(Thứ tư, 04/05/2022, 03:43 GMT+7)

Họ Đặng ở Long Hưng, thuộc trấn Sơn Nam có ông Bành đẻ ra ông Cố. Đặng Cố khi trước làm mõ làng, gặp lúc họ Trần về Long Hưng lập mộ Tổ, thấy Đặng Cố mặt mũi phúc hậu, tính nết cẩn thận, quan Thái Sư Trần Thủ Độ bèn tuyển làm chân coi mộ, chuyên tỉa cây, xén cỏ… Nhân lúc cao hứng, ngài bèn buột miệng đặt ra chức “Thái bộc trủng”, tuy không dự vào hàng phẩm trật nào, nhưng được hưởng lương 20 quan tiền, 100 bó lúa và 10 cân cá khô.

Đặng Cố mừng như được đổi vận, không ngờ họ Đặng đến đời mình bỗng dưng thành đạt, vừa có danh vị, vừa có lương bổng của Nhà Nước, cùng với những người có lương khác, thì từ giờ ta là chỗ đồng liêu, nghe oai phết. Thế mà làng vẫn xếp ngồi chiếu dưới, cùng với những hạng bạch đinh thì ấm ức lắm. Có người còn dè bỉu: “Hừm, thì chẳng qua cũng chỉ là anh canh mả, dẫu có là mả vua, thì cũng chỉ đủ trải vài manh chiếu, có gì mà hãnh diện?”. Đặng Cố càng tức. Có kẻ xui thì nên mở rộng cái mả ra. Lại bày cho phép lấn thổ, như kiểu tằm ăn rỗi. Là chỗ thì vạc đất ở bên trong, đắp ra bên ngoài, chỗ thì phía trong đắp bờ, phía ngoài đắp con chạch, lâu lâu lại đổi con chạch thành bờ… Đặng Cố nghe theo, hàng ngày chăm chỉ làm quần quật ở ngoài mộ. Khu đất đặt mộ vì thế được lấn rộng ra, dần dần từ chỗ chỉ già một sào, thành ra rộng tới vài mẫu. Đặng Cố đẻ ra Đặng Thành. Đặng Thành nối chức của bố, cũng vẫn dùng phép ấy, cuối cùng khu lăng mộ đã rộng ra tới chục mẫu.

Đặng Thành lại học thêm được nghề bốc thuốc, cũng có uy tín, con bệnh khá nhiều nên gia cảnh càng ngày càng phát đạt. Đến khi tích lũy được một món gia sản kha khá, bèn nảy ra ý định mua một chức hạ phẩm để có chỗ ngồi trên ở chiếu làng.

Năm ấy, Hưng Nhân vương Phùng Tá Chu phụng mệnh về sửa sang lại hành cung ở Tức Mặc, nhân đó sai thám hoa Vương Thế Lộc đi cùng cha là Phùng Tá Khang, lúc ấy đang làm chức Tả nhai đạo lục, sang Long Hưng để tế mộ Tổ họ Trần. Hai người sang tới nơi, thấy khu lăng mộ rất rộng rãi, bề thế thì phục lắm, luôn mồm khen ngợi. Công việc tế Tổ xong, Thái bộc trủng Đặng Thành bèn đem 100 quan tiền đút lót cho Vương Thế Lộc, nhờ Thế Lộc nói với quan Tả nhai, quan Tả nhai về bảo với con là quan Thái phó Phùng Tá Chu, Tá Chu tâu lên quan Thái sư. Tâu rằng:

“Mộ Tổ họ Trần ta ở Long Hưng trước đây chỉ vỏn vẹn có một sào, nay đã mở rộng ra tới chục mẫu, nghe nói rất bề thế, xứng đáng là một đại trủng kim lăng. Tôi trộm nghĩ chức Thái bộc trủng, nay phải dự vào hàng cửu phẩm, được tuyển thêm tôi tớ… thì mới tương xứng với quy mô của kim lăng được, không thì ít ra cũng phải tòng cửu phẩm…”

Thái sư Trần Thủ Độ nghe nói giật nảy mình. Bảo với Tá Chu:

“Ta lâu nay mải việc chinh chiến, dẹp loạn… chưa có dịp đích thân về tế nên không biết. Long Hưng là nơi ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, đất không thể sinh thêm, mà người sẽ còn sinh ra mãi. Một cái mả thì cần gì phải rộng hàng chục mẫu? Làm thế nhỡ sau này, cả triều đình ai cũng bắt chước, thì còn đất đâu cho dân cày cấy?”

Tá Chu cố thuyết phục:

“Bẩm Thái sư, một dòng họ đã được mệnh Trời, thì lấy cả nước cũng còn được nữa, huống hồ chỉ lấy có vài khoảnh ruộng?”

Trần Thủ Độ vẫn băn khoăn. Lại bảo:

“Việc trong một nhà không thể đánh tráo thành việc nước được. Đây cũng do lỗi của ta, trong một lúc cao hứng, đã buột mồm bịa ra chức Thái bộc trủng, khiến kẻ kia tưởng lầm mình thế là được dự vào hàng quan tước của Nhà Nước, cho nên mới cầu đến phẩm trật như vậy. Có biết đâu rằng lương bổng của cái chức ấy là trừ vào bổng lộc của ta, chứ đâu phải lấy từ công khố? Một món bổng lộc cỏn con, ta đã không dám nhập nhèm, thì sao có thể tùy tiện dùng phẩm vị của Nhà Nước để dùng vào việc trong nhà được?”

Thái phó Tá Chu nghe nói chỉ biết im thin thít, biết là không thể thuyết phục nổi quan Thái sư, đành cáo từ ra về. Phùng Tá Khang nghe Tá Chu thuật lại, cũng không dám nghĩ cách gì nữa, đành nhắn cho thám hoa Vương Thế Lộc, rằng hãy quên chuyện đó đi. Vương Thế Lộc biết không thể nuốt trôi món trăm quan tiền, bèn đem xuống Long Hưng, đưa trả lại Đặng Thành. Không ngờ Đặng Thành là người hào sảng, việc nhờ vả dẫu không thành, song vẫn hết sức cảm ơn và khảng khái không nhận lại món tiền đã biếu. Vương Thế Lộc cảm động lắm, hứa sau này nếu họ Đặng cần nhờ vả việc gì, thì sẽ làm hết lòng.

Nguyên Đặng Thành cũng đã từng nghe chuyện về quan Thái sư. Ngay đến cả Linh Từ Quốc mẫu, chỉ xin cho người làng làm một chức Câu đương, mà ngài cũng bắt phải chặt một ngón chân để phân biệt, kẻ kia van xin mãi mới được tha, thì quan Nhập nội Thái phó là Phùng Tá Chu nói phỏng đã ăn thua gì? Nay ngài từ chối việc của mình, biết đâu lại hóa may, bởi nếu ngài đồng ý, thì có khi ngài còn bắt phải hoạn dái để phân biệt chưa biết chừng. Dự việc sẽ không xong, nhưng Đặng Thành lại có một tính toán khác. Đời mình đã không thể thoát khỏi nơi thôn dã, thì phải tính cho đời con. Bấy giờ Đặng Thành có thằng con trai vừa được năm tuổi, đẻ ra đã có tướng lạ, ngón chân dài bằng nửa ngón tay, mỗi ngón có ba ngấn, quặp như móng rồng. Thằng bé đẻ đúng lúc giao thừa, giữa năm Thìn và năm Tỵ, lại đẻ ngược, thò móng rồng ra trước, đến lúc ra cả cái đầu thì đã bước sang năm Tỵ. Tướng mạo thằng bé đầu dài như quả nhót, trán phẳng như dao phay, mắt tròn như hột nhãn, miệng rộng mũi dài, người bảo thần đồng, người bảo đa văn… tóm lại là vừa quý vừa sang, bèn đặt tên con là Long, hy vọng đời nó sẽ đổi vận cho Đặng gia ở Long Hưng, thì cái chức Thái bộc trủng của mình, dẫu không được dự vào phẩm trật nào, thì cũng chả có gì phải ân hận.

Lời hứa của thám hoa Vương Thế Lộc trúng vào chỗ tính toán ấy của Đặng Thành. Liền gọi con trai Đặng Long ra chào khách. Thằng bé được mẹ dẫn ra, khoanh tay cúi chào rất lễ phép. Thám hoa Vương Thế Lộc nom thấy, liền lấy tay xoa đầu, miệng khen rối rít, đoạn dặn dò vợ chồng quan Thái bộc trủng hãy cho nó học hành tử tế, lớn cho lên kinh, đích thân ông sẽ rèn cặp, đỡ đầu cho nó…

Đặng Long quả có khí chất thần đồng, tám tuổi biết làm thơ, mười tuổi ứng đối vanh vách, học một biết mười, đọc đâu nhớ đấy, mười lăm tuổi đã chứa đầy bụng chữ, thật đúng đa văn. Đặng Thành liền cho con lên kinh, ở nhà quan thám hoa Vương Thế Lộc, được Thế Lộc ra sức rèn cặp nên ngày càng tiến bộ. Đến khoa thi năm Bính Dần, ra ứng thí đỗ ngay Thái học sinh (tiến sĩ). Đặng Long vinh quy về Long Hưng, toàn Đặng gia mừng lắm, mở tiệc mừng suốt ba ngày. Gặp lúc ấy có phò mã Uy Văn vương Phan Toại cũng về tế ở Kim lăng, bèn mời tới dự, khiến tiệc mừng càng long trọng. Phan Toại là người hay chữ, thi đỗ khóa trước, nom tướng mạo của tân khoa Đặng Long, bèn tặng hai câu thơ:

“Nón lá áo tơi hơn được ấn
Trồng dâu, dệt vải thắng phong hầu”


Mọi người trong tiệc tấm tắc, cho là lời khuyên ưu thời mẫn thế, duy Đặng Thành không cho thế là phải. Từ đó, tuy không dự vào phẩm cấp nào của triều đình, song Thái bộc trủng Đặng Thành cũng được xếp ngồi ở chiếu trên, các quan trong vùng mỗi khi về tế ở Kim lăng, cũng xưng hô rất tôn trọng, khiến Đặng Thành lấy làm mãn nguyện.

Trở lại kinh, Đặng Long trổ tài văn học, làm một bộ luận dài tám vạn chữ, lấy tên là “Không Phận” (Vùng trời), nói về phép làm trời cũng như làm ruộng. Một bộ luận mười hai vạn chữ, lấy tên là “Phá Cương” (Mở cõi), đại khái giống như phép lấn thổ, mở rộng mả của nhà họ Đặng ngày trước. Một bộ luận mười lăm vạn chữ, lấy tên là “Nhập Hỏa” (Vào lửa), vào chốn quan trường cũng như vào… lò, đại khái thế. Đặng Long trở nên nổi tiếng, được vua ban tước hạ phẩm cho hầu ở ngay bên cạnh.

Đặng gia ở Long Hưng thế là toại nguyện, song con rồng còn muốn bay cao. Gặp lúc bấy giờ, quan chức ai ở đâu giữ nguyên chức ấy, có khi đến 10 năm, 15 năm… Chờ mãi mới khuyết một chân hành khiển (kiểu như phó thủ tướng bây giờ). Thám hoa Vương Thế Lộc gợi ý Đặng Long xin vua cho chức ấy. Đặng Long biết hành khiển làm việc ở trong cung, gần gũi nhiều cung nữ nên lệ bắt buộc phải tự hoạn mới được. Long về hỏi ý cha, Đặng Thành tuy cũng muốn lắm, vì chức hành khiển phải xếp vào hàng tam phẩm, song sợ mất giống nên xui con từ chối, chờ cơ hội khác.

Cơ hội khác cuối cùng rồi cũng đến. Lại khuyết một chân “hàn lâm trực học sĩ”, tài học của tiến sĩ Đặng Long thì thừa xứng đáng, vua cũng muốn giao nhưng chưa dám quyết, bèn đem việc ấy ra hỏi Thượng Hoàng, Thượng Hoàng nhận xét:

“Thằng nhà quê ấy có tướng đầu rắn đít rồng, là người lươn lẹo, có nhiều tham vọng, dẫu nhiều chữ thì cũng không thể tin được”.

