(Thứ năm, 10/10/2024, 08:39 GMT+7)
Đại Việt sử ký toàn thư đoạn ghi những sự việc xảy ra trong tháng 10 năm Tân Sửu (1241) có viết:“Hoàng tử thứ ba là Quang Khải ra đời, là em cùng mẹ khác cha với Quốc Khang anh trưởng”. Như vậy thì Trần Quang Khải là con đẻ thứ hai của Trần Thái Tông vì Quốc Khang thực ra là con của Trần Liễu. Quang Khải kém Thái tử Hoảng 1 tuổi. Năm Quang Khải ra đời (1241) Trần Thái Tông mới 29 tuổi nhưng đã ở ngôi vua được 16 năm.


Đền Trần Quang Khải ở Nam Định

Trong thời niên thiếu, Quang Khải là một cậu học sinh chăm chỉ cần cù. Về văn chương cũng như về võ bị cậu đều ra công rèn luyện tu dưỡng, đặc biệt Quang Khải lại còn am hiểu nhiều thứ ngôn ngữ của các dân tộc khác. Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, phần Nhân vật chí có ghi về Trần Quang Khải như sau: “Ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thù tiếp, ông rất chăm học, hay làm thơ”.

Ngoài ra, An Nam chí lược của Lê Tắc, một người đồng thời với Quang Khải, có cho ta biết một điều cũng rất đáng chú ý: ông thầy đã hướng dẫn cho Quang Khải học tập trong thời gian niên thiếu ấy không phải ai xa lạ mà chính là nhà sử học nổi tiếng đã soạn pho chính sử đầu tiên của dân tộc: Lê Văn Hưu.

Thời trẻ của Trần Quang Khải, ta thấy sử bỏ bẵng đi, không ghi chép gì tới 17 năm. Mãi tới năm Mậu Ngọ (1258) Toàn thư mới lại cho biết thêm một chi tiết “Năm Mậu Ngọ tháng 11, Trần Thánh Tông phong cho em là Quang Khải làm Chiêu Minh đại vương”.

Nguyên là trước đó 9 tháng, vào tháng 2, Thái Tông đã truyền ngôi cho Thái tử Hoảng để làm Thái thượng hoàng. Hoảng lên ngôi tức là Thánh Tông, vì vậy Toàn thư mới viết là phong cho em.

Phải bốn năm năm nữa, Trần Quang Khải mới thực sự nhận một chức vụ chính quyền. Toàn thư, phần ghi những sự kiện trong năm 1266 có câu: “Bấy giờ Quang Khải quản Nghệ An”. Nghệ An thuở đó là một lộ bao gồm vùng đất nam Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. (Bắc Nghệ An thuở đó là lộ Diễn Châu, do Trần Quốc Khang cai quản).

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tân Mùi, niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1271) Trần Quang Khải được phong Tướng quốc Thái úy. Đến năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4 (1282) ông được phong Thượng tướng Thái sư.

1. Một nhà chính trị lỗi lạc

Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên- Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, ông có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng và đã tham gia chiến dịch phản công lớn. Ông vừa là vị tướng cầm quân đi đánh giặc, vừa là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà ngoại giao có tài. Ông cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và vương triều Trần làm nên chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, v.v… quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, bảo vệ non sông gấm vóc của mình.

Đầu năm 1285 là lúc chiến trường nguy nan nhất, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã tặng ông một lá cờ với hai câu thơ:

“ Nhất đại công danh thiên hạ hữu,
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô”

Dịch nghĩa:

“Công danh trọn một đời thiên hạ có,
Nhưng lòng trung hiếu với hai triều vua thì thế gian này không ai sánh được”.

Nhìn lại lịch sử vương triều nhà Trần, chúng ta thấy rõ tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và đặc biệt là quốc phòng. Sở dĩ như vậy là bởi ngay từ khi ra đời và suốt quá trình trị vì đất nước, nhà Trần luôn phải đương đầu với chiến tranh xâm lược của ngoại bang có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn mà nổi bật là ba cuộc chiến chống Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288), diễn ra trong 30 năm, nhà Trần đã không “ngủ quên” trong chiến thắng, mà trái lại còn tích cực chuẩn bị đất nước về mọi mặt để sẵn sàng và chủ động cho cuộc chiến tiếp theo.

Cùng với thân dân, gần dân, vương triều Trần còn hết sức trọng dân, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân, mà tiêu biểu là Hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để nghị bàn “hòa hay đánh” trong cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai. Cùng với đó, nhà Trần luôn quan tâm giáo hóa dân chúng, mở những khoa thi tuyển chọn người tài để giúp nước. Nhờ đó, có giai đoạn nền chính trị trong triều đại nhà Trần rất ổn định: “Bấy giờ nhà nước vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan ở mãi một chức...”. Đây chính là cơ sở quan trọng để vương triều Trần có thể huy động sức người, sức của toàn dân đánh giặc, giữ yên bờ cõi.

2. Một nhà ngoại giao xuất sắc

Năm 1277, Thượng hoàng Thái Tông mất. Năm 1278, Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Khâm, tức Nhân Tông. Nhưng đối với Nguyên - Mông thì bấy giờ Nhân Tông mới lên ngôi. Hốt Tất Liệt lấy cớ là vua mới không xin lệnh mà tự lập, sai một phái bộ sang trách hỏi.

Tháng 11 nhuận năm Nhâm Tý (khoảng tháng 12 năm 1278, phái bộ do Sài Thung dẫn đầu đến biên giới, hạch sách đòi vua Trần phải lên đón.

“Con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người để thay cho sĩ nhân, nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”.

Sài Thung lại lên đường. Khi đó nhà Trần đã chuẩn bị chiến đấu khá khẩn trương nhưng để có thêm thời gian, vua Trần Nhân Tông (lúc này đã chính thức đứng ra giao thiệp với nhà Nguyên) cử người chú họ là Trần Di Ái dẫn một phái bộ sang chầu vua Nguyên vào khoảng năm 1281. Hốt Tất Liệt khai thác ngay cơ hội này, phong cho Trần Di Ái làm An Nam quốc vương thay Nhân Tông và lại sai Sài Thung đem 1.000 quân (có sách chép là 5.000 quân) hộ tống bọn này về. Khi chúng đến biên giới, vua Trần một mặt sai quân đón đánh tan tác Trần Di Ái, một mặt lại sai đón rước Sài Thung về Thăng Long. Viên sứ họ Sài này vẫn ra vẻ hống hách, nạt nộ gây sức ép và nhà Trần thì vẫn ân cần khoản đãi. Cuối cùng Sài Thung phải tay không trở về Nguyên với sự tan vỡ của âm mưu dựng một triều đình bù nhìn. Và mặc dầu vậy, Trần Quang Khải lại làm một bài thơ tặng y, lời lẽ cũng hoa mỹ, lịch sự như bài thơ tặng y ba năm trước. Bài thơ này cũng được chép lại trong Toàn Việt thi lục, nhan đề “Tống Sài Trang Khanh”:

Tống quân quy khứ độc băng hoàng
Mã thủ xâm xâm chỉ đế hương
Nam Bắc tâm tinh huyền phản bái
Chủ tân đạo vị phiếm ly trường
Nhất đàm tiếu khoảnh ta phân duệ
Cộng xướng thù gian tích đối sàng
Vị thẩm hà thời trùng đổ diện
Ấn cần ác thủ tự huyên lương.

Dịch nghĩa:

“Tiễn ông về nước, tội thật bồi hồi.
Ngựa xăm xăm trỏ lối đế hương.
Chạnh niềm Nam Bắc, tâm tình như treo trên lá cờ đi sứ trở về
Chủ khách thay mùi đạo, cùng nhau chuốc chén biệt ly.
Nói cười vừa chốc lát, than ôi đã dứt áo chia tay!
Trong lúc ngâm nga xướng họa, nhớ tiếc khi giường nằm đối diện!
Chưa biết khi nào lại gặp nhau, để nắm tay kể chuyện hàn huyên”.

Vừa đánh tan một đoàn quân với âm mưu xảo quyệt của địch trên biên giới, nhưng lại làm thơ lưu biệt với sứ thần địch, âu đó cũng là một nét đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngoại giao của nhà Trần.

