(Chủ nhật, 07/02/2016, 08:35 GMT+7)

Nhà văn Phùng Văn Ong sinh 1926 tại xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Năm 36 tuổi ông đã có tập truyện in riêng “Cha và con” – NXB Lao động  ấn hành. Trong số 6 giải thưởng và tặng thưởng VHNT từ trung ương đến địa phương, đáng chú ý  có những giải thưởng ông được tặng khi tuổi đời  đã vào tầm “thượng thọ” như tập truyện ngắn Vùng sâu – Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2004, truyện ngắn Một chuyện tình – Giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng năm  2005.

  Năm nay, ở tuổi 90, ông “vừa tự kiểm kê” gia tài văn chương  của một đời cầm bút bằng cách ra mắt Phùng Văn Ong Tuyển tập. Sách do NXB Văn học ấn hành với trên 1000 trang gồm 62 truyện ngắn, 1 truyện dài, 3 tiểu thuyết. Tuổi cao, những dòng chữ đề tặng bạn bè dưới ấn phẩm này tuy không còn thẳng hàng như xưa, nhưng đều toát lên sự cẩn trọng với đứa con tinh thần của nhà văn cùng tình yêu với bạn đọc

Căn cứ vào các tác phẩm trong Tuyển tập, cho thấy suối nguồn văn chương mà nhà văn Phùng Văn Ong được tưới tắm chính là hiện thực đời sống mà ông gắn bó từ khi ý thức được công việc của người cầm bút. Ông cũng có nhiều ảnh hưởng tinh thần văn học đề cao nhân cách con người từ “những người thầy” của ông như nhà văn Nguyên Hồng, nhà thơ Lê Đại Thanh …- những ngôi sao sáng của VHNT đất Cảng. Hoàn cảnh ra đời các tác phẩm của ông không chỉ cung cấp cho bạn đọc  hình dung công việc bếp núc của nhà văn như quá trình hình thành nhân vật từ các nguyên mẫu trong gia đình, dòng họ, ngoài xã hội mà còn chứng tỏ sức đi, sức viết, những trải nghiệm, chắt chiu vốn sống và khả năng thể hiện ý tưởng nhân văn. Chặng viết đầu tiên ông dành nhiều cho lĩnh vực của ngành y tế - nơi mà ông gắn bó còn với tư cách cán bộ thi đua  của Sở Y tế Hải Phòng những năm tuổi trẻ. Những truyện ngắn ấy không chỉ ca ngợi con người, sự việc của đội ngũ áo trắng mà còn là bức tranh y tế Hải Phòng một thời có cả y bác sĩ, đồng nghiệp  nước ngoài đồng cam cộng khổ. Ông nói hộ lòng biết ơn của người Hải Phòng về sự hợp tác quý báu ấy. Sau đó, ông tự mở rộng biên độ sáng tác của mình, đã làm nhiều hơn cái công việc rất cực nhọc nhưng mang dấu ấn cá nhân của  người sáng tác văn học. Đó là viết tất cả những gì ông quan sát, cảm nhận và trải nghiệm từ cuộc sống như là một phương pháp thanh lọc tâm hồn mình. Theo đó, đối tượng sáng tác mà nhà văn hướng tới cũng rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức, công nhân lao động, người già, nghỉ hưu… Văn phong  của ông chậm rãi,  đi vào chi tiết, thậm chí có hơi hướng hoài cổ. Bạn đọc như thể đang đối ẩm và nghe ông kể  về những nhân vật của ông hồi tản cư, sơ tán, thời bao cấp, thời kinh tế thị trường. Nhà văn Nguyễn Quang Thân từng nhận xét khi đọc tập truyện Nỗi ám ảnh không nguôi của ông: “Truyện ngắn của anh không làm người ta choáng ngợp của văn chương, chữ nghĩa mà rung động xót xa vì thân phận con người trong những cuộc vật đổi sao dời hàng thập kỷ gần đây”. Nhưng, bên cạnh nỗi niềm xót  xa ấy còn sức gợi mở về tự hoàn thiện mình của mỗi nhân vật. Điều này còn rất đúng nếu đọc với tất cả các sáng tác văn xuôi của nhà văn Phùng Văn Ong, nhất là  ở nhiều tập truyện ngắn khác nhưCha và con, Chuyện gia đình, Vùng sâu… hoặc trong truyện dài  Số phận nghiệt ngã.  Mỗi truyện đều có những chi tiết, hình ảnh có sức ám ảnh khó quên dù ông đề cập về gia đình hạt nhân truyền thống hay tình yêu đôi lứa, tình bạn bè, anh em đồng chí hay  các mối quan hệ xã hội khác.  Cũng trong Tuyển tập này, nhà văn Phùng Văn Ong gây bất ngờ về cái duyên hài hước, dí dỏm ở một số truyện  cực ngắn như  Ông ấy là thầy giáo, Lời điếu đọc trước người sống, Thầy giáo chúng ta “trời quá”, Thật dại dột, Chỉ tại cái rốn… Mỗi truyện lại có những đúc kết mang tính triết lý về sự tử tế, về tâm thế làm người. Ví dụ như truyện Ông ta là thầy giáo miêu tả một thầy giáo đến khám bệnh bị giáo sư  bác sĩ (vốn là học sinh cũ của mình) chối bỏ tình cảm bằng câu nói vô sỉ: “Tôi đã phải xưng là thầy trò với ông ta  suốt ba năm học cấp hai rồi. Bây  giờ cũng phải thôi đi chứ, chả nhẽ cứ phải thầy thầy, trò trò với ông  ấy đến lúc chết hay sao”?. Hay ở truyện Thầy giáo của chúng ta “trời” quá. Từ câu chuyện có thật nhà thơ Lê Đại Thanh và khoản nhuận bút 30 nghìn đồng (những năm 80) đem gửi tiết kiệm để lấy lãi uống cà phê, nhà văn Phùng Văn Ong đã khắc họa đầy đủ chân dung và cốt cách nhà thơ Lê Đại Thanh khi ông ứng xử với đồng tiền một cách dí dỏm. Ông cho đi tất cả số tiền trên với câu triết lý rất nghệ sĩ, chỉ có ở nhà thơ như Lê Đại Thanh: “Có tiền bận bịu lắm, cứ phải nghĩ  đến nó, nghe người khác hỏi đến nó. Rồi mình lại luôn phải sờ túi mình nữa chứ”. Có thể nói, nếu sắp xếp cho gọn gàng thì chùm truyện cực ngắn cũng là nét duyên của Tuyển tập.

 Hiện thực phản ánh trong sáng tác của Phùng Văn Ong trải rộng, nhưng tựu trung nhiều nhất  vẫn là về Hải Phòng. Trong mảng truyện ngắn, bạn đọc bắt gặp nhiều địa danh quen thuộc, nhiều hình tượng nhân vật mang cốt cách Hải Phòng thì ở thể loại tiểu thuyết mà ông thử sức, đất và người Hải Phòng được ông thể hiện với tất cả tình cảm thân thương, trìu mến. Nếu Chuyện ở xã với dung lượng đáng kể về cách nghĩ cách làm, đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, khát vọng vươn lên của người Hải Phòng trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp thập kỷ 80, thì  trước đó, ông cũng thể hiện trách nhiệm  của một nhà văn - công dân Hải Phòng qua các tiểu thuyết Chiến hào, Giữa lòng thành phố ở bối cảnh lịch sử khác. Trong tiểu thuyết Giữa lòng thành phố, hiện thực Hải Phòng trước năm 1955 - thành phố bị tạm chiếm hồi kháng chiến chống Pháp được ông tái hiện chân thực. Hải Phòng trong cảnh “phát xít Nhật thua trận, Pháp trở lại, rồi chính quyền bù nhìn ra đời, người ngay kẻ gian, mật vụ Pháp - ngụy và cán bộ hoạt động nội thành ở mọi nơi mọi chỗ” không chỉ có âm thanh tiếng đàn violon bản Sô nát ánh trăng và mối tình lãng mạn, ngang trái của một nhạc công và cô gái nhảy.   Đó còn là chân dung sinh hoạt, tinh thần chiến đấu không phân biệt tầng lớp cư dân. Họ là người Hải Phòng hay từ nơi khác đến Hải Phòng, tuy khác nhau về thành phần xuất thân, nhưng tất cả đều sáng rõ tinh thần yêu nước, bảo vệ thành phố. Những trang viết về sự đồng cam cộng khổ, những hy sinh, mất mát của lực lượng hoạt động nội thành, trong các tổ kháng  chiến, đội tuyên truyền văn nghệ bảo vệ cán bộ, góp phần vào những trận đánh trong nội thành thực sự gây xúc động và tự hào trong người đọc về Hải Phòng thời kỳ ấy. Đó cũng là khía cạnh tư tưởng rất tích cực của nhà văn khi phản ánh hiện thực đời sống. 

Viết văn, đành là chấp nhận cực nhọc và phải đam mê. Song, với nhà văn  Phùng Văn Ong, Tuyển tập lần này  là minh chứng về sức bền bỉ của một cây bút có trách nhiệm xã hội, một nhà văn không cam phận “lão giả an chi”. ý nghĩa từ gia tài văn chương của ông là chỗ không chỉ góp phần làm phong phú hơn diện mạo văn xuôi Hải Phòng mà như nhận xét của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng: “Đó còn là những tác phẩm ghi dấu ấn cá nhân của một cây bút trưởng thành từ phong trào cơ sở”, thật đáng trân trọng./. 

ANH THƠ