HỒI THỨ MƯỜI LĂM
Phùng trại chủ cưỡi hạc qui tiên
Phan tiên sinh gạt lệ định kế
Đây lại nói tiếp chuyện châu Đường Lâm.
Trước hôm xuống thuyền rời Đường Lâm, Phùng trại chủ cho mời Đỗ Anh Doãn đến thư phòng. Sau tuần trà, Phùng trại chủ ân cần cất giọng:
- Đỗ huynh! Đường Lâm ta nhận được tin mừng, anh em tướng sĩ đã lấy được Phong Châu hiện nay đang chống nhau với quân tướng của Cao Chính Bình tại chân núi Ngõa Cương. Đệ định đi Phong Châu một chuyến. Trước là thay mặt người Đường Lâm ta tế bái núi tổ Nghĩa Lĩnh, thể hiện tấm lòng thành của anh em tướng sĩ Đường Lâm cũng là tế cáo anh linh các vị Vua Hùng từng làm rạng rỡ nước Văn Lang, lập triều đại hàng ngàn năm vang danh bốn biển cũng là những trang sử vàng của nước ta dân ta vậy. Tiểu đệ đi Phong Châu cũng là thể hiện tấm lòng với các vị bô lão, các hào mục, tù trưởng, các tướng lĩnh, binh sĩ và người dân Phong Châu. Việc này lẽ ra phải mời huynh chủ trương xong ngặt lỗi việc ta chiếm được Phong Châu đã vang đến Tống Bình tất nhiên Trương Bá Nghi khó nuốt mối hận này mà có thế xuất kỳ bất ý xua binh tướng đánh Đường Lâm ta. Vậy tiểu đệ phiền hiền huynh ở lại trông giữ Đường Lâm cũng là một việc trọng vậy. Đệ sẽ sớm về cùng huynh bàn việc tiến thủ cho binh tướng Đường Lâm ta.
Đỗ Anh Doãn rưng rưng chòm râu bạc cảm khái nói:
- Phùng trại chủ đi chuyến này cũng thỏa lòng thỏa chí của ngu huynh vậy. Tài đức và ý chí của trại chủ lão nạp đây đã biết từ lâu. Những mong còn được ngày sốn ở dương gian được nhìn thấy nước Nam ta có chủ. Hiền binh hiền tướng của trại chủ nay đã tung hoành nuôi dân mở nước thay trời đất An Nam đuổi lũ giặc Bắc quả là thỏa chí muôn dân anh ninh nòi giống tổ tiên ta. Lão nạp nay đã già chỉ ngày một ngày hai theo về với tổ tiên cũng đã mừng rỡ mà nhắm được mắt vậy. Mong trại chủ sớm về Đường Lâm định liệu việc lấy Tống Bình.
Phùng trại chủ bịn rịn cầm tay vị lão huynh đã vào tuổi hạc rồi cùng đám tùy tướng bước xuống thuyền ngược lên Phong Châu.
*
Xong việc tế lễ, hội hè, Phùng trại chủ họp chúng tướng đồng thời cho mời các vị bô lão trong ngoài đất Phong Châu ở ngôi chính điện. Khi mọi người an tọa, trong không khí nghiêm trang, Phùng trại chủ vái chào cất giọng:
- Kính thưa các vị bô lão, thưa các vị tướng quân! Phùng Hạp Khanh này bình sinh theo phò Mai Hắc Đế đánh giặc lập nước từ mấy chục năm trước. Khi giặc Bắc cuồng bạo xua mười vạn binh sang cướp nước ta, giết vua giết dân ta đáng lẽ Phùng mỗ đây phải ngọc nát thành tan cùng với chúng. Song lại trộm nghĩ việc tự tận báo quốc thỏa chí trung thành sao bằng việc nuôi dưỡng tâm cơ phục quốc. Mấy mươi năm nay, sở dĩ Phùng mỗ đây còn giữ lại tấm thân già cũng là đăm đắm việc đuổi giặc Bắc khôi phục quyền tự chủ cho An Nam ta vậy. Nay lòng dân căm hận giặc Bắc đã như ngọn lửa thuận gió cháy lên. Đường triều kia bề ngoài là mạnh kỳ thực bên trong đã mọt ruỗng lắm rồi. Thời cơ để An Nam ta vùng lên tự chủ nay đã đến. Phùng mỗ bao năm nay nhẫn nhịn cũng là để đợi ngày có người hiền đức đứng ra khởi nghĩa lấy lại nước. Nay Phong Châu đất vuông vài trăm dặm, đồng ruộng phì nhiêu, cư dân đông đúc, những bậc hiền sĩ có tài an dân trị nước không thiếu. Nay lũ Thang Ân Bá, Trương Phóng đã bị đánh đuổi, Phong Châu giờ đã là đất tự chủ vậy mong các vị bô lão và văn thần võ tướng sớm chọn ra người đứng đầu trông coi mảnh đất này.