Nguyên Thượng Hoàng là người giỏi cả tướng pháp lẫn thiên văn. Hồi khuyết chân hành khiển, tìm mãi chả anh nào tình nguyện tự hoạn dái cả, đã tính đến chuyện phải bỏ cái lệ ấy đi thì một đêm nằm mơ, thấy thần nhân dắt đến một người, bảo thằng này mắc chứng vô sinh, nên có hai hòn dái cũng như không, cho nó làm hành khiển. Mấy hôm sau Thượng Hoàng đi ra ngoài thành, ngồi trên xe nom thấy một anh chàng trắng trẻo đang đứng trên vỉa hè, dáng điệu thư sinh, môi trên trùm môi dưới, nhân trung phẳng lì, nhẵn như đít ếch, biết tướng thằng này không có con, bèn gọi lại hỏi han mấy câu, thấy ứng đối trôi chảy, liền hỏi:

“Mày có dám tự hoạn dái không? Thì ta cho làm quan hành khiển?”

Anh kia mừng rỡ gật đầu, về nhà mài dao xẻo béng hai hòn dái dâng lên. Thượng Hoàng hài lòng lắm, liền phong làm hành khiển, lại ban cho cái tên Ứng Mộng.

Lại một lần ban yến cho các quan ở điện Diên Hiền, trên trời bỗng xuất hiện một vệt sáng dài, nom giống sao Chổi nhưng lại không có đầu. Các quan không hiểu đó là điềm gì. Bấy giờ có sứ thần nước Tống là Triệu Ngải cũng ngồi ở đấy, Thượng Hoàng bèn cho gọi đến gần, trỏ lên trời hỏi:

“Mày thấy gì không?”

Triệu Ngải trả lời:

“Dạ có thấy, đó là sao Chổi”

Thượng Hoàng lại hỏi:

“Không có đầu, sao biết là sao Chổi?”

Triệu Ngải nói:

“Tôi nhìn thấy đầu nó, to bằng cái đấu, sáng quắc, còn sáng hơn cả trăng rằm”.

Thượng Hoàng nghe xong hài lòng lắm, cho Triệu Ngải lui rồi quay ra bảo với các quan:

“Sao Chổi có đầu, người nước Tống nom thấy, mà người Nam ta không thấy, thế thì cái điềm gở này là điềm của nước Tống, không phải điềm của ta”.

Các quan lắc đầu lè lưỡi, song vẫn thắc mắc:

“Người nước Tống thì cũng người trần mắt thịt như người Đại Việt ta, sao nó thấy, mà mình lại không thấy?”

Thượng Hoàng chỉ giải thích vắn tắt:

“Tuy cũng người trần mắt thịt, nhưng do nghiệp khác nhau, nên cái kiến cũng khác nhau…”

Năm sau quả nhiên Tống bị Nguyên diệt, vua Tống cùng trăm quan bị dìm chết cả ở ngoài biển, thây trôi vào bờ, hàng tháng sau vẫn còn vớt được. Triệu Ngải trở thành tên sứ thần vong quốc, bèn trốn ở lại Đại Việt, về sau cùng với bọn Triệu Trung… đầu quân dưới trướng của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Quay lại chuyện Đặng Long. Thượng Hoàng đã nói thế thì vua tất nhiên phải nghe lời, đố có dám cãi. Đặng Long không được làm hàn lâm trực học sĩ thì ấm ức ra mặt, chức ấy cũng xếp vào hàng chánh tam phẩm. Vua cũng nhạt dần, không chọn để thường xuyên theo hầu nữa. Bấy giờ dưới trướng Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc có nhiều kẻ sĩ bốn phương tụ tập, được Ích Tắc nuôi trong phủ đệ như thực khách, bắt chước ông Tiết Công bên nước Tề thuở trước, trong số đó có Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng… Đặng Long thấy tình vua tôi đã nhạt, bèn xin chuyển sang dưới trướng của Ích Tắc, vua đồng ý ngay, Ích Tắc cũng nghe tiếng nên rất mừng, bụng nghĩ mình vớ được tiến sĩ Đặng Long khác nào cua mọc thêm càng, cá trổ thêm vây…

Thấy Đặng Long nhanh nhẹn, văn hay chữ tốt, Ích Tắc ngày càng tin cẩn. Lại biết Đặng Long có ý bất mãn vì không được giao hàn lâm viện, bèn viết tặng hai câu thơ chữ Hán để thử bụng:

“Thiên hạ hữu nhất nhân đại sĩ
Cập thời lai vận bĩ thế thời”


Đại ý nói dưới trời có một bậc đại sĩ, không may gặp phải thời bĩ…

Đặng Lâm về trằn trọc suốt đêm, biết Ích Tắc là cành vàng lá ngọc, tự coi mình là bậc nhất nhân đại sĩ, dẫu đã được phong tới tước vương thì cũng chưa hài lòng, tất cũng có bụng dòm ngó tới ngôi chí tôn. Bèn viết thêm hai câu, nửa Hán nửa Nôm để trả lời Ích Tắc:

“Hữu nhất nhân chìm trong thế cuộc
Dư nhất nhân mới đáng một đời”


Đại ý dẫu là “hữu nhất nhân”, thì cũng bị chìm lấp trong thời cuộc, phải là người duy nhất thừa ra (dư nhất nhân) thì mới xứng đáng (nguyên thời xưa, kẻ làm vua thường tự coi mình là “dư nhất nhân”). Ích Tắc nhận được câu trả lời thì hiểu ngay, biết Đặng Long đã tỏ bụng mình, từ đó hai người đêm ngày gối đầu tâm sự.


Nhà văn Phạm Lưu Vũ

Bấy giờ ở phía Bắc, người Nguyên đã diệt nước Tống, đang dòm ngó phương Nam, sai người đóng giả bọn khách buôn để dò xét. Ích Tắc bèn viết một bức mật thư, giao cho Đặng Long mang lên Vân Đồn, tìm bọn khách buôn gián điệp để xin vua Nguyên đem quân vào giúp mình làm đại sự. Lên tới Vân Đồn, ngay ngày hôm sau, Đặng Long đã gặp được người cần tìm vì lúc bấy giờ ở Vân Đồn, gián điệp phương Bắc nhan nhản, cả người Hán lẫn người Việt... Thông tin từ một hoàng tử nhà Trần ngay lập tức được ngựa trạm hộc tốc đưa sang phía bên kia, tới tận tay Trấn Nam Vương Thoát Hoan. Thoát Hoan liền cử ngay một viên Tống gian tên Quách Tướng, trước cũng làm ở hàn lâm viện triều nhà Tống, theo ngựa trạm trở lại Vân Đồn gặp Đặng Long.

Nguyên họ Quách truyền đời làm nghề phù thủy và bói toán, nhiều đời giữ chức “Thái bốc” trong các triều đình ngày trước. Nay y được Thoát Hoan cử sang để bàn mưu tính kế với Ích Tắc, Đặng Long là có chủ ý. Đặng Long dẫn Quách Tướng về kinh, đến thẳng phủ Chiêu Quốc vương. Ba người chụm đầu bàn bạc. Quách Tướng giở trong mình ra một tấm địa đồ đã cũ, trỏ vào một chấm trên bức địa đồ mà bảo:

“Chỗ này có huyệt đạo đế vương, nghe nói họ Trần đã lập mộ Tổ ở đó, cho nên mới lấy được nước từ tay họ Lý. Nay ta tìm cách yểm đi, thì việc đại sự mới có thể thành công được”.

Đặng Long xem xét kĩ bức địa đồ, nhận ra ngay đó chính là Kim lăng họ Trần ở Long Hưng. Liền reo lên:

“Là Kim lăng của họ Trần ở Long Hưng. Họ Đặng nhà tôi đã mấy đời làm chức “Thái bộc trủng” ở đó”.

Quách Tướng và Ích Tắc mừng lắm, trùng hợp đến thế thì còn gì bằng, công việc sẽ càng dễ dàng, âu là long mạch của họ Trần đã đến lúc phải đoạn. Đặng Long hỏi việc trấn yểm phải làm như thế nào? Quách Tướng đã chuẩn bị sẵn, liền lấy trong bị hành lý ra một chiếc hộp gỗ sơn son, bên trong có hai mảnh xương hình tam giác có sống ở giữa, không biết xương gì, và bốn chiếc cọc kim loại to cỡ ngón chân cái, dài độ một thước, lần lượt làm bằng vàng, bạc, đồng, sắt. Quách Tướng dặn chôn hai mảnh xương ở giữa ngôi mộ, bốn cọc kim loại đóng bốn góc, ngập sâu xuống đất rồi phủ cỏ lên, sẽ không ai biết ở bên dưới có vật gì, lại kèm theo một bình nước màu đen, có mùi hôi thối rất khó ngửi, dặn nếu gặp phải trở ngại thì ngậm nước này mà phun.

Đặng Long mang ngay chiếc hòm đựng các vật ấy về Long Hưng giao cho bố là Thái bộc trủng Đặng Thành, dặn dò kĩ lưỡng, đúng giờ Tý, ngày ấy… thì đem ra chôn ở Kim lăng, mọi việc phải làm xong trước giữa giờ Tý, rồi quay trở lại kinh thành để theo hầu Trần Ích Tắc.

Đặng Thành nghe rõ kế hoạch, lại thấy thằng con theo phò đức ông Chiêu Quốc vương thì mừng lắm. Bụng chắc mẩm rằng nếu trời cho đức ông lấy được ngôi vua Đại Việt, thì cái ghế nhất phẩm của thằng con trai Đặng Long cũng chả khó khăn gì. Khi xem xét lại mấy vật kia, thấy chiếc cọc bằng vàng nặng chịch, ước chừng phải đến hai trăm lạng vàng, bụng nghĩ vật quý thế này mà đem chôn xuống đất thì cũng phí, bèn nổi lòng tham, liền đánh một chiếc cọc khác bằng sắt, đem mạ vàng để thay thế. Chờ đúng ngày hôm ấy là ngày Mậu Thìn, mồng năm tháng ba, buổi tối mang ra Kim lăng, đúng giờ Tý bắt đầu khởi sự. Chiếc cọc đầu tiên ở góc phía Đông, vừa đóng được ba nhát, bỗng có một luồng khí xanh phụt lên, giây lát tụ lại thành hình một con quỷ gió mặt xanh, giữa ngực có chữ “Mông”. Con quỷ nhe nanh, túm lấy tay Đặng Thành, ý chừng không cho đóng nữa. Vốn là người canh mả đã quen nên Đặng Thành cũng chỉ hơi giật mình, nhớ lời dặn của Đặng Long, bèn mở bình nước đen, nhắm mắt nhăn mặt tu một ngụm rồi phun vào con quỷ, quả nhiên nó biến mất ngay lập tức. Chiếc cọc được đóng xong.

Cọc thứ hai đóng góc phía Nam. Cũng một luồng khí phụt lên, nhưng là màu đỏ, tụ thành con quỷ đỏ, giữa ngực có chữ “Sơ”. Đặng Thành đã rút kinh nghiệm lần trước, nên trong mồm đã ngậm sẵn một ngụm nước đen, liền phun vào con quỷ. Nhưng nó chỉ hơi lạng đi một chút, khiến Đặng Thành phải phun đến ngụm thứ hai thì con quỷ mới biến mất. Chiếc cọc thứ hai cũng được đóng xong.

Chiếc cọc thứ ba đóng góc phía Tây. Lần này là luồng khí có màu vàng. Con quỷ vàng hiện lên, giữa ngực có chữ “Lập”. Con quỷ này rất khỏe, giằng co hồi lâu, khiến Đặng Thành phải phun đến ngụm thứ ba thì mới trừ được nó. Rốt cuộc chiếc thứ ba cũng được đóng xong.

Chiếc cọc thứ tư đóng ở góc phía Bắc. Một luồng khí đen, lạnh toát như băng phụt lên. Con quỷ đen giữa ngực có chữ “Kiến”, to chỉ cỡ con dê, nhưng khỏe như con bò mộng, nó giằng co dữ dội, đến nỗi làm gãy cả cán búa. Đặng Thành phải vất vả lắm, phun đến ngụm nước đen thứ tư nó mới biến mất. Cuối cùng chiếc cọc thứ tư cũng được đóng xong.

Còn việc cuối cùng là chôn hai mảnh xương vào giữa mộ. Những việc giằng co và hít phải hơi độc từ lọ nước đen đã khiến Đặng Thành thấm mệt, lại không biết rằng lúc ấy đã quá nửa đêm, cuối giờ Tý, sắp bước sang giờ Sửu. Cầm chiếc thuổng run rẩy trèo lên lưng mộ, Đặng Thành vừa xắn được ba nhát đất, thì dưới mộ lại xuất hiện một luồng khí màu nâu, phụt thẳng lên trời, nhanh đến nỗi không kịp nhìn rõ nó có mang chữ gì. Đặng Thành đã ngậm sẵn ngụm nước đen, song chờ một lúc, không thấy có con quỷ nào hiện ra như những lần trước, liền yên tâm đào hố, sâu xuống ba tấc rồi giở gói đựng hai mảnh xương hình tam giác ra.

Vừa đặt hai mảnh xương xuống giữa lòng hố, chưa kịp lấp đất thì… giữa trời quang mây tạnh, trên trời bỗng nổ một tiếng sét kinh hoàng, đồng thời một tia sét từ đỉnh trời phóng xuống, đánh trúng giữa người Đặng Thành, khiến lão đổ vật ra, toàn thân cháy thui, chết không kịp ngáp…

Tin dữ Kim lăng ở Long Hưng bị sét đánh trúng lập tức bay về kinh thành. Vua Trần liền sai ngay một người tâm phúc, vẫn theo hầu ngay bên cạnh là quan Tả bộc xạ Lưu Cương Giới về xem xét. Thái sư Trần Thủ Độ lại sai cả hành khiển Phạm Ứng Mộng cùng về điều tra. Hai người về Long Hưng, lập tức ra thẳng Kim Lăng. Thấy Thái bộc trủng Đặng Thành nằm co quắp, cháy đen như con chó thui, mà xung quanh không hề sém một ngọn cỏ. Nhìn hai mảnh xương trắng nằm dưới đáy hố, Ứng Mộng biết ngay là có kẻ muốn yểm huyệt đạo. Tả bộc xạ họ Lưu còn cẩn thận xem xét xung quanh, phát hiện có bốn cọc kim loại liền rút lên. Mở rộng xem xét đến điện thờ, mới phát hiện chiếc lư hương bằng đồng cũng bị biến mất, không biết từ lúc nào.

Hành khiển Phạm Ứng Mộng lập tức cho người đi sắm sửa đồ tế, ngay hôm sau làm lễ cúng hoàn trả long mạch, triệu hồi mấy con quỷ kia về để canh giữ huyệt đạo. Lần lượt an vị Tứ phương quỷ địa ứng với Mộc, Hỏa, Kim, Thủy là Mông, Sơ, Lập, Kiến. Đến quỷ địa thứ năm, ứng với hành Thổ thì trên trời nổ một chùm pháo hoa sáng rực, mặt đất chấn động 4 cách, rồi một con rồng màu nâu từ từ hạ xuống, dài gần hai trượng, trước ngực có chữ “Hưng”. Ứng Mộng thấy thế mừng lắm, ngoảnh lại bảo quan Tả bộc xạ Lưu Cương Giới:

“Triều ta đang lúc hưng thịnh, giặc kia (trỏ bọn giặc Nguyên) sẽ không làm gì nổi”.

Lưu Cương Giới cũng cả mừng. Tế xong, liền sai bọn chức dịch địa phương tới lục soát tư gia của Thái bộc trủng Đặng Thành. Không tìm thấy lư hương đâu, nhưng bắt được chiếc cọc bằng vàng ròng, nặng hai trăm lạng giấu ở trong rương, bèn tịch thu cùng toàn bộ gia sản.

Hai người trở về kinh, làm bản tấu dâng lên, hai vua Trần cùng Thái sư Trần Thủ Độ đích thân xem xét. Bấy giờ thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan, cùng Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đã từ phía Bắc, lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường đem quân vào cướp Đại Việt lần thứ hai, phía Nam thì quân của nguyên soái Toa Đô đánh ra, đã kéo đến Nghệ An. Vua Trần vừa mới tổ chức hội nghị Diên Hồng, hỏi ý kiến các vị phụ lão, nên hòa hay nên đánh? Các phụ lão đồng thanh: Đánh! Khí thế đang hăng, nay được tin âm mưu trấn yểm Kim lăng bị phá, quỷ thần vẹn toàn, lại giáng điềm hưng khởi thì càng vững lòng chống giặc. Liền sai quân Thánh Dực đến vây chỗ ở của Đặng Long.

Nguyên Đặng Long cũng nhận được tin dữ từ trước đó, phụ thân là Đặng Thành bị sét đánh chết… biết việc bẩn thỉu không thành thì hồn xiêu phách lạc, liền chạy ngay vào phủ Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Bấy giờ Quách Tướng vẫn còn ở đấy, Quách Tướng nghe kể lại cũng hoảng sợ, biết mình dẫu có chút tà thuật, song không phải là đối thủ của thần khí nước Đại Việt, ở lâu tất gặp tai vạ, bèn tính kế bỏ chạy. Bấy giờ quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy đã đánh vào đến Vạn Kiếp, Quách Tướng bèn bàn với Ích Tắc và Đặng Long, nhân lúc Kinh thành rối loạn, liền cùng Ích Tắc và gia thuộc, đem theo bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long… đang đêm gấp đường chạy tới Vạn Kiếp đầu hàng quân Nguyên. Khi quân Thánh Dực đến nơi thì cả bọn đã cao chạy xa bay rồi. Khám xét chỗ ở của Đặng Long, bắt được chiếc lư hương bằng đồng ở Kim lăng hắn giấu ở đó.

Đặng Long cùng bọn Ích Tắc ra mắt Ô Mã Nhi, tên này đã nhận được lệnh từ trước, liền sai quân hộ tống cả bọn sang tận lộ Ngọc Châu nằm phía bên kia bên giới để lập chính phủ lâm thời. Ích Tắc nhận sắc phong của Nguyên vương Hốt Tất Liệt là An Nam Quốc vương, phong Đặng Long làm Nhập nội hành khiển, tước chánh nhất phẩm. Bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long… cũng đều có chức tước cả. Hốt Tất Liệt lại xuống dụ, dặn “khinh triều” Ích Tắc cứ yên vị ở đấy, chờ bọn Trấn Nam vương Thoát Hoan và Bình chương quốc sự Ô Mã Nhi bình định xong Đại Việt, thì sẽ trở về để tiếp quản.

Nhưng cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ hai tháng sau, bấy giờ vào cuối tháng năm, Thoát Hoan đã trở về, nhưng không phải khải hoàn trên lưng ngựa, mà trốn trong một cái nồi đồng. Đó là trận đánh ở Vạn Kiếp, Hưng Đạo Đại vương đã cả phá quân Nguyên, giết chết Lý Hằng, Lý Quán tại trận, chỉ còn ba trăm tàn quân hộ vệ Thoát Hoan rút chạy. Quân Trần đuổi theo, cứ nhằm tên áo vàng, cưỡi ngựa ô mà bắn. Thoát Hoan sợ quá, may trong quân còn chiếc nồi 50 làm bằng đồng, có thể nấu được tới 300 đấu gạo, bèn bỏ ngựa, chui vào nồi đồng, sai quân đậy vung lại rồi khiêng lên xe, bốn con ngựa kéo chạy trối chết. Rốt cuộc cũng thoát được sang bên kia biên giới (chỗ này nhiều đời về sau viết bừa là Thoát Hoan chui vào ống đồng (?). Trong quân bấy giờ chỉ có nồi đồng, gọi là nồi quân dụng, dùng để nấu cơm, nấu cháo… chứ mang ống đồng theo để làm gì?).

Thế mà có vẻ bọn người Nguyên vẫn chưa kinh. Cả “khinh triều” của Ích Tắc thì hết sức thất vọng, bèn bàn nhau, cử Đặng Long lên tận Yên Kinh, bắt chước Thân Bao Tư nước Sở ngày trước, gào khóc suốt ba đêm trước căn lều của Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt bẽ mặt quá, khen Đặng Long là trung thần, hứa sẽ động binh đến cùng và an ủi cho trở về Ngô Châu.

Năm sau, quân Nguyên lại hội quân ở Khâm Châu, Liêm Châu. Ra lệnh lấy quân ở ba tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây, do Thượng thư Áo Lỗ Xích và Tham tri Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp… chỉ huy, dưới sự tiết chế của Trấn Nam vương Thoát Hoan. Tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba, người Nguyên mượn cớ trắng trợn, đưa “khinh triều” của “An Nam quốc vương là Trần Ích Tắc về nước.

Nhưng nghiệp đã định thì không thể lay chuyển, húc vào một triều đình đang “Hưng” thì chẳng khác nào húc đầu vào đá. Đá vẫn nhàn mà đầu phải vỡ. Đến cả người chép sử cũng nhàn, tả lại trận đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại vương như tả bằng một ngọn khải bút. Bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp… bị bắt sống, cả “khinh triều” của Trần Ích Tắc cũng bị bắt sống. Trước đó, Thượng Hoàng đã biết trước việc này, song ngài không muốn nhìn thấy mặt Ích Tắc nữa, bèn ngầm dặn Hưng Đạo Đại vương thả cho Ích Tắc trốn đi, như đuổi chó chạy về phương Bắc, cùng với tên tiểu tử Thoát Hoan. Bọn Đặng Long, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long… bị đóng cũi giải về kinh chờ ngày xét xử.

Tháng năm, năm Kỉ Sửu, triều đình xét thưởng, định các công thần và xử tội đầu hàng giặc. Bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long… đều bị chém cả. Khi xử đến Đặng Long, quan Tả bộc xạ Lưu Cương Giới tâu với vua Trần:

“Một kẻ thân học đến tiến sĩ, mà dám ăn trộm lư đồng ở mả Tổ, âm mưu hủy hoại long mạch, lại gào khóc, cầu xin giặc ngoại bang vào cướp thì không phải đầu hàng, mà là bán nước. Không thể xử giống như bọn kia được, phải khép vào tội voi giày”.

Vua Trần xuống chiếu chuẩn y. Khi cầm bút phê vào án lệnh voi giày, nhà vua liền nghĩ ngay tới hai thớt voi chiến ở Trường Yên, năm trước từng tung hoành trong đám quân Nguyên. Liền sai lập pháp trường, đồng thời ra lệnh điều hai thớt voi ấy từ trong Trường Yên ra để thi hành. Đặng Long bị giam vào ngục kín chờ ngày đền tội.

Đặng Long nghe tuyên án voi giày thì sợ đến nỗi nhũn cả người ra, đứng không nổi nữa, phải có hai lực sĩ xốc hai bên, kéo lê vào nhà giam, để lại trên nền một dòng nước ngoằn ngoèo, bốc mùi khai nồng nặc. Nằm trong ngục, tiến sĩ Đặng Long nhớ lại hai câu thơ của phò mã Uy Văn vương Phan Toại ngày trước, bụng nghĩ giờ dẫu có muốn đội nón tơi, khoác áo lá, làm nghề trồng dâu dệt vải cũng không được nữa rồi…

Lại nói về thám hoa Vương Thế Lộc, bấy giờ đang làm Ngự sử đại phu. Công bằng mà xét, toàn bộ những diễn biến phạm tội của Đặng Long thì Thế Lộc không liên quan gì. Duy có chút dính dáng đến Đặng Gia khi trước, nếu triều đình biết thì không khỏi cũng sẽ bị hặc tội. Nhưng việc đó chỉ mỗi Hưng Nhân vương Phùng Tá Chu biết thì Tá Chu cũng đã chết rồi. Vả lại Tá Chu, tiếng là suy tôn mộ Tổ của họ Trần ở Long Hưng thành Kim lăng… song thực chất là xin cho Đặng Thành một chân cửu phẩm. Cũng may việc ấy Thái sư Trần Thủ Độ chắc đã quên rồi, nay Tá Chu dẫu còn sống cũng chẳng dại gì mà nhắc lại. Vương Thế Lộc nhớ lại lời hứa của mình khi xưa với Đặng Thành, nay thấy con trai y là Đặng Long gặp phải thảm án, thì trong lòng không khỏi xót xa cho Đặng gia phải tuyệt tự. Bèn nghĩ cách liều mình, thử cứu Đặng Long một phen.

Vương Thế Lộc bèn bỏ ra 100 quan tiền, sai người ngầm đút lót cho quân coi ngục rồi phục một tiệc rượu có trộn sẵn thuốc mê. Chờ cho quân coi ngục say tít, một bọn lực sĩ đã thuê sẵn giữa đêm xông vào, mở cửa nhà ngục, vực Đặng Long lên xe, chạy một mạch ra ngoài thành. Sáng ra mọi người mới biết thì Đặng Long đã trốn thoát rồi.

Đặng Long mừng như chết đi sống lại. Muốn chạy ngay lên phía Bắc để trốn qua biên giới theo Ích Tắc… Song Vương Thế Lộc bàn việc ấy là không khôn, vì khi biết Đặng Long trốn thoát khỏi ngục, vua Trần đoán thế nào cũng trốn lên phía Bắc, tất đã sai người khóa chặt biên giới. Giờ chạy về phía Bắc chả khác gì tự chui đầu vào rọ. Bèn theo hướng ngược lại, chạy về phía Nam, nằm yên vài năm chờ mọi việc lắng dịu rồi sẽ tính kế khác…

Nghĩa là Vương Thế Lộc đã trù liệu sẵn mọi việc. Nguyên Thế Lộc có một học trò cũ, hiện đang làm chức Lệnh úy ở lộ Kiến Hưng tên Đỗ Mạnh Tiệp. Trốn trong nhà một viên Lệnh úy thì còn phải lo lắng gì nữa. Thế là Đặng Long cải tên, thay hình đổi dạng, cầm phong thư của Thế Lộc gửi gắm cho Đỗ Mạnh Tiệp, một mình tìm đường chạy về phủ Kiến Hưng.

Quả như thám hoa Vương Thế Lộc đã đoán trước. Sáng hôm sau, nhận được tin Đặng Long đã bỏ trốn, vua Trần cả giận, một mặt trị tội quân coi ngục, một mặt sai người chia làm nhiều hướng, mang theo bức họa tả chân dung tên tội phạm để đuổi theo, song chỉ hướng lên các lộ ở phía Bắc, mà không hề nghĩ gì đến phía Nam.

Ở phủ Trường Yên, quan An phủ sứ nhận được chiếu chỉ, liền sai quản tượng dắt hai thớt voi chiến thẳng đường ra kinh thành, vừa mới qua bến đò Bô Cô thì nhận được lệnh quay trở lại, quản tượng bèn vào một quán ăn ở đầu bến đò để ăn uống và nghỉ ngơi. Tình cờ khi ấy, trong quán có một người họ Phạm, tên Tá Chức nhà cũng ở gần đấy. Tá Chức vốn truyền đời làm nghề thợ đá, tạc tượng bằng đá có tiếng quanh vùng. Phạm Tá Chức nom thấy đôi voi chiến tuyệt đẹp, dáng điệu cực kì hùng dũng thì mê mẩn, liền gọi rượu thịt mời người quản tượng để làm quen, rồi năn nỉ hãy ở lại nửa ngày để y họa lại cặp voi. Thấy không phải ra kinh thành gấp nữa, giờ chỉ việc quay trở lại thì thong thả một chút cũng không hề gì, người quản tượng vui vẻ đồng ý.

Có được bức họa của cặp voi chiến rồi, nghệ nhân Phạm Tá Chức liền tìm đá đẹp, Trường Yên vốn là một mỏ đá nên điều đó chả khó khăn gì. Rồi cứ theo đúng mẫu họa mà đục, thành ngay một cặp voi đá, mỗi con to bằng chiếc trống cái, bày ở trong xưởng, phía sau là một cặp rồng đá đã tạc từ trước đó, hàng ngày ra vào ngắm nghía, vuốt ve. Ai trông thấy cũng phải trầm trồ, thật đúng là một bộ tuyệt phẩm Long, Tượng.

Đặng Long chạy thoát về phủ Kiến Hưng. Lệnh úy Đỗ Mạnh Tiệp xem thư của thầy, biết Long là trọng phạm của triều đình thì cũng hơi e ngại, song thầy đã gửi gắm thì không thể thoái thác. Bèn để Đặng Long ở lại trong nhà, đãi như khách nuôi. Thời ấy cả nước vừa trải qua mấy cơn loạn lạc, chiến tranh liên miên, nạn đói liên tiếp xảy ra, nhiều người còn chết đói ngoài đường… nên việc nhà nào, làng nào xuất hiện dân phiêu tán lạ mặt cũng không ai thắc mắc. Đặng Long vì thế yên ổn trốn trong nhà Đỗ Mạnh Tiệp được mấy tháng. Cuối năm ấy, làng khánh thành ngôi đình, thờ Thành Hoàng là Lý Đào Lang vương. Lệnh úy Đỗ Mạnh Tiệp là người xưa nay rất có tâm với làng, lại là hạng đỗ đạt, làm quan, nên nghĩ mình cũng nên cung tiến cho đình làng một thứ gì đó cho xứng đáng. Nhân đi qua xưởng đá của Phạm Tá Chức ở Bô Cô, nom thấy cặp voi đá đẹp quá, bèn bỏ ngay 100 quan tiền ra mua, rồi thuê người vận chuyển về đình làng.

Buổi tối làng làm lễ cúng hô thần nhập tượng, nửa đêm làm lễ tế Thành Hoàng, sáng hôm sau mở hội khao đình. Đặng Long đang là khách trong nhà quan Lệnh úy nên cũng được mời tới dự. Ra tới đình làng, vừa nom thấy cặp voi đá, Đặng Long bỗng hồn xiêu phách lạc, bản án voi giày vẫn còn treo lơ lửng ở đâu đó, nay bỗng lại trở về rõ mồn một. Đặng Long sợ quá, ngã lăn ra, mặt cắt không còn hột máu, thân thể lại nhũn ra, y như lúc mới bị tuyên án. Lệnh úy Đỗ Mạnh Tiệp tưởng bị trúng cảm, vội vàng sai người vực về nhà, xoa dầu mãi mới tỉnh.

Tiệc xong, trở về nhà gạn hỏi nguyên do, bấy giờ quan Lệnh úy mới biết, chứng ám ảnh tâm can vì cái bản án kia của Đặng Long là rất ghê gớm. Đặng Long sẽ khó mà yên ổn sống ở đây, nếu dưới đình làng, cặp voi đá kia vẫn còn ở đó. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Đỗ Mạnh Tiệp đành phải ra nói lại với các vị bô lão trong làng, rằng sẽ đổi cặp voi thành cặp rồng đá. Rồng thì còn sang hơn voi. Các bô lão liền vui vẻ đồng ý.

Thế là cặp voi đá ở đình làng ngự chưa ấm chỗ, đã phải rời đi. Đỗ Mạnh Tiệp thuê người chở xuống xưởng đá của nghệ nhân Phạm Tá Chức, đòi đổi lấy cặp rồng đá, các thêm một trăm quan tiền nữa, kèm theo điều kiện phải phế bỏ hai con voi đá đi.

Nghệ nhân Phạm Tá Chức tất nhiên không dám trái ý quan Lệnh úy. Song không hiểu sao lại bắt phải hủy cặp voi đá? Bụng nghĩ thấy tiếc quá, nhưng bức họa vẫn còn, thì có dịp sẽ lại khôi phục một cặp voi đá khác. Bèn mang đục mang búa ra, đục được mấy nhát, thấy thớ đá bên trong mịn như tảng thịt, gân đá đỏ như mạch máu thì rùng mình. Nghĩ vừa sợ vừa tiếc, bèn không phá hủy nữa, mà đục lại thành hai con chó đá, nom rất sinh động.

Năm sau, quan Lệnh úy Đỗ Mạnh Tiệp được thăng An phủ sứ Kiến Hưng. Theo lệ phải về mở tiệc khao làng. Bấy giờ có đám khách thương vẫn làm ăn, phát tài ở phủ Kiến Hưng, muốn có quà mừng tân quan An phủ sứ, bèn họp nhau lại xem mua quà gì để mừng. Một người trong bọn liền nhớ ra, từng qua lại bến đò Bô Cô, thấy cặp chó bằng đá của Phạm Tá Chức rất đẹp, trong khi trụ cổng nhà Đỗ Mạnh Tiệp thì vẫn còn trống trơn, bèn bàn nhau góp tiền, mua cặp chó đá, chở đến làm quà mừng.

Bữa tiệc khao diễn ra hết sức vui vẻ. Đỗ Mạnh Tiệp ngắm nghía cặp chó đá của bọn khách thương mang đến biếu thì thích lắm, luôn mồm khen ngợi. Liền sai người bắc thang, dòng dây kéo lên, gắn ngay ở hai bên trụ cổng.

Đặng Long hôm ấy cũng rất vui vẻ. Thấm thoắt trốn ở nhà Đỗ Mạnh Tiệp đã được hơn một năm, mọi việc đã có vẻ lắng xuống, không còn ai nhớ tới Đặng Long và bản án voi giày năm xưa nữa. Trong bụng Đặng Long vẫn còn lưu luyến chủ cũ, đang tính sau bữa tiệc này, sẽ từ biệt Đỗ Mạnh Tiệp, rồi tìm đường sang bên kia theo Ích Tắc.

Tiệc trong nhà vẫn vui vẻ, Đặng Long thơ thẩn đi ra cổng, trong bụng vẫn nghĩ tới chuyện gặp Ích Tắc ở bên nước Nguyên. Vừa bước tới chỗ trụ cổng, thì có một cơn lốc ở đâu bỗng thổi tới làm cây cối ngả nghiêng, khiến hai trụ cổng rung rinh như muốn đổ. Đặng Long chưa kịp hiểu ra chuyện gì, bỗng vấp phải một hòn đá ngã nhào xuống. Chưa kịp đứng dậy thì con chó đá phía bên hữu vừa mới gắn, vữa chưa kịp khô nên rơi xuống, đè trúng ngay giữa lưng. Liền theo đó, con chó đá bên tả cũng vừa rơi xuống trúng đầu. Con trúng lưng làm lòi ruột, con trúng đầu làm phọt óc, Đặng Long lè lưỡi chết tươi, nét mặt vẫn chưa hết vẻ kinh ngạc.

Các thực khách trong nhà chạy ra, ai nom thấy cũng hoảng sợ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, khiến cả làng náo động, bàn tán xôn xao… Câu chuyện có người bị chó đá đè chết trong tiệc mừng của tân quan An phủ sứ Kiến Hưng chẳng mấy chốc bay tới kinh thành. Cuối cùng, thân thế và chuyện lẩn trốn của Đặng Long cũng dần dần vỡ lở. Vua Trần biết được mọi chuyện thì đùng đùng nổi giận, bèn ra lệnh tống giam Vương Thế Lộc, đồng thời sai Thiếu phó là Phùng Sĩ Chu về Kiến Hưng tra xét, mang theo tờ trát, áp giải An phủ sứ Đỗ Mạnh Tiệp về kinh chịu tội.

Một cái chết làm hai vị đại quan phải chịu tội liên đới. Sĩ Chu về Kiến Hưng, xem xét lại mọi việc hết sức cẩn thận, từ chuyện họa lại hai thớt voi chiến, đúc thành cặp voi đá, đến chuyện đục lại thành cặp chó đá của nghệ nhân Phạm Tá Chức, cả chuyện biếu tặng của đám khách thương… dẫn đến cái chết kì lạ của Đặng Long, không khác nào một kẻ bị voi giày. Xâu chuỗi các sự kiện lại, Sĩ Chu rùng mình nghĩ tới một sự huyền hoặc kinh dị không thể lý giải, song nó đã diễn ra, khó đến nỗi sức người không thể làm nổi, cũng không thể nghĩ ra được. Cặp chó đá được đục lại từ cặp voi đá, tức là kiếp sau của hai thớt voi. Nghĩa là kẻ kia rốt cuộc vẫn không thoát khỏi bị tội voi giày. Sĩ Chu càng nghĩ càng rùng mình, bèn về làm một bản tấu trình lên.

Vua Trần xem xét kĩ bản tấu, thấy những điều Sĩ Chu nói cũng có lý. Cuối bản tấu, Sĩ Chu còn chua thêm rằng những tội mà Vương Thế Lộc và Đỗ Mạnh Tiệp đã phạm phải là rất kì lạ, chỉ có thể do nghiệp trời xui khiến, cho nên mới bất khả tư nghì như thế, người bình thường thì không thể nghĩ ra. Vua bèn phê chuẩn bản tấu, sai quan mang thủ cấp của Đặng Long sang tế trước Kim lăng. Rồi xuống chiếu, tha tội cho Đỗ Mạnh Tiệp, song bắt phải về hưu. Đồng thời tha tội cho Vương Thế Lộc, lại còn khen là người có tín, cho phục lại chức cũ.

Nhà vua còn truyền cho các quan ở Ngự Sử đài, cùng Thiếu phó Phùng Sĩ Chu khắc in lại chuyện này, để làm điều răn cho các đời sau.