(Chủ nhật, 27/08/2023, 05:48 GMT+7)
Sáng ngày 26/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Tiểu thuyết lịch sử - những chuyển động”. Đến dự có đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội cùng đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên.
 
Tại buổi tọa đàm, hai diễn giả là nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà văn Phùng Văn Khai đã có những chia sẻ xoay quanh những vấn đề trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử.
 
toa-dam-ttls.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải được biết đến với 2 bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ là Bão táp triều Trần (6 tập) và Tám triều vua Lý (4 tập). Còn nhà văn Phùng Văn Khai ghi dấu ấn với 7 tiểu thuyết lịch sử đã xuất bản là Phùng vương, Ngô vương Nam đế Vạn Xuân, Triệu vương phục quốc, Lý Đào Lang vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương.
 
Chia sẻ quan niệm về sự thật lịch sử và hư cấu lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết, trong những tác phẩm viết về lịch sử của ông, “viết theo lịch sử 100%, mà cũng hư cấu 100%”. Nói về những “trường phái” trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải chia ra ba loại chính: truyện viết theo chính sử, truyện viết theo dã sử và truyện đứng ở góc nhìn trung lập - không theo chính sử mà cũng không viết theo lối dã sử.
 
Dã sử vốn là những câu chuyện kể không theo trình tự lịch sử mà theo lối kể của dân gian. Vì thế, sự yêu ghét dành cho các nhân vật cũng hoàn toàn cảm tính, tùy theo tình cảm của dân gian. Đây là lối kể sử cổ đại Hy Lạp. Còn chính sử là những sự kiện, câu chuyện lịch sử có trình tự thời gian, được ghi chép lại trong sử sách và lưu truyền chính thống.

nha-van-chuc-mung-nha-van.jpg
Nhà văn Hoàng Quốc Hải chúc mừng nhà văn Phùng Văn Khai
vì những thành tựu về sáng tác tiểu thuyết lịch sử. Ảnh: Thành Duy
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, những tác phẩm dù theo lối dã sử hay chính sử hay phong cách sáng tác nào đi chăng nữa thì nhà văn cũng không phải là đầy tớ của sử gia, mà phải là bậc thầy giải mã lịch sử. Nhà văn là người có thể tái tạo lịch sử và gương mặt xã hội thông qua tư tưởng của các nhân vật lịch sử hay hư cấu. Tiểu thuyết lịch sử trên thế giới có thể kể đến như Đông Ki Sốt hay Chiến tranh và hòa bình. Đông Ki Sốt dù là nhân vật hư cấu, nhưng tư tưởng nhân vật và bối cảnh xã hội thì hoàn toàn chân thực. Còn Chiến tranh và hòa bình, hoàn toàn đi theo khung thời gian, sự kiện của chính sử, nhưng vẫn rất cuốn hút vì không lệ thuộc quá vào lịch sử.
 
Còn theo nhà văn Phùng Văn Khai, nếu chia ra các dòng trong tiểu thuyết lịch sử, còn có thể nhắc tới trường phái “võ hiệp Kim Dung”. Kim Dung, một nhà văn người Trung Quốc, đã rất thành công trong việc tái hiện chính trị, xã hội, đời sống con người Trung Quốc qua các thời kỳ Tống, Nguyên, Minh, Thanh thông qua các tiểu thuyết kiếm hiệp. Dù lượng hư cấu trong các tác phẩm này là rất lớn nhưng cũng rất tôn trọng lịch sử. Và ở Việt Nam, dòng tiểu thuyết này cũng đã xuất hiện từ trước những năm 75.
 
Từ góc nhìn của một người viết tiểu thuyết lịch sử với danh sách tác phẩm dày đặc trong những năm qua, nhà văn Phùng Văn Khai ví von không khí sáng tác với đề tài lịch sử trong văn chương giống như không khí của bóng đá - đó là không khí mà ai cũng muốn ra sân và hoàn toàn chủ động.
 
Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến, chia sẻ đến từ các nhà phê bình và những người yêu tiểu thuyết lịch sử như thiếu tướng Phạm Tiến Luật, nhà phê bình Vũ Nho, Đỗ Ngọc Yên, nhà văn Trần Gia Thái và nhiều người khác. Các ý kiến đều đồng tình cho rằng, văn chương và lịch sử có mối quan hệ ràng buộc lâu dài. Chính văn chương làm cho lịch sử thêm hấp dẫn, sinh động và nhiều màu sắc hơn. Còn lịch sử là cái cớ, là bến neo, là chiếc đinh để nhà văn sáng tác. Nhà văn có quyền hư cấu, sáng tạo, giải mã lịch sử nhưng không nên làm sai lệch lịch sử.
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải ví von người viết truyện lịch sử như một nhà khảo cổ học: Dựa trên một manh mối sự kiện, nhân vật, hay khung xương một loài vật đặc biệt, rồi từ đó lần về theo niên đại, để hình dung ra bối cảnh, đắp thêm những lớp da, khoác thêm chiếc áo và kể lại câu chuyện của riêng mình và hoàn toàn tôn trọng lịch sử, bối cảnh đã xảy ra. Và như vậy, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, trước hết phải là một nhà văn hóa, mang sẵn trong mình một nền tảng văn hóa lịch sử phong phú. Đó là tư duy nghi ngờ sử sách, để soi chiếu sự việc được ghi chép lại trong một bối cảnh giả định phù hợp với điều kiện xã hội nhất định, để đi đến những khám phá và giải mã, bởi “nếu đọc sách mà tin theo sách hoàn toàn thì chỉ có vứt”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh.
 
  cac-nha-van-chup-anh-ky-niem.jpg
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm sau tọa đàm
 
Nhà văn Trần Gia Thái cũng vô cùng tâm đắc ở tinh thần đọc sách là phải có tư duy nghi ngờ, phản biện sách. Và ông đặc biệt nhắc tới những góc khuất của sử sách thời phong kiến, nhưng cũng là chuyện xảy ra rất bình thường, đó là các sử gia không tránh khỏi bị buộc phải viết theo ý của nhà vua đương triều.
 
Tổng kết buổi tọa đàm, nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bày tỏ sự vui mừng trước nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ và bình luận của các văn nghệ sĩ. Theo ông, điều này cho thấy không chỉ các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử cùng lúc “muốn ra sân” như nhà văn Phùng Văn Khai ví von, mà sự quan tâm của những người yêu lịch sử và văn học, luôn dõi theo sát sao đề tài này.
 
Nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhấn mạnh: Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Phùng Văn Khai, như đại diện của hai thế hệ tiếp nối nhau, nổi trội trong số những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử hiện nay. Viết tiểu thuyết lịch sử hay truyện lịch sử nói chung, dù theo lối viết nào, phong cách hay trường phái gì, thì điều quan trọng tối ưu đó là tôn trọng lịch sử, thời đại, dữ liệu và nhân vật. Ông cũng cho rằng, nếu đọc một tiểu thuyết lịch sử với tâm thế đang đọc một tiểu thuyết, có lẽ sẽ mở ra những hướng nhìn khác hơn. Và những trao đổi của buổi tọa đàm sẽ bổ khuyết cho các mảng trống trong văn học Thủ đô hiện nay, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề cần suy ngẫm và giải quyết.
 
Theo YẾN LY / Tạp chí NGƯỜI HÀ NỘI