(Thứ bảy, 09/09/2017, 08:27 GMT+7)

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỌ PHÙNG LÀNG HOÀNH NHỊ 
(THUỘC 3 XÃ HOÀNH SƠN - GIAO HÀ - THỊ TRẤN NGÔ ĐỒNG
HUYỆN GIAO THỦY - TỈNH NAM ĐỊNH)

 

BLL họ Phùng Hoành Nhị


Những năm gần đây, các hoạt động của dòng họ Phùng Việt Nam do Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam chủ trì đã và đang đi vào nề nếp, qui củ với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, tạo niềm tin và niềm tự hào của con em họ Phùng trên toàn quốc. Để có được kết quả đó, ngoài sự đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của các thành viên trong Ban Liên lạc phải kể đến sự chung sức chung lòng của các cành nhánh họ Phùng trên toàn quốc. Điều này là một nét đẹp văn hóa của dòng họ Phùng Việt Nam.
Góp chung vào mạch nguồn ấy, luôn gương mẫu đi đầu, tận tình trách nhiệm và liên tục tổ chức được các hoạt động hiệu quả, chi nhánh họ Phùng làng Hoành Nhị thuộc 3 xã Hoành Sơn, Giao Hà, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã và đang có những đóng góp tích cực, những hoạt động bổ ích mang tính giáo dục truyền thống lịch sử và dòng họ đáng trân trọng.
Theo các cụ cao niên trong họ truyền lại, nhánh họ Phùng Giao Thủy có nguồn gốc từ Sơn Tây di cư đến Giao Thủy lập nghiệp có liên quan đến thủy tổ Phùng Khắc Khoan. Để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, con cháu họ Phùng Giao Thủy Nam Định các đời luôn tìm về nguồn cội, hương hoa cúng lễ đức cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Trong dịp này, khi nắm bắt chủ trương của Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam thực hiện các bức chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với chất liệu sơn mài, toàn thể con cháu họ Phùng thuộc chi Hoành Nhị - Giao Thủy - Nam Định đã vui mừng phấn khởi và tổ chức đón nhận một bức chân dung về nhà thờ Tổ. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa vừa thể hiện sự thành kính với tổ tiên vừa tạo điều kiện giáo dục thế hệ trẻ có thêm niềm tin và tri thức để cùng với các dòng họ khác xây dựng và phát triển quê hương đất nước.
Được sự đồng ý của Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam, Ban liên lạc họ Phùng Hoành Nhị - Giao Thủy - Nam Định tham gia tổ chức tập sách nhỏ Họ Phùng trong tiến trình lịch sử (khái lược). Đây cũng là dịp để con cháu họ Phùng ôn lại những truyền thống tốt đẹp của cha ông.
 
I. Thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
 
Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, là một danh nhân văn hóa lớn tiêu biểu của nước ta. Cụ sinh năm 1528 trong một gia đình có truyền thống Nho học ở làng Phùng Xá (tục gọi là làng Bùng) - một làng quê có truyền thống văn vật. Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây nay là Thành phố Hà Nội gồm hai làng cổ là Phùng Thôn và Vĩnh Lộc. Làng Phùng còn có tên nôm là làng Bùng có một bề dày lịch sử. Nơi đây, có nghề thủ công thịnh vượng từ xưa, như trồng dâu, dệt lụa, dệt the, dệt lượt, đúc cày bừa và các công cụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhân dân làng Bùng cần mẫn trong lao động, nhân hậu, chất phác, bình dị, trọng văn hiến, thi thư. Bằng sức lao động cần mẫn, sáng tạo đã tạo dựng trên quê hương của mình những công trình kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, mang bản sắc xứ Đoài và cả những nét riêng độc đáo không dễ tìm thấy ở những nơi khác. Cụ Phùng Khắc Khoan, người con của quê hương Phùng Xá, sinh ra trên mảnh đất ấy. Sự nghiệp, tài năng, đức độ của Cụ được gắn liền với làng Bùng và truyền thống văn hóa của làng quê Việt Nam.
Nói đến Cụ Phùng Khắc Khoan là nói đến một nhân cách lớn, một hoài bão cao đẹp luôn thể hiện tinh thần hăng hái, bền bỉ, thái độ sống lạc quan, tin tưởng. Đương thời, Cụ đã đóng góp cho quê hương đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Người dân xứ Đoài còn nhớ và truyền tụng nhau, Cụ là người có công truyền bá kỹ nghệ, dạy dân trồng trọt, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cụ còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà quân sự, chính trị, ngoại giao. Ở lĩnh vực nào Cụ cũng biểu lộ tài năng, đầy tâm huyết, muốn đem kiến thức học được của mình để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước và dân tộc.
Cụ Phùng Khắc Khoan đã để lại một khối lượng tác phẩm văn học tương đối lớn, đa dạng về các thể loại bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Văn thơ Cụ thể hiện sự cứng cáp trong thời loạn và niềm tin vào khả năng con người, niềm tin vào tương lai thống nhất đất nước. Có thể nói, thơ văn Cụ Phùng Khắc Khoan là di sản văn hóa tinh thần quý hiếm. Ở đó, chúng ta thấy toát lên một con người, một sự nghiệp, một nhân cách lớn, một tâm hồn cao đẹp. Cùng với sự nghiệp văn chương, sự nghiệp chính trị, bang giao kinh tế đã đưa Cụ Phùng Khắc Khoan vào vị trí một nhân tài đất Việt danh cao, có uy tín lớn. Trong số những danh nhân đất nước, Cụ Phùng Khắc Khoan là một trong những tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất qua các thời kỳ của dân tộc. Từ khi Cụ qua đời đến nay, các thế hệ bàn về Cụ, các thư tịch viết về Cụ, số lượng di sản văn hóa quý hiếm ở nhà thờ Cụ Phùng Khắc Khoan chưa nhiều, chưa tương xứng với cuộc đời và sự nghiệp của một người như Cụ. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di tích, và nghiên cứu, phát hiện, tìm tòi những giá trị mới về Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan là nhiệm vụ của mọi người trong đó có con cháu họ Phùng làng Hoành Nhị, Giao Thủy, Nam Định để muôn đời lưu truyền cho con cháu các thế hệ tương lai.
Phùng Khắc Khoan vào đời khi nước Đại Việt chia hai: Mạc - Lê - Trịnh từ Thanh Nghệ trở ra Bắc, rồi sau đó là một lực lượng thứ ba ở Thuận Hóa - Quảng Nam. Rõ ràng, ông đã phò Lê - Trịnh diệt Mạc, sau đó có những góp ý cho Lê - Trịnh đối đầu với Nguyễn. Con đường này thấy rõ. Nhưng diễn biến không phải đơn giản. Ngay từ đầu không hẳn Phùng Khắc Khoan đã dứt khoát theo Lê - Trịnh, bởi vì ông đã thi đỗ Tam trường ở khu vực nhà Mạc để đợi tiếng gà gáy của ông thầy. Người thức thời như Phùng Khắc Khoan hẳn phải biết “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” nên khó lòng mà nói thẳng phò Lê hay Trịnh dù vẫn biết họ Trịnh lợi dụng, thậm chí phế lập cho có lợi cho họ… Bên cạnh Phùng Khắc Khoan theo Lê - Trịnh là Nguyễn Bỉnh Khiêm theo Mạc và Đào Duy Từ vượt biên theo Nguyễn. Đó là ba hướng đi tiêu biểu của sĩ phu Bắc Hà, để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử Việt Nam thời loạn.
Sự kiện Mạc Đăng Dung và quần thần làm mất quốc thể xảy ra khi Phùng Khắc Khoan mới 13 tuổi (1540). Tiếng đồn nhiều thì một người thông minh như Trạng Bùng làm sao không biết? Nhà Mạc càng làm mất quốc thể, khom lưng với ngoại bang nhưng lại đàn áp các lực lượng chống đối ở bên trong. Hành động tiểu nhân kiểu ấy làm cho các sĩ phu bấy giờ như Phùng Khắc Khoan càng nhớ tới công lao mở nước chống ngoại xâm hào hùng của Lê Lợi. Giáp Hải đã khẳng khái ngâm vang:
“Mục kích ngọa bi tình trung cảm
Bình Ngô công đức đối thương thương”.
(Mắt thấy bia nằm lòng rung cảm
Bình Ngô công đức ngất trời xanh).
Càng nhiều người nghĩ tới lời nói cao cả thấm thía của vua Lê Thánh Tông với các người dưới: “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vứt bỏ… Nếu người dám lấy một thước, một tấc đất của Thái tổ mà đút lót cho giặc thì phải tội tru di”.
Cho nên, Phùng Khắc Khoan, cũng như Lương Hữu Khánh… nhiều người khác dứt khoát bỏ nhà Mạc về với nhà Lê - Trịnh. Chọn và chớp đúng thời cuộc, thức thời là ở chỗ đó.
Về với nhà Lê - Trịnh, Phùng Khắc Khoan đã được dịp đem sở học, tỏ rõ tài kinh bang tế thế, văn chương mưu lược để phục vụ dân tộc và triều đại. Trong đó, mối hận lớn nhất là đối ngoại của Tổ quốc đã được Cụ hoàn thành xuất sắc, bù vào những gì đã mất, làm cho nước ta càng nổi tiếng ở Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều nước ở Đông Nam Á.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan nổi tiếng là một lương thần, một danh Nho, ông còn là một thi sĩ tài hoa. Trước tác Phùng Khắc Khoan để lại xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam. Cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm như văn tế, văn bia, kinh truyện… nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Nhiều tác giả, nhà nghiên cứu còn khẳng định Phùng Khắc Khoan từng tham gia viết sử, viết sấm ký, sách dịch lý, bói toán và sách bàn về việc dùng binh… Tác phẩm còn lại của Phùng Khắc Khoan hiện nay tiêu biểu là bốn tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Chỉ riêng với bốn tập thơ trên đã khẳng định và tôn vinh tầm vóc Phùng Khắc Khoan, danh nhân thi sĩ từng được nhân dân yêu mến phong tặng là Trạng Bùng.
Cuộc đời làm quan của Phùng Khắc Khoan khá thăng trầm nhưng luôn thể hiện sự liêm chính, cương trực, vì nước vì dân được các đồng liêu nể phục, các đời vua trọng dụng. Phùng Khắc Khoan làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, Quốc Tử Giám Tế tửu, từng làm Chánh sứ sang Bắc quốc (1597 - 1598). Trạng Bùng nổi tiếng với thơ văn thần thông của mình khi đi sứ. Tại kinh đô nhà Minh, khi giao thiệp với vua tôi của họ, các sứ thần Nhật Bản, Triều Tiên… vô cùng kính nể tài thơ và tài biện bác của Trạng Bùng.
Thơ văn Phùng Khắc Khoan thể hiện rõ tâm trạng chung của tầng lớp trí thức đương thời, mong muốn được cống hiến, nhập cuộc để vực kỷ cương, xây đạo đức, trị loạn, an dân mà nổi bật là lý tưởng “Vua thánh tôi hiền, thái bình thịnh trị”. Từ những bài thơ đầu tiên khi còn là một thiếu niên, Phùng Khắc Khoan đã sớm bộc lộ ý chí của mình: Nam nhi tự hữu hiển tượng sự/ Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu (Tự thuật). Cái khẳng khái của thân trai muốn nêu tiếng thơm, vẻ vang cho cha mẹ, tổ tông ấy dường như là tư duy xuyên suốt thơ văn của Trạng Bùng. Trong bài Khiển muộn (Giải buồn) Phùng Khắc Khoan thẳng thắn tỏ chí:
Bụi nhơ quét sạch đời yên tĩnh
Binh giáp mang theo trí quật cường
Cơ hội đáng làm như có gặp
Công thành hồ dễ kém Trương Lương!
Những bài thơ ông viết khi tuổi cao vẫn giữ trọn cái cốt cách, khí khái cao rộng ấy:
Bình sinh chính trực trung thành
Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh.
Tạm dịch:
Đời ta chính trực lại trung thành
Tráng chí treo cao rỡ ràng
                   như mặt trăng mặt trời tỏa sáng.
                                     (Bệnh trung thư hoài)
 
Thơ Phùng Khắc Khoan thể hiện rất rõ ý chí của bậc trung quân, ái quốc. Ông ví mình như “Côn bằng cất cánh siêu thăng”, “Nở đầu ba xuân, có chí khôi nguyên”, “Đối với nước làm trung thần”, “Chí nam nhi cốt ở tứ phương”… đã cho thấy rõ phương lược tiến thủ khác hẳn người thường. Điều này cũng lý giải tại sao khi nhà Mạc tiếm quyền gây loạn ông đã không chịu ra làm quan, mặc dù khi ấy vương triều này đang ở cái thế ổn định. Điều đó cho thấy việc xuất xử của họ Phùng là rất cẩn trọng.
Năm 1553, khi lặn lội vào Thanh Hóa tham gia sự nghiệp trung hưng nhà Lê, Phùng Khắc Khoan đã bộc lộ rất rõ tâm trạng phấn chấn, khẳng khái của mình: Tá hành trí tại hiển dương tụy/ Nham hiểm khê thâm khởi đạn lao (Tạm dịch: Chuyến này dương hiển danh nhân - Đèo heo suối thẳm, gian truân xá nào).
Phùng Khắc Khoan trong công cuộc trung hưng đã được tin dùng. Đó là thời gian Trạng Bùng đã thể hiện rực rỡ chữ tài, chữ tâm với đất nước. Đó cũng là quan điểm nhất quán về hành đạo. Ông đã dốc ra cái sở đắc của mình phục vụ vương triều. Thơ ông lúc này hiển lộ rõ ý ấy:
Chí dưỡng hiển một đời đã thỏa
Được tin dùng vui tạ ơn vua
Rắp lòng chuyển nắng thành mưa
Tài trai thế ấy mới cho hào hùng.
         (Thanh Vân đắc lộ)
Năm Đinh Tỵ (1557), khi 30 tuổi mới lều chõng đi thi ở Yên Định - Thanh Hóa và đỗ thủ khoa. 23 năm sau (1580), ông quan Phùng Khắc Khoan đi thi Hội và đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Trong lịch sử thi cử các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có một ông quan tuổi ngoài 50 lều chõng đi thi và đỗ cao như Phùng Khắc Khoan. Cũng cần khẳng định, sự nghiệp và danh vọng mà ông có được, có lẽ phần lớn là do tự học, chính xác hơn là học từ thực tiễn. Khi đỗ cao, ông tự trào khá hồn nhiên:
Năm nay nửa trăm thêm ba
Mừng không đến nỗi người ta chê cười
Bảng vàng tên chép đẹp tươi
Phải chăng bộ Hộ, có người chép lai
Ơn vua vinh dự hơn ai
Còn bàn việc nước mình tài kém xa
Chỉ mong trời giúp sơn hà
Chúa tôi làm tỏ nước nhà Việt Nam.
      (Canh Thìn đăng đệ tác)
 
Việc đi thi của ông quan Phùng Khắc Khoan không những gây dư luận đương thời mà người đời sau còn không ngớt nhắc đến. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút viết: “Đầu đời Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần, tham mưu chốn cơ mật, đã từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh”.
Cho thấy, người đời sau đánh giá về ông cũng rất trân trọng vậy.
Là một mệnh quan triều đình, Phùng Khắc Khoan không những thấu hiểu mọi ràng buộc, thâm trầm trong chốn triều chính mà ông còn luôn mở lòng hướng đến nhân dân. Trong cuộc đời làm quan 50 năm của mình, ông được biết đến với những đóng góp quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa được nhân dân hết sức ngưỡng mộ. Sau này, nhiều giai thoại dân gian cũng từ đó mà sinh ra. Sinh thời, ông rất quan tâm đến nông nghiệp, thủy lợi, thời tiết, mùa màng. Ông luôn luôn mong mỏi “Mùa màng tươi tốt, các loại lúa bội thu; Cấp túc cho người già cả ở thôn làng thêm tuổi thọ”. Tấm lòng ông là tấm lòng lo cho dân từ hạt gạo, cọng rau để từ ấy mà sửa sang chính sự, bồi dưỡng gốc nước:
 Thánh chúa thẩn kim cần vụ bản
Nhân an canh tạc thái bình dân.
                                                   (Xã nhật)
Cũng có khi tấm lòng vì nước vì dân ấy được thể hiện nôm na giản dị khôn cùng, cho thấy sự hòa đồng, thấu hiểu từ những gì nhỏ nhất, đời thường nhất:
- Trồng dưa chớ để mùa qua
Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê
Quanh vườn thả dậu sừng dê
Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo dong
- Già răm cho húng phải lui
Măng ếch lá lốt hợp mùi xương xông…
Thơ văn với Phùng Khắc Khoan không riêng để bộc lộ chí hướng, hành đạo mà còn là chỗ để ông cởi mở tâm tình, hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với nhân dân. Trong thơ ông, con người và thiên nhiên luôn hài hòa, nhịp nhàng, rất tinh tế nhưng cũng rất sẻ chia, trước sau như một. Thơ phong cảnh của ông có những bài đã đạt tới sự tinh tế:
Đỉnh non cao ngất lâu đài
Một bầu thế giới tuyệt vời ở trong
Nghìn năm, xuân chẳng tận cùng
Bốn mùa, hoa vẫn ngát lừng hương bay
Bụi không vương mảnh đất này
Trời mênh mông để tháng ngày dài thêm
Có đường lên đến cõi tiên
Can chi mà phải hỏi phiền chàng Lưu.
    (Lên chùa Phát Am- Dịch thơ: Trần Lê Văn)
Mảng văn chương bang giao vệ quốc của Trạng Bùng khi đi sứ phương Bắc cũng rất đặc sắc. Đây đồng thời cũng là những cống hiến lớn của Phùng Khắc Khoan trên mặt trận ngoại giao. Lê Quý Đôn, một bậc lương thần đồng thời cũng là một sứ thần nổi tiếng thời sau, khi bàn về việc này đã viết: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, Nhật Bản tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”.
Cũng như bao người con Việt Nam bình dị khác khi dời đất nước mình, dù mang trọng trách bang giao, cũng không ít lúc con người ta chạnh nhớ về đất nước:
Trăng biết nỗi lòng, nghìn dặm chiếu
Chuông khua giấc mộng, mấy canh rung
Tuyết tan phương Bắc, vầng hồng chuyển
Dạ nhớ trời Nam, mây trắng giong…
               (Ở công quán, đêm đông hoài cảm)
Lê Ngô Cát, trong Đại Nam quốc sử diễn ca đã viết:
Phùng Khoan sứ tiết cũng già
Biểu Từ biên chiết thật đà thiết minh
Mấy lời ôn du đinh ninh
Phong vương còn đợi biểu tinh có ngày.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một danh nhân đặc biệt. Ông thành danh ở nhiều lĩnh vực. Riêng với thơ ca, ông có những đóng góp không nhỏ. Năm tháng đi qua, lớp hậu thế càng trân trọng và đồng cảm với văn chương của ông. Tình cảm của nhân dân quê hương với thi sĩ họ Phùng ngày càng nồng đượm. Từ một trí thức biết chọn đúng đường; từ một  học trò tự học, được học các bậc danh Nho biết xuất xử, tiến lui, công danh, tiết tháo đủ đầy; từ một người con bình dị Kẻ Bùng, Phùng Khắc Khoan dần khẳng định mình nơi trung tâm quyền lực, làm rường cột quốc gia, trọng thần của triều đình trải mấy triều vua chúa, không chỉ lẫy lừng trong nước mà còn vang danh Bắc quốc, lân bang đủ cho thấy tài năng và đức độ của ông quả là hiếm có.
 
II. Quá trình hình thành và sự phát triển của họ Phùng làng Hoành Nhị - Giao Thủy - Nam Định.
Họ Phùng làng Hoành Nhị là một dòng họ lớn. Quá trình hình thành và phát triển, gắn liền với sự hình thành, phát triển của làng xã và quê hương. Theo Thần phả và Tộc phả các dòng họ, cũng như bia ký còn lưu lại của làng, đối chiếu với niên biểu lịch sử thì vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII (thời kỳ Lê trung hưng), Thủy tổ họ Phùng từ miền đất Sơn Tây cũ, nay là Hà Nội về miền đất ven biển Giao Thủy cùng với các vị thủy tổ của các họ Bùi, Doãn và lần lượt các họ Phạm, Nguyễn, Lê, Tô, Đoàn… về chiêu đinh thiết ấp, khai khẩn điền lương lập làng Hoành Nhị. Theo Phả tộc họ Phùng làng Ngưu Trì, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thì thủy tổ họ Phùng làng Hoành Nhị là anh trai của thủy tổ Phùng Phúc Quý thuộc họ làng Ngưu Trì và là con đẻ của Thái thường tự khanh Phùng Khắc Trung tự Phúc Hiền. Như vậy, bước đầu có thể khẳng định, thủy tổ họ Phùng làng Hoành Nhị là hậu duệ của danh nhân văn hóa lưỡng quốc trạng nguyên Phùng Khắc Khoan.
Quá trình hình thành làng, xã diễn ra hàng thế kỷ, trong thời kỳ phong kiến và trước Cách mạng Tháng Tám, làng Hoành Nhị thuộc tổng Hoành Nha - Phủ Thiên Trường - tỉnh Nam Định. Năm Minh Mạng thứ 9 (1829), doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ về thị sát vùng duyên hải, thấy phía nam làng Hoành Nhị còn một vùng đất hoang sơ chưa có cư dân ở. Ông đã quyết định cắt 120 mẫu đất nơi đây để đưa dân nơi khác đến thành lập làng Khắc Nhất (nay thuộc xã Hoành Sơn). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Hoành Nhị và làng Khắc Nhất hợp thành xã Hoành Sơn (1946). Năm 1956, sau cải cách ruộng đất, xã Hoành Sơn tách thành 2 xã (Giao Sơn và Giao Hà). Xã Giao Sơn: gồm các thôn Sơn Thọ (làng cựu Hoành Nhị), Sơn Đài (khu trại đồng làng Hoành Nhị), Sơn Lâm (làng Khắc). Xã Giao Hà gồm 6 thôn: Sơn Thủy, Sơn Hà, Sơn Hải, Sơn Hồng, Sơn Long, Sơn Châu. Năm 1969 hợp nhất xã Giao Sơn và Giao Hoành thành xã Hoành Sơn. Năm 1986: Thành lập thị trấn Ngô Đồng, khu Sơn Thọ thuộc xã Hoành Sơn chuyển về thị trấn Ngô Đồng gồm các xóm: xóm Đông, xóm Đình, xóm Đá, xóm Trùm, trại Cát, nay thuộc khu 5A, 5B và khu 6 thị trấn Ngô Đồng. Xóm Trùm nay thuộc xã Hoành Sơn.
Lúc đầu khi mới thành lập làng, con, cháu Phùng tộc làng Hoành Nhị sống tập trung ở khu Sơn Thọ (làng Cựu) nay thuộc khu 5, khu 6 thị trấn Ngô Đồng, sau phát triển ra sinh sống ở trong đồng (Trại Đồng), nay thuộc xóm 11, xóm 12 xã Hoành Sơn và trại Bể (nay thuộc xã Giao Hà). Các thế hệ con cháu họ Phùng cùng các dòng họ khác trong làng, xã đã đoàn kết sát cánh bên nhau, mang sức lực, tài năng, trí tuệ để chế ngự thiên nhiên, chiến thắng những kẻ thù xâm chiếm quê hương, đất nước, viết nên những bản anh hùng ca của những con người cần cù, anh dũng, bất khuất, kiên cường. Bàn tay chai sạn của những người họ Phùng cùng với những người dân quê đã quai đê, lấn biển, san lấp sình lầy, thau chua rủa mặn, biến vùng đất hoang sơ trở thành đồng ruộng phì nhiêu, màu mỡ, xóm làng trù phú đông vui.
Qua quá trình hình thành và phát triển đến nay đã gần 400 năm, họ Phùng làng Hoành Nhị có 14, 15 đời, gồm có 4 cành, 23 chi, tổng số đinh họ trên 2000, gần 6.000 nhân khẩu tập trung ở 3 địa bàn hành chính đó là thị trấn Ngô Đồng, xã Giao Hà và xã Hoành Sơn. Hiện 3 đơn vị đã đạt xã chuẩn nông thôn mới. Hai xã Hoành Sơn và xã Giao Hà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Toàn họ có 20 nóc nhà thờ, trong đó có 1 nhà thờ chính được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, hiện đang thờ vị tiên tổ đời thứ 3, được triều đại đương thời 2 lần phong sắc (Dự bảo trung hưng linh phù tôn thần tái gia phong đôn ngưỡng tôn thần). Trước cửa từ đường còn lưu trữ đôi câu đối, kiến trúc theo kiểu cổ kính:    
Tả: “Kiến ấp vu tư, bảo tử tôn lê dân hữu lợi”
Hữu: “Thiệu đình thượng hạ, rữ thiên địa nhật nguyệt trường tồn”
Có nghĩa là: Lập thành thôn ấp, cho con cháu, nhân dân lợi ích; xây dựng đình từ, cùng trời đất nhật nguyệt dài lâu. 
Là con cháu lấy chữ Phùng làm họ. Những người họ Phùng tự hào về truyền thống vẻ vang của dòng họ. Dòng họ Phùng trong tiến trình lịch sử, thời nào cũng xuất hiện nhân tài về: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Dòng họ Phùng ở những trang vàng chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, trước tiên phải kể đến Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, một trong những vị vua anh minh, hiền sáng bậc nhất của dân tộc Đại Việt (thế kỷ thứ VIII). Những trọng thần, tướng lĩnh kiệt xuất như: Danh tướng Phùng Thanh Hòa - Hữu tướng quân cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục đã lập nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc đánh đuổi giặc Đường giành độc lập dân tộc, ghi lên những trang sử vàng của một dân tộc anh hùng. Thái phó Phùng Tá Chu đại thần rường cột của hai vương triều Lý - Trần, các bậc tiến sỹ nổi danh Phùng Khắc Khoan, Phùng Đốc, Phùng Hữu Hiệu, Phùng Âu, Phùng Trạm, Phùng Viết Tu, Phùng Bá Kỳ, Phùng Thế Tiết… dù ở vị trí nào đều một lòng, một dạ với Tổ quốc, với vua, với nhân dân và chính dòng họ. Trong thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có các danh nhân họ Phùng tiêu biểu như: Bác sĩ Phùng Văn Cung - Phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam; Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị - Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên  phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo sư Phùng Văn Tửu - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, Phùng Hữu Phú - Giáo sư - tiến sỹ - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - Trưởng Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam, thiếu tướng Phùng Bá Thường - nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Hậu cần, Phùng Duy Phiên - nguyên Hiệu trưởng đầu tiên trường Sỹ quan pháo binh Sơn Tây - nguyên Hiệu trưởng Trường Thể dục thể thao quốc phòng, Phùng Thị Cúc - Điềm Phùng Thị - nhà điêu khắc nổi tiếng, nhà văn Phùng Quán, nghệ sỹ nổi tiếng Phùng Hán anh hùng Phùng Hạnh Phúc, anh hùng Phùng Văn Khầu, tiến sỹ Phùng Đình Thực - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giáo sư Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo Dục đào tạo, Phùng Duy Dũng - Phó giáo sư - tiến sỹ nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Phùng Hồ - Giáo sư - tiến sỹ vật lý, Phùng Hồ Hải - Giáo sư - tiến sỹ toán học.
Họ Phùng lành Hoành Nhị tiền thân có các cụ tiêu biểu như cụ Phúc Nghiễm, cụ Tòng Thiều, cụ Thiên Đông, cụ Nhì Thọ, cụ Nhì Trân, cụ Huấn Khang, nhà giáo Phùng Hữu Cường, Phùng Thản, lão thành cách mạng Phùng Trọng Sỹ, Phùng Kha, Phùng Kiền, Phùng Đạt, Phùng Tình, Phùng Sáu, Phùng Tư, Phùng Xuyến, Phùng Hùng, Phùng Thẩm, Phùng Chước, Phùng Tri Thức.
Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, họ Phùng làng Hoành Nhị cũng có những người con ưu tú như: Phùng Hà - Tiến sỹ hóa học - nguyên Cục trưởng thuộc Bộ Công thương, Tiến sỹ Phùng Tôn Quyền - giảng viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Tiến sỹ Phùng Hiếu - trưởng phòng Chính trị trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại tá quân đội Phùng Quang Liệu, Phùng Thế Vinh; Đại tá công an Phùng Xuân Quang, thượng tá công an Phùng Thiện Hảo, Phùng Toàn Thắng, Phùng Hữu Chinh, Phùng Văn Chiến. Nguyên bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Phùng Nguyễn Nghinh, Huyện ủy viên - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện - Chủ tịch UB MTTQ huyện Phùng Văn Nhân, nhà giáo Phùng Ngọc Quản - nguyên Phó trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện, Phùng Xuân Thanh - nguyên bí thư - Chủ tịch xã Hoành Sơn, Phùng Hữu Hoành - nguyên Bí thư - Chủ tịch xã Giao Hà - nguyên Phó trưởng ban dân vận huyện ủy, Phùng Hữu Tuần - nguyên Chủ tịch UBND xã Hoành Sơn, Phùng Hữu Huân - nguyên Huyện ủy viên - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Giao Hà, Phùng Thế Truyền - nguyên Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Đồng, ngoài ra còn rất nhiều con, cháu khác trong dòng họ đang giữ các chức vụ và cương vị trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương, do thời lượng không cho phép nên không thể nêu hết, mong được thông cảm.
Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc, họ Phùng làng Hoành Nhị có 4 bà mẹ được Đảng - Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt nam anh hùng:
1. Mẹ Phùng Thị Mùi - Giao Hà
2. Mẹ Phạm Phiếm (tức Phùng Thị Chước) - Giao Hà
3. Phùng Thị Mai - Giao Hương
4. Phùng Thị Hợp - Giao Thanh
Có 46 liệt sĩ được Tổ quốc ghi công, có trên 100 người là thương binh - bệnh binh nhiễm chất độc da cam, có 613 người tham gia lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều người trở thành tướng, tá, sỹ quan trung cao cấp trong quân đội và công an nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, dòng họ Phùng làng Hoành Nhị cũng có những đóng góp đáng kể vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ba xã, thị trấn thuộc làng Hoành Nhị đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp của trên 6.000 nhân khẩu trong dòng họ.
Ban khánh tiết của dòng họ là những người con khi đã hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm với Đảng - Nhà nước, đã tự nguyện, tâm huyết, nhiệt tình cho công việc của dòng họ, đã tổ chức xây đắp, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo các nhà thờ, lăng mộ tổ, duy trì gia phong, nền nếp của dòng họ, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cho con cháu những truyền thống lịch sử của dòng họ, tiêu biểu như: Cụ Phùng Hữu Trợ, ông Phùng Ngọc Quản, ông Phùng Hữu Bảng, ông Phùng Hữu Lý, ông Phùng Hữu Thanh, ông Phùng Hữu Hệ, ông Phùng Hữu Riệm, ông Phùng Hữu Hiền, ông Phùng Hữu Tuyên, ông Phùng Hữu Thận, ông Phùng Hữu Thiện, ông Phùng Hữu Trụ, ông Phùng Hữu Huân, ông Phùng Hữu Tuần, ông Phùng Hữu Đệ, ông Phùng Hữu Khoa, ông Phùng Hữu Xuân, ông Phùng Hữu Toản, ông Phùng Hữu Ngọ, ông Phùng Hữu Hồ, ông Phùng Hữu Huỳnh, ông Phùng Hữu Tính, ông Phùng Hữu Tần, ông Phùng Hữu Tuyến, ông Phùng Hữu Tiến, ông Phùng Hữu Ngãi, ông Phùng Hữu Kết, ông Phùng Hữu Thanh, Phùng Hữu Tiêm, ông Phùng Hữu Quyên, ông Phùng Hữu Bốn, ông Phùng Hữu Nhiễu, ông Phùng Hữu Ca, ông Phùng Hữu Toán, ông Phùng Hữu Đương, ông Phùng Hữu Phó, Phùng Hữu Kế, Phùng Thị Hoán (Mơ). Đặc biệt ông Phùng Hữu Xuân phó ban tài chính - Trưởng ban Liên lạc họ Phùng làng Hoành Nhị đã tâm huyết lăn lộn với phong trào của dòng họ, trong buổi lễ ông đã phát tâm tiến cúng 10 triệu đồng và 100 lít rượu quý để phục vụ tiệc mừng, hướng về ngày lễ đón nhận bức chân dung Danh nhân Văn hóa Phùng Khắc Khoan, nhiều con cháu đã phát tâm công đức. Trong buổi gặp mặt tại huyện, các đại biểu đã ủng hộ tiến cúng gần 30 triệu đồng, các cháu trong thành phố Hồ Chí Minh đã gửi về tiến cúng 20 triệu đồng và còn nhiều các cháu có tấm lòng đang công tác, làm việc ở trong và ngoài nước cũng đang có tinh thần về dự và ủng hộ nguồn kinh phí cho buổi lễ và phục vụ cho các công việc trong dòng họ như xây dựng nâng cấp các Từ đường và nội thất phụng thờ tiên tổ, ban Khánh tiết kêu gọi con cháu tiếp tục đóng góp công, góp của và trí tuệ vào xây dựng Tổ đường ngày càng to đẹp hơn.
Có thể khẳng định, những đóng góp của dòng họ Phùng Việt Nam nói chung và chi nhánh họ Phùng làng Hoành Nhị - Giao Thủy nói riêng là những đóng góp lớn, nó là một phần tinh hoa của con người Lạc Việt được hun đúc lại, soi sáng ra và rất cần được thế hệ trẻ tiếp tục bổ sung, phát huy và phát triển. Thái độ ứng xử với Tổ quốc và nhân dân của dòng họ Phùng là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với đời sống của nhân dân, luôn biểu hiện một cách chân chính, bình đẳng và tâm huyết. Dòng họ Phùng trong đó có họ Phùng làng Hoành Nhị là một trong những dòng họ luôn luôn có đóng góp quan trọng về các mặt lịch sử, quân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị …, một dòng họ luôn toàn tâm toàn ý hướng tới con người và Tổ quốc Việt Nam. Tại nhà Trung tâm văn hóa huyện Giao Thủy, chi nhánh họ Phùng làng Hoành Nhị - Giao Thủy - Nam Định được đón nhận chân dung Danh nhân Văn hóa Lưỡng quốc Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan do Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam trao tặng, là niềm vinh dự, tự hào và phấn khởi, đây là dịp để dòng họ khơi dậy truyền thống “đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tiên tổ và các vị tiền nhân trong dòng họ có công với quê hương, đất nước, với cộng đồng, từ dó giáo dục cho các thế hệ con cháu trong dòng họ về lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ - nâng cao ý thức trách nhiệm - nghĩa vụ đối với họ hàng, quê hương đất nước”.