Lời trại chủ dứt từ lâu nhưng đại điện vẫn im phăng phắc.
Một lúc lâu, một bô lão trên chín mươi khảng khái đứng lên nhìn khắp lượt rồi đĩnh đạc nói:
- Kính thưa Phùng trại chủ, thưa các vị huynh đệ, thưa các tướng quân. Phong Châu ta vốn là vùng đất được các vua Hùng chọn làm quốc đô đã ngàn năm trước. Bao nhiêu năm nay giặc phương Bắc tham tàn đàn áp dân Phong Châu ta. Lão hủ đây tưởng đến lúc chết cũng không mong có ngày ta lấy lại được nước, được lên ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh tế cáo trời đất. Nay Phùng trại chủ đức tài gồm đủ, văn võ kiêm thông. Văn thần võ tướng Đường Lâm đều là những bậc anh hùng trượng phu vì nợ nước không tiếc thân mình. Chí lớn của Phùng trại chủ cũng là tâm nguyện chung của người An Nam ta. Nay đã đến lúc chúng ta nước có chủ, đất Phong Châu, người An Nam có chủ. Chúng ta đã tế cáo trời đất cũng là hằng tâm của muôn dân mời Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng để thỏa ý trời lòng người vậy.
Lời cụ lão trên chín mươi còn chưa dứt, bốn bên đại điện tiếng hô vang cất lên không dứt:
- Mời Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng!
- Mời Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng!
Phùng trại chủ khuôn mặt đầy biểu cảm nhìn khắp một lượt rồi ra hiệu cho mọi người yên lặng mới cất giọng xúc động:
- Kính thưa các vị lão trượng! Thưa các vị tướng quân. Phùng Hạp Khanh này vô cùng cảm động trước tấm lòng của chư vị. Song Phùng mỗ trộm nghĩ mình tài sơ đức mỏng không thể đảm đương ngôi cao. Lại nữa Phùng mỗ tuổi tác đã cao, xưa kia từng là trọng thần của Mai tiên đế. Việc thành tan nước mất, Mai thiếu đế tự tận với nước Phùng mỗ còn gánh chưa hết tội. Việc đánh đuổi giặc Bắc Phùng mỗ quyết không từ nan nhưng việc ngôi quân trưởng Phùng mỗ xin không dám nhận. Vả chăng giặc Bắc ở Tống Bình còn đó. Dân ta, nước ta vẫn còn làm trâu ngựa cho chúng thì việc ở ngôi cao càng không nên. Mấy lời gan ruột, mong các vị lão trượng, các vị tướng quân chiếu cố cho.
Phùng trại chủ ngồi xuống, không khí đại điện nghiêm trang. Một lát, Phan Đường tiến lên nói:
- Kính thưa Phùng trại chủ! Thưa các vị lão trượng, các vị tướng quân. Lời của các lão trượng cũng là nguyện vọng của người An Nam ta muốn nước ta dân ta có người đứng đầu trăm họ cũng là lẽ phải của trời đất vậy. Nước ta khởi từ triều đại các vua Hùng lập nước Văn Lang sang đến Thục Phán An Dương Vương lập nước Âu Lạc vang danh bốn biển. Trải bao dâu bể, người An Nam đất An Nam quật cường nối nhau vùng lên làm chủ đất mình đánh đuổi nhà Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường không dứt. Các vua ta từ Trưng Nữ vương, Triệu Thị trinh, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan đã đi vào sử sách. Nay Phùng trại chủ thân mang chí lớn, đức trọng tài cao, khai dân mở đất đã mấy chục năm nay, các vùng đất Đường Lâm, Phong Châu vuong vài trăm dặm, trăm họ vạn nhà đều mong muốn có vị quân trưởng người An Nam, vậy việc Phùng trại chủ chịu ở ngôi cao cũng là lẽ thường của trời đất vậy. mong Phùng trại chủ không quản tuổi cao mà đảm đương cho.
Lời Phan Đường còn chưa dứt, bốn bề lại vang lên:
- Mời Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng!
- Mời Phùng trại chủ lên ngôi quân trưởng!
Phùng trại chủ đứng lên vái dài bốn phía cảm động nói:
- Lời của các vị bô lão, chư huynh đệ lẽ nào Phùng Hạp Khanh này không thấu hiểu. Việc nước Phùng mỗ quyết không từ song việc ở ngôi cao xin mọi người hãy lui lại cho. Hẹn khi lấy được Tống Bình, ta cùng chúng tướng vào Hoan, Diễn tế cáo Mai tiên đế rồi định đoạt việc lớn hãy còn chưa muộn. Nay mọi người hãy bàn định ngày về Đường Lâm củng cố binh lương tiến đánh Tống Bình mới là việc cần kíp vậy.
Thấy ý Phùng trại chủ đã quyết, mọi người không ai nhắc đến việc lên ngôi nữa bèn cùng nhau bàn bạc sửa soạn hai mặt thủy bộ rút quân về Đường Lâm.
Mấy hôm sau, trước khi xuống thuyền xuôi dòng Lô giang về Đường Lâm, Phùng trại chủ triệu tập các văn thần võ tướng đến căn dặn:
- Nay ta về Đường Lâm chủ trương việc vây đánh Tống Bình cắt cử Phan Đường tiên sinh, Bồ Phá Giang tướng quân cùng các tướng Phạm Cương, Đỗ Lăng với năm ngàn binh mã ở lại giữ Phong Châu. Mọi việc tiến thủ các ngươi phải nhất nhất nghe lời Phan Đường tiên sinh. Bồ Phá Giang hãy trông coi việc cự giặc ở chân núi Ngõa Cương. Ngươi phải đào hào đắp lũy cho kín vững mà không được ham đánh giết mới là kế vạn toàn. Vạn nhất Cao Chính Bình cất đại binh xuống phá vây cho Tống Bình ngươi hãy luồn rừng tạo mũi kỳ binh sau lưng chúng. Mọi việc ta sẽ có định đoạt sau.
Bồ Phá Giang đứng lên cảm khái nói:
- Bồ mỗ đây quyết không phụ sự ủy thác của Phùng trại chủ.
Phùng trại chủ xuống thuyền xuôi dòng Lô giang. Quân bộ đã chia nhau rút từ mấy hôm trước. Mấy nghìn con em Đường Lâm tiến chiếm Phong Châu nay theo Phùng trại chủ trở về gần như toàn vẹn cả. Các dũng sĩ hy sinh nơi chiến trận được chôn cất tử tế, lập bia lập miếu ghi lại công tích đợi ngày khen thưởng. Dẫn đầu cánh quân bộ là Phùng công tử cùng các tùy tướng. Vũ Khánh chọn một chiếc thuyền nhẹ tháp tùng Phùng trại chủ theo dòng Lô giang về Đường Lâm.
Phùng trại chủ cùng Vũ Khánh về Đường Lâm vào lúc rạng sáng khi xóm làng còn chìm trong giấc ngủ. Ra hiệu để đám quân canh không đánh thức mọi người, Phùng trại chủ thong thả cùng Vũ Khánh bước vào gian nhà lớn. Vừa bước vào ngôi chính đường, Phùng trại chủ khẽ giật mình nhìn sang Vũ Khánh nhỏ giọng:
- Có lẽ nào Đỗ huynh không thức dậy vào giờ này?
Quá thông thuộc nết ăn nết ở của tiên sinh họ Đỗ thường khi giờ này đã dậy từ lâu thưởng trà cùng với Phùng trại chủ, Vũ Khánh lo lắng nói:
- Tiểu đệ cũng thấy bất thường quá. Đỗ lão trượng tuổi đã sít soát tám mươi lại luôn dạo này không được khỏe sợ có mệnh hệ gì chăng?
Phùng trại chủ rời nhanh khỏi ngôi chính đường bước về căn nhà gỗ bên tay phải nơi Đỗ Anh Doãn nghỉ ở đó đẩy tấm cửa khép hờ bước vào trong. Ánh sáng buổi sớm còn lờ mờ, Phùng trại chủ nhẹ bước đến sát bên chiếc giường của người hiền huynh mà người trên giường vẫn đang thiếp ngủ không hay biết. Cúi xuống toan nhấc bàn tay đặt ngay ngắn trên ngực để đánh thức vị huynh trưởng, Phùng trại chủ hốt hoảng kêu lên:
- Trời ơi! Đỗ huynh qui tiên rồi.
Vũ Khánh vội tiến sát đến bên Phùng trại chủ cầm vào tay Đỗ tiên sinh thảng thốt nói:
- Đỗ lão tiền bối qui tiên thật rồi!
Hai người đứng như trời trồng trong căn nhà gỗ. Nước mắt Phùng trại chủ và Vũ Khánh cùng nhỏ xuống chiếc giường gỗ của vị huynh trưởng. Trên chiếc bàn gỗ nhỏ nơi góc giường, ngọn lửa trên đĩa đèn vẫn còn leo lét. Mặt chiếc bàn gỗ đơn sơ quyển sách nằm ngay ngắn. Phía trên quyển sách là một phong thư. Phùng trại chủ cầm thư đưa cho Vũ Khánh. Những dòng chữ rõ ràng, còn tươi màu mực:
“Kính gửi Phùng trại chủ!
Lão hủ không thể chờ được Phùng trại chủ về nữa. Mệnh trời khó cưỡng nay lão hủ theo tiên tổ về nơi cực lạc cũng đã thỏa chí bình sinh. Phong Châu tuy đất vuông vạn dặm có thể xưng vua lập nước ở đó nhưng cũng chỉ là kế tạm thời mà thôi. Đất Cổ Loa thuộc Vũ Ninh từng là kinh đô cũ của nước ta cũng không phải là nơi bậc quân trưởng chọn dùng để lo việc nước. Thành Tống Bình là khoảng giữa của trời đất, nơi sơn thủy hữu tình nước non vạn dặm lại có thế rồng cuộn hổ chầu muôn dân hướng về mới là nơi đặt quốc đô vậy. Nay lòng người đang thuận, bốn bể hướng về, quân tướng Đường triều ở vào cái thế bị hợp vây tám mặt đã là lúc Phùng trại chủ khởi binh lấy lại nước vậy. Nay lão hủ nhắm mắt mà mỉm cười nói mấy lời cuối với Phùng trại chủ. Có đứa cháu dại là Đỗ Anh Hàn xin được trại chủ trông coi giúp. Lão hủ xin bái biệt trại chủ”.
Từng lời từng lời thư như cứa vào gan ruột của Phùng trại chủ. Vũ Khánh rưng rưng nói:
- Đỗ lão tiên sinh tuổi hạc về trời quả là mất mát lớn của Đường Lâm ta vậy. Những lời của Đỗ lão tiên sinh cũng là tâm nguyện của tướng sĩ Đường Lâm và trọng trách của trại chủ chúng tướng xin nguyện khắc cốt ghi tâm.
Phùng trại chủ đẫm lệ nói:
- Ta bình sinh cha mẹ không còn, anh em cũng không có luôn coi Đỗ tiên sinh là bậc huynh trưởng. Nay huynh trưởng sớm qui tiên ta còn sống làm gì nữa.
Nói đoạn than khóc mãi không thôi.
*
Chôn cất Đỗ Anh Doãn xong, luôn đến hàng tháng Phùng trại chủ ăn ngủ thất thường lắm. Người năm nay cũng đã trên bảy mươi, lại lo nghĩ quá nhiều nên sức khỏe sa sút trông thấy. Vũ Khánh lo lắng, lặng lẽ cho người đem thư tới Phong Châu. Tiếp nhận được tin báo, Phan Đường họp các tướng Phong Châu lại nói:
- Kể từ khi Đỗ tiên sinh về với tổ tiên, Phùng trại chủ đêm ngày lo nghĩ, lại đã tuổi cao việc nhiều. Ta phải về Đường Lâm một chuyến mới xong.
Các tướng nhìn nhau, Bồ Phá Giang đứng lên nói:
- Phan tiên sinh chịu sự ủy thác của Phùng trại chủ trông coi một dải Phong Châu mênh mông này trọng trách lớn lắm. Hay có gì cần căn dặn người cứ nói ra để Bồ mỗ về thay. Từ đây về Đường Lâm đướng sá xa xôi Phan tiên sinh tuổi tác cũng đã cao cần giữ gìn cho việc lớn sau này.
Phan Đường nhìn Bồ Phá Giang xúc động nói:
- Bồ tướng quân quả có tấm lòng nghĩa khí song chuyến này ta đi vẫn hơn. Tướng quân là thành trì của Phong Châu không thể rời đây nửa bước. Việc ta về Đường Lâm cũng nên giữ kín thì hơn. Luôn mấy hôm ta xem thiên văn thấy khí trời ảm đạm, vì sao lớn ở chính Nam ánh sáng chập chờn lắm sợ rồi trại chủ có mệnh hệ gì chăng. Trại chủ cả đời lo việc nước, thân đã trên bảy mươi tuổi, sức khỏe giảm sút cũng là lẽ thường tình. Kể cả khi có mệnh hệ gì các ngươi cũng không được rối. Phải lấy cái trí cái đức của Phùng trại chủ làm điều căn bản để trọn phận sự đạo làm tướng. Vạn nhất điều xấu xảy ra, binh tướng Vũ Định thừa cơ lẻn cướp Phong Châu các tướng phải chia nhau thủ hiểm không được để mất. Phong Châu là vùng đất căn bản để binh tướng Đường Lâm gây dựng thế lực mưu việc lớn quét sạch lũ giặc Bắc sau này cũng là tâm nguyện của Phùng trại chủ vậy. Các tướng nên nhớ lấy mà gắng sức. Ta về Đường Lâm, mọi việc ở đây Bồ Phá Giang sắp đặt cho ổn thỏa cũng là chịu sự ủy thác của Phùng trại chủ vậy.
Bồ Phá Giang cùng các tướng nghiêm nghị vâng lời chia nhau ai vào việc nấy.
Phan Đường chọn một chiếc thuyền nhẹ cùng hơn mười gia nhân ngay nửa đêm hôm ấy xuôi dòng Lô giang về Đường Lâm.
*
Luôn mấy hôm liền, Vũ Khánh rất lo lắng trước sức khỏe của Phùng trại chủ. Vũ Khánh cho triệu tập ba anh em Phùng công tử cùng các tướng Đường Lâm lại thương nghị. Đợi mọi người an tọa, Vũ Khánh nghiêm trang nói:
- Thưa các công tử Phùng gia! Thưa các vị tướng quân. Luôn mấy hôm nay, Phùng trại chủ không được khỏe. Ta đã gửi tin mời Phan Đường tiên sinh về Đường Lâm nghị sự chỉ nay mai là tới đây. Việc lớn trong thiên hạ đang có nhiều biến động. Binh lực Đường Lâm ta kể từ buổi lấy được Phong Châu đã khác xưa nhiều lắm. Đường Lâm với Tống Bình, Vũ Châu đã hình thành thế chân vạc tiến thoái đều phải dò biết tình hình của nhau. Sở dĩ ta chưa thể hưng binh đánh ngay Tống Bình là do Cao Chính Bình ở Vũ Châu binh dư năm vạn, mãnh tướng trăm viên luôn lăm le tập kích sau lưng chiếm lại Phong Châu thừa cơ đánh xuống Đường Lâm đẩy ta vào thế mất đất mất thành dẫn đến bại vong vậy. Phùng trại chủ tuy không nói ra nhưng người ngày đêm lo nghĩ cho đại cục này. Nay ta chịu sự rèn dạy của Phùng trại chủ nói ra những điều khó khăn để các công tử và các tướng được biết.