3. Một vị tướng tài ba

Nhưng sau vụ Trần Di Ái, nhà Trần hiểu rằng đã đến lúc chấm dứt thời kỳ hòa hoãn phải chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng đón tiếp kẻ thù bằng binh lực.

Cuối năm 1282, sau khi từ chối không cho nhà Nguyên mượn đường đi đánh Chiêm Thành, vua Trần liền triệu tập Hội nghị Bình Than. Đây là hội nghị các vương hầu và quan lại bàn về kế hoạch kháng chiến. Tiếp đó, những Hoàng thân và Tướng soái tài ba được giao phó đánh bại giặc ở các nơi như kinh thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn.

Chiến thắng Chương Dương có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đã tiêu diệt một cứ điểm trọng yếu cuối cùng của địch trên sông Hồng, tạo điều kiện cho việc giải phóng Thăng Long, từ đó mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ phản công trên các mặt trận, đập tan ý đồ xâm lược của địch, buộc Thoát Hoan phải rút chạy về nước.

Ngày 6 tháng 6 năm Ắt Dậu (tức ngày 9 tháng 7 năm 1258) hai vua Trần cùng triều đình trở lại Thăng Long. Trong dịp này Trần Quang Khải viết bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” (Theo xa giá về kinh đô):

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san

Nghĩa là:

Bến Chương Dương cướp giáo
Cửa Hàm Tử bắt thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy muôn thu

Bài thơ dào dạt niềm tự hào về những chiến công oanh liệt, đồng thời lại vang vọng một lời khích lệ nhắc nhở con cháu muôn đời sau.

Năm ấy, Trần Quang Khải đã 44 tuổi, và từ đây trở đi cho tới khi ông mất (ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294), ông được mọi người quý mến gọi là Quốc thúc.

4. Một nhà thơ lớn

Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải còn là một nhà thơ lớn. Ông có tập “Lạc Đạo thi tập” nhưng ngày nay không còn. Thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn chỉ sưu tầm được 9 bài, chép vào “Toàn Việt thi lục”. Trong số này có ba bài là thơ ngoại giao thù tiếp. Đó là những bài “Tứ Sài Trang Khanh Lý Trấn Văn đẳng”, “Tống Sài Trang Khanh”“Tặng Bắc sứ”. Các bài còn lại thì trừ bài “Tụng giá hoàn kinh sư” (đã nêu ở trên), các bài khác là thơ tả tâm tình: “Phúc Hưng viên”, “Dã thự’, “Lưu Gia độ”, “Xuân nhật hữu cảm”. Tuy số lượng ít như vậy nhưng cũng đủ cho ta thấy tâm hồn tác giả, một tâm hồn rất mực sáng trong, thấm đượm tình yêu mến quê hương, đất nước, lại gồm chứa cả cái khí thế thời đại ấy, cái hào khí Đông A như người ta vẫn gọi.

“Phúc Hưng viên” là bài thơ tả khu vườn Phúc Hưng, nơi tác giả thường về đó nghỉ ngơi lúc tuổi già. Phan Huy Chú cũng có bình bài thơ đó, cho là lời “thanh thoát, nhàn nhã, xem thơ tưởng thấy phong thái của người”. Rõ ràng là Trần Quang Khải không chỉ có thanh thoát, nhàn nhã, nhưng một vị tướng mà lại có phong thái như vậy thì đó chính cũng là một nét đẹp riêng của tâm hồn con người Việt Nam.

Phúc Hưng nhất khúc, thủy hồi hoàn
Hỏa tức tam diên thiêu bất cập
Phong lôi nhất trận triển nan khuynh
Chỉ huy đàn áp chư tà chúng
Hô hấp tiêu trừ bách vạn binh
Nguyên trượng thần uy thôi Bắc lỗ
Đốn kinh hoàn vũ yến nhiên thanh

Dịch nghĩa:

(Hiển hách từng nghe nức tiếng đại vương
Đến nay mới biết quỷ thần phải sợ.
Lửa ba lần mà thiêu chẳng tới.
Sấm sét ran một trận mà chuyển không nghiêng.
Ra tay đàn áp các loài ma quỷ,
Hét lớn tan tành bách vạn binh.
Xin hãy ra tay trừ giặc dữ.
Dựng xây thiên hạ mãi mãi thanh bình).

