(Thứ tư, 20/04/2022, 12:03 GMT+7)

Nhà thơ Hồng Thanh Quang ở tuổi 60 thể hiện sự bình tâm trước dòng đời qua tập thơ mới Chút sen còn lại vừa tình tự, vừa chiêm nghiệm, vừa nhớ thương.
 
Nhà thơ Hồng Thanh Quang là một tên tuổi không xa lạ với công chúng. Nhà thơ Hồng Thanh Quang từng quen thuộc khán giả trên các chương trình truyền hình. Và nhà thơ Hồng Thanh Quang cũng để lại ấn tượng trong giới truyền thông khi nhiều năm làm Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết.


Nhà thơ Hồng Thanh Quang tuổi 60

Thế nhưng, ngay khi được săn đón nhất và ngay khi được tung hô nhất trong sự nghiệp báo chí, nhà thơ Hồng Thanh Quang vẫn mặc định mình là một thi sĩ. Với ông, thơ là câu chuyện đầu tiên và cũng là câu chuyện cuối cùng. 

Nhà thơ Hồng Thanh Quang có bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát “Khúc mùa thu” rất nổi tiếng. Cho nên, những ca từ “người đàn bà giấu đêm vào trong tóc, em tìm gì khi thất vọng về tôi” dường như cứ che mờ hết các câu thơ khác của Hồng Thanh Quang.
 
Ở tuổi 60, nghỉ hưu với tư cách một người thành đạt, nhà thơ Hồng Thanh Quang dành nhiều sự quan tâm hơn cho thiên nhiên xung quanh. Tập thơ Chút sen còn lại do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành, là kết quả của những giây phút lặng thầm suy tư ấy. Hình ảnh sen xuất hiện từ hành vi “Tay đàn ông vụng về nhưng gượng nhẹ/ Cắm bình sen cho thơm mát hương hè/ Rồi sẽ héo, sẽ tàn thanh sắc/ Chỉ luyến tình còn đọng lại cùng mê” rồi đi vào dặm dài ký ức “Soi gương sen, nhớ lại tuổi qua rồi/ Nhớ hạnh phúc từng có và đã mất”.
 
Cả tập thơ Chút sen còn lại hơn 100 trang, chỉ viết về sen. Nói cách khác, sen là cảm hứng xuyên suốt để nhà thơ Hồng Thanh Quang có một tác phẩm run rẩy vần điệu. Sen gắn với mong ước “Cho anh được nắm tay em nhé/ Buổi chiều nay anh bỗng quá cô đơn/ Mây đã trắng, em còn hơn cả trắng/ Sen đã hồng, em còn cháy nồng hơn” và sen len vào giấc ngủ “Có lần tôi nằm mê/ Sân đình sen hồng thắm/ Và cũng ở trong mơ/ Tình cờ xem em tắm”.
 
Sen rất gần gũi với người Việt. Nghệ thuật tương tác với sen không ít, nhưng chuyên chú làm thơ về sen lại không dễ. Vì không khéo, sẽ thành sự cưỡng cầu và sự gượng ép. Nhà thơ Hồng Thanh Quang lấy sen làm cái cớ mông lung để hoài niệm người dưng “Nhìn sen để nhớ em thôi/ Bùn lên hương bởi tinh khôi em nhường/ Thị phi lắm lại càng thương/ Trái tim sa mạc triều cường cũng thua” và lấy sen làm lý do cụ thể để an ủi bản thân “Vẫn còn lại từ mùa sen năm ngoái/ Chút dư hương trong ấm trà trưa/ Và mềm mại bàn tay con gái/ Dệt tơ trăng chặn hơi lạnh ai lùa”.
 
Mùa hạ được xem là giai đoạn sen nở tưng bừng nhất. Thế nhưng, cái vị của sen, cái hồn của sen thì dắt díu nhà thơ Hồng Thanh Quang sang nhiều câu chuyện khác. Khi ngỡ đã tàn mùa sen cũ “Những mùa hạ đã làm sen úa/ Máu thanh xuân ta còn giữ trong mình/ Em lại sẽ trẻ trung và cất tiếng/ Nhẹ nhàng gọi lại bình minh” thì lại thấy bâng khuâng mới "Thấm sâu nỗi nhớ vào hương cốm/ Gói hờ nhan sắc lá sen tơ”. 


Tập thơ “Chút sen còn lại” của Hồng Thanh Quang

Với nhà thơ Hồng Thanh Quang, sen biểu tượng cho một vẻ đẹp hư ảo “Hồ Tây nắng đắm chìm sương/ Anh đi rối lẫn trăm đường vẫn em/ Muộn đời, thương cũng đành im/ Đầm sen héo tím nhịp tim sâm cầm”, nên đôi khi không nhìn thấy sen cũng thảng thốt “Trong mơ phả lại hương bùn/ Trời oi mà bõng dưng run lạnh người”.
 
Như một gã đàn ông yêu sen đích thực, nhà thơ Hồng Thanh Quang nhận diện giá trị của sen trong hoàn cảnh khắc nghiệt “Bão thì mặc bão, sen vẫn nở/ Trắng hồng hòa trọn những niềm thương/ Chấp gì tà khí tâm thế bé/ Dịu dàng tỏa ngát một phòng hương”. Thậm chí, trong đại dịch Covid-19 thì giá trị của sen cũng góp phần nâng đỡ tinh thần con người: “Vẫn ngát một làn hương/ Thơm cả vào tiếng khóc/ Không thể nào làm khác/ Giúp đời sát vực sâu/ Đành rực hồng thêm sắc/ Cho cái nhìn bớt đau”.
 
Dành một tập thơ để ca ngợi sen, nhà thơ Hồng Thanh Quang có được những khoảnh khắc phiêu lãng: “Chốt em vào những không lời/ bốn mùa giai điệu đọng môi sen hồng”.
 
LÊ THIẾU NHƠN