QUÀ TẾT
Nhân dịp gần Tết Kỷ Dậu (1969), Chính ủy kiêm Tư lệnh Phòng không - Không quân, Đại tá Đặng Tính đi chúc Tết các đơn vị đang trực chiến. Tôi và Nguyễn Xuân Át được lệnh đi tháp tùng. Trên xe tới trận địa Chủ ở Lục Ngạn của Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 285, mới vừa bắn rơi một UAV vào ngày 4 tháng 2 năm 1969, những câu chuyện vui đầu Xuân giữa Thủ trưởng với ba anh lính (kể cả lái xe) cứ tung bay không ngớt. Ông kể chuyện về phong tục tập quán, đến chuyện con người, cũng như cách ứng nhân xử thế, nhất là trong gia đình. Ba chúng tôi (lính trẻ, chưa anh nào có vợ) nên chăm chú lắng nghe...
Bọn tôi khoái chí và bật ra câu nói như để ngợi ca ông:
- Ai mà làm rể Thủ trưởng thì tha hồ được học hỏi?
Ông nở nụ cười tươi, đôi mắt trìu mến lướt qua ba tay lính, rồi hạ giọng nhỏ nhẹ:
- Này! Ở đây, nếu cậu nào chưa có người yêu, muốn làm rể tớ, tớ đều chấp nhận? Có đồng ý không, trả lời đi?
Chúng tôi đều lặng im và nợ ông một câu trả lời!
Thăm và chúc Tết đơn vị xong, lúc ra về Tiểu đoàn trưởng Sáng còn hô lính mang bánh chưng, mứt, chè, thuốc lá, kẹo... đến đưa cho lái xe. Lái xe quay sang nhìn chúng tôi, đang lúc chưa biết cách giải quyết, thì Chính ủy đến gỡ khó: "Quà Tết đầu năm, anh em tặng ta nhận..." Và ông cám ơn tấm lòng mến khách của đơn vị.
Về đến Hà Nội. Khi xe qua cổng Cục Chính trị đến nhà ông (đường Trường Chinh), chúng tôi xuống xe và hướng về tòa soạn. Ông gọi: "Này các cậu, quà Tết của đơn vị tặng là chia đều cho bốn người, nhớ đem về cho người thân!"
Thế là chúng tôi lễ mễ ôm món quà Tết về trực ban tòa soạn (hồi đó đang trực và chưa ai có gia đình riêng), để đêm đến, sau những trận bóng bàn mệt nhoài, lại say sưa với "bánh bia".
Chuyện chỉ có thế, nhưng hiếm gặp?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài
và Chính ủy Đặng Tính - Ảnh: Tư liệu
CỐC CÀ PHÊ TRƯỜNG SƠN
Cuối tháng 2 năm 1973, tôi được lệnh mang chiếc máy ghi G âm duy nhất của tòa soạn mác Hungary, băng từ loại cối, tức tốc từ nơi sơ tán (Chùa 100 gian Tiên Phương) về Hà Nội. Nhiệm vụ gặp Chính ủy đường Trường Sơn 559 Đặng Tính, để ghi âm lại bài nói chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn với các cán bộ cao cấp nhất ngoài mặt trận về: đường lối, phương hướng, cách tiến hành hành quân, vũ khí, lương thực, mở mặt trận sắp tới...
Nhìn thấy tôi, ông hồ hởi:
- Qua điện thoại biết cậu ra, sao chờ mãi, lâu thế? Chả là tối nay tớ còn lên Quân ủy Trung ương họp, chỉ sợ không chờ được cậu?
Vẫn với tác phong giản dị, bộ quần áo lính, đôi giày vải lính, ông dẫn tôi lên gác hai, bước ngay vào công việc.
Đặt trên bàn là chiếc máy ghi âm Mỹ màu đen, còn mới. Thật lòng, đó là lần đầu tiên tôi được chạm tới công nghệ mới? Song có điều tôi rất cảm phục Thủ trưởng của tôi, mới sử dụng mà Thủ trưởng đã nắm bắt và sử dụng thành thạo chiếc máy ghi âm có nhiều núm nút và công tắc?
Thế rồi ông hướng dẫn tôi cách mở, dừng, tắt, tua lại! Để chắc ăn, tôi lấy giấy bút vẽ vị trí công tắc, cách ghi xóa, lựa chọn âm thanh sao cho rõ không rè.
Ông phân bua:
- Mặc dầu biết cậu, nhưng máy tớ là máy Mỹ, dùng hệ băng và tốc độ khác với máy Hung, chỉ sợ vắng tớ cậu không ghi được, mà có khi còn xóa đi mất? Thế thì tớ cũng bị ăn mắng đấy? Cậu hiểu không?
- Dạ, vâng ạ!
Rất tỉ mỉ cặn kẽ và chính xác, ông căn dặn tôi như một đứa trẻ, nhưng tôi không thấy khó chịu, mà thầm cám ơn ông, một con người ham hiểu biết, chịu học hỏi, biết tôn trọng và dùng người giỏi.
Trước khi đi, ông dặn cận vệ Lê Hồng Chỉnh pha cà phê Trường Sơn, lấy lương khô VIP mời tôi.
Khi chiếc xe "đít vuông" (từ chúng tôi chỉ chiếc xe quân sự thời đó) đến đón ông, từ trên lan can nhà tôi giơ tay chào ông theo kiểu quân sự - người cán bộ chính trị khá hiếm trong quân đội mà tôi đã gặp. Buổi sao băng ghi âm ấy đến gần ba tiếng đồng hồ, nhưng tôi vẫn chưa thấy ông về (bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn hồi đó là tuyệt mật, mỗi lần số cán bộ cao cấp nghe, thường thì tôi lại phải đi mở cho họ).
Không ngờ khoảng hai tháng sau, ngày 4 tháng 4 năm 1973, ông hy sinh trên đường đến một đơn vị ở Trường Sơn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông tại Hà Nội.
Tôi vẫn nhớ cốc cà phê Trường Sơn năm xưa, ngồi uống một mình mùi thơm bay tỏa, quyện với khói thuốc lá Trường Sơn (hồi đó tôi nghiện thuốc), mà chưa được một lần chạm cốc với Thủ trưởng, chỉ vì ông suốt ngày tất bật với việc nước, việc quân, khi ông mất đi, cảm giác này đã không còn gặp lại nữa.
Và tôi lại nợ ông lời cám ơn, cũng như câu báo cáo "lính đã hoàn thành nhiệm vụ".
Giờ! Ai nhớ, ai quên?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
và chính ủy Đặng Tính thăm bộ đội Trường Sơn - Ảnh: Mạnh Thường
THẨM ĐỊNH THƠ
(Tiến tới kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2021)
Chính ủy Đặng Tính không giỏi thơ nhưng thích viết thơ. Đêm nào ít việc, ông thường xuống nhà trực ban tòa soạn báo. Hễ nghe thấy tiếng giày đi không đều chân là đoán "chắc Thủ trưởng Tính lại có gói chè ngon, hoặc bao thuốc lá thơm đến tặng bọn mình?", để vui trong những câu chuyện mới, cũng như chữa và bình thơ cho Thủ trưởng.
Các tay ham đọc và nhớ nhiều như: Đỗ Chu, Nguyễn Thế Kỷ, Lương Thế Tuân... kể truyện Tam quốc, Bạch Đằng Giang hay địa danh rừng Cúc Phương... cho ông nghe. Có lúc, ông nhờ Nguyễn Hữu Hạp sửa vẫn cho một bài thơ sao vẫn giữ đúng ý.
Hồi đó ở Nam Sách, nơi ông đã từng công tác, nhà thơ nhí Trần Đăng Khoa với Hạt gạo làng ta nổi lên như côn. Để kiểm tra tính sát thực, cộng thêm niềm tự hào của người lãnh đạo cũ (trong chống Pháp ông lãnh đạo Đảng bộ Nam Sách, Chí Linh...), Đại tá cho gọi anh Phạm Thành Thiểu (người phụ trách tổ viết gương người tốt việc tốt - thầy giáo của tôi ở cấp 3 Thường Tín) giờ đang là đồng nghiệp báo, và thây Thiểu kéo tôi cùng đi, đến gặp nhà thơ nhí.
Trên mặt bàn gỗ ông đặt một gói lương khô "loại VIP". Qua giới thiệu, ông bảo "Khoa nhí":
- Cháu có thể đọc và viết lại một trong những bài thơ nói về chú bộ đội bắn máy bay Mỹ không?
Khoa nhí đáp:
- Thưa bác, cháu nhớ bài Tiếng chim Chích Chòe ạ!
Ông đưa cuốn sổ tay cho Khoa nhí viết. Từng nét chữ hiện lên:
Em đi học về
Thấy ụ pháo giữa đồng quê
Bao nhiêu khẩu pháo đều rê rê nòng
Pháo vươn theo ngọn cờ Hồng.
…
Xa xa từ một ngọn tre
Tiếng chim Chích Chòe đang hót!
Tạm biệt Khoa nhí, ông không quên cầm gói lương khô trao tận tay cho cậu bé khoảng 12 tuổi, mà lúc trước ông mời, cậu không dám ăn.
Trước khi về chúng tôi đều khẳng định với ông: "Cậu nhỏ ấy viết thơ theo lối mới, và từng câu chữ đều mang các hình ảnh tư duy khá cao".
Ông cười:
- Các cậu không nịnh đấy chứ?
- Thật đấy Thủ trưởng ạ!
Nét mặt ông rạng rỡ, một niềm vui đã đến với ông, nơi ông công tác xưa có những mầm non đang nhú nở!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đại tá Đặng Tính (ngồi giữa phía trong) - Ảnh: Tư liệu
NHÂN CHỨNG BẤT NGỜ?
Hôm Võ Hồng Nam đến nhà bác Trần Huy Khuông xin ảnh và phim về bố mình. Một cuộc gặp mặt hiếm có. Gồm tôi, anh Đinh Xuân Thỉnh (cận vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 30 năm), anh Trần Huy Khuông (giáo viên và là Hiệu trưởng Trường văn hóa 15 chuyên dạy con em của Bộ Tổng hành dinh trong chiến tranh, cũng là người rất thân với gia đình Đại tướng). Nên mọi chuyện về Đại tướng không cần phải giữ kẽ.
Qua bác Khuông giới thiệu về tôi là phóng viên chiến tranh của Phòng không - Không quân thời chống Mỹ với Nam. Cậu ta cười:
- Chắc anh hay chụp về bố em lắm?
Tôi vẫn nhớ, cứ gặp bọn mình ở đâu, Đại tướng thường nhắc.
- Các cậu chụp nhiều ảnh, mà chẳng cho mình một tấm ảnh nào?
Cụ đâu có biết, hồi đó các cấp quản lý phóng viên chặt lắm, việc gì cũng phải báo cáo, sai tí là bị "cạo trọc đầu"?
Võ Hồng Nam nói:
- Giờ chỉ có các bác kể, em mới chắc đúng thôi, còn thì tin sao được...
Trong nhiều câu chuyện về Đại tướng, tôi nói với Nam rằng:
- Chuyện Tết Kỷ Dậu (1969) Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chính ủy Đặng Tính tiên đoàn quân Trung Quốc làm đường về nước ít ai biết quá?
Nam đáp ngay:
- Em biết!
Tôi ngỡ ngàng, bảo:
- Cậu kể đi?
- Hôm đó, cụ đi rất bí mật, ít cho ai biết... Lúc đến sư đoàn đóng quân của Trung Quốc, thấy bố em họ trố mắt... Một cuộc đón tiếp linh đình... Họ tổ chức múa lân, múa sư tử cả lúc đến, khi về... Trong giao tiếp, bố em thường nói bằng tiếng Trung Quốc... Khi trở về đến sân bay Kép, cụ Phùng Thể Tài điều máy bay chở hai bố con em về Gia Lâm, còn mở tiệc chiêu đãi đặc biệt.
Tôi đinh ninh sau khi Nguyễn Xuân Át đi xa, chẳng còn ai biết về chuyện này nữa, song hóa ra vẫn có một nhân chứng đặc biệt. Lúc đó Võ Hồng Nam khoảng 12-13 tuổi đã đi cùng, cậu ấy không thể quên những màn múa lân và múa sư tử của lính Trung Quốc.
Ngày 19 tháng 6 năm 2022
PHÙNG ĐẮC TƯ
Nguyên phóng viên Báo Phòng không - Không quân