(Thứ sáu, 10/12/2021, 12:23 GMT+7)

Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, là một trong mười sáu vị Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Phùng Quang Thanh trưởng thành từ Binh nhì phấn đấu trở thành Đại tướng trong sự trưởng thành chung của quân đội ta. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều sự kiện, dấu mốc lớn của quân đội và đất nước. Để ghi nhận những đóng góp của vị tướng anh hùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức biên soạn tập sách Đại tướng Phùng Quang Thanh - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.

Buổi Lễ ra mắt và trao tặng sách Đại tướng Phùng Quang Thanh - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp sẽ được tiến hành từ 8h30 đến 11h00 ngày 12 tháng 12 năm 2021, tại Thư viện Quân đội, 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội. Nhân dịp này, Hội đồng họ Phùng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một số bài viết trong tập sách do các thành viên Hội đồng viết.

NHỚ MÃI VỀ ANH,
ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH

Những cuộc gọi giữa khuya hoặc lúc mờ sáng thường mang đến những thông tin “lành ít dữ nhiều”. Cho nên, mỗi khi nhận cuộc gọi vào thời khắc ấy, trong tôi lại dấy lên những cảm xúc bất an cùng những hình ảnh liên tưởng bất trắc. Cũng có thể xem đó là những cuộc gọi định mệnh.

Lúc này, tôi vẫn còn nhớ như in cuộc gọi vào ngày 11 tháng 9 năm 2021. Lúc ấy khoảng chừng 5 giờ sáng, trời Sài Gòn còn đang trong mờ tối, tôi còn trong trạng thái ngái ngủ thì chuông điện thoại bất ngờ reo vang. Một thoáng giật mình, không trì hoãn, nhưng trực giác như mách bảo có chuyện gì chẳng lành. Thế rồi, trong lúc tôi chưa kịp bắt máy một dòng tin nhắn từ anh Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tich Hội đồng họ Phùng Việt Nam trôi đến: “Anh Thanh đã đi lúc 3 giờ 45 rồi chú!”

Anh Thanh, tức Đại tướng Phùng Quang Thanh đã mất vào lúc 3 giờ 45 phút ngày 11 tháng 9 tại nhà riêng số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Dòng tin nhắn như một luồng điện chạy ngang, khiến tôi thật sự bàng hoàng và xúc động! Tôi ngồi xuống thẫn thờ, tự trấn an lại mình. Đó là điều mà cá nhân tôi cũng đã tiên liệu trước, nhưng vẫn cứ thấy bất ngờ và cảm giác mất mát là có thật. Thời gian gần đây, tình hình sức khỏe anh Thanh được chúng tôi cập nhật thường xuyên. Dẫu biết rằng mất lúc này sức khỏe của anh không được tốt, nhưng biết anh đang được điều trị tích cực, chúng tôi vẫn luôn hy vọng, cầu mong một phép màu, nói như ông bà mình là “còn nước còn tát”. Nhưng không ngờ anh đã ra đi nhanh như vậy!

Một sự hụt hẫng đã xâm chiếm lấy tôi trong thời khắc này!

Quả thật, bất kỳ sự ra đi nào của những người thân yêu, luôn mang đến cho chúng ta sự hụt hẫng buồn thương, dẫu ai cũng biết ai rồi cũng có một chuyến đi dài. Nhưng với anh Thanh - Đại tướng Phùng Quang Thanh mà nói thì với tôi lại có những cảm xúc rất đặc biệt.

Trước đây, qua các kênh thông tin đại chúng, hiểu biết của tôi về anh lúc bấy giờ thật đơn giản, như bất kỳ một công dân nào. Phùng Quang Thanh là một người con họ Phùng, là một chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một vị tướng lĩnh tài ba, mưu lược, dũng cảm và là người nắm vai trò trọng trách cao nhất trong lĩnh vực quân sự của đất nước với quân hàm Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Đại tướng Phùng Quang Thanh

Chỉ có thể thôi. Biết và thầm ngưỡng mộ, như lòng biết ơn bao vị tướng khác, bởi Việt Nam là đất nước đi lên từ chiến tranh, đất nước của những vị tướng. Thú thật, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng trong cuộc đời mình sẽ có dịp nào đó được gặp gỡ và trò chuyện cùng anh - Đại tướng Phùng Quang Thanh. Thế mà như có sự sắp đặt của số phận, “duyên lành” cũng đã đến.

Tôi còn nhớ mãi ngày ấy. Đó là ngày 25 tháng 7 năm 2018 tại Khu Du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đã diễn ra buổi gặp gỡ, họp mặt bà con họ Phùng trên quy mô toàn quốc, và Hội đồng họ Phùng Việt Nam được chính thức thành lập (tiền thân là Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam).

Bà con họ Phùng từ hơn 34 tỉnh, thành trên cả nước đã về dự họp đông đủ và phấn khởi tột cùng. Vợ chồng tôi cũng đã có dịp tham dự cuộc gặp gỡ trọng đại này với tư cách là đại diện cho bà con họ Phùng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Phùng Quang Thanh - người con em của dòng họ Phùng cũng đã về dự với tư cách là khách mời đặc biệt trong ngày gặp gỡ lòng trọng ấy. Cái duyên để tôi có dịp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện cùng anh cũng bắt đầu từ đây.

Sau này có dịp ngẫm nghĩ lại, tôi thấy hạnh phúc khi được sống trong cái không khí dòng họ ấy. Dẫu biết, trên dải đất hình chữ S này, còn biết bao dòng họ hào kiệt khác, dòng họ nào cũng đáng quý, đáng tự hào. Nhưng khi mình ý thức được dòng máu của họ tộc thì trách nhiệm công dân càng nâng cao hơn. Họ Phùng của chúng tôi, với những tên tuổi như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, Thái Phó lưỡng triều Phùng Tá Chu, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan… đều là những danh nhân hào kiệt đáng cho hậu thế học tập. Rồi sau này, những tên tuổi như bác sĩ Phùng Văn Cung, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Đại tướng Phùng Quang Thanh… cũng là những con người đi vào lịch sử dân tộc. Với riêng Phùng Quang Thanh, một cuộc đời trưởng thành từ binh nghiệp, một vị tướng đúng nghĩa, lại càng đáng ngưỡng vọng.

Có thể nói, gặp được Đại tướng Phùng Quang Thanh với tôi là nhân duyên. Sau lần gặp ấy, tôi càng có dịp gặp và nói chuyện với anh nhiều hơn về những phần việc liên quan đến các hoạt động của họ tộc Phùng, mà ở đó anh được mời tham gia là Thành viên Ban Cố vấn và tôi là Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam phụ trách phía Nam.

Năm 2019, có dịp đi công tác tại Hà Nội, tôi được cùng các anh em trong Hội đồng họ Phùng đến thăm anh và gia đình tại nhà riêng vào buổi chiều theo lời lời hẹn của anh chị. Buổi gặp gỡ trong vòng 90 phút nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Tôi càng có dịp để hiểu và cảm nhận về anh rõ ràng hơn. Có thể nói anh là con người có tầm vóc to lớn đối với đất nước, cũng là người con ưu tú của dòng tộc họ Phùng. Nhưng trong đời thường anh thật sự bình dị, gần gũi và chân tình đến không ngờ. Đó cũng là điều khiến tôi cảm thấy tò mò thú vị. Tôi muốn biết những khoảnh khắc đời thường của một vị tướng “hét ra lửa” là như thế nào. Tôi chưa có dịp diện kiến anh chỉ huy công việc, nhưng con người đời thường thì hồn hậu, lan tỏa năng lượng yêu thương.

Anh Phùng Quang Thanh đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của dòng họ cũng như bà con ở mọi miền của đất nước. Anh cũng đã góp nhiều công sức, vật chất để tôn tạo, xây dựng các công trình có ý nghĩa của dòng họ Phùng.

Mỗi dịp trao đổi với tôi, anh luôn nhắc nhở cần động viên bà con trong họ tộc tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung sức chung lòng để cùng xây dựng dòng tộc mạnh mẽ, phụng sự đất nước ngày càng hùng cường, tiến bộ.

Một dấu ấn mà tôi mãi không quên được về sự quan tâm của anh đến họ tộc, ấy là ngày anh em, con cháu họ Phùng phía Nam làm Lễ Ra mắt họ Phùng Khu vực phía Nam (ngày 9 tháng 10 năm 2020 tại Nhà Khách T78 tại thành phố Hồ Chí Minh). Vì điều kiện sức khỏe anh không thể vào dự cùng bà con họ Phùng phía Nam được nhưng anh vẫn rất quan tâm, anh trực tiếp nhắn tin cho tôi chúc mừng và chuyển lời thăm hỏi đến anh em, con cháu họ Phùng trong ngày hội quan trọng này. Anh cũng không quên gửi lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Lễ ra mắt. Thật cảm động và là hình ảnh khó quên đối với anh em họ Phùng phía Nam của chúng tôi.

Đại tướng Phùng Quang Thanh ra đi trong những ngày Việt Nam chống chọi với đại dịch Covid-19. Nỗi đau riêng và thương tiếc chung cùng hiện diện trong cuộc chia ly này. Chia tay giã biệt anh, lòng mong muốn đến tận nơi để thắp nén hương thơm tiễn anh về cõi vĩnh hằng, nhưng tôi lại ở trong “tâm dịch” thành phố Hồ Chí Minh, những đường bay còn đang xếp cánh, cho nên đành ngậm ngùi mà tiễn biệt anh từ xa, từ trong tận đáy lòng.

Kính tiễn anh. Xin hẹn được viếng thăm mộ anh trong một ngày gần nhất.

Nhớ mãi về anh với lời dặn dò về trách nhiệm của người con em họ Phùng ở miền Nam, tôi hứa sẽ cố gắng không làm anh thất vọng.

Mong anh yên nghỉ trong thanh thản!

(Thạc sĩ Phùng Quốc Mẫn
Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam)

ĐẠI TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH

Tôi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cung cấp Quốc phòng của thành phố Đà Nẵng, có một số suy nghĩ về Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Có lẽ, tôi ít được gặp hoặc trực tiếp làm việc với Đại tướng Phùng Quang Thanh vì lĩnh vực quản lý khác nhau, một bên là quân đội, một bên là kinh tế. Song, có một số lần, nhất là thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp, tôi được gặp Đại tướng một vài lần. Vì hai lẽ: do công việc nên phải theo dõi để có thông tin; cùng dòng họ Phùng với nhau. Nên bản thân tôi rất vinh dự và tự hào bởi dòng họ Phùng có một vị lãnh đạo tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những lần được vinh dự gặp và làm việc trực tiếp với Đại tướng Phùng Quang Thanh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc:

1. Tôi biết, ông là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được đào tạo bài bản không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Ông đã từng được đào tạo tại Học viện thực hành Liên Xô, là học viên của Học viện Quân sự cấp cao, Học viện Vôrôsilốp. Ông đã trưởng thành trong thực tiễn, chiến đấu, từ cấp chiến sĩ đến cấp Đại tướng và đã trải qua các chức vụ từ cấp Trung đội đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này được nhắc đến trong cuốn sách Trường Sơn huyền thoại của Thiếu tướng Hoàng Kiền viết về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (địch gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), mà qua chiến dịch này, Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Phùng Quang Thanh là tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu quả cảm. Đại tướng luôn là người chỉ huy quân đội mẫu mực. Bất cứ ở đâu, trên cương vị nào, Đại tướng cũng để lại dấu ấn trong công tác, từ việc đổi mới tư duy nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan rộng lớn, đến việc xử lý tốt các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng, ưu tiên phát triển kinh tế với phát triển quốc phòng, cụ thể là luôn quan tâm đến quân đội và đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho quân sự để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực, thế giới và giữ yên đất nước, như trang bị tàu ngầm, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và tình cảm tốt đẹp đó đã đến với cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân và công tác. Tất cả những suy nghĩ, hành động và việc làm của Đại tướng đã nói lên tấm lòng cao quý và trí tuệ của người con họ Phùng Việt Nam.

2. Đối với thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5, có lẽ có nhiều điều ấn tượng về Đại tướng. Song, tôi nhớ, hôm đó là chiều ngày 7 tháng 7 năm 2014, tại Đà Nẵng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Tại buổi làm việc, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5, đã báo cáo với Bộ trưởng những kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2014 và kế hoạch 6 tháng cuối năm của quân khu.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ghi nhận, biểu dương, đánh giá những kết quả mà Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đạt được và yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh và xây dựng trận địa lòng dân vững chắc. Bộ trưởng lưu ý, Quân khu 5 là đơn vị đứng chân trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đây là vùng đất “trung dũng, kiên cường” đã chịu nhiều tổn thương, mất mát, hy sinh trong chiến tranh. Vì thế, lực lượng vũ trang Quân khu 5 phải chủ động thực hiện và giải quyết tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội và các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng cứu nhân dân phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Điều này thể hiện tính nhân văn của một vị lãnh đạo cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quan tâm đến quân, dân và trân trọng lịch sử. Nếu chúng ta ở trong cuộc mới thấy hết được sự cao quý và ý nghĩa của những câu nói này.

3. Tôi nhận thức được rằng, Đại tướng Phùng Quang Thanh là người có tư duy đổi mới, đổi mới từ nhận thức đến thực tiễn điều hành. Và tôi nghĩ, tư duy của Đại tướng là “quân sự mà phát triển thì kinh tế xã hội sẽ phát triển”. Do vậy, mỗi khi chủ trì hay phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế với quốc phòng của địa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn quan tâm làm sao để phát triển hài hòa giữa quốc phòng và kinh tế. Chính vì lẽ đó, khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ổn định chính trị, các thành phần kinh tế yên tâm phát triển… điều kiện cần và đủ là làm sao quản lý thật tốt các mối quan hệ: đâu là vị trí của quốc phòng, vị trí nào là của dân sự. Theo tôi được biết, thành phố Đà Nẵng là một trong những trung tâm của Việt Nam, sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, thì hơn 80% đất đai và các vị trí hiện hữu đều là căn cứ quân sự của Mỹ, ngụy để lại, nên khi tiếp quản thì những nơi đó là do Quân đội hoặc cơ quan Trung ương quản lý. Trước yêu cầu phải để thành phố Đà Nẵng phát triển kinh tế xã hội, chính quyền lúc này phải sử dụng và quản lý địa bàn hiệu quả. Tôi nhớ lúc đó người đứng đầu thành phố có một số lần xin ý kiến của Hội đồng nhân dân, đề nghị Bộ Quốc phòng cho sử dụng độ cao từ mặt nước biển lên sườn dốc của bán đảo Sơn Trà 200m, nghĩa là dưới 200m để thành phố Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế (vì khu vực này thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng). Song, các đơn vị của Bộ Quốc phòng cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, nào là khu vực trọng điểm, vị trí nhạy cảm, vị trí quân sự, vị trí có tầm chiến lược và không đồng ý. Sau đó, tôi được biết, chính Đại tướng Phùng Quang Thanh, lúc này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đồng ý, thống nhất chủ trương cho thành phố Đà Nẵng sử dụng đất quốc phòng này để phát triển kinh tế. Và thành phố Đà Nẵng có được sự phát triển như hôm nay cũng một phần có công đóng góp và hỗ trợ của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

4. Ở đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, phẩm chất cao đẹp bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng, với đức tính kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì đồng chí, đồng đội, vì Tổ quốc và nhân dân. Là con liệt sĩ, cha đã hy sinh lúc còn rất nhỏ, lại trải qua thực tiễn chiến đấu, đồng chí Phùng Quang Thanh thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả, gian khổ của bộ đội và những mất mát không gì bù đắp được của gia đình liệt sĩ. Tôi được lãnh đạo thành phố phân công đi họp với Bộ Quốc phòng ở Hà Nội và được gặp trực tiếp với Bộ trưởng. Tôi cũng như các anh em cùng dự họp hôm đó đều được Bộ trưởng thăm hỏi một cách rất ân cần, từ quê quán đến quá trình công tác… Tôi còn nhớ, khoảng quý III năm 2014, tôi được tháp tùng Đại tướng đến thăm và kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tại một số đơn vị khu vực Đà Nẵng. Đi đến đâu, Bộ trưởng cũng quan tâm, nhắc nhở và chỉ đạo anh em quân đội phải nắm vững tình hình nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào: trên đất liền, biên giới hay hải đảo, đặc biệt là khu vực miền Trung có biên giới biển dài, thềm lục địa rộng; xác định rõ tinh thần trách nhiệm, chấp nhận, hy sinh gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đã là cán bộ, nhất là quân đội thì cần phải tập trung vào công tác chuyên ngành, chuyên sâu; chủ động học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ tận tình, chu đáo; thường xuyên trau dồi đạo đức… Bộ trưởng luôn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết, giữ vững và tăng cường kỷ luật, nâng cao chất lượng huấn luyện, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ; làm tốt công tác dân vận, chăm lo chính sách hậu phương quân đội. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, chúng ta là bộ đội Cụ Hồ, bên cạnh bản chất truyền thống “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân” thì còn một phẩm chất truyền thống rất quan trọng nữa là “sống với nhau thắm tình đồng chí, nghĩa đồng đội”. Tôi rất quý trọng Đại tướng Phùng Quang Thanh, bởi ông luôn chăm lo đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Theo ông, “điều quan trọng nhất là người cán bộ chỉ huy các cấp, anh phải gương mẫu, phải thật sự thương yêu bộ đội. Mình là chỉ huy phải như những người anh, người chị đối với anh em”.

5. Nay, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã về với thế giới người hiền, đi theo các bậc hiền đức của họ Phùng. Tôi tin tưởng rằng, những đóng góp và phẩm chất cao quý, sự hy sinh, cống hiến to lớn của người chiến sĩ cộng sản kiên trung sẽ mãi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội ghi nhớ, trân trọng, học tập và noi theo, xứng đáng người con mang tên họ Phùng trên đất nước Việt Nam.

(Tiến sĩ Phùng Tấn Viết
Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam)

NGUỒN CỘI

Thật vinh dự và đầy tự hào khi tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây, Ba Vì, Hà Nội. Nơi đây có truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh, một đất hai vua lừng danh sử Việt là Phùng Hưng - Ngô Quyền và cũng chính nơi đây là nơi yên nghỉ của Cụ Phùng Tá Chu - Thái Phó hai triều Lý - Trần tại Đền Cao, Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội.

Tôi nhớ như in vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019 - ngày giỗ đức vua Phùng Hưng, vào chiều tối ngày mùng 7, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam điện cho tôi và nói: “Ngày mai có Đại tướng Phùng Quang Thanh và phu nhân Nguyễn Thị Bích Lộc lên Đền Cụ Phùng Hưng thắp hương. Chú trong Ban Tổ chức Lễ hội chuẩn bị nhé”. Sau khi nhận được tin, tôi cùng mọi người trong Ban Tổ chức Lễ hội rất phấn khởi, ai cũng nhận rõ trách nhiệm của mình. Hôm sau, tiết trời còn lạnh nhưng không ai bảo ai, mọi người đều đến sớm, hết lòng chuẩn bị.

Vào hồi 8 giờ 30 phút, Ban Tổ chức báo anh Thanh đến rồi, tôi nhanh chóng ra đón anh. Năm ấy, sức khỏe anh còn rất tốt. Tôi ấn tượng cái bắt tay ấm áp và nụ cười phúc hậu của anh. Dáng người anh cao lớn, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng vẫn giữ vẻ hiền từ, bình tĩnh, ôn hòa. Anh khiêm tốn cúi người chào hỏi các cụ, bắt tay thăm hỏi mọi người trong dòng họ cũng như chính quyền và nhân dân tham dự buổi Lễ, Ban Tổ chức rồi vào thắp hương Cụ Phùng Hưng.

Sau khi thăm khuôn viên thờ phụng, anh động viên Ban Tổ chức trông nom, gìn giữ, tôn tạo cho sạch đẹp trang nghiêm, xứng đáng với danh xưng Phùng Hưng - vị vua, vị Anh hùng dân tộc. Anh cũng không quên động viên bà con trong dòng họ gìn giữ tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng dòng tộc cũng như xây dựng tinh thần kết nối tại địa phương. Mọi người rất xúc động, lắng nghe, ghi nhớ lời anh dặn rồi tiễn anh ra xe. Tôi tiếp tục đưa Đại tướng và phu nhân lên khu vực Đền Cao (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) - nơi an nghỉ của Cụ Phùng Tá Chu - Thái phó hai triều Lý - Trần, vị công thần được vua Trần Thánh Tông phong “Hưng Nhân Đại Vương”duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Chức danh này được phong khi Cụ còn sống, là niềm vinh hạnh cho các con cháu dòng họ Phùng trên mọi miền Tổ quốc.

Khi lên Lăng thờ Cụ Phùng Tá Chu, tôi cảm nhận được ánh mắt trầm sắc và nghiêm nghị nhà binh của anh. Anh nhìn khắp một lượt, hết lòng khen ngợi, vị thế này đẹp quá, thế đất rất phong thủy. Bước lên Đền thờ Cụ, làm lễ xong, anh bước ra sân bắt tay từng cụ già, ân cần hỏi thăm, động viên mọi người và tỏ lòng rằng: “Nơi đây thờ phụng Cụ Phùng Tá Chu vừa uy nghiêm nhưng vẫn mộc mạc, giữ gìn bản sắc dân tộc, Ban Xây dựng cố gắng tôn tạo Lăng mộ cho xứng tầm với công trạng của Cụ, mà các vị vua các triều đại đã phong tặng”. Tôi vẫn nhớ trên đường về, được cùng anh trò chuyện đôi điều, anh hỏi: “Vùng này dân có đông không? Đời sống có ổn định, khá giả hay không? Họ Phùng có nhiều và có đoàn kết không? Chú có ở gần vùng này không? Công ty của chú làm ăn có phát triển không? Có nhiều công nhân không?” Tôi đáp lời từng câu hỏi và mời anh ghé thăm công ty gần đấy. Anh nhận lời đồng ý thăm mô hình sản xuất kinh doanh. Anh khuyên tôi nếu muốn phát triển phải tính chiến lược ổn định lâu dài, quan tâm tới đời sống, tâm tư của cán bộ công nhân viên, và đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động để họ gắn kết với mình thì mới bền vững được. Tôi thực sự thấu hiểu lời dạy của anh. Tuy chỉ hơn 2 tiếng gần gũi, nhưng tôi có dịp để hiểu và cảm nhận rõ ràng về anh - một vị tướng tài ba nhưng giản dị, mộc mạc giữa đời thường. Anh am hiểu cách đối nhân xử thế trong cả môi trường kinh doanh. Anh khuyến khích động viên các lớp trẻ giữ vững tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương nơi cội nguồn của dòng họ.

Hôm nay, khi tôi viết những trang này, tiếc thay, anh đã không còn nữa.

Anh đã đi xa trong một buổi sáng đầu thu, Hà Nội trở gió, tiếng mưa còn rả rích trước hiên nhà. Dù biết trước tình bình sức khỏe của anh nhưng lòng tôi không khỏi hụt hẫng. Ngày anh ra đi, người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa. Những ký ức và lời căn dặn của anh mãi mãi còn trong tâm trí tôi. Nhớ mãi về anh Phùng Quang Thanh, vị Đại tướng mẫu mực tài ba, người con họ Phùng có tư tưởng lớn về sự khiêm tốn, mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương trong dòng họ. Tôi nguyện phấn đấu hết lòng, thực hiện những điều anh dặn, cố gắng dựng xây quê hương, dòng họ.

Đêm đã về khuya, chiếc đồng hồ hiệu ODO 36 gióng lên tiếng chuông dài. Ngoài trời kia im ắng đến lạ thường, chỉ nghe thấy loáng thoáng những tiếng lá rơi xào xạc. Cơn gió mùa thu se quyện cùng hương ổi phả vào không gian làm lòng tôi bồi hồi nhớ lại những ký ức “thơm ngát” về anh. Anh đã làm rạng danh dòng họ Phùng, quê hương nơi được coi như cội nguồn dấu tích họ Phùng. Anh là hiện thân của nhân cách cao đẹp - anh bộ đội Cụ Hồ - nhân cách Phùng Quang Thanh.

Vĩnh biệt anh - vị Đại tướng dân tộc, vị anh hùng ái quốc - thương dân, nhân hậu, tài ba - Phùng Quang Thanh.

(Thạc sĩ Phùng Văn Lực
Thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam)