(Thứ bảy, 23/12/2023, 06:28 GMT+7)

Một ngày đầu tháng 6 năm Nhâm Thìn 2012, tôi có dịp đến thăm một Điện Tâm Linh Việt cùng với một người bạn họ Nguyễn. Anh bạn giới thiệu tôi với bà thủ nhang của Điện. Bà hướng lên ban thờ Hội đồng Phật Thánh Thần nước Việt Nam, cung kính vái và khấn một hồi. Liền sau đó, với vẻ mặt rất trang nghiêm, bà xoay người quay hẳn sang phía tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và trịnh trọng nói: “Họ Phùng là họ có công!”

Vốn đã quen biết với hoạt động tâm linh, tôi hiểu rằng đó là lời giáng linh của một bậc Tổ tiên trong Hội đồng Phật Thánh Thần nước Việt Nam, chứ không phải là lời ý riêng của bà thủ nhang.

“Họ Phùng là họ có công!”

Câu nói này đã in sâu đậm trong tâm trí tôi. Câu nói này đã thúc giục tôi tìm hiểu nhiều hơn về công lao của các cụ họ Phùng nói riêng và của các bậc Tổ tiên của dân tộc nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt ta.


Hội thảo khoa học "Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp"
diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 8 tháng 5 năm 2019

Về cụ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thì tôi đã có diễm phúc được biết đến từ hồi mới chín, mười tuổi - khi tôi được cùng gia đình đi ăn cưới ở làng Mía hay còn gọi là Đường Lâm. Ở đấy ai cũng biết về cụ Bố Cái Đại Vương. Bởi cụ cùng với cụ Ngô Quyền là niềm tự hào lớn của làng Mía - một làng mà có hai vua anh hùng.

Thêm nữa, người đã có công cùng sinh dưỡng đức vua Ngô Quyền lại là một cụ bà họ Phùng - cụ Phùng Thị Tịnh Phong. Cụ Tịnh Phong kết duyên với cụ Ngô Mân - người cùng làng và là quan Châu mục của châu Đường Lâm - để sinh ra người anh hùng kiệt xuất Ngô Quyền. Chuyện này là ngẫu nhiên chăng?

Tôi cứ đinh ninh: Chắc là Tổ tiên ta đã ưu ái sắp xếp để đại diện của một số dòng họ gặp nhau ở những điểm nhất định nào đó trong cõi đời mà đôi khi ta không biết lại cứ tưởng là ngẫu nhiên. Ấy là xét theo luật nhân quả - mỗi kết quả đều có nguyên nhân sâu xa của nó, chẳng có gì là “ngẫu nhiên” mà có được.

Chỉ riêng về họ Phùng cũng có thể dẫn ra nhiều chuyện liên quan đến điều này.

Ví dụ, từ đầu thế kỷ VII, họ Phùng đã có tiếng tăm lớn ở Đường Lâm. Thời đó, cụ Phùng Trí Cái - cụ tổ bảy đời của ngài Bố Cái Đại Vương đã nổi tiếng là một vị quan tài trí thông minh đức độ của châu Đường Lâm. Các con cháu của cụ đều là hào kiệt, đời đời làm quan Châu mục đất Đường Lâm. Đất Đường Lâm của họ Phùng trở thành một võ đường. Chính dòng võ Đường Lâm đã sản sinh ra nhiều danh tướng nổi tiếng, trong số đó có cụ Phùng Hạp Khanh - thân phụ của ngài Phùng Hưng, và, nhiều vị anh hùng kiệt xuất ở các thế hệ sau.

Đó là ngài Phùng Hưng - người đã lãnh đạo dân ta nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường ở phương Bắc, giành lại độc lập cho dân tộc (năm 791) sau bao năm bị chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Ngài được tôn là Bố Cái Đại Vương - một tượng đài sừng sững trong lịch sử của dân tộc Việt.

Đó là ngài Ngô Quyền - một tượng đài oai hùng nữa trong lịch sử của dân tộc - người làm nên chiến công lẫy lừng: Đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ mới cho đất nước.

Đó là ngài Ngô Tuấn - người sau này là Thái úy Lý Thường Kiệt - vị tướng kiệt xuất với tuyên ngôn độc lập Nam quốc sơn hà hào hùng bất hủ của dân tộc ta (năm 1076):

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Trở lại câu chuyện về tướng quân Phùng Hạp Khanh. Cụ đã từng chiêu mộ nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa của cụ Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) vào đầu thế kỷ VIII và trở thành một vị tướng trụ cột của cuộc khởi nghĩa. Sau khi Mai Thiếu Đế (tức là Mai Thúc Huy - con trai út nối ngôi cha) hy sinh tại Hùng Sơn - cứ điểm phòng ngự cuối cùng của kinh thành Vạn An, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan thất bại, tướng quân Phùng Hạp Khanh lui về quê nhà Đường Lâm chuyên tâm mở mang thái ấp, trở nên giàu có. Người các nơi lũ lượt theo nhau kéo tới xin gia nhập thái ấp đều được cụ nhận vào và chu cấp cho trâu bò để mở mang thêm trang trại mà không phân biệt xa gần cũ mới. Cụ nuôi hàng nghìn người như thế trong thái ấp của mình. Tướng quân Phùng Hạp Khanh - một người hừng hực tinh thần yêu nước và sục sôi căm thù giặc ngoại bang mà làm thế chỉ là để làm giàu ư? Chắc chắn là không! Việc này hẳn là một cách âm thầm chuẩn bị lực lượng để giành lại độc lập cho đất nước khi thời cơ đến. Thế nên, chàng trai trẻ Phùng Hưng cùng hai em Phùng Hải và Phùng Dĩnh - những người con trai dũng mãnh phi thường của cụ trở thành anh hùng lỗi lạc nổi lên từ Đường Lâm cũng chẳng phải là sự lạ ngẫu nhiên.

Nói về gia đình cụ Phùng Hạp Khanh, người ta cũng thường nhắc tới một người phụ nữ tên là Phùng Thị Thảo. Bà là chị ruột của ngài Phùng Hưng. Bà Thảo kết duyên cùng ông họ Phạm, sinh ra người con gái tên là Phạm Thị Uyển nổi tiếng xinh đẹp, nết na, lại có tài võ nghệ và giỏi về thủy chiến. Nàng Uyển và các em rất thích được theo ông ngoại để học chữ và luyện đường võ nghệ. Nàng được ông ngoại Phùng Hạp Khanh rất mực yêu quý và gả cho người anh hùng cứu nước thoát khỏi ách nô lệ là Mai Thúc Loan mà cụ hết lòng phò giúp. Nàng là hoàng hậu duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt ta luôn cầm quân sát cánh cùng chồng đánh giặc cứu nước. Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã hy sinh anh dũng trong một trận thủy chiến ác liệt trên sông Tô Lịch chống lại đoàn quân đông đảo thiện chiến của bọn nhà Đường.

Tiện đây cũng nói thêm, có người thắc mắc: Sao bà Phùng Thị Thảo và ngài Phùng Hưng cách nhau những mấy chục tuổi mà lại là chị em ruột được? Sao nàng Phạm Thị Uyển lại lớn tuổi hơn nhiều so với cậu ruột của mình được? Trước hết, đó là vì thời xưa các cụ thường dựng vợ gả chồng cho con rất sớm. Thêm nữa, đó là vì các cụ ông, nhất là những nhà quyền quý giàu có, lại thường năm thê bảy thiếp; không ít cụ ông ở độ tuổi “xưa nay hiếm” vẫn sinh con là vậy. Thế nên, người con cả của bà vợ cả và con út của bà vợ trẻ nhất có thể cách nhau xa tới vài chục tuổi cũng là chuyện thường tình. Có câu cửa miệng “em bú chị, cháu bú bà” là vì vậy. Nếu người con cả là gái thì cháu có thể hơn vài chục tuổi so với cậu ruột cũng là điều không hiếm.


Giáo sư sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
phát biểu tại Hội thảo khoa học "Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp"

Từ đất Đường Lâm quê hương cụ Bố Cái Đại Vương đi gần hai chục cây số ngược thẳng về hướng đền Hùng có hai làng quê Phú Nghĩa và Tuấn Xuyên không những giáp nhau, mà còn gắn liền với tên tuổi của một vị nữ tướng anh hùng họ Phùng - một nữ tình báo đầu tiên của dân tộc Việt. Đó là bà Phùng Thị Chính.

Cha Bà là cụ Phùng Văn Bổng gốc từ bãi Hoan nơi kinh đô cổ Phong Châu[1] của nước Việt. Gia đình cụ Bổng đến trang Phú Nghĩa (xưa thuộc phủ Quảng Oai, xứ Sơn Tây) sinh sống đã được hai đời, hòa nhập với dân làng mà trở thành người của trang này. Mẹ bà cũng quê ở Phong Châu, vốn thuộc dòng dõi vua Hùng Vương[2], nên thường được gọi là Hùng Thị Tuyết. Hai vợ chồng cụ sinh được một nàng con gái là Phùng Thị Chính. Nàng Chính từ nhỏ đã ham học và giỏi giang các môn võ nghệ cung kiếm. Khi cha mẹ mất, nàng Chính được Đức Bà Man Thiện đón về nuôi dạy.

Đức Bà Man Thiện là ai mà lại nuôi dạy nàng Chính mồ côi cha mẹ? Đức Bà tên là Hoàng Thị Cúc[3], vốn là người làng Nam Nguyễn (gần làng Đường Lâm) nay là làng Nam An thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đức bà Hoàng Thị Cúc là thứ thất của ngài Nguyễn Trần Định - một hậu duệ trực hệ của các vua Hùng Vương và có biệt danh là “Hắc Diện Đại Vương Trưng Nghĩa Dũng”. Vì thế, nàng Nguyễn Thị Lý con gái cả của hai ngài còn được gọi là Hùng Lý (sau này được tôn gọi là Trưng Trắc, còn người em của nàng Hùng Lý là Nguyễn Thị Huệ sau này được tôn gọi là Trưng Nhị). Nàng Chính và hai chị em nàng Hùng Lý có quan hệ họ hàng gần gũi, đều là chút chít hai bên nội ngoại của các vua Hùng Vương. Vì thế, ba nàng được đức bà Man Thiện cho ăn ở cùng nhau và cùng luyện rèn võ nghệ.

Nàng Phùng Thị Chính sau này trở thành một vị “Nội thị Tướng quân, Trung Lương tướng” trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào những năm 40 sau Công nguyên. Trong quá trình chuẩn bị để đánh quân Tô Định, Bà Phùng Thị Chính đang mang thai giọt máu của ngài Đinh Lượng, nhưng bà vẫn ăn mặc lôi thôi rách rưới nhọ nhem giả làm ăn mày lân la khắp ngõ ngách đồn lũy trong thành của Tô Định, nhanh chóng nắm vững đường đi lối lại cùng binh tình, đồn sở và bố trí lực lượng của giặc Hán. Nhờ thế quân ta nhanh chóng đánh hạ được thành trì của tên Thái thú Tô Định. Bà Phùng Thị Chính không những là người tình báo đầu tiên và xuất sắc, mà còn là một vị nữ tướng anh hùng lẫm liệt của dân tộc ta.

Ngay trước cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã có một số nữ tướng tự chiêu mộ những người cùng chí hướng, lập đồn trại vũ trang, khởi nghĩa chống lại bọn giặc Đông Hán. Đó là nữ tướng Lê Chân ở vùng ven biển Đông Triều và Hải Phòng. Đó là nữ tướng Vũ Thị Thục ở vùng Tiên La, Thái Bình. Đó là nữ tướng Phùng Vĩnh Hoa ở vùng Tiên Nha, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây (nay là thôn Nghinh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)[4]. Và, còn nhiều vị khác nữa. Các vị nữ tướng anh hùng này đều dẫn quân của mình về hợp lực cùng chiến đấu dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Cụ Lê Chân được vua Bà - Lĩnh Nam Hoàng Đế - phong là “Nội thị Tướng quân Thánh Chân Công chúa”, cụ Vũ Thị Thục được phong là “Bát Nạn Tướng quân”, Cụ Phùng Vĩnh Hoa được phong là “Nội thị Tướng quân Vĩnh Hoa Công chúa”. Sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, các cụ và nhiều vị tướng khác còn dẫn quân tản về nhiều nơi tiếp tục chiến đấu một thời gian nữa[5].

Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, họ Phùng đóng góp tới bốn vị nữ tướng anh hùng. Đó là cụ Phùng Thị Chính, cụ Phùng Vĩnh Hoa và hai chị em cụ Phùng Thị Tú, Phùng Thị Huyền (Thường gọi là Ả Tú, Ả Huyền). Các ngài thuộc số những vị tướng trụ cột và có công lao hiển hách trong cuộc khởi nghĩa có một không hai này trên thế giới.

Dòng họ Phùng còn có nhiều bà mẹ có công sinh dưỡng nên những người con là các vị tướng trung kiên quả cảm trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đó là cụ Phùng Thị Lan cùng chồng là Trương Long ở làng Đường Lâm (thuộc Sơn Tây) đến làng Hà Vỹ thuộc tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn mở trường dạy học, sinh hai con trai văn võ kiêm toàn được Bà Trưng phong làm Đô Chỉ huy sứ Điện tiền Phụ chính. Đó là cụ bà Phùng Thị ở đất Long Biên cùng chồng là Hướng Loan sinh con trai giỏi giang võ nghệ, theo Hai Bà Trưng đánh giặc Hán và được phong làm Điện tiền đô Chỉ huy sứ. Đó là cụ bà Phùng Thị Tam ở làng Hạ Hiệp (nay thuộc huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) cùng chồng là Hoàng Lãng sinh con trai văn võ toàn tài được Bà Trưng phong làm Tướng tiên phong.

Kể từ thời Hai Bà Trưng đi ngược dòng thời gian chừng 300-350 năm, họ Phùng còn có công lao lớn ở thời vua Hùng Vương thứ 18 (tức là vua Hùng Duệ Vương).

Thời này, ở làng Thông Xá, huyện Đông An (Đông Yên), phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) có hai vợ chồng cụ Phùng Văn Đăng và Lưu Thị Tuấn sinh được một người con trai là Phùng Đại Lực. Ngài Phùng Đại Lực được thầy giáo Hiên Đường nổi tiếng dạy bảonên tinh thông cả văn lẫn võ,lại có tài thao lược. Ngài kết nghĩa anh em với ngài Nguyễn Tuấn (người sau này được dân ta suy tôn là Đức Thánh Tản Viên) và làm quan trong triều. Ngài đượcvua Hùng Duệ Vương tin giao giúp dân trong nước giữ gìn thuần phong mỹ tục và giúp đỡ nhau ra sức làm ăn, khai khẩn đất hoang. Ngài lại có công cùng các vị tướng khác đánh dẹp giặc Ai Lao sang quấy phá.Sau khi dẹp giặc xong, Ngài còn được vua Hùng Duệ Vương cử đi tuần thú các nơi.

Cũng thời vua Hùng Vương thứ 18, họ Phùng có hai bà mẹ có công sinh dưỡng nên những người con là tướng tài giúp nước. Đó là cụ Phùng Thị Thuần cùng chồng là Đặng Cẩn ở châu Quỳnh Nhai đã sinh dưỡng hai người con trai tài năng võ nghệ cao cường được vua Hùng Duệ Vương phong làm Điện tiền đô Chỉ huy sứ Tả hữu Tướng quân đánh quân Thục. Đó là cụ Phùng Thị Ích cùng chồng là Trương Tung ở làng Trịnh Xá, khu Nguyễn Xá, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc sinh con trai nổi tiếng là văn võ toàn tài, được vua Hùng Duệ Vương phong làm Tiền đạo Đương Lộ Tướng quân đánh quân Thục.

Xuôi dòng thời gian, dòng họ Phùng còn sinh dưỡng những người con lỗi lạc như:

- Đức ngài Phùng Thanh Hòa - người được đức ngài Lý Nam Đế phong là Hữu tướng quân (năm 546, cùng danh tướng Triệu Quang Phục là Tả tướng quân) đánh đuổi bọn giặc xâm lược phương Bắc (nhà Lương). Ngài được dân làng Phùng[6] (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) thờ làm Thần hoàng làng.
- Đức ngài Phùng Tá Chu (?-1241) - người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần một cách hòa bình êm thấm; ngài là người có tài kinh bang tế thế, là vị quan đứng hàng đầu triều của hai vương triều nhà Lý và nhà Trần nối tiếp nhau.
- Đức ngài Phùng Khắc Khoan (1528-1613) - nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài ba, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà kinh tế kiệt xuất thời Lê Trung Hưng. Ngài được ca ngợi là người tài “vào bậc tướng văn tướng võ”. Trí tuệ, tài năng và đức độ của ngài là niềm tự hào của dân tộc ta.
...

Dòng họ Phùng, so về số người, không “lớn” không đông như nhiều dòng họ khác. Thế nhưng, mới chỉ qua vài chuyện trên đây thôi cũng đủ thấy đóng góp của dòng họ Phùng không hề nhỏ trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt ta.

“Họ Phùng là họ có công!”

Lời giáng dạy của Tổ tiên cho phép các thế hệ con cháu họ Phùng ta nhìn nhận đúng, đánh giá đúng về đóng góp và vị trí của dòng họ mình.

Tự hào về truyền thống vẻ vang của dòng họ, mỗi chúng ta càng dốc lòng cố gắng hơn nữa để góp phần xứng đáng hơn nữa trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ bờ cõi thiêng liêng mà Tổ tiên đã để lại!
 

Hà Nội, ngày mùng 6 tháng 11 năm Quý Mão 2023

PGS. TS Phùng Văn Duân - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học
Trung tâm Nghiên cứu các hiện tượng và khả năng đặc biệt (UNESCO Việt Nam)


[1] Cách đây gần 5.000 năm, khi đức Lạc Long Quân nối ngôi vua cha, ngài đổi tên nước ta thành Văn Lang, kinh đô ở Phong Châu và lấy họ Nguyễn làm Nguyên trưởng. Từ đó, con trưởng của họ Nguyễn cũng đồng thời là con trưởng của trăm họ - là trưởng tộc của dân Việt ta.
Kinh đô cổ Phong Châu của nước Việt ta không phải là Phong Châu ở vùng từ Việt Trì đến đền Hùng, Phú Thọ ngày nay như nhiều người vẫn nghĩ. Theo Cổ Lôi ngọc phả của các bậc Tổ tiên truyền lại thì kinh đô cổ Phong Châu xưa ở khoảng vùng Phú La, Phú Lãm, Phú Lương, v.v... và một số khu vực lân cận thuộc Hà Nội ngày nay.
[2] Chữ “Vương” ở đây có nghĩa là người tài giỏi về nhiều mặt. Thời Hùng Vương chỉ có những vị vua tài giỏi thống nhất được toàn bộ đất nước và để dân được no ấm, đất nước được thái bình thịnh trị, thì mới được tôn gọi là vua Hùng Vương; còn các vị vua nối tiếp giữa hai vị vua Hùng Vương thì không được gọi là vua Hùng Vương, mà chỉ được gọi là vua. Thời Hùng Vương gồm có mười tám hệ vua Hùng Vương. Mỗi hệ có một vị vua Hùng Vương và một số vị vua tiếp nối ngài. Tổng cộng có một trăm vị vua xen giữa tất cả các vị vua Hùng Vương.
Mười tám đức vua Hùng Vương được dân Việt ta tôn kính gọi là Thập Bát Long Thần; còn một trăm vị vua khác trong thời Hùng Vương thì được dân Việt ta tôn gọi là Bách Bộ Đức Ông và thường được gọi bằng một tên chung là Linh Lang Đại Vương. Các vị Linh Lang thường được thờ tại các đình ở nhiều nơi trong nước. Vì dân ta thường không biết tên số của các ngài, nên khi cúng khấn thường thỉnh là “Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân” hoặc thỉnh lễ “Thiên Địa Bách Thần tại Đại Điện Phong Châu”, hoặc thỉnh “Bách Thần Đống Xã Đại Vương”; còn ở tại trong gia đình, con cháu xa đời thì thỉnh “Cao Cao Tằng Tổ Khảo” hoặc thỉnh “Bách Bộ Đức Ông”.
[3] Theo Cổ Lôi ngọc phả do các bậc Tổ tiên truyền lại thì ngài Nguyễn Trần Định có hai người vợ. Chính thất là đức bà Trần Thị Đoan, thứ thất là đức bà Hoàng Thị Cúc. Ngày xưa, những người con do các bà vợ cùng một ông chồng sinh ra thường được coi là con của bà vợ cả. Vì thế nhiều người nhầm tưởng rằng đức bà Trần Thị Đoan sinh ra Hai Bà Trưng. Đức bà Trần Thị Đoan sinh một con trai là ngài Nguyễn Khổng Khắc. Đức bà Hoàng Thị Cúc sinh ba người con (hai gái và một trai) lần lượt là Nguyễn Thị Lý (Hùng Lý), Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Khổng Chủng.
[4] Địa bàn chiến đấu của nữ tướng Phùng Vĩnh Hoa trải rộng từ vùng Tiên Nha tới vùng Vị Nội (nay là ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), vùng Trung Hà (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), vùng Trung Hà (nay thuộc xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội), tới vùng Yên Sơn (nay thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
[5] Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã kéo dài trong suốt 10 năm (chứ không phải chỉ có 3 năm như trong một số sách vở đã ghi).
[6] Làng Phùng còn có tên Nôm là làng Bùng. Ban đầu, làng có tên là An Hòa Trang, sau đổi thành Phùng Gia Trang. Làng Bùng là quê hương của Cụ Phùng Khắc Khoan (thường gọi là Trạng Bùng).