Số lượng còn lại ít ỏi như vậy nhưng cũng đủ cho ta thấy ở ông một tấm lòng mến yêu đất nước, quê hương mà ông đã từng bảo vệ, một niềm lạc quan một sự khiêm nhường, một cốt cách dân tộc đậm đà, tất cả được thể hiện ra bằng một năng khiếu quan sát tinh tế, một xúc cảm đẹp đẽ, lành mạnh. Rõ ràng là tuy ở vào cái tuổi đầu phát bạch (đầu tóc bạc), đã vào cái thời nhị phần xuân sắc nhàn sai quá (đã uổng đi hơn hai phần xuân) mà đảm khí vẫn như xưa:

Sinh binh đảm khí luân huân tại
Giải đảo đông phong phú nhất thi
(Đảm khí ngày nào, nay vẫn đó
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi).

Đã vào lúc mà kinh tâm hồng khoái tích thì nhan (giật mình vì sắc mặt hồng hào xưa đã nhạt đi), nhưng nhà thơ vẫn phủ kiếm du du ức cố sơn (vỗ gươm bời bời nhớ núi xưa, tức là những nơi thời trẻ đã tung hoành).

Một điểm nổi bật nữa trong thơ Trần Quang Khải là đề tài và chất liệu thật là thân thuộc: một bến đò, một cánh đồng, một mảnh vườn, một lũy tre, một bờ liễu, một trận mưa xuân trên đường thôn, một khúc sáo mục đồng trong chiều sương... Và với bấy nhiêu chất liệu tác giả vẽ nên những bức tranh thật đẹp. Đây là một mảnh vườn quê:

Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi
Trúc đình luân chuyển bích lang can

(Bờ mai, khi tan tuyết, nụ kết trắng xoá như chuỗi hạt châu.
Đình trúc lúc mây quang, bóng tre xanh biếc như ngọc thạch).

Và đây là cánh đồng làng quen thuộc:

Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt
Kỷ phiến nông thoa bích lũng vân

(Một tiếng sáo trẻ chăn trâu đem ánh trăng về chiếu trên điếm cỏ,
Vài tấm áo tơi nhà nông gọi mây phủ lên đồng xanh).

Ở tác giả khiếu quan sát khá tinh tế mà xúc cảm thật nhạy bén. Và nếu đọc lại bài “Tụng giá hoàn kinh sư” cùng bài “Vịnh Long Đỗ” thì thơ Trần Quang Khải thật đầy tráng khí và cũng tràn đầy niềm khát vọng cho đất nước vững bền.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là một đại thần thanh liêm cương trực, một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà ngoại giao xuất sắc, một võ tướng anh dũng hiển hách, một nhà thơ lớn.

5. Những người thân

Theo Văn bia dựng trước đền thờ ông ở làng Độc Lập, xã Cao Đài, nay là xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thì vợ của ông là công chúa Phụng Dương, con gái Trần Thủ Độ. Tấm bia này do Trần Quang Khải trông nom việc khắc dựng chính là để ghi lại tài năng đức độ của vợ mình. Bà sinh năm Giáp Thìn (1244), mất ngày 22 tháng 3 năm Tân Mão (22-4-1291).

Bà sinh bảy người con gồm ba trai, bốn gái. Trong số ba người con trai này có Văn Túc vương Trần Đạo Tái là một nhân vật đáng chú ý. Đạo Tái đậu Bảng nhãn năm mười bốn tuổi, từng nhiều phen theo cha đi chiến trận, đồng thời là một nhà văn nổi tiếng một thời. Con của Đạo Tái là Uy Túc vương Trần Văn Bích cũng có võ công, tên cũng vẫn còn ghi trong sử sách. Con của Văn Bích là Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà thơ đồng thời là một nhà thiên văn lịch pháp, và là ông nội của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự kiệt xuất, một vị tướng lừng danh của Việt Nam và thế giới, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã có công lớn trong sự nghiệp chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Để khẳng định điều này, sách “Việt sử thông giám cương mục có đoạn viết “...Thái sư Trần Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần uy danh ngang với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
 
Trần Quang Trung (tổng hợp) / Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam