(Thứ hai, 25/07/2022, 11:51 GMT+7)
Là một trong những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự hình thành và phát triển của Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Điện ảnh - Truyền hình BĐBP), Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phùng Bá Gia (mất năm 2012) đã có trong hành trang của mình hàng chục bộ phim tài liệu, gây tiếng vang và hàng nghìn mét phim tư liệu quý giá. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như Bằng khen "Liên hoan phim quốc tế" tổ chức tại Liên Xô, năm 1978; giải Nhất Liên hoan phim Quốc gia lần thứ nhất; Bằng khen xuất sắc của Hội Điện ảnh cùng rất nhiều giải thường cao quý khác.

Tôi có vinh dự được gặp Đại tá, NSƯT Phùng Bá Gia, nguyên Giám đốc Điện ảnh BĐBP khi còn là một biên tập viên mới về đơn vị công tác. Khi ấy, chúng tôi đang thực hiện bộ phim truyền thống kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập lực lượng. Ở tuổi 80, song ông vẫn còn rất minh mẫn và nói chuyện nghề rất hăng say. Người nghệ sĩ lão thành này bày tỏ rằng, với ông, những thước phim tài liệu mà ông và đồng nghiệp đã thực hiện trong suốt hơn 30 năm gắn bó với lực lượng BĐBP sẽ mãi là những dấu ấn không phai mờ trong cuộc hành trình của đời ông.
 
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghi Lộc, Nghệ An, năm 1947, khi mới 17 tuổi, Phùng Bá Gia đã gia nhập Quân đội và làm lính trinh sát tại Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), tham gia chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên và Lào. Năm 1959, ông bị thương, trở ra Hà Nội và được đơn vị phân công đi học nghiệp vụ điện ảnh để tạo nguồn cán bộ cho sự ra đời của Đoàn Điện ảnh - Truyền hình Công an nhân dân vũ trang. Sau 4 năm học tập, ông trở về và được giao nhiệm vụ quay phim kiêm đạo diễn các bộ phim tài liệu của lực lượng. Chiếc máy quay Konvat cũ kỹ hiện bảo quản tại phòng truyền thống của Điện ảnh BĐBP đã từng theo NSƯT Phùng Bá Gia trong suốt những tháng ngày lăn lộn trên khắp nẻo đường biên cương Tổ quốc để phản ánh cuộc sống, chiến đấu bảo vệ biên giới của chiến sĩ Biên phòng và nhân dân các dân tộc.
 
Dù điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, nhưng với lòng yêu nghề, quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, NSƯT Phùng Bá Gia cùng các đồng nghiệp trong Tổ làm phim thời kỳ đó như biên kịch Phan Trọng Bằng, Lương Sỹ Cầm, quay phim Ngọc Loan, Phạm Ướng, Đào Liễu, Minh Đức… đã xây dựng thành công các phim tài liệu làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước như: "Trên tuyến đầu miền Tây Tổ quốc", "Trên thao trường", "Làm theo lời Bác ", "Trạm gác chân đèo", "Lũy thép Quảng Bình", "Ngọn cờ Hiền Lương", "Đầu nguồn sông Mã"…
 
Trên bước đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSƯT Phùng Bá Gia đã cùng đồng đội vượt dòng Bến Hải tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, kịp thời ghi dấu những chiến công của các chiến sĩ An ninh vũ trang qua các thước phim được đánh giá cao như: "Theo chiến sĩ An ninh vào Quảng Trị", "Quê hương tôi giải phóng", "Hướng tới chiến trường xa",  "Trên đỉnh Pù Nhi"…  Những thước phim có một không hai đó đã kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, lập công xuất sắc trong bảo vệ biên giới, bảo vệ mục tiêu…
 

Đằng sau sự thành công của NSƯT Phùng Bá Gia luôn có sự đồng cảm, chia sẻ của người vợ (Ảnh do gia đình cung cấp)
 
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ những hình ảnh đáng tự hào trong bộ phim "Trên vĩ tuyến 17". Đó là bộ phim truyện đầu tiên phản ánh cuộc sống và tinh thần chiến đấu anh dũng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang với địch ở bờ Nam sông Bến Hải, giới tuyến quân sự tạm thời theo Hiệp định Geneve. Khi tham gia bộ phim này, ông đảm đương trách nhiệm quay phim, làm cố vấn, đồng thời liên hệ chỗ ăn, nghỉ cho cả đoàn.
 
Nhà văn Hoàng Tích Chỉ, tác giả kịch bản phim kể lại rằng, trong bối cảnh lúc đó, việc thực hiện phim gặp rất nhiều khó khăn vì quân ngụy đang có những hành động gây hấn nhằm phá Hiệp định Geneve. Việc thực hiện bộ phim rất nguy hiểm, anh em trong đoàn vừa làm phim, vừa phải dè chừng sự tấn công của địch. Có những lúc NSƯT Phùng Bá Gia cùng ê kíp đang quay phim, nghe tiếng máy bay địch là phải dập ngay phản quang (dụng cụ được dùng để đón ánh sáng tự nhiên) để tránh địch. Có lần, đoàn quay ở Cửa Hội, vừa quay xong thì máy báy địch đánh bom ở kho xăng Bến Thủy, cách đoàn làm phim có vài cây số. Dù nguy hiểm nhưng cả đoàn vẫn quyết tâm làm, nghe tiếng máy bay địch gầm rú gần là lại dập phản quang xuống, máy bay lượn lên qua lại tiếp tục công việc.
 
Cảnh quay 1 đồng bào miền Nam nhớ bờ Bắc nên bơi qua sông Bến Hải trong phim "Trên vĩ tuyến 17" là một cảnh quay giữa sống và chết, bởi để thực hiện cảnh quay này bắt buộc phải chèo thuyền ra quá giữa sông mới bấm máy quay được. Để có được cảnh quay chân thực, thu trọn được hậu cảnh bờ Nam phía sau đồng bào đang bơi trên sông, NSƯT Phùng Bá Gia quyết tâm quay trực tiếp trên sông Bến Hải. Trong khi đó, theo Hiệp định Geneve, ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc là giữa sông Bến Hải. Bên nào xâm phạm dù chỉ một li là bị bắn liền và chỉ có một cơ hội duy nhất. Chính vì thế, diễn viên và quay phim  quyết tâm hết sức để làm một lần được ngay và cũng xác định nếu có hy sinh là vì nhiệm vụ cao cả với Tổ quốc.
 
Trong suốt hành trình 15 năm cầm máy quay ghi lại những hình ảnh về người lính Biên phòng, gia tài quý giá nhất mà nhà quay phim Phùng Bá Gia đã đóng góp cho đất nước, chính là 6 thước phim tài liệu ông quay được trong 6 lần gặp Bác Hồ và thực hiện được 3 chủ đề về Bác. Lần đầu tiên gặp Bác, ông đã hoàn thành được bộ phim dài 16 phút với tiêu đề: "Trên thao trường". Khi được giao nhiệm vụ, ông đã thấp thỏm cả đêm không ngủ được để chuẩn bị máy quay, ắc quy, trong đầu tưởng tượng ngày mai sẽ quay Bác ở góc độ nào cho hợp lý. Ngày hôm sau, lần đầu tiên được gặp Bác nhưng lại đứng từ xa để quay cảnh Bác Hồ đang ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600. Bộ phim sau đó được chiếu cho Bác Hồ xem và Người khá hài lòng.
 
Những lần ghi hình Bác sau đó, mỗi lần đều là một dấu ấn khó quên và là một bài học đối với ông. Sự độ lượng, ân cần của Bác đã khiến ông ý thức được trách nhiệm của mình hơn với công việc. Có lần NSƯT Phùng Bá Gia đang quay, do sơ xuất nên bóng điện chiếu sáng máy quay bị nổ, đồng chí cán bộ bảo vệ có ý ngăn lại, nhưng Bác vẫn điềm tĩnh, khoát tay bảo đồng chí ấy lui ra. Sau đó, Bác nhẫn nại ngồi chờ mọi thứ sắp xếp xong xuôi rồi quay lại từ đầu.
 
Lần cuối cùng NSƯT Phùng Bá Gia gặp Bác cũng chính là lúc ông quay lại những khoảnh khắc cuối cùng Bác nằm trên giường bệnh. Khoảng thời gian thực hiện những cảnh quay này đối với ông là thật dài và ngỡ như không có thực. Khi ấy, mắt ông nhòa lệ, không cầm nổi máy quay vì không thể kìm nén được tiếng khóc bật ra từ đáy lòng. Hai ngày sau, Bác nhập viện, đó cũng là thước phim cuối cùng về Người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
 
Điểm nổi bật trong những bộ phim có sự tham gia của NSƯT Phùng Bá Gia là các bộ phim tài liệu luôn giàu sức biểu đạt, hình tượng nghệ thuật phim khỏe khoắn mang nét tương đồng với hình tượng người lính mang quân hàm xanh kiêu dũng nơi biên cương thăm thẳm. Thế mạnh của NSƯT Phùng Bá Gia nằm ở chính khả năng chọn được những góc quay tinh tế và khả năng kết nối hình ảnh xuyên suốt đã chắp cánh cho những thước phim, những lời bình phim đặc sắc.
 
Đã 5 năm kể từ ngày người nghệ sĩ đáng kính của lực lượng BĐBP qua đời. Có lẽ, cũng không cần phải dùng nhiều ngôn từ để nói về một NSƯT đã thành danh và có những đóng góp nhất định đối với nền điện ảnh của cả nước cũng như lực lượng BĐBP. Chỉ biết rằng, những thước phim tài liệu được ghi lại trong khói lửa chiến tranh đã gắn bó với cuộc đời ông như máu thịt và sẽ mãi mãi lưu giữ trong trái tim nhiều thế hệ người xem cả nước.
 
Theo TUỆ LÂM / Báo Biên Phòng