Đổi mới (1986) đến nay, chúng ta nhận thấy, văn hóa nhân cách người Việt Nam ngày càng biến dạng và có nguy cơ tha hóa thành phản văn hóa”. Dẫn đến hệ quả không thể tránh khỏi là “Các hệ giá trị trong mô hình gia đình truyền thống Việt Nam bị phá vỡ. Và dẫn đến xung đột về văn hóa, mức độ xung đột văn hóa căng thẳng dẫn đến bạo lực ra gia đình. Ở mức độ khác kéo theo ngoại tình, các cá nhân luôn luôn sống trong tâm trạng lừa dối nhau, không trung thực trong lý tưởng sống”.
“Phức cảm Cuội” với tư cách là một đặc điểm tâm lý nằm trong hệ hình văn hóa chính là khuyết tật cố hữu trong vô thức cộng đồng, “Khi nói dối đã trở thành nhân cách xã hội và nhân cách cá nhân của con người làng xã mặc nhiên coi đó đó là hệ chuẩn ứng xử của cộng đồng. Sự nói dối tích tụ qua hàng nghìn năm của con người làng xã nó đã trở thành tâm lý tộc người khá ổn định và vững chắc trong nhân cách”. Người Việt chúng ta rất cần phải thoát khỏi mặc cảm “Cuội”, nếu không mãi mãi vẫn chỉ là một dân tộc xếp thứ hạng thấp trong cộng đồng nhân loại.
Ngoài “Phức cảm Cuội”, phần cuối cuốn sách còn có “Phức cảm Cua” bàn về sự tùy tiện và tính ngang ngạnh của người Việt trong đời sống. Đó cũng là một căn tính trong cấu trúc tâm lý khuyết tật như là vô thức cộng đồng từ cả ngàn năm trước, được tác giả viết thành chuyên luận rất đáng đọc. Nó giống như liều thuốc giải độc thức tỉnh chúng ta ra khỏi cơn mê sảng ngàn năm giống như anh chàng Narcissus lúc nào cũng chỉ thích ngắm nhìn nhan sắc của mình.
Chí Linh, mùa ôn dịch Tàu,
6/8/2021 - ĐẶNG VĂN SINH