(Thứ hai, 25/09/2023, 04:11 GMT+7)

Hôm đó, cuối một buổi chiều hè, như thường lệ Mai Hắc Đế ra vườn thượng uyển sau cung luyện tập thân thể. Nhân bên xưởng vũ khí mới dâng tặng Ngài một thanh long đao mà Ngài truyền lệnh làm từ cuối tháng trước, Ngài mang theo ra vườn. Cây long đao vừa tay cầm, nên sau khi múa mấy bài đao, nổi hứng Ngài bảo ba hộ vệ nãy giờ theo ngài ra đây: cùng Ngài sang Vệ Sơn - một cánh rừng không cách xa cung bao nhiêu, thử độ sắc bén của đao. Ba hộ vệ kính tâu lên: Xin Đức Vua thử ngay cây có trong vườn Thượng uyển cho tiện. Ngài nói cây ở đây đang non, chưa đủ độ cứng, ra Vệ Sơn nhiều cây rừng mọc tự nhiên, chẳng tốn công trồng, lại có nhiều lim táu đã già, thử đao tốt hơn! Nói xong, Ngài xách long đao chạy, ba hộ vệ không can được đức vua lúp xúp chạy theo sau.


Tượng đài Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế ở Hà Tĩnh (Ảnh: Dân Trí)

Ra đến Vệ Sơn, Ngài chọn mấy cây táu, loại cây cùng với lim có độ cứng hàng đầu, thường được bà con nông dân dùng gỗ làm cán cuốc hoặc thân cày, mạ bừa. Nhắm cây táu khoát tày gang, Ngài hạ một nhát đao sắc gọn, nửa trên cây cành lá xum xuê, sau nhát chém, tuồi xuống cắm thẳng đứng cạnh phần gốc vừa bị chặt cụt ngọn. Cùng lúc đó một con rắn cạp nong nhanh như cắt lao từ ngọn cây xuống đớp mạnh vào tay cầm đao của Ngài. Việc dữ xảy ra chớp nhoáng, cả ba hộ vệ chỉ kịp vừa rú lên vừa chạy bổ tới đỡ đức vua đang ngã quy sau cú đớp mạnh của con rắn.

Nghe tiếng thét rú ở phía Vệ Sơn, cả toán hộ vệ vội chạy ùa cả đến thì nửa đường đã thấy đồng đội cõng đức vua về. Mắt Ngài nhắm nghiền, da mặt xám xịt, hơi thở khò khè.

Tin dữ truyền nhanh trong cung. Và chỉ chốc lát, Mai Hoàng hậu, các Hoàng tử cùng các Thái y đã có mặt quanh giường đức vua từ nơi bị nạn quay về.

Một số quan trong triều nhà ở gần cung, biết tin cũng tập hợp lại và một cuộc hội triều bất thường diễn ra ngay trong khi các Thái y đang cấp tập điều trị cho đức vua.

Ba vệ binh mặt tái mét, run cầm cập khấu đầu trước Mai Hoàng hậu khởi tấu sự tình và khóc lóc xin nhận tội. Ruột gan như có lửa đốt, nhưng bản tính khoan dung, Mai Hoàng hậu cho ba hộ vệ đứng lên và an ủi mọi người: Chuyện xảy ra ngoài mong muốn, không tránh khỏi, nguyên nhân có thể từ thời vận của hoàng gia, của đất nước, các vệ binh không có lỗi gì. Trước mắt là yêu cầu mọi người hãy lo chữa chạy cho đức vua và yêu cầu tất cả giữ kín câu chuyện để khỏi làm hoang mang lòng quân lòng dân vốn yêu quý đức vua như người ruột thịt.

Đúng lúc đó, mấy vị Thái y từ hậu cung, nơi đức vua đang điều trị bệnh bước ra, mặt mày rạng rỡ khởi tấu với Mai Hoàng hậu: Đức Hoàng đế đã tỉnh trở lại, cơn nguy kịch đã qua được, xin Hoàng hậu cùng bá quan an lòng. Nét mặt đăm chiêu, lo lắng, đau khổ của tất cả mọi người dãn ra, một niềm hân hoan rạng rỡ ngập tràn. Ai nấy như trút được gánh nặng ngàn cân nãy giờ đè nặng trong lòng, vì đức vua với họ, không chỉ có đạo vua tôi mà nghĩa tình còn sâu nặng như cha con, chú bác anh em ruột rà.

Tuy nhiên, sau buổi thoát chết trong gang tấc ấy thì sức khỏe Ngài cứ sụt dần: Ăn chẳng ngon miệng, ngủ chẳng ngon giấc, thường xuyên mệt mỏi, thanh long đao trước đây tay phải cũng như trái Ngài múa nhẹ nhàng mà nay thì khó khăn khi cầm lên! Các Thái y cùng nhiều thầy thuốc khắp cả nước đã mấy tháng ròng về chẩn trị nhưng không thể nào đoán đúng căn nguyên bệnh. Người thì bảo là di độc của nọc rắn gây hại, người thì cho đó là do tác dụng phụ của thuốc chữa rắn cắn. Người thì bảo đây là một căn bệnh bội nhiễm sau khi bị rắn cắn, không liên quan đến chuyện rắn cắn. Bụng Ngài, nơi vùng gan, đau dữ dội, và ngày một sưng lên. Đã thế, từ nguồn tình báo, thông tin về việc triều đình nhà Đường đang rục rịch chuẩn bị một cuộc tái xâm lăng nhằm bóp nghẹt nền tự chủ non trẻ nước ta vừa được dựng lên. Trong khi đó thì ở phía bắc, tại vùng duyên hải, lực lượng tại chỗ cũng khó chống chọi nổi một cuộc tái xâm lăng của kẻ địch từ phía bắc biên giới tràn vào vì hai thân tướng của Ngài phụ trách nơi đây là Kiều Nương Công chúa Mai Thị Cầu và em là Hoàng tử thứ Mai Kỳ Sơn thì Mai Kỳ Sơn thủ lĩnh khu vực này lại bị một cơn bệnh hiểm nghèo đã vô hiệu hóa chàng suốt cả mười năm qua: Chàng vừa lúc tỉnh lúc mê vừa bị liệt bao năm trên giường. Thủ lĩnh vùng thì như vậy. Công việc do phó thủ lĩnh Mai Thị Cầu phụ trách, phần do năng lực, phần thì tâm trí phải chia sẻ vào việc lo lắng, thuốc men chăm sóc cho thủ lĩnh - em ruột mình nên việc chung cũng bị ảnh hưởng đến sức mạnh của quân sĩ tại căn cứ này. Với bối cảnh đó, dù đang ốm bệnh, Ngài vẫn tỉnh táo hội triều bàn tính đại sự để cứu nguy cho đất nước trước họa tái xâm lăng của quân Đường, ý kiến ngài đưa ra sau khi mọi người bàn thảo kỹ càng được triều thần ủng hộ:

Bằng mọi giá phải tăng cường binh lực giữ kỳ được Tống Bình đồng thời gia cố các đồn lũy phòng ngự quốc đô Vạn An, mà ngoài các đồn lũy có sẵn, lập thêm một đồn tiền tiêu tại Nam Hồng Lĩnh cách quốc đô chừng 20 dặm về phía dưới, cách Cửa Hội - nơi sông Lam đổ ra biến độ 10 dặm về phía thượng lưu. Đồn tiền tiêu này có nhiệm vụ chặn chiến thuyền địch từ Bắc Hà theo đường biển kéo vào Cửa Hội rồi theo sông Lam ngược lên tấn công Vạn An, Vì mặt trận Tống Bình là quan trọng, Ngài cử Hoàng tử Cả chỉ huy hai vạn quân bộ và Mai Hoàng hậu Phạm Thị Uyển chỉ huy một vạn quân thủy, dùng chiến thuyền vượt biển xa, rồi theo sông Hồng ngược lên Tống Bình. Cả hai cánh quân cùng hội quân tại đây phân công nhau bảo vệ Tống Bình theo một kế hoạch vạch sẵn.

Còn đức vua cùng một số tướng quân khác thì lo việc gia cố các đồn gác và chiến đấu theo phương án dự phòng là chẳng may Tống Bình thất thủ và giặc vượt qua chiến lũy Nam Hồng Lĩnh mà tràn lên kinh đô.

Trong khi Hoàng tử cả và Mai Hoàng hậu chuẩn bị binh lương, phiên chế quân ngũ, khẩn cấp lo việc Bắc tiến thì ở Vạn An binh lính cũng được phiên chế lại, khí giới sẵn sàng, ngày đêm luyện tập. Một số khác thì phối hợp với thợ cưa xẻ, thợ sơn tràng địa phương, chặt hạ cây rừng ở Đụn Sơn về gia cố phía ngoài lũy đất bao quanh kinh đô Vạn An, nhất là phía bờ Sông Lam, phòng chống kẻ địch từ sông đổ bộ lên.

Công việc đang khẩn trương triển khai, hai cánh thủy bộ chưa kịp hội quân cùng nhau thì địch đã theo hai đường thủy bộ cùng đồng khởi tràn sang và kéo tới ngoại vi của Tống Bình. Rồi trong một trận ác chiến khi quân bộ của địch quyết tử để chiếm thành Tống Bình, Hoàng tử cả Mai Bảo Sơn đã trúng một mũi tên độc của địch và hy sinh trên chiến trường khi Ngài đang trực tiếp anh dũng cầm quân đốc chiến.

Còn đội thủy quân trên sông Tô Lịch cũng bị thủy quân Dương Tư Húc bao vây với ý đồ bắt sống bằng được Mai Hoàng hậu xinh đẹp và tài ba với nhiều ý đồ đen tối. Dương Tư Húc dùng một lực lượng đông gấp đôi quân ta, chặt đầu vít đuôi và đặt phần thưởng 50 lạng vàng cho người bắt sống được bà và đặt nghiêm lệnh là chặt đầu binh sĩ nào xâm hại thân thể bà.

Vì giặc dùng chiến thuật cô lập soái thuyền của Mai Hoàng hậu với đại quân, lại vì phần thưởng và nghiêm lệnh đó, dù Mai Hoàng hậu từng là một tay song đao điêu luyện, suốt cả canh giờ chém gục đến mấy chục tên giặc quyết tay không xông vào bắt sống bà để lấy thưởng. Nhưng “mãnh hổ bất địch quần hổ”, sau hơn một giờ chiến đấu, chém phạt đến rã rời hai cánh tay, biết khó thoát hiểm và để tránh bị bắt, bà đành tự kết liễu đời mình bằng một đường kiếm sắc gọn và lao mình xuống dòng nước sông Tô. Cả hai sự kiện trên xảy ra vào ngày thứ ba kể từ khi quân hai bên giáp chiến.

Hai vị tướng chỉ huy cùng bị chết trong một ngày trên hai mặt trận bộ và thủy khiến cả đoàn mấy vạn nghĩa quân tan vỡ và quân giặc nhanh chóng tràn ngập chiếm đóng thủ phủ Tống Bình.

Chiến sự diễn biến quá nhanh và quá bất ngờ nên ở Đường Lâm, võ tướng Phùng Hạp Khanh và ở duyên hải Kiều Nương Công chúa không kịp đem quân ứng cứu cho đại quân nên Tống Bình nhanh chóng rơi vào tay tướng giặc Dương Tư Húc.

Tuy nhiên, sự kiện hai thân tướng vua Mai hy sinh và Tống Bình thất thủ cũng đưa đến một hệ quả bất ngờ. Ở căn cứ duyên hải đã có một sự kỳ diệu xảy ra: Mai Kỳ Sơn sau cả chục năm lúc tỉnh lúc mê nằm bất động trên giường, hôm đó vào lúc vừa tỉnh lại sau một cơn mê như thường lệ, đã bỗng dưng vùng phắt dậy, rút kiếm treo trên vách chặt xuống chiếc bàn cạnh giường hét lên: Ta thề trả thù cho mẹ, cho anh trai, cứu nguy đất nước. Rồi từ đó, chỉ một tháng sau, nhờ chị chăm sóc, Thái y chữa trị, chàng đã hồi phục sức khỏe, chàng đã được hộ tống về Vạn An lúc vua cha đang ốm bệnh.

Đang đau đớn và lo lắng về những tin dữ từ mặt trận Tống Bình đưa về. Lúc này, Mai Hắc Đế vẫn nén đau thương, hết sức lấy lại bình tĩnh tính toán mọi việc và phác thảo nhanh một kế hoạch trên cơ sở phán đoán rằng không lâu sau khi chiếm được Tống Bình, chắc chắn Dương Tư Húc sẽ kéo quân vào tấn công quốc đô Vạn An. Rồi Ngài hội triều, đốc thúc quân thần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch bảo vệ Vạn An đã vạch. Đang lúc triều hội thì Mai Kỳ Sơn đã quay về, một việc ngoài sức tưởng tượng của mọi người!


Đền thờ vua Mai Hắc Đế ở Khối Mai Hắc Đế tại Nam Đàn, Nghệ An (Ảnh: Huy Thư)

Mai Kỳ Sơn xuất hiện có thể coi như từ cõi chết trở về, làm đức vua cùng mọi người sửng sốt sung sướng vô bờ, vơi bớt phần nào những đau thương mất mát mà đức vua và quân thần vừa gánh chịu, thổi vào triều đình một luồng sinh khí mới.

Sau khi vấn an đức vua cùng thăm hỏi triều thần, Mai Kỳ Sơn báo cáo phần mình cùng tình hình căn cứ duyên hải Đông Bắc rồi xin cha giao nhiệm vụ vì suốt một thời gian dài đã không làm được gì cho đất nước.

Đức vua định cho chàng an dưỡng ít lâu, nhưng Mai Kỳ Sơn không chịu, khăng khăng xin vua cha giao việc, chàng nói không thể nào an nghỉ khi việc nhà việc nước đang ở vào thế nước sôi lửa bỏng.

Thấy chàng có quyết tâm như vậy, Mai Hắc Đế giao cho chàng xuống đồn tiền tiêu Nam Hồng Lĩnh chỉ huy đội quân trấn thủ ở tiền đồn này. Và đúng là như một phép thần, sau đúng mười năm bị dính chặt trên giường bệnh, Hoàng tử của đức vua đã lại được có mặt ở chiến trường.

Chiếm được Tống Bình, Dương Thừa Húc ra sức củng cố binh mã, quân lương, ổn định chỗ đứng trên vùng đất mà y còn quá xa lạ đồng thời tích cực tiến hành giám sát, tìm hiểu sự bố phòng của kinh đô Vạn An. Sau khi đã tương đối nắm vững tình hình và đặc biệt biết được cái căn bệnh quái ác đang hành hạ Mai Hắc Đế, căn bệnh mà hồi còn ở bản quốc y đã nghe nói và đã coi đó là một yếu tố thuận lợi để quyết định xuất quân sớm sang An Nam.

Y quyết định dồn toàn lực vào việc tổng tấn công kinh đô Vạn An, nơi vua Mai và bộ máy điều hành đất nước của ngài đang hiện hữu. Dành một nửa quân số giữ Tống Bình và củng cố Bắc Hà, y thân chinh cầm đầu nửa quân số còn lại, dùng một ngàn chiến thuyền rầm rộ trống giong cờ mở tiến vào Hoan Châu. Đến Cửa Hội, từ thông tin của quân báo cho biết: Cách đó độ mười dặm phía trên dòng sông Lam có một trạm tiền tiêu do Hoàng tử thứ Mai Kỳ Sơn trực tiếp chỉ huy, ngang mặt sông có nhiều cọc gồ cắm cản đường tiến của đại quân, tên cáo già Dương Tư Húc vạch ngay một kế hoạch hiểm: Cho hạ trại lại ở Cửa Hội, rồi cử một đội tinh binh nhanh chóng tiếp cận đồn tiền tiêu, không đánh vỗ mặt mà đổ bộ lên bờ nam, bí mật tiến quân vu hồi từ phía sau, đánh úp lên đồn trong khi một ít quân thì dùng thuyền khoa trương sức mạnh như là có ý định vượt sông.

Mai Kỳ Sơn bị rơi vào bẫy của địch, dồn lực đánh phá thuyền địch trên sông mà bỏ trống phía sau, đồn trại bị đốt phá, kho quân lương, đài quan sát và các pháo đài trên bờ bị triệt phá, binh lương bị địch cướp sạch. Quân sĩ bị thương vong phần lớn, trận địa phòng thủ nhanh chóng bị phá vỡ.

May mắn thoát được tay giặc, Mai Kỳ Sơn cùng một số ít quân sĩ cấp tốc trở về kinh đô, ra mặt vua cha báo cáo tình hình và xin chịu tội.

Thông cảm là sức khỏe con chưa phục hồi hoàn toàn, trí tuệ chưa thật sự minh mẫn sau một trận ốm kéo dài mười năm, vua Mai tha tội cho Mai Kỳ Sơn và động viên chàng bình tâm tham gia việc phòng thủ kinh đô. Mà Ngài đoán chỉ trong một, hai hôm sau sẽ đối diện với quân của Dương Tư Húc.

Quả vậy, chỉ hai hôm sau khi dọn sạch bẫy cọc chông ở đồn Nam Hồng Lĩnh, và bơi ngược nguồn gió Tây, Dương Tư Húc đã kéo được quân tiếp cận Vạn An. Hơn một ngàn chiến thuyền được hạ trại ngay đoạn bờ nam sông Lam đối diện thành Vạn An bên này. Suốt năm, sáu dặm bờ sông, thuyền giặc ken dày đặc: Chúng dốc sức cho quân bắc một cầu phao từ bờ nam sang bờ bắc để đổ bộ quân lên kinh đô. Đang bệnh nặng nhưng vua Mai vẫn gắng gượng lên mặt thành quan sát tình hình. Thấy nước lũ trên nguồn từ phía tây xiết về, cùng hướng gió Nam Lào cũng đang từ phía Tây thổi ràn rạt, lại thấy chiếc cầu phao từ bờ nam đã vươn tới giữa sông, nhớ tới một trận hỏa công trên sông Xích Bích mà Ngài đã được nghe kể, Ngài nghĩ ngay một kế hiểm và quay về hội triều cấp tốc.

Kế hoạch Ngài vạch ra là gấp rút tổ chức một đội khinh thuyền mỗi chiếc chất đầy rơm do hai cảm tử quân điều khiển, mỗi thuyền buộc sẵn một dây xích ở cuối có móc sắt để khi tiếp cận được thuyền địch thì đóng ghì thuyền mình vào thuyền địch rồi phóng hỏa đốt rơm củi trên thuyền. Đám cháy từ thuyền mình sẽ lan sang thiêu rụi thuyền địch. Và vì các thuyền địch khi hạ trại, chúng cũng có móc sắt ràng chặt vào nhau, để tạo mặt bằng đi lại giữa các thuyền, nên khi cháy một thuyền, lửa sẽ dễ dàng lan sang thuyền bên cạnh. Phát hỏa xong, cảm tử quân sẽ lao xuống nước và thoát sang bờ bắc.

Mai Kỳ Sơn được vua cha tin tưởng giao tổ chức trận đánh này với lực lượng một trăm cảm tử quân - năm mươi khinh thuyền chọn trong số năm trăm cảm tử quân tình nguyện, và trong trận này, quân ta đã đại thắng, Dương Tư Húc bị cháy mất quá nửa chiến thuyền, quá nửa quân lương và hơn một vạn binh sĩ bị thương vong, khiến y phải rút toàn bộ hạm thuyền lui về Bắc Hà để bổ sung, củng cố.

Khoảng một năm sau, khi biết được bệnh tình vua Mai đã ở giai đoạn kịch phát, trong lúc Mai Kỳ Sơn đã lại được vua cha phái trở lại vùng duyên hải Đông Bắc để đối phó với sự càn quét của quân Đường; Dương Tư Húc liền tức tốc kéo quân trở vào Hoan Châu. Trước khi hành quân, chúng cho giữ bí mật cuộc hành quân đồng thời cho quân bao vây chặt căn cứ duyên hải để phòng việc Mai Kỳ Sơn biết, kéo quân vào chi viện cho cha.

Và trong trận tấn công Vạn An lần này, y đã gặp may khi vừa kéo quân vào gần Vạn An thì Mai Hắc Đế, do bệnh tình quá nặng, quần thần đã quyết định hộ tống Ngài lên căn cứ Hùng Sơn, chỉ để lại một đạo quân bảy trăm người bảo vệ cung điện, nhà cửa ở kinh đô.

Tuy nhiên, để chiếm được Vạn An, Dương Tư Húc cũng phải mất ba ngày chiến đấu ròng rã và tổn thất hàng ngàn binh sĩ bởi số quân giữ thành đã thà chết không hạ vũ khí quy hàng giặc, chiến đấu đến người cuối cùng.


Đền thờ vua Mai Hắc Đế tại Nam Đàn, Nghệ An (Ảnh: Du Lịch Nghệ An)

Tại Hùng Sơn, khi được hộ tống lên đây độ vài ngày thì vua Mai băng hà, sau khi kịp truyền ngôi cho con út là Thiếu Đế Mai Thúc Huy đang tuổi niên thiếu.

Còn quá non trẻ và thiếu kinh nghiệm nhưng chí khí anh hùng và lòng căm thù giặc không thiếu, lại được quần thần nhiệt tình phò tá, sự hiểm trở của căn cứ chở che, nên Thiếu Đế cùng quần thần, quân sĩ cũng tổ chức chiến đấu ở đây được vài tháng. Tuy nhiên, do địch quá đông và tổ chức bao vây quá dài ngày, quân nghĩa thì mỗi ngày tiêu vong, một ít quân lương vơi cạn dần, nên cuối cùng địch cũng tràn vào được căn cứ sau khi chúng bị tổn thất không ít.

Khi địch tràn vào, một số cận thần đã tổ chức đưa Thiếu Đế theo đường bí mật thoát ra phía tây, nơi liên thông với cả một vùng phía tây, có thể sang các nước láng giềng như Lâm Ấp, Chân Lạp... nhưng chẳng may trên đường di chuyển, Thiếu Đế đã trúng một mũi tên độc của địch.

Linh cảm thấy điều bất ổn, Thiếu Đế bảo nhóm cận thần và toán cận vệ cõng ngài quay lại cạnh mộ vua cha, với ý định nếu phải ra đi mãi mãi, thì được nằm lại ở nơi kề cận mộ vua cha. Lúc cận thần cùng nghĩa quân đang quây quần quanh mộ vua cha, thấy có dấu hiệu địch phát hiện, một hộ vệ đã cõng ngài lánh lên rừng cây ở sườn núi cạnh đấy - nhưng vừa leo được độ trăm bước thì ngài đã tắt thở trên vai người vệ binh. Nhóm cận vệ hộ tống liền bàn đặt ngài xuống một gốc cây, lấp lá rừng đắp điếm tạm, định quay lại báo cho quần thần biết để tính chuyện làm lễ an táng. Nhưng hôm sau, một số vị quan và quân lính quay lại đây, thì mối đã vùi xác ngài dưới một đụn đất lớn bằng gian nhà. Trong dân gian, người ta gọi đây là hiện tượng “thiên táng” - một điềm lành, nên tất cả đồng lòng để nguyên vậy, không tiến hành mai táng lại. Vì có đụn đất “thiên táng” này mà núi Hùng Sơn từ đó có thêm tên gọi mới là Đụn Sơn.

Sự thất thủ căn cứ Hùng Sơn là bi kịch cuối cùng của Mai triều kể từ khi Mai Hắc Đế băng hà, kéo theo bao biến cố liên tiếp dẫn tới sự tan vỡ của Mai triều. Có người cho rằng có thể đây là do vận nước chưa tới nên mới có kết thúc này. Giả sử vận nước thịnh, vua Mai không ngã bệnh, thì làm gì Dương Tư Húc giành được chiến thắng khi sang tấn công nước ta, sao y có thế thắng lợi trong trận tấn công lần hai này.
 

ĐINH VĂN HIẾN (Sách: MAI HẮC ĐẾ - TRUYỀN THUYẾT VÀ LỊCH SỬ)