(Thứ tư, 16/11/2022, 11:08 GMT+7)

Trung tướng Phùng Khắc Đăng vừa ra mắt cuốn sách Tập làm thơ Đường luật (NXB Hội Nhà văn). Đây là tập thơ thứ hai của ông. Tập thơ trước với tựa đề Thời gian xanh mãi đã thấp thoáng một vài bài theo lối Đường luật. Không thể ngờ chỉ trong vòng thời gian ngắn, ông đã mau chóng gây ấn tượng với Tập làm thơ Đường luật dày dặn 200 trang. Sau đây, Hội đồng họ Phùng Việt Nam xin giới Lời mở đầu tập thơ và một số hình ảnh về ông.

LỜI THƯA

Trung tướng Phùng Khắc Đăng

Tôi biết đến những bài thơ Đường từ thời đi học, đặc biệt trong chiến tranh, những kỷ niệm về nó càng vô cùng đáng nhớ. Chả là sau mỗi trận đánh trở về, người còn, người mất, không khí của đơn vị như trùng xuống, lúc ấy chúng tôi lại tìm đến những niềm vui cho mọi chuyện qua nhanh như học hát qua Đài Tiếng nói Việt Nam, làm thơ, bình thơ, kể chuyện tiếu. Những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,Chiêu Hổ là những bài được cày xới nhiều nhất. Đặc biệt có hai bài hầu như người lính nào cũng rất nhớ, đó là bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt và Lương Châu từ của Vương Hàn tác giả người Trung Hoa vì có lẽ những bài thơ ấy là sự đan xen giữa bi và hùng, nó mang theo những cảm xúc của tôi cũng như đồng đội qua năm tháng chiến tranh. Cảm xúc đó có lúc trầm lúc mãnh liệt cho đến bây giờ vẫn luôn ngự trị trong tôi.

Tôi còn nhớ năm 1969, sau trận đánh đơn vị bị tổn thất, buồn quá viết một bài tứ tuyệt bị cấp trên chỉnh cho một trận nên thân. Đầu năm 1970, tôi viết bài về Đất Quảng, bày tỏ cái cảm xúc lạ lùng về vùng quê đầy khó khăn, ác liệt,một vùng quê được tôn vinh là “Trung Dũng kiên cường đi đầu đánh Mỹ”. Một vùng quê mà tôi từng gắn bó suốt 15 năm đánh giặc, từ 1965 đến 1980, trong đó có bốn năm trên mặt trận Tây Nam Tổ quốc. Sau này, khi có cơ hội, tôi vẫn viết nhưng thưa hơn, vì công việc,vì miếng cơm manh áo và vì cái gia đình nhỏ bé thân yêu của tôi. Mãi đến khi rời quân ngũ về làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, khi gia đình có biến cố lớn xảy ra làm tôi nhiều đêm không ngủ, tôi lại tìm đến nó và tiếp tục viết những dòng cảm xúc của mình với thể loại mà tôi yêu thích. Khi tập hợp lại đã được nhiều bài, lúc này tôi mới thấy rằng những bài viết ấy chẳng ăn nhập gì với niêm và luật của thơ Đường. Tôi lao vào tìm kiếm quy cách của nó và giật mình, thấy ngộp và lạ lẫm, nhiều lúc khó quá đã nản định buông xuôi. Biết tôi đang mò mẫm đánh vật với thể loại thơ này, một bạn học cũ với tôi thời phổ thông là một nhà văn khuyên tôi không nên đụng đến thể loại Đường thi, nó vừa khó, đôi khi như lao vào ngõ cụt. Nếu may mắn được một bài cũng ít người tìm đọc, các báo ít đăng, may ra có báo Người cao tuổi và báo Cựu chiến binh thi thoảng có dùng. Một vị Tiến sĩ Hán Nôm có thời tâm huyết với thể loại này cũng nói với tôi: “Ông đừng dại húc đầu vào nó”. Vậy là, cái tính tò mò thích khám phá trong tôi càng thôi thúc tôi lao vào. Tôi nghĩ mình làm vì giải trí, tự tìm lấy miền vui là chính, cũng chẳng có tham vọng gì lớn nên vẫn quyết lao vào. May quá, một số bạn hữu thân tình khích lệ gợi mở cách đi. Tôi nghĩ mình sẽ tự học, tìm học bạn bè, con đường đó chắc là nhanh nhất. Biết tôi như vậy có người nói: Ngày trước ông là cấp trên của họ, nay ông lại cắp sách học họ, ông không biết ngượng à? Tôi cười và nói cái thời trên dưới qua rồi, đây là tri thức, là học thuật, ai biết thì hỏi, ai giỏi mình học có gì mà ngượng, mà mặc cảm, xấu hổ? Có lẽ vì vậy mà nhiều bạn thơ quý mến thân tình giúp đỡ nên tôi có chút vốn liếng như bây giờ. Các bài thơ in trong tập này, có hai thể loại:

- Thất ngôn bát cú.
- Thất ngôn tứ tuyệt.

