(Thứ năm, 20/04/2023, 05:24 GMT+7)
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, không hiếm sự thân thiết, tri kỷ giữa nhà văn và chính khách đã trở thành huyền thoại, song với cánh nhà văn trẻ chúng tôi, sự gắn bó giữa nhà văn Lê Lựu và Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Phạm Thọ thật vô cùng đặc biệt. Ông Phạm Thọ trải qua bốn kỳ Ủy viên Trung ương Đảng, từng đảm đương các cương vị quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, khi tách tỉnh làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, khi diễn ra tình hình phức tạp ở Thái Bình, ông được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1997-2000), tiếp đó làm Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương tới khi nghỉ hưu.
 
Điều đặc biệt nhất trong khoảng thời gian ông làm Bí thư các tỉnh đều gắn bó chặt chẽ với nhà văn Lê Lựu, thường mời các nhà văn, nhất là Lê Lựu tới địa phương trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề nóng, mới, khó, phức tạp ở cơ sở. Có lẽ vẻ ngoài Lê Lựu lúc nào cũng tất bật như ông thợ cày mới từ cánh đồng chiêm bước lên và điều đặc biệt là nhời ăn nhẽ nói của Lê Lựu vô cùng hợp với các bác nông dân nhà mình, nhất là các bác các thím nông dân mới rời tay súng trở về quê mạc cầm cuốc cầm cày nên gắn bó và đã làm được một số việc có ích cùng ông chăng?
 
Khi chúng tôi trò chuyện với ông Phạm Thọ mới thấy tình cảm đặc biệt ông dành cho nhà văn Lê Lựu. Ông bảo khi nghe tin nhà văn mất, ông đã lặng người đi thương tiếc và lập tức về quê Lê Lựu viếng người tri kỷ. Ông thức trắng đêm tìm lại những câu chuyện, sách báo, ký ức về Lê Lựu. Ông đem ra cho chúng tôi xem những bài viết, tiểu thuyết của Lê Lựu in từ thập kỷ tám mươi đã cũ sờn, vàng úa, có chữ thủng lỗ chỗ không đọc được chậm rãi nói: “Tôi với anh Lê Lựu gắn bó sâu sắc lắm. Không có anh Lê Lựu giúp đỡ, thật chưa biết vụ việc ở Thái Bình năm 1997 sẽ còn phức tạp, rối ren đến thế nào”.
 
Ông Phạm Văn Thọ nói về Trung tâm Văn hóa Doanh nhân
 
Ông say sưa nhưng khúc triết nhắc lại từng việc không đáng có đã xảy ra ở Thái Bình. Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một cuộc họp Bộ Chính trị để xem xét điều chuyển, bổ nhiệm bí thư tỉnh ủy Thái Bình trước tình hình rất phức tạp ở đây khi 264/287 xã, phường, thị trấn đã có biểu hiện chính quyền không còn làm chủ được tình hình trước các khiếu kiện của nhân dân đã rất cân nhắc. Dân tụ tập đông người tràn vào các trụ sở công quyền khiến chính quyền tê liệt. Chính quyền thôn, xã, phường, thị trấn nhiều nơi phải họp ở cánh đồng để làm việc. 9 đồng chí Chủ tịch xã bị dân hành hung, có người phải nhập viện rất nguy kịch. Tình hình mỗi lúc mỗi căng. Các ý kiến đều cho rằng phải cử một đồng chí trong Bộ Chính trị về làm Bí thư tỉnh ủy, song Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng với Thường trực ban Bí thư đã quyết định điều chuyển Bí thư Hải Dương là Phạm Thọ sang Thái Bình giữ chức Bí thư vì rất tin tưởng khả năng của vị Bí thư tỉnh ủy luôn được nhân dân Hải Hưng (cũ), Hải Dương, Hưng Yên (mới) quý mến. Đây là một quyết định rất sáng suốt của Bộ Chính trị. Chỉ sau hơn ba năm, tình hình Thái Bình không chỉ yên ổn trở lại mà niềm tin của các tầng lớp nhân dân ở đây dành cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí “Bí thư của nhân dân” Phạm Thọ cũng thật đặc biệt.
 
Nhưng ở thời điểm đó là hết sức gay go.
 
Khi nhận quyết định điều động, với bản tính của mình, nhất là khi được báo cáo đã có tới 264/287 xã, phường, thị trấn, nhân dân ngày đêm kéo tới các trụ sở chính quyền rất bức xúc đòi gặp lãnh đạo các cấp để giải quyết các vấn đề bất cập,  Bí thư Phạm Thọ lập tức lên đường. Nhà văn Lê Lựu trước đó đã ăn ở hàng tháng trời, đi khắp các điểm nóng trong dân, hôm đó đã cùng với Bí thư Phạm Thọ có mặt trong buổi gặp đầu tiên của bí thư tỉnh ủy với bà con nhân dân tại hội trường tỉnh ủy. Cũng phải nói thêm rằng, khi xe của bí thư Phạm Thọ đến cổng tỉnh ủy đã bị đám đông vây kín không thể vào được. Quay ra cũng không được. Đã có người quá khích nhảy lên nóc xe đấm thùm thùm khiến lái xe và bảo vệ rất lo lắng.
 
Trước tình hình đó, Bí thư Phạm Thọ xác định phải gặp nhân dân càng sớm càng tốt. Cổng chính không vào được, ông cùng với anh em tìm cách lùi xe đi đường tắt, con đường mà các chị cấp dưỡng thường đi chợ mua rau quả để vào tỉnh ủy, xe ô tô gửi ở nhà dân.
 
Vừa vào được khu nhà bếp đã thấy nhân dân hô khẩu hiệu ầm ầm bên ngoài, nhất quyết phải đòi gặp bằng được “ông đầu bạc”. (khi đó Bí thư Phạm Thọ mới ngoài 50 tuổi nhưng đầu đã bạc trắng). Ông bình tĩnh bảo đồng chí Chánh văn phòng hãy mở cửa hội trường mời đại diện của các xã và nhân dân vào, Bí thư tỉnh ủy sẽ lắng nghe các ý kiến của nhân dân.
 
Có lẽ chưa bao giờ hội trường lớn của tỉnh có cuộc gặp mặt đặc biệt như thế. Đại diện của 28 xã lần lượt đứng lên trình bày, báo cáo, kiến nghị, nêu vụ việc, đề nghị, đề xuất hàng trăm việc sát sườn, bức xúc với nhân dân. Bí thư Phạm Thọ chăm chú lắng nghe từng người một. Trong lúc đó, nhà văn Lê Lựu chen trong đám đông chật cứng, ghi chép, hỏi những chỗ nóng nhất và mau chóng tìm người chỉ huy, dẫn dắt việc tụ tập khiếu kiện sôi sục bấy lâu nay. Chẳng hiểu bằng cách nào, chỉ qua vài câu nói, và nhất là trước sự ngờ ngợ của người đối thoại cứng rắn như bức tường thép, Lê Lựu rút tấm thẻ đại tá nhà văn có ảnh của mình ra. Vị kia chỉ nhìn lướt qua đã lập tức ôm chầm ông nhà văn tóc xoăn mồ hôi mồ kê nhễ nhại. “Lê Lựu! Đúng thằng Lựu rồi! Sao ông lại ở đây? Ông đến nơi nước sôi lửa bỏng này để làm gì?”. Lê Lựu lập tức nhận ra người đồng đội cũ từng chiến đấu ở các trọng điểm trên tuyến lửa Trường Sơn. Lê Lựu bỗng nước mắt giàn giụa: “Trời ơi! Sao lại khổ thế này…”. Ngòi nổ có thời cơ được tháo rồi! Lê Lựu, bằng phẩm chất nông dân đặc sệt, phẩm chất người lính từng vào sinh ra từ nơi chiến trường đã ngay lập tức đồng cảm và chia sẻ, cùng với vị đứng đầu đám đông dẫn dắt câu chuyện đi theo một chiều hướng thuận mà nhiều tháng trời, các đoàn công tác của trung ương và địa phương chưa tìm được lối ra.
 

Tác phẩm “Ở quê ngày ấy” của Nhà văn Lê Lựu viết về những ngày tháng ông ở Thái Bình cùng Bí thư Phạm Văn Thọ
 
Ở bên trên hội trường, ông bí thư đầu bạc cũng hết sức chăm chú lắng nghe tất thảy các ý kiến của quần chúng nhân dân. 28 xã với hàng trăm ý kiến, thậm chí cả những cáu gắt, căm phẫn, cộc cằn… đồng chí bí thư đều không bỏ sót bất kỳ ý kiến nào. Cuộc họp kéo dài quá 12 giờ trưa. Cốc nước lọc đã mấy lần phải rót thêm. Bụng ai cũng đói ong óc nhưng nhân dân vẫn còn chưa muốn dừng lại. Các đồng chí trong đoàn, nhất là anh em ở tỉnh ủy ai cũng ái ngại, bồn chồn, áy náy không yên khi buổi công tác đầu tiên của Bí thư tỉnh ủy mới lại diễn ra như vậy. Song, “ông đầu bạc” vẫn tươi tắn lắng nghe dân nói và ra hiệu với anh em cứ tiếp tục cuộc họp. Ông Bí thư nhiều lần nhìn xuống ông nhà văn chốc chốc tươi cười bắt tay vị lão nông này, lại quàng vai bá cổ thân thiết với ông cựu binh khác và hiểu rằng Lê Lựu đang khẩn trương dân vận, tranh thủ từng phút như ở nơi chiến trận để nắm bắt, giải thích, thậm chí là giải quyết những vướng mắc bất cập ngay tại hội trường.
 
Trong lòng ông Bí thư bỗng rộn lên một điều gì khó tả. Đúng! Chỉ có lắng nghe nhân dân đến tận chân tơ kẽ tóc mới có thể giải quyết yên ấm mọi việc. Nhân dân hàng nghìn, hàng vạn người không phải bỗng đâu họ bỏ cuốc bỏ cày, bỏ luống khoai đang mọc mầm, vạt ngô đang vươn lá mà công không ngày này ngày khác đeo bámchốn công quyền để làm gì? Họ là ai? Họ chính là đồng đội từng vào sinh ra tử cùng chúng ta mới vừa buông tay súng về nơi đồng ruộng. Họ là ai? Họ chính là những nữ thanh niên xung phong đằng đẵng chiến trường bom đạn, nay quá lứa nhỡ thì trở về đồng bãi cũng chưa được yên hàn mới ra nông nỗi. Họ là ai? Họ chính là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt của chúng ta. Thái Bình quê hương Cách mạng, Thái Bình quê hương Năm tấn lúc nào cũng đi đầu, đi trước, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người sao bỗng chốc hôm nay bà con nhân dân phải uất ức kéo tới chốn công quyền thì rõ ràng vấn đề không phải nhỏ. Họ kéo đến chính là để họ dạy cán bộ chúng ta!
 
Nhìn cái dáng tất tả, mồ hôi nhễ nhại, bàn tay chốc chốc vuốt lọn tóc xoăn rồi lập tức cầm bút ghi lia lịa vào cuốn sổ, cái miệng tươi tắn luôn nói những điều mà các ông bà nông dân chờ đợi, còn biết nghe, biết hỏi lại, biết giải quyết tại chỗ không ít việc có ích cho dân chính là gợi ý lớn nhất để ông bí thư đầu bạc lóe lên trong đầu nhận định: “Họ kéo đến chính là để họ dạy cán bộ chúng ta!”.
 

Ông Phạm Văn Thọ và nhà văn Phùng Văn Khai
 
Và trong suốt thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Phạm Thọ đã rất thấm thía điều này. Phương châm đúng đắn đã lập tức được chia nhau ra hành động. Bí thư Phạm Thọ cùng với nhà văn Lê Lựu đi khắp các huyện, rất nhiều xã trong tỉnh lắng nghe dân nói và chỉ thị phải đối thoại với dân, phải đồng loạt nắm bắt tình hình, có kế hoạch toàn diện để các cấp chính quyền giải quyết những khiếu kiện, bức xúc đúng đắn của nhân dân, chính quyền phải phục vụ nhân dân.
 
Cái sự đúng đắn tưởng chừng ai cũng nhìn nhận được ấy mà có không ít người, thậm chí cấp cao trong các đoàn công tác đã không nhìn ra. Họ e dè, nghi ngại, thậm chí là phản biện lại không theo lẽ phải phục vụ nhân dân cũng đã xuất hiện trong thời gian ấy.
 
Những lúc như thế, ông bí thư đầu bạc và ông nhà văn tóc xoăn lại chụm vào nhau, phân tích, phán đoán, đặt ra các tình huống và nhất là đặt mình vào vị trí thấp cổ bé họng của mỗi người dân để tìm câu trả lời. Cuối cùng thì chân lý, nhất là niềm tin và lẽ sống đúng đắn của quần chúng nhân dân đã mở ra sự hanh thông để “vụ việc Thái Bình” dần dần an yên, ổn định và phát triển. Đây cũng là một bài học lớn của chúng ta.
 
Ông bí thư đầu bạc bỗng ngồi lặng đi khi chúng tôi nhắc về nhà văn Lê Lựu. Ông bảo, đại ý rằng, nhà văn Lê Lựu không chỉ là một nhà văn lớn với những Mở rừng; Thời xa vắng; Một thời lầm lỗi; Sóng ở đáy sông… mà còn là một người rất có tâm và rất có tầm, nhất là tầm nhìn trong việc đảm bảo sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhà văn đến với nhân dân, ăn ở cùng nhân dân không chỉ để giải quyết những bức xúc nhất thời của họ, mà cái chính yếu, cái căn cốt là tìm con đường đi thuận chiều, lâu dài, bền vững cho nông dân.
 
Mà bây giờ Lê Lựu đã xa rồi!
 
Chúng tôi ngồi lặng đi, bên vị chính khách tóc đã bạc trắng từ ngày năm mươi tuổi, đến nay đã suýt soát tám mươi vẫn là mái đầu trắng ấy khi rưng rưng nhớ về nhà văn nông dân Lê Lựu vừa mới trở về với đất đai đồng cói quê hương.
 
Và văn và chính khách, và chúng ta, tất thảy đều đã và đang đi trên con đường lớn, không chỉ bằng niềm tin cách mạng, mà còn là trí tuệ và những đóng góp ngày thường hữu ích của mình.
 
Bút ký Phùng Văn Khai / Tạp chí Văn hóa Doanh nhân