(Thứ bảy, 13/05/2023, 01:00 GMT+7)
Những ngày tháng 5, trong không khí thi đua chào mừng kỉ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), chào mừng kỉ niệm 64 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2023) tại Thư viện Quân đội, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh kết hợp với Viện Nhân học văn hóa, Binh đoàn 12 trao tặng tập sách Bài ca Trường Sơn cho bạn đọc các đơn vị trong toàn quân.
 

Đại diện các đơn vị tổ chức trao tặng sách tượng trưng
 
Bài ca Trường Sơn là tập sách giới thiệu các tác phẩm văn xuôi của nhiều nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Xuân Thiều, Phạm Hoa, Vũ Bão... Bên cạnh đó, phần bút kí, giới thiệu nhiều tác giả tiêu biểu như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Đại tá Phạm Văn Việt, nhà văn Trình Quang Phú, nhà báo Đỗ Phú Thọ, các tác giả Nguyễn Văn Hồn, Trần Quang Minh, Nguyễn Thế Viễn, Đỗ Phước Tiến, Hoàng Minh Đức, Trần Đức Thăng, Hoàng Văn, Trần Quang Thanh... Một điểm chung của các tác giả là đều gắn bó với hình ảnh bộ đội Trường Sơn bằng những trang văn sinh động và chất lượng.
 
Bài ca Trường sơn có những trang văn về các vị tướng trở về từ Trường Sơn huyền thoại. Đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - người thực hành Trường Sơn, người anh cả của Trường Sơn. Đó là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, một lái xe Trường Sơn trở thành vị tướng, một người nhiều lần bị bom vùi nơi sông suối núi rừng Trường Sơn giờ đảm đương cương vị chủ chốt của Hội truyền thống Trường Sơn, là linh hồn của hàng chục vạn anh chị em Trường Sơn. Cuốn sách còn có sự xuất hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Hoàng Kim Đáng, một người lính Trường Sơn thực thụ. Chính đội hình văn nghệ sĩ phong phú này đã góp phần tạo nên vẻ đẹp của huyền thoại Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử.


Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh
phát biểu tại buổi trao tặng sách
 
Phát biểu tại buổi trao tặng sách, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho rằng: Tập sách đã tuyển chọn những áng văn chương đặc sắc và bổ ích viết về Bộ đội Trường Sơn, của Bộ đội Trường Sơn viết về mình. Tập sách vừa là sự tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh góp phần làm nên Trường Sơn huyền thoại. Tập sách cũng là thông điệp gửi tới những người đang phấn đấu bằng trí tuệ và sức lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn, sống có trách nhiệm hơn, đóng góp thiết thực hơn cho nhân dân và Tổ quốc.
 
Trong công cuộc Đổi mới hôm nay, Binh đoàn 12 - Bộ đội Trường Sơn đã và đang viết tiếp những trang sử hào hùng của lớp người đi trước, gánh vác trọng trách mới, thể hiện niềm tin lớn với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Bộ đội Trường Sơn luôn tin tưởng và giao những nhiệm vụ khó khăn, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 12 - Bộ đội Trường Sơn hôm nay đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần thắng lợi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy, người trực tiếp biên soạn cuốn sách phát biểu tại buổi trao tặng sách cho rằng: Bài ca Trường Sơn là cuốn tư liệu giá trị về Đường mòn Hồ Chí Minh bao gồm cả thơ và văn xuôi. Đó là vinh dự của Viện Nhân học văn hóa và cả của riêng ông. Giáo sư chia sẻ, ông cũng là một người lính lăn lộn trong cuộc chiến nhưng thiệt thòi lớn nhất của ông là không được đi và trải qua con đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh, tuy vậy, khi được tiếp xúc với các tư liệu, các áng văn về con đường này ông rất xúc động và biết ơn các chiến sĩ Trường Sơn, đặc biệt là những người đã hi sinh trong đó có đóng góp âm thầm của nhiều chị em phụ nữ. Bài ca Trường Sơn là hình thức tri ân của ông đối với những người lính đã đổ máu và mồ hôi cho con đường huyền thoại này.
 
Nhà văn Phùng Văn Khai, một trong những người kết nối làm cuốn sách đã chia sẻ: Tôi vinh dự được Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Binh đoàn 12 giao cho trọng trách kết nối biên soạn cuốn sách, đó là một vinh dự, nhưng suy nghĩ làm thế nào để cuốn sách ra đời mang nhiều ý nghĩa với sự hi sinh của các thế hệ cha anh lại là một thách thức. Sau 2 năm thai nghén, cuối cùng cuốn sách cũng đã hoàn thành. Bạn đọc, đặc biệt là bộ đội toàn quân sẽ tìm thấy trong Bài ca Trường Sơn những áng văn thơ đã được học trong chương trình phổ thông như Mảnh trăng cuối rừng; Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Mở rừng của nhà văn Lê Lựu, những chùm văn hay của nhà văn Phạm Hoa…
 

Thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội cảm ơn tình cảm của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Viện Nhân học văn hóa, Binh đoàn 12 khi cuốn sách nhiều ý nghĩa được trao tặng cho Thư viện Quân đội
 
Thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội bày tỏ sự xúc động khi Thư viện Quân đội được chọn là nơi trao tặng sách. Chị chia sẻ: Những năm vừa qua tâm lí đời sống văn hóa tinh thần bộ đội đặc biệt là cán bộ chiến sĩ nơi biên giới hải đảo và các cán bộ chiến sĩ trong toàn quân đã được đông đảo cơ quan đoàn thể quan tâm. Lần này Thư viện Quân đội tiếp tục vinh dự được Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Viện Nhân học văn hóa, Binh đoàn 12 trao tặng cuốn sách Bài ca Trường Sơn với những câu chuyện và bài học giàu giá trị nhân văn, khẳng định tâm hồn và trí tuệ của người Việt Nam, những người lính Trường Sơn trong kháng chiến chống Mĩ và trong công cuộc đổi mới ngày hôm nay. Thay mặt Thư Viện Quân đội và các đầu mối thư viện toàn quân Thượng tá Mạc Thuỳ Dương mong muốn cuốn sách sẽ làm phong phú thêm kho tàng sách của Thư viện Quân đội và hệ thống thư viện, phòng đọc trong toàn quân. Chị cũng hi vọng trong thời gian tới Thư viện Quân đội tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, các tổ chức cá nhân trong và ngoài quân đội để góp phần bồi dưỡng tri thức, động viên cán bộ chiến sĩ hăng hái, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Theo GIANG PHƯƠNG / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI