(Thứ bảy, 18/04/2020, 04:11 GMT+7)

Trần Thủ Độ - Một nhân cách tướng tài

 

Trung tướng Phùng Khắc Đăng
Văn hóa Quân sự, số 13 năm 2006

 
   Cuối triều Lý, đầu triều Trần, có một vị thái sư mà cho đến nay, ở vào thời điểm cách chúng ta ngót một ngàn năm vẫn còn nhiều điều bàn luận. Ông - dưới con mắt của những người phò Lý là một phản thần nghịch tặc. Ông - dưới cái nhìn của những người yêu quý nhà Trần lại là một ngôi sao lớn trên bầu trời Đại Việt. Ông là quan Thái sư, Điện tiền chỉ huy sứ[1] Trần Thủ Độ. Hãy khoan bàn về đánh giá của người đời với ông, lịch sử bao giờ cũng rất công bằng và chân thực, lịch sử sẽ minh chứng cho suy nghĩ và hành động của ông.


Đền Trần - Nam Định

   Ai cũng biết rằng những năm đầu của thế kỷ XIII, triều đình nhà Lý đã bộc lộ rõ sự yếu kém mọi phương diện, gia phong đảo lộn, phép nước bị xem thường, đạo tặc hoành hành, cái ác lấn cái thiện. Bên ngoài bờ cõi thì nguy cơ xâm lược của phương Bắc lại đang rình rập. Trước tình thế đó, các bậc trung thần nghĩa sĩ đều thấu hiểu, song lực nhỏ, sức yếu chỉ biết chép môi, bặm miệng nhìn cuộc thế chuyển xoay. Nhận thấy sự mục ruỗng của triều đình và nguy cơ của Đại Việt, quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, quyền lực quá lớn, một tay ông lúc này muốn làm gì cũng được, tuy nhiên ông đã không hành động theo ý muốn tự thân. Ông trăn trở mong chọn được con đường sáng để phò vua giúp nước. Tự thấy mình là quan võ vốn xuất thân từ một gia đình ngư phủ, học hành ít ỏi, kiến thức chưa đủ để kham việc triều chính, Trần Thủ Độ suy nghĩ phải bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn và cầu hiền mới mong làm được việc lớn. Nhận thấy suy nghĩ của mình là đúng, ông đã hạ mình xin những lời chỉ giáo của các bậc thức giả đương thời. Cuộc tiếp xúc giữa ông và những người tài trí đã gợi mở cho ông nhiều điều tâm huyết. Có thể nói hai ý chí lớn gặp nhau, một bên là mưu cao, kế sâu, một bên là quyền lực khiến nhiều người đương thời quan ngại. Tuy vậy, cả hai đều có chung một tấm lòng vì nước. Điều đáng trọng là khi gặp người hiền tài, Trần Thủ Độ đã không ngần ngại bộc bạch ngay: “Tôi quê mùa, học ít, nghĩ cạn hiểu chưa thấu đạo trời”[2]. Là một võ quan quyền lực thâu tóm triều đình song ông đã dành không ít thời gian kiên trì nghe giảng giải về luật vua, phép nước; về quan hệ ứng xử vua - quan; về những mưu mẹo giữ nước sao cho trong ấm ngoài êm; về những đức tính cần có trong các quan chức để phò vua giúp nước…
Ông tâm huyết những điều khi bàn về đạo đức và lòng nhân ái, về phương cách trọng dụng người tài. Có lẽ thấu hiểu những chỉ giáo của các bậc trí thức đương thời, nên ông đã biến nó thành bản năng ứng xử khi phải gánh vác trọng trách lớn của triều đình. Chả thế mà người đương thời coi ông là một vị tướng quyền biến như thần.
   Thành công trong sự nghiệp của ông là rất lớn, nhưng điều đáng học nơi ông có lẽ là sự dũng cảm dám gạt bỏ cái vẻ hào nhoáng của kẻ bề trên để tìm ra những điều khiếm khuyết và khiêm tốn cầu hiền. Không chỉ tự đánh giá đúng năng lực của mình, ông còn sớm nhận ra điều mà từ xưa những người có quyền cao, chức trọng thường hay mắc phải cái bả vinh hoa, là tự huyễn hoặc bản thân, tự cho mình là bậc thầy thiên hạ, lúc nào cũng chỉ một giọng dạy bảo người đời, thích được nghe nhiều lời ca ngợi và gần gũi với những người tâng bốc. Từ chỗ luôn trăn trở tự đánh giá về mình, ông tìm cách gần gũi mọi người và chân thành gạn hỏi; ông chấp nhận lắng nghe, mong được nghe nhiều về tính xấu của mình. Có lẽ, vì vậy ông đã biết được bản thân còn quá nhiều điều kém cói: “Có cái nhìn còn hạn hẹp, kiến thức nông cạn, kém lượng bao dung, nghi kỵ không thật bụng tin người, nặng kéo bè, kéo cánh, nhẹ chú trọng đến dân, tàn bạo và chưa hết lòng thương dân”[3].


Chùa Lim, nơi có bàn thờ Thái sư Trần Thủ Độ

   Ông cần nghe và muốn nghe những khiếm khuyết của mình, song ông cũng không ngờ lại phải đối mặt với những lời góp ý nặng nề đến như vậy. Là một vị tướng có quyền lực của triều đình, ông cảm thấy như bị xúc phạm, song đã kịp dặn lòng suy nghĩ: Nếu như không có những người chỉ bảo, nếu không được nghe những ý kiến chân thành nơi quần chúng, chắc chắn ta sẽ còn vướng vào nhiều điều bất thiện… Trần Thủ Độ là người có công lớn trong việc gây dựng sự nghiệp nhà Trần. Ông không có học vấn cao, nhưng lại có đủ tri thức quân sự, chính trị, văn hóa để góp phần xây dựng và bảo vệ một vương triều, đưa quốc gia đến hưng thịnh. Triều đại nhà Trần đã để lại một dấu ấn huy hoàng trong lịch sử dân tộc Việt. Triều đại nhà Trần cũng sản sinh ra nhiều vị tướng tài trong đó có Trần Thủ Độ. Ông là hiện thân lớn của tư tưởng nhân văn quân sự, một nhân cách tướng tài.

 

 


[1]Chức quan võ toàn quyền chỉ huy binh sĩ bảo vệ kinh thành và các đạo quân trực thuộc của triều đình.
[2]Ý của nhà tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải
[3]Ý của nhà tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải.