(Chủ nhật, 05/09/2021, 09:45 GMT+7)

TIẾN SĨ PHÙNG QUỐC HIỂN,
NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

 

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

   Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển vừa được Quốc hội cho thôi giữ chức Phó Chủ tịch. Hành trình công tác của ông phải nói là thuận chiều, mát mái, đúng như tâm tính thuần hậu giản phác của ông, công bằng với ông, với những người thân thuộc, nhân sĩ trí thức, bạn hữu gần xa luôn ưa thích sự công chính. Điều này tưởng như thật gần bởi đó là những mong ước chính đáng của nhân dân nhưng để phấn đấu đạt tới e rằng luôn không phải dễ.

   Phải nói là có duyên khi được tiếp xúc và làm việc thường xuyên với ông, nhất là những công việc không mấy liên quan tới chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường của hai bên. Mãi sau này, khi vừa nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, ông mới gọi điện cho tôi bảo mình có viết truyện ngắn, từ rất lâu rồi, công tác lu bù thành ra bây giờ mới nhớ tới, may nó vẫn còn nằm trong mấy cuốn sổ tay, nhờ Khai đọc xem thế nào nhé. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy thú vị khi đột ngột ông anh trong chặng mới cuộc đời lại hứng thú với văn chương. Như thế tức là ông đã viết văn từ lâu, thảo nào câu chữ chặt chẽ lắm. Những cuộc thay mặt lãnh đạo Quốc hội điều hành các kỳ họp, trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước, tham gia viết các chuyên đề về kinh tế xã hội không chỉ mềm mại sắc sảo mà còn khá văn vẻ. Thì ra ngài từng viết văn, còn viết được cả truyện ngắn thật không phải thường đâu. Tôi hăm hở đem truyện ngắn Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà về đọc. Văn phong tốt. Cốt truyện tốt. Hành văn chuẩn chỉ. Chi tiết đan cài. Cảm xúc dồi dào nhưng rất biết tiết chế, thắt mở theo cung bậc câu chuyện. Rõ ràng đây là một truyện ngắn hoàn chỉnh có thể đem ngay ra in ở bất cứ tờ báo nào. Văn chương là thế. Không ai dạy được ai. Càng không người nọ truyền nghề cho người kia được.
   Tôi bỗng thấy một Phùng Quốc Hiển thật khác xa với những cuộc nghiêm trang và hóm hỉnh, luôn tập trung cao độ, nắm bắt toàn diện để dẫn dắt, điều hành các kỳ họp Quốc hội. Mỗi khi ông điều hành đều cho những người theo dõi sự yên tâm, dẫu có những đột biến từ các vị đại biểu muốn cử tri thấy mình lúc nào cũng sùng sục nỗi lo dân nước thì người chủ trì vẫn kịp thời uốn nắn, đưa trở về mạch chính một cách tài tình, khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Vậy mà bây giờ, trước những dòng văn dung dị viết trong sổ tay khá mạch lạc, tôi không khỏi thoáng chút bâng khuâng.
   Làm việc lâu với ông, luôn thấy rằng Phùng Quốc Hiển bao giờ cũng quan tâm tối đa tới suy nghĩ, nhất là hành động của người đối thoại. Ông không chỉ nắm bắt và khái quát các vấn đề nhanh chóng, mạch lạc mà còn bình tĩnh đưa ra những giải pháp tốt nhất cho công việc. Tiếng là người có chức vị cao, song chưa bao giờ tôi thấy ông áp đặt ai trong những việc nhỏ nhất. Đối với dòng họ Phùng, ngay cả khi phân công ông thực hiện những việc không phải chức trách của mình, càng không đúng với chuyên môn, nếu là một người khó tính hoàn toàn có thể viện dẫn nhiều lý do để từ chối, thậm chí gây khó xử nếu đưa ra những nguyên tắc của mình. Nhưng không! Phùng Quốc Hiển vui vẻ nhận lời. Như là việc thay mặt Hội đồng chuyện trò với chính quyền thôn, xã, huyện về những lợi ích khi trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa nhỏ tưởng chừng khuất lấp ở địa phương. Như là việc nhận tổ chức cho các nhà khoa học đi điền dã, tìm hiểu các nguồn tư liệu, tham bác huyền tích dân gian để tường minh những vị danh thần, danh nhân có công với nước chưa được chính sử định vị xứng tầm. Kể cả việc sẵn sàng thay mặt Chủ tịch Hội đồng đi tặng sách, tự soạn lời phát biểu ngay mới đây thôi ngài cũng vui vẻ lắm. Trong cuộc Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Ban tổ chức yêu cầu ông đến chào hỏi các vị tướng cũng là những bậc tiền bối cách mạng rồi chỉ ngồi yên lặng lắng nghe, vị tiến sĩ cũng vui vẻ chấp hành. Còn có những chuyện như sinh hoạt đời thường, khi được phân mời ngồi ăn cỗ với cụ già, em nhỏ, khách khứa bỗ bã nơi thôn làng, ông cũng nhất nhất chấp hành. Một Ban tổ chức nhỏ tới đâu khi tiến sĩ nhận lời đến dự đều tuân thủ nguyên tắc đã được đề ra, tuyệt đối không làm khó người điều hành dù có thể có những lý do chính đáng. Bởi vậy, chúng tôi luôn coi vị tiến sĩ họ Phùng là một tấm gương trong chấp hành các nguyên tắc bất thành văn của dòng họ luôn lấy tôn ti, lễ giáo, sự nhường nhịn yêu thương chia sẻ làm đầu.
Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển không chỉ rất dễ gần mà ngay ở những lúc đời thường nhất vẫn luôn thấy các ý kiến của ông vô cùng sâu sắc. Dường như ông lúc nào cũng nghĩ tới những việc còn dở dang phía trước, luôn tư duy, trăn trở, phản biện, gợi mở từ những câu chuyện với người đối thoại. Hôm được cùng dự ăn trưa với Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, tôi thấy hai ông không chỉ tâm đầu ý hợp trong các câu chuyện đặt ra mà khi đứng trước những vấn đề lớn, hóc búa cũng luôn được khai thông, lý giải nhẹ nhàng. Đều là những người có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có tầm nhìn dài rộng, độ thâm trầm và đặc biệt là tâm can luôn đau đáu hướng về những lợi ích xã hội phải phục vụ đời sống nhân dân, những nguồn lực xã hội phải được tập trung để xây dựng đất nước, hai vị bằng kinh nghiệm và trí tuệ của mình, đã khai mở cho người ngồi cùng nhiều vấn đề đang nóng của xã hội một cách vô cùng giản dị. Cả hai ông đều có điểm chung là những người được đào tạo bài bản về quản lý kinh tế, tiến sĩ Phùng Quốc Hiển với chuyên ngành tài chính - kế toán nên rất hiểu biết và nắm vững quy luật phát triển kinh tế xã hội, nhất là với các doanh nghiệp. Trong thể chế của ta, hoạt động của các doanh nghiệp, khu vực nhà nước và tư nhân đều bình đẳng, đều có hành lang pháp lý đúng đắn và kịp thời để cùng phát triển. Những năm gần đây, sự đóng góp bền vững ngày càng gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân đã cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, Nhà nước ta trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển, đóng góp xứng tầm với năng lực hiện có. Những chia sẻ, cảm thông, hoạch định chính sách đúng tầm chính là khơi thông nguồn lực đang còn vô cùng dồi dào ở khu vực tư nhân. Những điều ấy dường như lúc nào cũng được hai ông nghiền ngẫm chỉ chờ dịp để thực hiện một cách xuất sắc.
   Ít ai biết, tiến sĩ Phùng Quốc Hiển không chỉ rất chăm đọc, ông còn là nhà sưu tầm sách với hàng trăm đầu sách quý, có không ít cuốn được in ra cách đây đã hơn trăm năm, có cuốn là độc bản hiếm. Vị tiến sĩ khiến tôi sững sờ khi ông bày ra trước mắt khách mời tạp chí Văn nghệ quân đội từ số đầu tiên tháng 1 năm 1957 tới nay đã 64 năm không thiếu số nào. Ông còn bảo khi tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân nhậm chức buổi đầu tiên, quà tặng của ông chính là số tạp chí Văn nghệ quân đội đầu tiên có in hình nữ tướng Nguyễn Thị Định với chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn giản dị đặc trưng Nam Bộ. Nữ Chủ tịch Quốc hội vừa ngạc nhiên vừa rất xúc động trước món quà giản dị. Trong suốt những năm làm Phó Chủ tịch Quốc hội, tiến sĩ Phùng Quốc Hiển khi được giao điều hành các phiên họp đều trên tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, khoa học, cởi mở nhưng cũng rất mềm mại, nhân văn, đây cũng là đức tính của nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân đã như lan tỏa tới các cấp phó của mình.
   Trong cuộc sống gia đình, tiến sĩ Phùng Quốc Hiển luôn thể hiện là một người chồng, một người cha bình dị và độ lượng. Ở đời, khó nhất là việc hành xử với người thân, đặc biệt là những người thân nhất. Ở gần với nhau hàng chục năm, cả cuộc đời vui buồn sướng khổ, từ những lúc rụt rè e ấp đến bên nhau, thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, nên cha nên mẹ, nên ông nên bà quả là quãng đường với biết bao cung bậc cảm xúc không phải điều gì cũng nói được thành lời. Nhiều lúc, chỉ một ánh mắt nhìn, chỉ một lời nhắc khẽ, chỉ một cách gọi con gái, con rể, cháu ngoại mà tôi tận mắt chứng kiến càng thấy thêm một Phùng Quốc Hiển khéo léo, mềm mại và vô cùng hóm hỉnh. Đã hóm hỉnh được với người thân nhất xung quanh mình tức là anh đã tự cởi lòng với tất cả, chẳng phải giấu giếm, che chắn điều gì. Điều này tưởng chừng dễ thôi nhưng vô cùng khó khăn, nhất là đối với  người có cương vị xã hội như anh càng thập phần khó vậy. Vậy mà, tiến sĩ Phùng Quốc Hiển làm mọi việc cứ nhẹ như không. Đó cũng là bản chất thiền của con người đã đi qua mọi đắng cay cơ cực để hiểu được cái giá của sự an yên là phải biết tự mình tu tập trong dằng dặc cuộc đời.
   Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển có thói quen đi bộ vào buổi tối và sáng sớm trên các đường phố, vỉa hè nơi ông sống. Đi bộ cũng là lắng nghe những thanh âm cuộc sống của nhân dân. Tiếng trao đổi của chị hàng hoa, tiếng mời chào của người bán vé số, dáng đi vội vã, ánh mắt mời mọc của cậu bé đánh giày, những cửa hiệu lộng lẫy, bà bán chè chén bên gốc bằng lăng… cứ thế ùa vào vị tiến sĩ chỉ ít tiếng nữa thôi đã trang trọng điều hành phiên họp Quốc hội bàn về những quyết sách của quốc gia. Đó phải chăng chính là vẻ đẹp của cuộc sống phong phú với ai biết sẻ chia, nâng niu từ thức vật giản dị đời thường.
   Bởi vậy, ở những tuần đầu tiên thôi giữ cương vị cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, tôi may mắn được gần gũi anh nhiều hơn, thấy anh tươi tắn hơn trong công việc đời thường.
   Sau đây là một số hình ảnh của tiến sĩ Phùng Quốc Hiển:


Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển tại lễ trao giải thưởng Phùng Khắc Khoan


Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển và Thiếu tướng Phùng Thế Quảng
tại Hội thảo khoa học "Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp"



Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển cùng Hội đồng Họ Phùng Việt Nam đi điền dã tại lăng mộ Thái phó Phùng Tá Chu



 

Họ Phùng Việt Nam
Nhà văn Phùng Văn Khai