(Chủ nhật, 15/05/2022, 05:49 GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang bắt đầu khẳng định tên tuổi từ truyện ngắn “Màu tím hoa mua” đầu những năm 70 cùng với truyện ngắn “Người cầm súng” của nhà văn Lê Lựu. Như một sự ganh đua hết sức tự nhiên, khi Lê Lựu có tiểu thuyết Mở rừng thì giới văn bút Văn nghệ quân đội đã hết sức ngạc nhiên với tiểu thuyết đầu tay Khoảng sáng trong rừng của nữ nhà văn.

Trước đó, Nguyễn Thị Như Trang quyết liệt đòi đi thực tế chiến trường, vào thẳng nơi bom đạn vì một câu nhận xét có phần sát sạt quá của Tổ trưởng văn xuôi Hải Hồ: “Như Trang viết salon quá”. Nhà văn ai chẳng giàu cá tính và từ câu nói ấy, Như Trang đã nằng nặc đòi vào chiến trường và đã có mặt ở những cung đường ác liệt nơi Trường Sơn sâu thẳm.
 
Trong chuyến đi lịch sử ấy, Nguyễn Thị Như Trang đến với các chiến sĩ trạm thông tin 17 ở làng Ho nơi rừng núi Quảng Bình. Nữ nhà văn bước vào cửa rừng, trời chưa tối đã đầy đom đóm bay dày đặc, chờn vờn bên các hố bom lạnh lẽo. Mệt mỏi. Bốn bề lặng ngắt không một bóng người. Một nữ nhà văn với xà cột gạo vắt ngang người và chiếc ba lô đủ thứ lỉnh kỉnh cứ thế tiến vào nơi rừng thẳm. Thật bất ngờ, từ cánh rừng lập lòe đom đóm nơi những gốc cây cụt ngọn do bị bom phạt ứa nhựa bầm máu ấy, một bóng người đột ngột tiến ra đón nữ nhà văn. Nguyễn Thị Như Trang như muốn òa khóc nơi rừng xanh núi đỏ. Người đón ấy chính là nhà thơ Trần Nhương. Khi ấy, Trần Nhương đương biên chế đi thực tế với bộ đội hậu cần ở chiến trường.
 

Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang
 
Nguyễn Thị Như Trang sinh ngày 31 tháng 12 năm 1939 tại xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Như là số phận đã sắp sẵn, từ đầu những năm 60, Nguyễn Thị Như Trang đã sớm trở thành phóng viên của báo Quân Bạch Đằng  - Quân khu 3 với vô số bài viết về quân và dân miền Bắc chiến đấu và lao động sản xuất. Với lợi thế cây bút nữ, Nguyễn Thị Như Trang đã đi vào nhiều ngóc ngách của đời sống một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng rất sâu sắc. Chính khoảng thời gian đó đã tích lũy những vốn sống đầu tiên cho chặng đường văn dằng dặc sau này. Những trang viết của Nguyễn Thị Như Trang đã dần dà lọt vào mắt xanh của các bậc trưởng lão Văn nghệ quân đội như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng...
 
Năm 1969, Nguyễn Thị Như Trang được điều về Văn nghệ quân đội. Hồi nhớ lại bước ngoặt này, Nguyễn Thị Như Trang đã viết: “Dựng xe ngoài bờ tường, tôi ghé mắt nhìn qua cái cổng sắt uy nghi, trong lòng cứ rộn lên những cảm giác thật khó tả, vừa vui vẻ phấn khởi, lại vừa e dè ngần ngại, nhưng phần e ngại thì còn nhiều hơn. Đầu gà hơn đuôi trâu, ở cơ sở có thể tôi đã ít nhiều tự tin, ngó lên nhìn xuống vẫn là những bạn bè điếc không sợ súng. Giờ lên đây, đứng ngấp nghé trước căn nhà đồ sộ, trong đó bao gồm những tên tuổi sáng giá tự nhiên thấy run quá, ngại quá. Phần nữa, mình lại là đàn bà - một người đàn bà độc nhất lạc lõng giữa cái thế giới nam nhi tài giỏi, uyên bác, phải nhẽ? Càng nghĩ càng thấy sợ, thấy run, lại cảm thấy cô đơn quá, nhưng muốn quay về thì đã muộn. Tôi hoảng đến mức mi mắt đã nóng lên thì vừa lúc anh Thanh Tịnh từ trong nhà mở cửa đi ra cùng một người cao lớn, trắng trẻo, răng hơi vổ. Anh Thanh Tịnh vai khoác cái túi vải đựng đôi vợt bóng bàn. Có lẽ họ vừa tan cuộc chơi ở câu lạc bộ đi ra. Hai người vừa đi vừa nói chuyện gì sôi nổi lắm. Họ không mảy may chú ý đến tôi. Nhưng anh Thanh Tịnh thì tôi đã được gặp được biết qua một lần anh về quân khu nói chuyện. Tôi bèn rụt rè gọi anh:
 
- Anh Thanh Tịnh. Anh Thanh Tịnh...
 
Anh Thanh Tịnh quay ra thấy tôi, vui vẻ mở cổng, rồi giới thiệu với người đứng cạnh:
 
- Nguyễn Khải này, đây là chị Như Trang, về đây cùng làm việc với bọn mình”.
 
Cái không khí Văn nghệ quân đội luôn là như thế.
 
Khi Nguyễn Thị Như Trang vào chiến trường đã phải gửi lại con nhỏ ở nhà. Đây không chỉ là trách nhiệm với đất nước mà còn biểu hiện cá tính một nhà văn. Nếu không như thế, không thể nào có được những trang viết nóng hổi từ tuyến lửa gửi ra miền Bắc. Càng ở nơi có đông các nam nhà văn nổi tiếng thì nữ nhà văn Nguyễn Thị Như Trang dường như càng có điều kiện để khẳng định mình. Nếu không như thế, không thể nào có được tập truyện ngắn có cái tên rất gợi: “Câu chuyện ở rừng” với những cảnh huống và nhân vật thanh niên xung phong, bộ đội, dũng sĩ nổi hẳn lên và sau này là tiểu thuyết về nữ chiến sĩ biệt động “Cây thông non”, “Biệt thự có giàn hoa tím” và “Đứa con bị ruồng bỏ”. Trong một cuộc điều tra về đọc sách ở các thư viện thành phố Huế đầu những năm 80, “Cây thông non” được chọn là sách có nhiều người đọc nhất.

Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang và các đồng nghiệp
 
Nguyễn Thị Như Trang có nhiều trang viết về đất nước Campuchia rất đặc sắc. Dường như đất nước này đã có được tình cảm đặc biệt của nữ nhà văn. Từ đau thương và mất mát đến tận cùng, từ những cảm thông chia sẻ và đặc biệt là trái tim phụ nữ vốn vô cùng nhạy cảm, “Nhật ký Phnôm Pênh” và tập truyện ngắn “Năm tháng qua đi”, “Điều không khắc vào đá” viết về những người lính tình nguyện chiến đấu trên đất bạn và nhất là về người dân xứ chùa tháp đã càng chứng minh tài văn của Nguyễn Thị Như Trang. Ở đâu ra một nội lực và nhất là trái tim ôm chứa bao trùm ấy. Có những lúc cánh nam nhà văn ở Văn nghệ quân đội đã phải tò mò, thậm chí là trầm trồ thán phục nữ đồng nghiệp với bề ngoài xinh xắn, hơi kiêu kiêu, một sức bút mạnh mẽ tới nhường ấy. Nguyễn Thị Như Trang còn kiêm quản mảng biên tập văn xuôi và cũng chính bà đã biên tập những trang viết tỏa sáng của những tên tuổi như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Dạ Ngân... một cách nhuần nhụy và nghiêm cẩn.
 
Nguyễn Thị Như Trang luôn tìm thấy niềm tin yêu và cả lẽ sống từ đồng nghiệp. Văn chương còn có thể khe khắt với nhau nhưng tình cảm con người dứt khoát phải luôn được cảm thông, chia sẻ. Đã có lúc lãnh đạo cơ quan không đồng tình việc này việc khác, nhưng như một ngọn lửa nhỏ, Nguyễn Thị Như Trang luôn biết cách sưởi ấm những khu vực giá băng vô cơn cớ ở xung quanh.
 
Không phải dễ dàng gì khi ở chung cơ quan với những ông anh như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Nguyên Ngọc... không chỉ văn chương lừng lẫy mà cá tính cũng vô cùng khác biệt. Song, Nguyễn Thị Như Trang đã rất biết cư xử tinh tế và mềm mại để những ông nước ông lửa ấy đằm dịu lại, sóng sánh và đong đầy hơn. Điều này không phải người đời ai cũng hiểu cho phía khuất khúc của miệng lưỡi thế gian.
 
Nguyễn Thị Như Trang từ trang viết đầu tiên “Màu tím hoa mua”, “Rặng cúc tần” năm 1969 đến những trang viết rực lửa chiến trường trong tập “Ánh lửa từ chân sóng”, tiếp tới những trang viết về thời cuộc những năm Đổi mới cho đến khi bà lặng lẽ bước sang thế giới của người hiền vẫn là một Như Trang hiền hậu, đằm thắm và dần dà buông bỏ. Không chỉ biết nhớ mãi trong tim óc những câu chuyện có khi là sống để dạ chết đem đi mà Nguyễn Thị Như Trang còn rất biết quên đi những ấm ức, thị phi, dớ dẩn ập vào bà trong cuộc sống. Càng về sau, bà càng lặng lẽ đến thu mình, chỉ ưa thích rút vào những trang văn của một thời, của nhiều thời. Đó cũng là bản tính của nữ nhà văn.
 
Luôn luôn hiểu biết tường tận về chính mình, luôn cảm thông và chia sẻ với những xộc xệch, sai sai của người đời, Nguyễn Thị Như Trang đã như một tấm gương lặng thầm không chỉ trong văn chương mà còn trong đời sống. Đã có không ít người luôn kêu mình chịu nhiều thua thiệt. Nguyễn Thị Như Trang chưa bao giờ kêu ca bất cứ điều gì. Đã có không ít người phải uốn éo ngòi bút để làm duyên, thậm chí để làm những việc mà khi bình tâm nhìn lại bỗng thấy thật chẳng ra sao, thì đã từ lâu, nữ nhà văn Như Trang đã nhận ra và kiên quyết không vướng vào cái bẫy tinh vi ấy. Chỉ một điều ấy thôi cũng rất đáng trân trọng nữ nhà văn áo lính - một chiến binh thầm lặng trong suốt cuộc đời cầm bút trên nửa thế kỷ của mình.
 
Ít ai biết Nguyễn Thị Như Trang từng là kế toán của một ty thương nghiệp và đến với văn học bằng vở kịch “Ông cửa hàng trưởng” giữa những năm 60. Vậy mà, hơn nửa thế kỷ miệt mài cầm bút, bà đã xuất bản 10 tập truyện ngắn, truyện vừa và 5 tập tiểu thuyết dày dặn về đề tài chiến tranh cách mạng và những vấn đề nhức nhối sau chiến tranh. Tiểu thuyết “Đứa con bị ruồng bỏ” được nữ nhà văn viết từ vụ án người mẹ đau đớn buộc phải cầm búa giết chết đứa con trai duy nhất của mình khi nó sa ngã, bất lương chính là những trang văn mạnh mẽ nhất vạch thẳng, lên án tình trạng suy thoái về nhân cách, đạo đức của lớp người trẻ tuổi trong xã hội đang dường như chênh chao, có lúc là mất phương hướng cũng là góp lên tiếng nói mạnh mẽ của nhà văn để cuộc sống hoàn thiện hơn, nhân văn hơn.
 
Nguyễn Thị Như Trang là như vậy, không chỉ là “Khoảng sáng trong rừng” êm ngọt nữa mà đã vùng đứng lên như một nữ thần tướng bảo vệ những mầm thiện đang bị cái ác bủa vây, bao bọc bốn bề.
 
Đó cũng là thiên chức, thiên lương của nhà văn.

Nhà văn Phùng Văn Khai