Gồm nhiều đề tài khác nhau như: danh nhân, danh thần, quê hương, đất nước, thầy giáo, bạn bè, gia đình và bản thân, dịch bệnh, chống tiêu cực, thơ vui và bóng đá… Việc phân chia chỉ có tính ước lệ, không thể rạch ròi.

Khi tâm sự với bạn thơ về cái tên cho đứa con tinh thần của mình là: “TẬP LÀM THƠ ĐƯỜNG LUẬT” nhiều người cười và nói, thiếu gì tên mà ông đặt vậy? Riêng tôi tự nhủ đây là dòng thơ nổi tiếng đã có từ ngàn năm, nó là tinh hoa của xã hội phương Đông, có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại, được du nhập vào nền văn hóa của ta, được Việt hóa và đã có được sắc thái riêng của người Việt, vậy mà bây giờ vẫn là dòng thơ độc đáo thì mình tập làm cũng là đúng, chẳng sai. Mặt khác, do xác định tự học nên không giấu dốt, ai có thể hỏi được là hỏi, ai có thể học được là đeo bám đến cùng. Có được kết quả bước đầu như hôm nay, tôi chân thành cảm ơn thầy giáo Phùng Việt Hùng, thầy giáo Nguyễn Đình Dần, chị Nguyễn Phương Hà ở Vũng Tàu, anh Nguyễn Văn Tuấn con trai ông Nguyễn Văn Minh bạn học cùng thời phổ thông với tôi, thầy giáo Nguyễn Đình Thiều quê Nghệ An bạn học cùng thời tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc những năm đầu thập niên 1980. Cảm ơn bạn Nguyễn Đức Hùng bạn học thời phổ thông, người rất yêu quý thơ Đường, đã từng làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội thơ Đường luật Việt Nam, nay lại là Thường trực của thơ Đường Minh Triết Việt Nam, đã đọc kỹ và góp ý. Cảm ơn nhà thơ Phùng Hiệu, Tổng Biên tập Văn Chương Phương Nam, anh đã dành những tình cảm với tôi khi trao đổi hàng tiếng đồng hồ qua điện thoại để cùng chung thuận một vài từ cho câu thơ sáng hơn, mượt hơn. Cảm ơn Đại tá Nguyễn Như Bượi đã thường xuyên trao đổi, Đại tá nhà thơ Đỗ Trung Lai đã đọc, góp ý sửa bài, Đại tá nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc, góp ý, bày tỏ cảm xúc chân tình với tập thơ. Tôi cũng không bao giờ quên được những buổi trao đổi trực tiếp với anh Phan Huy Thanh hậu duệ của cụ Phan Huy Chú, anh đã có hàng ngàn trang viết về văn, thơ, kể cả dịch thơ Đường cổ, anh trao đổi rất kỹ về cách làm, thế nào là sai, đúng luật, anh cũng trực tiếp góp ý để bài thơ và câu thơ đến độ, có tầm hơn. Có thể nói, những tấm lòng chân tình đó đã giúp tôi đam mê hơn, hào hứng hơn trong việc theo đuổi dòng thơ khó tính.

Những bài thơ THẤT NGÔN BÁT CÚ và những bài TỨ TUYỆT của tôi có thể chưa hay, có bài còn gượng ép cho đúng niêm và luật, song cũng là cố gắng của một người lính làm thơ.

Xin được trình làng mong được cảm thông và mong nhận được sự góp ý chân tình!

Sau đây là chùm thơ về danh nhân, danh tướng:

DANH NHÂN HỌ PHÙNG
 
Trời mây Văn Miếu sắc thanh tân
Gợi nhớ anh linh bậc quân thần
Bố Cái tận tâm vì Tổ quốc
Trạng Bùng toàn ý với lương dân
Dẫu không đồng tuổi - tình chẳng cách
Song vẫn vang danh - nghĩa lại gần
Ngàn năm xứng đáng lưu thiên cổ
Phùng gia rạng rỡ mãi mùa xuân.
 
THÁI PHÓ LƯỠNG TRIỀU
 
Phụ quốc lưỡng triều Phùng Tá Chu
Hưng Vương Thái phó rạng thiên thu
Trước giúp Lý triềuyênbờ cõi
Sau phù Trần thịquét muôn thù
Một nước luôn yêu - người giỏi nể
Hai vua thờ phụng - bọn gian trù[1]
Tài danh tế thế muôn đời ngưỡng
Giúpnước thànhdanh Phùng Tá Chu.
 
THÁI ÚY LÝ THƯỜNG KIỆT
 
“... Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Thơ thần - Lý Thường Kiệt)
 
Như Nguyệt Thơ thần[2] kinh đất Bắc
Thăng Long võ đức sáng trời Nam
Hịch Lộ bố văn[3] lưu sử sách
Trải mấy trăm năm tiếng hạc vàng
Rạng danh Ngô tộc[4] khuông phò nước
Thơm thắm Lý Triều buổi an khang
Thái úy tuổi trời danh thiên cổ
Đại Việt thiên thu mãi vững vàng.
 
BẬC HIỀN NHÂN
 
Nam Đàn gợi nhớ bậc hiền nhân
Chốn ấy Kim Liên xuất hiện thần
Giúp nước - bôn ba nhiều vất vả
Vì dân - nếm trải lắm gian truân
Năm châu trải hết - đau ngàn bận
Bốn biển kinh qua - khổ vạn lần
Dẫn lối đưa đường cho Cách mạng
Thành công nước Việt đẹp muôn xuân.

BÁC HỒ
 
“Tuyên ngôn độc lập”sáng tương lai
Lãnh tụ dân yêu thật xứng tài
Với Đảng lòng trung hằng nghĩa lớn
Vì dân dạ thảo chẳng tình phai
Xây nền Tổ quốc mong cường thịnh
Dựng móng non sông ước dặm dài
Lời hịch năm xưa còn vọng mãi
Lan tỏahương nồng cho nắng mai.
 
TRƯỜNG CHINH
 
Công đầu đổi mới, nhớ Trường Chinh
Trăn trở lo toan nỗi nước mình
Chính phủ xây trên nền vững mạnh
Nhân dân được hưởng sự phồn vinh
Chính liêm tỏ rõ, ngời câu “trí”
Thanh bạch nêu cao, nặng chữ “tình”
Tổ quốc ngày nay đầy sắc thắm
Xuân Trường - Nam Định đẹp lung linh.


[1] Trù dập.
[2] Bài Thơ thần được Thái úy Lý Thường Kiệt sai người ban đêm vào trong các ngôi miếu cổ dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt ngâm vang khiến binh tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết nhà Tống nghe thấy mà kinh sợ.
[3] Khi thực hiện nghệ thuật quân sự Tiên phát chế nhân mang đại binh đi phá tan sào huyệt quân Lương các châu Khâm, Ung, Liêm của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã cho công bố Hịch Lộ bố văn kể tội hủ bại của quan quân nhà Tấn khiến dân chúng các châu đều tuân phục.
[4] Lý Thường Kiệt mang họ Ngô, là dòng dõi Ngô Vương Quyền. Ông có tên khai sinh là Ngô Tuấn. Cha ông là Ngô An Ngữ, mẹ ông mang họ Hàn. Gia đình ông ở làng An Xá, huyện Quảng Đức, thuộc ngoại thành Thăng Long (nay là làng Phúc Xá, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội). Hiện nay, nơi đây có Đền thờ Lý Thường Kiệt cũng là di tích lịch sử của thành phố Hà Nội.
 
Sau đây là một số hình ảnh:


Nhà thờ của gia đình tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội


Với Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
thăm gia đình ngày 27 tháng 11 năm 2021


Chụp ảnh lưu niệm với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2012


Chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bên lề Quốc hội năm 2010


Tặng bộ sách Phùng Khắc Khoan cho các vị tướng lĩnh; lãnh đạo thành phố Hà Nội; lãnh đạo huyện Thạch Thất năm 2013


Trao tặng bức tranh mừng Đại thọ cụ Phùng Văn Các 100 tuổi tại thị xã Sơn Tây năm 2017


Chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng các em ruột tại gia đình năm 2022


Tham dự ngày hội thơ Đường luật toàn quốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 3 năm 2019


Bên các bạn học và các thầy giáo yêu thơ cùng nhà thơ Nguyễn Việt Mỹ tại quê hương tháng 8 năm 2022


Chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư, tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám năm 2018


Chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn giáo sư, tiễn sĩ đi điền dã tại Đình Phùng Xá thờ Hữu tướng Phùng Thanh Hòa năm 2019



Trước tòa nhà Quốc hội Mỹ tháng 6 năm 2009 - Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da ca dioxin trước khi vào
tòa nhà Quốc hội Mỹ dự phiên điều trần về việc Mỹ xả lượng chất độc da cam dioxin tại Việt Nam


Tại Mát-xơ-cơ-va năm 1988-1989 khi học ở Trường Đảng cao cấp trực thuộc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô