(Chủ nhật, 27/08/2023, 01:23 GMT+7)

I. Đề dẫn

Những năm gần đây, vấn đề Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc đang ngày càng trở nên bức thiết với đời sống xã hội nói chung và chuyên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm góp phần bồi dưỡng kiến thức lịch sử một cách có hệ thống từ lăng kính văn học, từ các tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, trao đổi, nêu vấn đề, đối thoại và phân tích, cùng nhìn nhận về hai bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải - người đã có những thành tựu nhất định trong các sáng tác văn học đề tài lịch sử dân tộc. Bài viết được xây dựng từ nhiều cuộc trò chuyện, trao đổi, đối thoại, nghiên cứu văn bản các sáng tác của nhà văn Hoàng Quốc Hải và các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử khác. Hy vọng, từ góc nhìn của các nhà văn, bài viết gợi mở thêm một số điều góp phần làm phong phú hơn việc Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc.

II. Những đóng góp, phong cách, kinh nghiệm và thành tựu từ hai bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều TrầnTám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải

Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong một lần trò truyện với chúng tôi cho biết đã viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần theo năm lát cắt. Mỗi lát cắt là một giai đoạn tiêu biểu. Vì vậy mới có năm tựa sách khác nhau.

Ví như Bão táp cung đình là giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, bằng cuộc hôn nhân của hai bé tám tuổi là Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Người đạo diễn thiên tài cho sân khấu chính trị này là Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ. Công lao lớn nhất của ông là tránh được cuộc nội chiến đang có nguy cơ bùng phát, và vực dậy một xã hội ốm yếu, điêu tàn vào những năm cuối của triều Lý Cao Tông và kéo dài suốt triều Lý Huệ Tông, để chuẩn bị lực lượng chống các cuộc xâm lăng tàn bạo của đế quốc Nguyên - Mông vào mấy chục năm sau đó.

Thăng Long nổi giậnlà lát cắt thứ hai, phản ánh trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1284-1285). Đây là cuộc đọ sức quyết liệt, hoàn toàn không cân sức giữa ta và giặc. Có thể ví sự mất còn của Tổ quốc nguy hiểm tới mức, như lấy một sợi tóc để treo vật nặng tới cả ngàn cân. Thế mà chỉ trong vòng hơn nửa năm trời, quân dân Đại Việt đã lật ngược được thế cờ, đánh cho nửa triệu quân xâm lược, đã từng làm mưa làm gió khắp vùng trời Âu - Á. Với gần hết châu Á, quá nửa châu Âu đã phải quỳ mọp dưới vó ngựa Mông Cổ, các quốc gia hùng cường như Trung Hoa, Nga-La-Tư, Ba Tư đều lần lượt gục đổ; cái đội quân bách chiến bách thắng ấy cùng với các tướng tài lừng danh đã phải ôm đầu máu chạy khỏi Đại Việt.

Huyết chiến Bạch Đằng là lát cắt thứ ba đi sâu phục dựng lại chiến thắng nổi tiếng Bạch Đằng trong lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba với những tái hiện lịch sử xuất sắc. Triều Trần khi ấy thế nước, thế quân hùng mạnh, trên dưới một lòng quyết bẻ gục ý chí xâm lược của nhà Nguyên bằng một chiến thắng có tính bước ngoặt. Khi chọn Bạch Đằng là nơi quyết chiến chiến lược, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng với các tướng lĩnh đã tổ chức xuất sắc trận đại chiến mà chiến thắng đương nhiên thuộc về người chính nghĩa, thuộc về dân tộc Đại Việt. Đây cũng là chiến thắng lừng lẫy nhất trong hàng nghìn năm của lịch sử Việt Nam. Tập sách được viết như một bản hùng ca thể hiện tinh thần hào hùng của một dân tộc anh hùng.

Lát cắt thứ tư Huyền Trân công chúa, thể hiện đường lối kiên trì hòa bình của thượng hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời biểu dương tính nhân văn cao thượng của vị vua này. Từ hai mươi bảy đến hai mươi chín tuổi lãnh đạo cả nước hai lần đánh thắng Nguyên - Mông; không màng phú quý, không ham dục lạc, ba mươi lăm tuổi nhường ngôi cho con, ba mươi chín tuổi trút hoàng bào khoác cà sa, bỏ vương trượng cầm lấy thiền trượng, chân mang dép cỏ đi khắp nước thuyết pháp, lập ra dòng Phật thuần Việt còn tồn tại tới ngày nay. Đó là “Thiền Trúc Lâm”.

Lát cắt thứ năm là Vương triều sụp đổ. Cuốn này phản ánh cả một giai đoạn kéo dài suốt sáu mươi năm (1340-1400) suy thoái rồi sụp đổ của nhà Trần.

Mỗi tập, phản ánh trọn vẹn một chủ đề. Đọc năm tập cho ta cái nhìn tổng thể xuyên suốt 175 năm tồn tại của nhà Trần. Sở dĩ ông chọn nhà Trần, không chỉ bởi triều đại này làm cho non sông Tổ quốc rạng rỡ, mà chính từ đó rút ra được nhiều bài học thành bại cho hậu thế, những bài học sống động mang tính khuôn mẫu, kể cả thành công và thất bại.

Sau hơn mười năm viết liên tục, ông đã hoàn thiện, cho xuất bản và liên tiếp được tái bản bốn tập tiểu thuyết về triều Lý với hơn ba nghìn trang. Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, giá trị của bộ tiểu thuyết trên là những đóng góp quan trọng thể hiện tâm huyết và tài năng của nhà văn với lịch sử dân tộc, với tiến bộ xã hội.

Để hoàn thiện bộ tiểu thuyết về triều Lý, ông đã phải dành thời gian gần hai mươi năm với nhiều cuộc đi điền dã dài hơi để thu thập tư liệu, đặc biệt tư liệu từ dân gian và ông cho rằng, về tư liệu, chúng ta bị thất tán nhiều quá, nguồn chính thống rất nghèo nàn, độ chuẩn xác lại không cao là một thách thức người viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng may mắn thay, dân gian luôn có cách lưu giữ của riêng mình và nhà văn, nếu biết khơi ra từ nguồn ấy cũng rất phong phú. Về việc hoàn thành bốn tập Tám triều vua Lý (Lý Bát Đế) vẫn bằng cách tiếp cận các nguồn tài liệu như trên, thậm chí ông luôn phải đối chiếu với lịch sử các nước láng giềng thời điểm ấy như nhà Tống, Nguyên (Trung Quốc), Chăm Pa, Ai Lao. Việc điền dã không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn ở một số quốc gia có liên quan tới các cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhà văn hy vọng với bộ tiểu thuyết này, ông đã phần nào văn chương hóa lịch sử trong khoảng thời gian hơn hai trăm năm, giúp người đọc có nhận thức liên hoàn về thời đại vừa khai minh vừa đưa dân tộc lên đài vinh quang chói lọi. Đó là tâm nguyện và tài năng của người viết.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải thường nói, đã theo nghiệp văn chương thì bất cứ đề tài nào cũng khó khăn cả. Người viết, nhất là viết về lịch sử, thì điều quan trọng nhất là phải toàn tâm toàn ý, khách quan, công tâm với lịch sử. Viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, chẳng hạn anh phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống. Ví dụ, viết về thời đại Lý, Trần phải hiểu rõ thời đại đó tồn tại ba thứ đạo và cũng là ba dòng triết học lớn: Phật, Nho, Lão và ba đạo ấy lại cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên”. Đó là chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc dung hòa như thế nào để ba thứ đạo ấy đều nhằm một mục tiêu là phục vụ cho con người, cho dân tộc Đại Việt. Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo (Lão) đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt. Người viết tiểu thuyết lịch sử cũng cần phải nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác; nếu không sẽ sa vào kỳ thị dân tộc, chỉ biết ta, đề cao ta... Giải mã được lịch sử, đó là thiên chức của các nhà văn viết về lịch sử. Muốn giải mã được lịch sử thì phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc trong trùng điệp biết bao vỉa quặng của lịch sử, để rồi ngõ hầu rũ lớp bụi thời gian mà có thể phát lộ nó ra, có thể làm thay đổi quan niệm, đôi khi là thiên kiến và cả hạn chế về nhận thức của các sử gia, nên đã có những đánh giá sai lệch về sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử. Nhà văn không phải sử gia nhưng đôi khi cần thiết vẫn cứ phải nhìn nhận lịch sử một cách thấu triệt và công bằng, ít nhất là trên địa hạt văn chương. Điều này quả là không đơn giản. Viết những chuyện xưa để thổi hồn thiêng sông núi và nâng tầm khí phách của dân tộc cho hôm nay, đó mới là điều mà người đọc cần. Do vậy, bất cứ sự xuyên tạc hay bóp méo lịch sử vì mục đích này nọ, thông qua sự hư cấu của văn chương đều là có tội với tổ tiên.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Phùng Văn Khai 
tại Tọa đàm “Tiểu thuyết lịch sử - Những chuyển động”

Khi được hỏi viết tiểu thuyết lịch sử có cần hư cấu không? Và nếu có, thì hư cấu tới mức độ nào? Nghĩa là nó có hạn giới nào trong chuyện hư cấu không? Hoàng Quốc Hải quan niệm hư cấu là thuộc tính của bất cứ loại hình tiểu thuyết nào, như tiểu thuyết tâm lý xã hội, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết phong tục và cuối cùng là tiểu thuyết lịch sử. Thành công của các loại hình này phụ thuộc vào mức độ hư cấu. Tiểu thuyết lịch sử cũng nằm trong thông lệ đó, nó cần phải và càng phải hư cấu. Hư cấu tới mức độ nào ư? Phải hư cấu tới mức độ chân thực. Còn ai đó, kể cả một số người trong giới sáng tác cho rằng tiểu thuyết lịch sử phải phụ thuộc vào chính sử, tức con người và sự kiện lịch sử, nên bị hạn chế sức tưởng tượng, do đó ngòi bút khó mà tung hoành là không có cơ sở. Nếu quan niệm viết tiểu thuyết lịch sử như viết về người thật việc thật, mà ta thường thấy trong các sách “người tốt việc tốt”, thì quả là bị hạn chế về sức tưởng tượng. Nếu ai đó đã viết như vậy, thì tác phẩm của anh ta chỉ là bản sao nhợt nhạt của chính sử. Và đó chính là điều làm cho người đọc chán ngấy truyện lịch sử. Sự nhầm lẫn mang tính ngộ nhận của một số người viết tiểu thuyết lịch sử là ở chỗ đó. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, nhiệm vụ đầu tiên của anh ta là phải giải mã được lịch sử. Khi đã giải mã được lịch sử, tạo ra được thế giới của riêng nhà văn. Thật ra chuyện này chẳng có gì là bí mật cả. Giải mã lịch sử, có nghĩa là khi ta nhìn vào lịch sử, ta cũng thấu hiểu mọi sự đến từng chân tơ kẽ tóc như ta nhìn vào xã hội ta đang sống. Muốn vậy, ta phải có vốn sống đương đại thật phong phú, phải nắm bắt được nhịp sống đương đại, phải thấu hiểu nền văn hóa chính trị đương đại, phải có lòng cảm thông sâu sắc với cuộc sống của đồng bào ta. Lại phải biết yêu ghét cái mà nhân dân ta yêu ghét. Phải có hiểu biết về nền văn hóa cổ xưa của dân tộc, phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng... Phải nắm vững lịch sử trong giai đoạn lịch sử của nước nhà mà mình định viết. Lại phải tham khảo lịch sử các dân tộc, các quốc gia có liên hệ đến giai đoạn lịch sử của nước nhà mà mình đang khai thác. Tất cả những hiểu biết đó, chính là chiếc chìa khóa giúp ta giải mã lịch sử. Khi đã giải mã được rồi, lại phải viết bằng một cái tâm hướng thiện với một sự công bằng lịch sử.

Bàn về vấn đề làm thế nào để phân biệt giữa tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết dã sử, ông cho rằng tiểu thuyết lịch sử luôn lấy chính sử làm đối tượng để khai thác. Nhưng tiểu thuyết lịch sử khác với chính sử ở chỗ, nó giúp cho người đọc có một cái nhìn toàn diện về con người và xã hội của giai đoạn lịch sử mà nó phản ánh vừa có tính phổ quát vừa có tính điển hình, vừa có giá trị nhân văn thẩm mỹ cao. Tiểu thuyết dã sử thiên về khai thác những chuyện được truyền tụng trong dân gian về những nhân vật lịch sử, đôi khi nó không phụ thuộc vào tính logic lịch sử mà theo sự hiểu biết, kể cả theo ước vọng của người kể. Vì thế câu chuyện ngày càng có khuynh hướng xa dần cái khởi thủy của nó. Loại chuyện này về thời thịnh, nó là nguồn bổ sung cho chính sử, về thời suy nó đối lập với chính sử. Độ tin cậy về loại chuyện này không cao. Nhưng nếu biết bóc tách một cách khoa học, thì dã sử cũng là một nguồn bổ sung quan trọng cho chính sử, đương nhiên nó rất có ích cho những nhà tiểu thuyết lịch sử. Trong khoa học tự nhiên ngày nay phân chia thành nhiều chuyên ngành, thậm chí chuyên ngành rất hẹp, do trình độ chuyên môn đòi hỏi ở mức siêu cao. Văn học cũng nằm trong thực tế đó. Vì vậy, tiểu thuyết lịch sử cũng hình thành theo các trường phái.

- Trường phái viết theo lịch sử. Loại này có tên là tiểu thuyết lịch sử. Tiêu biểu có một số nhà văn như La Quán Trung viết Tam Quốc diễn nghĩa. Người Trung Quốc cho tác phẩm này ba phần thực bảy phần hư, nhưng nó vẫn phản ánh được cái hồn của chính sử.

Nước Pháp có Victor Hugo viết Năm chín mươi ba cũng là tiểu thuyết lịch sử tầm cỡ thời đại.

Nước Nga có hai nhà văn viết hai tác phẩm vào hàng kiệt tác. Đó là Lev Tolstoi viết Chiến tranh và hòa bình, Alexis Tolstoi viết Pi-e đại đế...

- Trường phái viết tiểu thuyết dã sử cũng tạo nên những tác phẩm bất hủ không kém.

Đó là các trường hợp như Cervantes viết nên kiệt tác Don Quichotte; Walter Scott với tác phẩm Ai-van-hô; A Lexadre Dumas (cha) với tác phẩm Ba người lính ngự lâm, Thi Nại Am với Thủy hử...

- Trường phái thứ ba là không phân biệt chính sử, dã sử. Nghĩa là lấy chất liệu sáng tác từ chính sử và dã sử. Song đó chỉ là cái cớ, rồi viết nên tác phẩm theo thế giới quan và nhân sinh quan khác hẳn với cả chính sử và dã sử. Trường phái này tạo ra những tác phẩm ma quái kinh dị hoặc thần thánh siêu phàm, hoặc võ hiệp kỳ tình... Người Trung Hoa sở đắc loại chuyện này và họ cũng tạo ra được các tác phẩm đáng nể như Tây du ký của Ngô Thừa Ân. Hoặc một số tác phẩm khác mang tính giải trí như Phong thần và hàng loạt các truyện như Chinh Đông, Chinh Tây; La Thông tảo Bắc...

Tuy nhiên, dù viết theo trường phái nào, cũng đều phải nhắm cái đích nhân văn làm tiêu chí, và đem lại mỹ cảm cho người đọc.

Nếu một tác phẩm văn học viết ra vừa phản nhân văn vừa phản thẩm mỹ, chắc chắn nó là một sản phẩm của tội ác.

Nhà văn Pháp Alexandre Dumas có câu nói nổi tiếng rằng: Ông ta coi lịch sử chỉ là một cái đinh, hoặc chỉ là một cái mắc áo. Cho nên tác phẩm lịch sử ông ấy viết không tuân theo một khuôn mẫu nào. Nguyên văn câu nói của Alexandre Dumas (cha) như sau: “Lịch sử là cái gì? Nó là một cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi”. Tuy nhiên, phải xem xét tác phẩm của Alexandre Dumas có giá trị gì không. Ví như Ba người lính ngự lâm, hiện nhân loại xếp nó vào hàng kiệt tác. Tác phẩm tuy không theo sát chính sử, nhưng đã phản ánh được cái hồn của thời đại. Tức là tinh thần hiệp sĩ của nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vào thế kỷ 17.

Rõ ràng là Alexandre Dumas đã treo những bức tranh của ông không phải lên bất cứ một loại đinh gỉ nào, mà ông treo nó lên những cái đinh lịch sử.chỉ có những cái đinh lịch sử mới đủ sức nâng đỡ những bức tranh của A. Dumas. Chính vì thế, nước Pháp mới rước ông vào thờ trong ngôi đền danh nhân, ấy là điện Phanthéon.

Có thể khẳng định, cho đến bây giờ, nhà văn Hoàng Quốc Hải là người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử với những thành tựu nhất định, đặc biệt là khoảng thời gian bốn trăm năm lịch sử Việt Nam triều đại nhà Lý, nhà Trần. Bạn đọc cũng đã thấy sự tâm huyết với dân tộc, sự lao động nghiêm túc và quan điểm cá nhân của ông về văn chương mảng tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn trăn trở: Dân tộc ta từ khi dựng nước đến nay trải bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm lừng lẫy. Có thể nói, từng địa danh, từng tấc đất của Tổ quốc đều thấm đẫm lịch sử và máu; và ông cha xưa đã vô cùng nhọc nhằn để giữ từng mét đất. Thế nhưng, giới văn chương nước nhà từ xưa tới nay chưa văn chương hóa lịch sử một cách xứng tầm. Những trang lịch sử vốn khá khách quan và khô khan, nhưng nếu như được văn chương hóa bởi các tài năng văn học, sẽ trở thành những tác phẩm phục vụ cho việc phổ cập hóa lịch sử khá thuận lợi.

Đó cũng là trăn trở của nhiều nhà văn và đòi hỏi của bạn đọc hôm nay.

III. Thực trạng nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc hiện nay, một số đề xuất

Từ thực tiễn cuộc sống, từ những thống kê xã hội học, chúng ta đang thấy rõ một điều, một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hiện nay khá hẫng hụt về kiến thức lịch sử. Hiểu lịch sử ngô nghê, thậm chí có không ít nhầm lẫn tai hại. Hiện tượng học sinh trắng kiến thức lịch sử là điều đáng báo động. Chúng ta cần có cái nhìn nghiêm túc về vấn đề này. Đây là một việc lớn, mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, nhiều nhà văn hóa, nhà văn và những người có lương tri đã lên tiếng. Nhưng sự khắc phục xem ra vẫn còn uể oải lắm. Nguyên nhân sâu xa thì có nhiều, nhưng chỉ xin quy về mấy điểm:

1. Chương trình giáo dục học đường đặt môn lịch sử chưa đúng vị trí.Kể cả chương trình học, số giờ học, kiểm tra và thi tốt nghiệp các cấp. Sách giáo khoa các cấp học biên soạn với tính sư phạm không cao. Vừa kém hấp dẫn (nếu không nói là lủng củng), vừa yếu về tính hệ thống vừa không cân đối giữa trung đại với cận hiện đại. Do đó không gây được hứng thú cho cả người dạy và người học.
2. Các loại sách đọc thêm (bắt buộc) để giúp học sinh củng cố bài học và mở rộng kiến thức lịch sử hầu như rất hiếm.
3. Các tiểu thuyết lịch sử nghiêm túc viết về các giai đoạn lịch sử, các triều đại và các nhân vật lịch sử, để giúp mọi người trong xã hội nhận thức về lịch sử của chúng ta còn ở mức quá khiêm tốn.
4. Sự đầu tư cho các loại sách về lịch sử, trong đó có tiểu thuyết lịch sử còn bị xem nhẹ, thậm chí bỏ trắng, mặc kệ nhà văn loay hoay trong việc sáng tác và phát hành tác phẩm của mình tới đông đảo bạn đọc, nhất là tới môi trường trường học.
5. Sân khấu và điện ảnh là những địa hạt cực kỳ lợi thế cho việc giáo dục lịch sử cho cộng đồng, lại làm được quá ít. Đôi khi làm bôi bác quá, gây phản cảm nghiêm trọng cho cộng đồng. Những bộ phim đề tài lịch sử chưa được đầu tư đúng mức. Không có chiến lược lâu dài về sản xuất phim gắn với đề tài lịch sử. Nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tư nhân không được động viên để tạo thế mạnh trong loại hình điện ảnh, sân khấu để xây dựng và quảng bá các tác phẩm đề tài lịch sử.
6. Đang có sự phát triển lệch lạc, lợi dụng, thao túng, trục lợi cá nhân, nhóm lợi ích từ các công trình văn hóa lịch sử, các địa danh, danh thắng lịch sử đang bị khai thác theo chiều hướng thương mại, tận thu, bất chấp và có dấu hiệu trà đạp, bóp méo lịch sử. Điều này các cơ quan chức năng đều biết nhưng đang tỏ ra bất lực một cách khó hiểu.

Dù phải biện minh dưới bất kỳ góc độ nào thì việc lớp trẻ người Việt bây giờ luôn thuộc sử Tàu hơn sử Việt, thuộc các nhân vật lịch sử Tàu hơn các nhân vật lịch sử Việt, thuộc các trận đánh Quan Độ, Phàn Dương, Xích Bích... hơn là Hàm Tử, Chương Dương, Vân Đồn, Đống Đa... là lỗi ở rất nhiều người đã không làm tốt nhiệm vụ của mình.

Từ thực trạng trên, xin được đưa ra một số đề xuất:

1. Phải trả môn lịch sử đang dạy ở các cấp học đúng vị trí quan trọng của nó. Việc biên soạn các giáo trình dạy lịch sử phải được thực hiện nghiêm túc và nghiêm khắc trên tinh thần khoa học và đổi mới.
2. Phải đầu tư có chiều sâu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà văn chuyên viết đề tài lịch sử, cho họ quyền tự do nghiên cứu và sáng tác, tránh áp đặt thô bạo, tránh tình trạng tô hồng lịch sử, cầu thị và dám nhìn thẳng vào những điểm đen lịch sử trên tinh thần khoa học. Quảng bá và hỗ trợ các tác phẩm văn học đề tài lịch sử tới hệ thống môi trường giáo dục một cách sâu rộng và bền vững.
3. Phải có chiến lược phát triển ngành điện ảnh, đặc biệt đầu tư mạnh mẽ cho các sáng tác về đề tài lịch sử. Hãy học các nước như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc về cách thức đầu tư ngành điện ảnh đề tài lịch sử. Hãy lập tức bắt tay thực hiện các tác phẩm điện ảnh đề tài lịch sử từ các bộ tiểu thuyết lịch sử được các nhà văn hoàn thành và gây tiếng vang trong đó có hai bộ tiểu thuyết kể trên của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Hãy tin tưởng vào văn học đề tài lịch sử.
4. Phải ngay lập tức chấn chỉnh và trả lại đúng diện mạo của các danh thắng, công trình lịch sử có giá trị. Dừng ngay việc khai thác thương mại hóa, mưu mô lợi ích nhóm bất chấp sự thật lịch sử, bóp méo, giải thiêng, giải trí hóa để tận thu. Phải xử lý nghiêm bằng pháp luật với những vi phạm đã và đang diễn ra.

Nếu ta nghiêm túc khắc phục các điểm yếu trên, chắc tình hình sẽ được cải thiện đáng kể trong một vài thập niên tới. Song vấn đề thuộc về quốc sách văn hóa mang tầm chiến lược quyết định sự phát triển nền văn hóa Việt Nam trong tương lai đang gặp nhiều thách thức.

IV. Kết luận

Văn học viết về đề tài lịch sử dân tộc đã và đang có xu hướng vận động mới, nhận được nhiều sự quan tâm của giới cầm bút. Điều này là thuận lợi để việc Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc được thực hiện có hệ thống và có chất lượng tốt hơn. Đây cũng là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết của thế hệ trẻ hiện nay đồng thời đặt ra tư duy mới, khoa học, tâm và tầm của những người làm công tác quản lý ở tầm vĩ mô. Chúng ta đã lúng túng trong một khoảng thời gian dài về vấn đề chưa đánh giá đúng mức việc Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc, thậm chí còn buông lỏng, phó mặc đến nỗi các thế hệ học trò dần ngày càng hiểu biết hời hợt về lịch sử dân tộc. Thay vì đổ lỗi cho nhau, chúng ta hãy mau chóng bắt tay vào từng việc thiết thực để vấn đề Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc có đúng được vị trí đáng có.

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có một số tác giả quan tâm đến lịch sử, viết về lịch sử như cụ Phan Bội Châu viết Trùng Quang tâm sử; Nguyễn Huy Tưởng viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, An Tư công chúa; Chu Thiên với Bóng nước Hồ Gươm; Hà Ân với Người Thăng Long; Nguyễn Triệu Luật với Bà chúa Chè, Cánh buồm thoát tục; Hoàng Yến với Câu thơ yên ngựa; Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Nguyễn Mộng Giác vớiSông Côn mùa lũ, Lưu Sơn Minh vớiTrần Khánh Dư... Có thể nói, hơn hai trăm năm nay, những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tác giả có cách tiếp cận và khai thác lịch sử khác nhau. Thực chất nhiều người rất muốn viết tiểu thuyết lịch sử, muốn dựng lại lịch sử thông qua văn chương, nhưng đi vào công việc này rất khó khăn, phần đòi hỏi tư liệu, vốn sống, vốn kiến thức và hơn hết là cần sự bền bỉ, hy sinh thầm lặng.

Chính từ đóng góp của các nhà văn mà tiêu biểu như hai bộ tiểu thuyết đồ sộ Bão táp triều Trần Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải vừa phải được ghi nhận một cách xứng đáng vừa cần được những người có trách nhiệm trong việc Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc, trong đó có các nhà quản lý, thậm chí là quản lý cấp cao nhất nghiêm túc nhìn nhận và có phương cách hành xử đúng đắn.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Hoàng Quốc Hải (2005), Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần, Nxb Phụ nữ.
2. Hoàng Quốc Hải (2010), Bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý, Nxb Phụ nữ.
3. Phùng Văn Khai(2007), Hoàng Quốc Hải - Trái tim đập thăng trầm với các nhân vật lịch sử - Tập sách Phác họa mấy chân dung văn học, Nxb Văn học.