Vũ Khánh vừa dứt lời bỗng đâu Phùng trại chủ và Phan Đường từ bên ngoài bước vào. Mọi người đứng lên chào. Ai nấy đều lo lắng nhìn sắc diện yếu ớt của Phùng trại chủ.
Ra hiệu để mọi người ngồi xuống, Phùng trại chủ cầm tay Phan Đường nói với các tướng:
- Thưa các huynh đệ. Ta từ khi lui về Đường Lâm, những tưởng dứt bỏ việc đời sống an nhàn cùng cỏ cây trời đất song đêm ngày nhỏ máu nghĩ đến buổi Mai Thiếu Đế bị giặc Đường giết hại ở chân thành Vạn An. Nước mất thành tan thân là nam nhi ở đời lòng dạ nào an nhàn được. Nay họ Phùng ta may trên nhờ có Mai tiên đế khuông phò, nhân dân giúp dập dưới lại có các tướng lĩnh khắp miền phò tá việc lớn đang dần hình thành. Ta trộm nghĩ tài đức của mình chưa xứng với việc lớn trong thiên hạ nhưng cũng dám vì nước vì dân mà không quản tấm thân già. Nay tuổi tác đã cao, cũng đã sắp về với tổ tiên có mấy lời căn dặn các tướng. Việc lấy lại nước là việc lớn không chỉ của họ Phùng mà là của toàn dân An Nam ta. Nay các tướng khuông phò Phùng mỗ ta không biết lấy gì trả được ân đức của mọi người. Mọi việc khi ta mất đi rồi chúng tướng hãy dốc sức đồng lòng đánh đuổi lũ giặc Bắc hoàn thành nguyện vọng của người An Nam. Việc đuổi giặc không phải ngày một ngày hai đã xong mà chắc chắn sẽ muôn vàn khó khăn gian khổ. Ta có ba đứa con nhỏ nay đã trưởng thành nhưng còn nhiều việc phải gắng gỏi hơn nữa mong được các tướng giúp đỡ cho.
Giọng Phùng trại chủ run run. Chúng tướng ai nấy đều xúc động lặng người đi. Một lúc lâu, Phan tiên sinh mới đứng lên nói:
- Thưa Phùng trại chủ, thưa các vị tướng quân. Học trò này ngay từ buổi được Phùng trại chủ đến tận bãi Màn Trù thăm hỏi tin dùng mời về với tướng sĩ Đường Lâm cũng đã được mấy năm. Tâm nguyện của Phùng trại chủ học trò này luôn khắc cốt ghi tâm. Nay Đường Lâm ta ngày một vững mạnh cũng là lúc chúng ta mưu đồ việc lớn. Bây giờ là lúc các vị tướng quân cùng nhau gắng sức lập công đuổi giặc Bắc lấy lại nước để thỏa chí bình sinh của Phùng trại chủ và toàn dân nước ta. Việc muôn khó đó không lúc nào học trò cùng chúng tướng không nghĩ đến. Học trò xin Phùng trại chủ bớt nghĩ ngợi, lấy sức khỏe làm trọng gắng đợi mấy năm nữa ắt binh tướng Đường Lâm sẽ đánh lấy Tống Bình, giành lại độc lập cho dân, thu lại giang sơn mà các liệt tổ liệt tông người An Nam đã đổ bao máu xương xây dựng lên. Học trò nghĩ ngày đấy cũng không còn xa nữa. Mong Phùng trại chủ bảo trọng tấm thân muôn quí của mình.
Vũ Khánh đứng lên nghiêm nghị tiếp lời:
- Mạc tướng cũng có suy nghĩ như Phan tiên sinh và các tướng. Mong Phùng trại chủ bảo trọng đợi ngày binh tướng Đường Lâm lấy lại Tống Bình, thu giang sơn về cho người An Nam ta.
Trong không khí trang nghiêm, Phùng trại chủ ân cần run run cầm tay từng người trò chuyện mãi.
Đêm ấy Phùng trại chủ Phùng Hạp Khanh theo tiên tổ về trời hưởng thọ bảy mươi bảy tuổi.
Theo di nguyện của Phùng trại chủ, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ song các vùng Đường Lâm, Phong Châu nhà nhà cảm ân đức của Ngài đều thành kính để tang mãi mấy tuần trăng mới dứt.
Phan Đường cũng Vũ Khánh họp bàn các tướng suy tôn công tử trưởng Phùng Hưng nối chức trại trưởng.
Năm ấy Phùng Hưng vừa tròn mười tám tuổi.
*
Chưa đầy tuần trăng sau buổi Phùng trại chủ qui tiên, tin cấp báo từ Tống Bình cho biết Đô hộ sứ Trương Bá Nghi đang ngày đêm giục bọn Trương Thành, Lục Khiêm trưng mộ binh lương chặt gỗ đóng thuyền ở các vùng Phong Khê - Cổ Loa, Tam Ngạn, Tứ Ngạn, Lục Ngạn thuộc châu Vũ Ninh rất gấp. Lại có tin cấp báo từ Phong Châu Cao Chính Bình đang điểm hai vạn binh tướng rục rịch vượt núi Ngõa Cương tiến chiếm Phong Châu. Lại có tin mạn cửa biển Dương Tuyền có viên châu mục là Lữ Phương vâng lệnh Trương Bá Nghi thành lập đại đội thủy binh lên tới vài trăm chiếc đang phao lên sẽ tiến ngược dòng sông Cái xuống đánh Đường Lâm. Phùng Hưng, vị trại chủ trẻ tuổi cho triệu tập các tướng văn võ vào đại điện thương nghị. Phùng trại chủ cất giọng nói:
- Kính thưa các vị tiền bối! Thưa các vị tướng quân. Đường Lâm ta từ ngày tiến chiếm Phong Châu binh lực tuy mạnh lên nhiều song địch ở bốn bề luôn rình rập. Giữa buổi đại sự chưa thành cha ta đã theo về với tổ tiên thật là đáng tiếc. Nay ta đảm đương chức trại chủ tài sơ đức mỏng thật lúc nào cũng sợ hãi như ngồi trên đống lửa. Luôn mấy hôm nay, tin tức từ các nơi báo về, giặc kia đang rục rịch ba mặt tiến binh. Nay ta cho triệu tập các vị tiền bối cùng các tướng quân để thương nghị. Việc đánh giữ còn mất thế nào mong các vị chỉ bảo cho.
Đại điện im lặng hồi lâu, Vũ Khánh mới đứng dậy thong thả nói:
- Đường Lâm ta từ buổi Phùng trại chủ qui tiên, lòng người thương xót nhưng cũng từ mất mát này muôn người đều nghĩ tới việc sớm phải đánh đuổi giặc Bắc. Việc đánh giữ để lấy lại nước không khi nào giống khi nào. Hai bên đã động binh ắt kẻ thua người thắng. Giặc Đường kia định ba mặt giáp công Đường Lâm ta đâu sợ chúng. Chúng phải dẫn xác qua hàng trăm dặm đến đây vào đất ta, đánh dân ta ắt chính khí không còn. Lại nữa ta trước sau cũng phải khởi binh đánh chúng. Ngày Phùng trại chủ còn sống vẫn thường nói việc binh bị tiến thoái ở Đường Lâm trong mười năm tới Phan tiên sinh chủ trì. Nay đã là lúc hỏi đến kế của tiên sinh.
Phùng Hưng nhìn sang Phan Đường tiên sinh có ý giục mời. Phan tiên sinh điềm tĩnh đứng dậy nhìn lên hương án ban thờ Phùng Hạp Khanh còn nghi ngút khói nhỏ đôi dòng lệ liền đó tiên sinh gạt nước mắt, nén chặt xuống đáy lòng rành rọt nói, giọng càng lúc càng sang sảng:
- Nước đến đất ngăn, binh ra tướng đánh là lẽ thường, binh tướng Đường Lâm ta đã đến lúc đường đường chính chính mà đánh đuổi chúng. Giặc kia tuy đông nhưng có ba điều tất bại. Chúng một là chính nghĩa không có lòng quân tất sinh nghi hoặc. Điều thứ hai giặc kia tuy ba mũi giáp công song vốn ngờ vực mà đùn đẩy lẫn nhau tất vừa đánh vừa thăm dò ý định của nhau khiến chúng luôn giằng co không dám quyết. Điều thứ ba là ở lòng dân vốn oán thán chúng đã vắt cùng sức kiệt khiến chúng đi đến đâu muôn dân đều chạy vậy việc phục dịch chúng phải tự lo liệu nên hễ rời khỏi đất chúng là vướng vào lao khổ lâu ngày tất nản. Ta cũng lại cho rằng mùa bão đã qua, giặc biển Chà Và, Côn Lôn tất sẽ đưa binh thuyền xuống Tống Bình quấy phá. Trương Bá Nghi nhân có đó điều thủy binh của Lữ Phương đối địch với giặc biển. Khi cuộc chiến này còn chưa ngã ngũ Trương Bá Nghi tất không dám dốc toàn lực xuống đánh Đường Lâm. Nếu giặc kia liều mạng đánh Đường Lâm ta cứ theo kế thành cao hào sâu, lợi dụng núi cao vực sâu mà mai phục chúng. Ở phía Phong Châu, Cao Chính Bình dẫu nhiều tinh binh mãnh tướng xong cái nỗi khiếp sợ phải chôn vùi nơi đất khách của bọn Thang Ân Bá, Trương Phóng còn sờ sờ ra đấy cũng khiến chúng phải thận trọng. Cao Chính Bình kia vốn giương oai thanh thế chờ thời hơn là liều chết chiếm lại Phong Châu. Nay xét về phía ta binh lực ngày một dồi dào, lòng người không riêng gì Đường Lâm mà các châu quận khác đều hướng về là lẽ tất thắng vậy. Ta một mặt chia binh thủ hiểm ở các đồn ải dẫn vào Đường Lâm và chân núi Ngõa Cương một mặt phao tin giặc biển sắp đánh vào Tống Bình khiến giặc kia dùng dằng không dám vội tiến quân là một kế. Kế nữa trại chủ hãy khẩn cấp cho người vào vùng Hoan - Diễn trưng tập binh lương, lấy thêm tượng binh theo đường thượng đạo vòng ra mặt Nam uy hiếp Tống Bình. Như thế ta ở thế bị vây lại tạo thời để vây ngược địch khiến chúng mất ăn mất ngủ mà chôn chân tại chỗ vậy.
Mọi người trong đại điện ai nấy đều như trút được gánh nặng. Phùng Hưng quan sát một lượt đứng lên nói:
- Lời của Phan tiên sinh cũng chính là đại kế lâu dài của tướng sĩ Đường Lâm ta. Nay ta sai Vũ Khánh tướng quân cùng với Phùng Hải điểm năm nghìn thủy binh với hai trăm chiến thuyền chia làm hai trại đóng trên sông Cái chặn đánh thủy binh của Lữ Phương. Mặt Phong Châu phiền Phan Đường tiên sinh cùng với Phùng Dĩnh điểm năm ngàn tinh binh với một ngàn ngựa chiến lập tức lấy cờ súy của ta lên đường nghênh chiến với quân của Cao Chính Bình. Ở Đường Lâm ta sẽ thân làm chủ tướng cùng các tướng sĩ giữ đất thủ hiểm mai phục địch. Trương Bá Nghi có đích thân dẫn ba vạn tướng sĩ xuống đánh Đường Lâm chúng tất bị ta đánh cho manh giáp không còn. Ta hẹn với các tướng trước mùa đông này ắt đẩy lui địch mạnh, giữ vững Đường Lâm và Phong Châu các tướng xem có đúng không.
Chúng tướng rạ ran chia nhau ai vào việc nấy.
(Còn nữa)