(Thứ năm, 13/08/2020, 09:43 GMT+7)

PHÙNG VĂN HINH,
LÃO NÔNG GÓP CHO ĐỜI MỘT TINH THẦN SỐNG ĐẸP

 

Nhà thơ LÊ THIẾU NHƠN

 
Chỉ với một cuộc đời bình thường, có khi còn chìm khuất trong lầm lũi và cam chịu, nhưng lão nông Phùng Văn Hinh (1950-2018) đã để lại những câu chuyện cao đẹp cho người dân vùng Định Quán - Đồng Nai. Thời gian càng lùi xa càng làm phai mờ nhiều thứ, nhưng giá trị tinh thần của lão nông Phùng Văn Hinh vẫn còn được nhắc nhở và truyền tụng.
 
Lão nông Phùng Văn Hinh sinh ra và lớn lên ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Thân phụ của ông là cụ Phùng Nhàn - một nhà nho yêu nước rất được kính trọng trong thời kỳ chống Pháp. Gia cảnh khó khăn, những năm sau ngày đất nước thống nhất, luôn khiến người trung niên Phùng Văn Hinh suy nghĩ mông lung. Đất làng đã chật, người làng đã đông, không lẽ cứ để vợ con lay lắt với sự thiếu trước hụt sau. Trong hoàn cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, ông Phùng Văn Hinh quyết định thực hiện một chuyến di cư vào vùng đất phương Nam.
 
Đầu năm 1980, ông Phùng Văn Hinh nhảy xe đò đi dọc từ Đà Nẵng vào tận Cà Mau. Phương Nam phóng khoáng và màu mỡ, mỗi vùng đất đều có một nét riêng cởi mở. Tuy nhiên, bằng sự đắn đo hợp lý của người biết làm lụng tay chân, ông Phùng Văn Hinh nhận ra khu vực Định Quán - Đồng Nai có sự trù phú có thể nhập cư lập nghiệp. Trở về Đà Nẵng, ông Hinh gom góp hết tài sản dành dụm được mấy chỉ vàng, rồi chào từ biệt họ hàng, cha mẹ. Ông dắt vợ con đi tìm giấc mơ đổi đời ở vùng đất đỏ miền Đông.
 
Chuyến xe tha hương lăn bánh chầm chậm. Sông Trà khuất dần sau lưng, núi Sơn Trà cũng chỉ còn một chấm nhỏ sau lưng, người đàn ông 30 tuổi Phùng Văn Hinh nhận ra sự e ngại trong đôi mắt người vợ và sự bồn chồn trong lòng mấy đứa con nhỏ. Ông nói vài câu động viên gia đình, rồi lặng lẽ quay mặt nhìn qua cửa kính ô tô mà thấy ngổn ngang với cuộc mưu sinh khốc liệt phía trước.
 
Mua một miếng đất ven đồi để dựng tạm một căn nhà đơn sơ làm nơi trú ngụ, ông Phùng Văn Hinh bắt đầu trở thành một nông dân thật sự. Địa hình bazan của Định Quán, mấy trăm nay đã được người Châu Mạ, Stiêng, Chơ Ro khai phá để trồng cây lương thực và cây công nghiệp. Họ sống được thì mình cũng sống được, có sức người thì lo gì đói cơm rách áo, ông Phùng Văn Hinh tự nhủ như vậy và lao vào trồng trọt. Ông và vợ trồng hồ tiêu, trồng mía, trồng mì, trồng bắp… Nương rẫy nhận mồ hôi và nước mắt của con người, thì cũng không phụ công khó nhọc của con người. Ngoài công việc trồng trọt, vợ chồng ông còn buôn bán thêm những mặt hàng rau củ, thực phẩm nhỏ lẻ. Nhờ thế, sự cơ cực cũng vơi dần, cuộc sống của gia đình Phùng Văn Hinh được cải thiện từng ngày.
 
Khi cuộc sống của mình và người thân đã đi vào ổn định, thì ông Phùng Văn Hinh cũng không màng sự giàu sang hay sự hãnh tiến của cá nhân, mà ông nghĩ đến những số phận lấm láp hơn mình. Ông Phùng Văn Hinh quyết định rất nhanh để triển khai dự tính ấy. Và đến năm 45 tuổi, ông Phùng Văn Hinh đã chuyển sang công việc làm thiện nguyện với sự hăng say không thua kém gì làm nông nghiệp. Trong gần 30 năm làm công việc thiện nguyện, ông đã cứu giúp hàng trăm trường hợp bị tai nạn giao thông, tự hiến máu và vận động kêu gọi hàng ngàn người tham gia mang về ngân hàng máu hàng ngàn đơn vị máu cứu sông hàng trăm bệnh nhân. Việc làm của ông Phùng Văn Hinh đã để lại cho đời bao câu chuyện mang tính đạo đức, nhân ái và nhân văn. Và dưới đây là câu chuyện mà chúng tôi ghi chép lại cuộc sống của lão nông Phùng Văn Hinh trong những năm cuối cùng tồn tại với cõi nhân gian.
 
Trên quốc lộ 20, đoạn ngang qua ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai, khách đi đường vừa ngạc nhiên vừa thú vị chứng kiến một tấm biển khá lớn treo trước căn nhà tường cũ cấp 4: “Điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo & hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình Mổ mắt từ thiện. Điểm đăng ký tình nguyện hiến máu cứu người (nam nữ tuổi từ 19-60). Liên hệ: 01635604022)”. Chúng tôi thử gọi số điện thoại ấy và được gặp ông Phùng Văn Hinh, một lão nông có tấm lòng vì những người bất hạnh xung quanh.
 
Năm nay đã 68 tuổi, nhưng ông Phùng Văn Hinh rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bằng chất giọng đặc trưng xứ Quảng, câu đầu tiên mà ông nói với chúng tôi là: “Các chú còn trẻ, đã tham gia hiến máu nhân đạo chưa? Hiến máu không ảnh hưởng gì đến cơ thể mình, mà còn giúp ích được cho bao nhiêu người khác. Mấy thằng con của tui, đứa nào cũng hiến máu dăm bảy lần rồi! Và gần như cả huyện này, ai cũng tham gia hiến máu”. Thật sự, những ai hờ hững với cuộc sống này, nghe ông Phùng Văn Hinh trò chuyện, không thể nào che giấu sự nể trọng!
Lão nông Phùng Văn Hinh ngoảnh lại hành trình nhập cư và định cư ở Định Quán - Đồng Nai rất ngắn gọn và rất chân thành:“Cực khổ cũng lắm, cay đắng cũng nhiều, nhưng tôi luôn tuân thủ triết lý nhà Phật: dùng tâm dùng đức để ứng xử với cộng đồng!”
 
Công việc thiện nguyện của lão nông Phùng Văn Hinh bắt đầu từ việc cấp cứu những người bị tai nạn giao thông. Quốc lộ 20 nối thành phố Hồ Chí Minh với Đà Lạt, thường xuyên xảy ra những vụ đụng xe. Giữa trưa nắng gắt hoặc nửa khuya lạnh lẽo, chỉ cần có va chạm trên đường thì ông lao đến giúp đỡ. Người bị thương nhẹ thì ông băng bó cho họ, còn người bị thương nặng thì ông đưa họ đến Bệnh viện huyện Định Quán hoặc chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy- thành phố Hồ Chí Minh . Rất nhiều lần ông Phùng Văn Hinh chặn xe đang lưu thông, kể cả xe biển số xanh, để buộc tài xế phải chở nạn nhân đi cấp cứu ngay lập tức.
Nhiều trường hợp người bị tai nạn bị đứt lìa tay chân, máu me bê bết trông hình ảnh rất rùng rợn, đáng sợ không ai dám đến gần, nhưng đối với ông Phùng Văn Hinh thì không chút gì gọi là e dè, gần ngại. Với những trường hợp như thế, ông cẩn thận hơn trong việc sơ cứu, băng bó vết thương, lượm nhặt đầy đủ phần thân thể đứt lìa đưa vào bệnh viện để bác sĩ nối lại phần tay chân cho người bị nạn.
 
Hầu hết bác sĩ và nhân viên ở Bệnh viện Tân Phú, huyện Định Quán đều biết lão nông Phùng Văn Hinh, vì ông đã chuyển hàng trăm trường hợp tai nạn giao thông đến đây cấp cứu. Đáng nhớ nhất là một hôm ông chở con đi học, thấy tai nạn giao thông, ông liền bảo con tự đi bộ đến trường. Ông đỡ nạn nhân lên xe máy, chở thẳng vào bệnh viện. Kết quả, khi ông về nhà thì vợ tá hỏa: “Ông chở con đi học mà sao máu me đầy người thế?”. Ông xua tay phân bua: “Không sao, tui không sao. Máu của người bị tai nạn dính qua quần áo của tui thôi!”. Có không ít nạn nhân được ông Phùng Văn Hinh nghĩa hiệp tương trợ, sau ngày bình phục đã tìm đến tận nhà ông để trả ơn, nhưng ông đều từ chối: “Tui làm vì bổn phận, chứ không mong đền đáp!”
.
Chính vì nhiều lần đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu, mà ông Phùng Văn Hinh ý thức được những giọt máu cứu người. Trong suốt 20 năm trước tuổi 60, ông Phùng Văn Hinh tình nguyện hiến máu 27 lần, được Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai tặng giấy khen để tuyên dương người tốt việc tốt. Sau tuổi 60, quy định của ngành y tế không cho hiến máu nữa, ông Phùng Văn Hinh chuyển sang đi vận động những người trẻ tuổi hơn mình. Không chỉ thuyết phục thanh niên ở xã Phú Ngọc, ông Phùng Văn Hinh còn sang các xã lân cận để kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo. Đã có hàng trăm người, từ công nhân đến tiểu thương, cảm kích tấm lòng của lão nông Phùng Văn Hinh mà đăng ký hiến máu cứu người, tạo nên phong trào nhân văn ấm áp khắp làng quê!
 
Còn hành động tặng quan tài cho người nghèo và người có hoàn cảnh bất hạnh thì sao? Lão nông Phùng Văn Hinh kể: Chiều ấy, ông đi làm rẫy về, ngang qua khúc sông La Ngà thì nghe tiếng khóc vọng lên từ một con thuyền nhỏ neo bên bờ. Ông đến gần hỏi han.Thì ra, một cô gái trẻ đang ôm xác một mẹ già vừa qua đời. Hai mẹ con sống phiêu dạt trên sóng nước, ăn bữa sáng lo bữa tối, nên mẹ mất mà cô gái không có tiền mua hòm để chôn. Cảm thấy như trái tim mình bị bóp nghẹt, ông Phùng Văn Hinh chạy vội về nhà tìm vợ. Hoàn cảnh làm nông, chưa đến kỳ thu hoạch thì cũng không thể đào đâu ra tiền dư dả. Ông cùng vợ nhẩm tính, trong nhà còn mấy chục ký tiêu, bán hết cũng chưa đủ mua cái hòm. Không chút đắn đo, ông ôm luôn cái ti vi cũ - thứ tài sản quý báu duy nhất giúp gia đình ông quây quần vui vẻ bên nhau mỗi đêm, và chạy ra phiên chợ cuối thôn đang sắp vãn người. Đó là chiếc quan tài đầu tiên mà ông Phùng Văn Hinh tặng cho người nghèo xấu số!
 
Sau này, con cái của ông Phùng Văn Hinh trưởng thành, mỗi tháng đều gửi tiền cho cha mẹ dưỡng già. Ông không tiêu xài gì, cứ để dành như một quỹ từ thiện gửi ở… trại hòm. Hộ nghèo nào có người mất mà không có tiền mua quan tài, thì cứ ghé trại hòm để lấy, chi phí đã có ông Phùng Văn Hinh chắt chiu chi trả!
 
Lão nông Phùng Văn Hinh cho biết, những năm tuổi già ông dồn sức cho hai việc, đó là kêu gọi bà con có khiếm khuyết thị lực tham gia chương trình mổ mắt miễn phí và trồng vài loại cây thuốc để tặng cho những cơ sở chữa bệnh đông y ở các chùa. Không còn lên rẫy lên nương thì ông Phùng Văn Hinh biến khu vườn sau nhà thành nơi trồng cây lá lốt và cây lược vàng. Mỗi tuần, ông cắt lá và dùng xe máy cà tàng của mình chở đi tặng, như một niềm hạnh phúc riêng tư.
 
Từ năm 2006, lão nông Phùng Văn Hinh đã ký giấy hiến thi hài cho y học sau khi mình qua đời. Ông ghi số điện thoại liên lạc của Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh rất to ở trên vách, và dặn dò các con: “Cha có mệnh hệ nào thì gọi ngay cho họ, xác của cha được giúp ích cho sinh viên y khoa thực tập phẫu thuật, hoặc như nội tạng của cha có thể cứu được những người khác thì điều đó chính là cách cha nối dài thêm cuộc sống sau khi trút hơi thở cuối cùng trên thế gian này!”.
 
Đến năm 2007, biết được thông tin y học có thể sử dụng phương pháp ghép những bộ phận của người vừa ngưng thở để tiếp tục duy trì cuộc sống cho người khác, lão nông Phùng Văn Hinh lập tức đăng ký hiến tạng. Khi nghe tin ấy, vợ con của lão nông Phùng Văn Hinh đều thoáng chút bàng hoàng, nhưng không giấu được sự khâm phục và sự tự hào về một bậc trưởng thượng trong gia đình.
 
Lão nông Phùng Văn Hinh đã chuẩn bị những cơ sở đẹp đẽ nhất cho sự ra đi của mình, khi ông còn khỏe mạnh. Vì vậy, ông cũng đã chọn cách ra đi khá nhẹ nhàng. Bà Lê Thị Không - vợ lão nông Phùng Văn Hinh hồi tưởng: “Chiều ngày 23 tháng 5 năm 2018, đang ngồi xem tivi với tôi, ổng nói muốn ghé nhà anh bạn hàng xóm bàn chút chuyện rồi bất ngờ đột quỵ. Câu nói cuối cùng của ông ấy là: “Bà và các con hãy thực hiện ước nguyện hiến xác cho tôi nhé”, rồi ông hôn mê luôn”.
 
Ngày 23 tháng 5 năm 2018, tại Bệnh viện Chợ Rẫy - thành phố Hồ Chí Minh, nơi lão nông Phùng Văn Hinh từng nhiều lần đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Định Quán - Đồng Nai lên đây cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành lấy một giác mạc phải, một quả tim và hai quả thận khi ông vừa trút xong hơi thở cuối cùng một cách thanh thản. Món quà hiến tạng mang đầy giá trị nhân văn của lão nông Phùng Văn Hinh đã trực tiếp mang lại cuộc đời mới cho bốn người khác. Đúng như tâm nguyện của ông lúc sinh thời. Ông đã ra đi, gửi lại sự sống cho những người xa lạ. Dù ông đã ra đi, nhưng trái tim và một phần cơ thể của ông vẫn còn là sự sống ấm áp được gửi gấm sang cho những mảnh đời khác. Và điều đặc biệt là ông đã gửi lại cho cộng đồng một tinh thần cao đẹp: sống giản dị với mình và sống ấm áp với người. Sống để gánh vác và sống để cống hiến, dẫu lặng thầm cũng lấp lánh ánh sáng yêu thương.
 
Noi gương ông, không lâu sau ngày ông mất, ba người con trai của ông đã tự nguyện đến bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến nội tạng để cứu người sau khi qua đời. Để tưởng nhớ đến cha, sau khi đăng ký hiến tạng xong, người con trai trưởng của ông là nhà thơ, nhà báo Phùng Hiệu đã làm bài thơ Di Nguyện như là món quà tặng cho ông và bản thân. Và bài thơ cũng là sự khích lệ cho những người có tấm lòng nhân văn, cao cả.
 
 
Di Nguyện
Phùng Hiệu
 
Nếu tôi chết hãy lấy một phần thân xác
Và táng qua cơ thể những con người
Khi thế gian
không chứa hết những mảnh đời bất hạnh
Thì cần có những vòng tay nhân ái tình người
 
Nếu tôi chết xin nhường đời đôi mắt
Để thắp lên những hy vọng tật nguyền
Trong bóng tối mơ về nơi ánh sáng
Đôi mắt còn ánh lửa của vô biên
 
Nếu tôi chết hãy chia hai quả thận
Tặng hai người xa lạ cả đời tôi
Và còn nữa, lá gan màu nhân ái
Hãy tặng đời - di nguyện của riêng tôi
 
Nếu tôi chết trái tim vừa ngưng đập
Thì xin em hãy cắt ghép cho người
Để hơi thở chảy qua bờ nhân đạo
Quả tim còn lan tỏa đến muôn nơi
 
Nếu tôi chết xác thân này dâng hiến
Đừng chôn tôi hoang phí một nấm mồ
Trong di ảnh khắc hai từ di nguyện
Để linh hồn luôn hát khúc hư vô…!