(Thứ bảy, 17/08/2019, 03:06 GMT+7)

Tướng quân Phùng Thanh Hòa -
Không chỉ là Trạng Vật trong truyền thuyết và thư tịch cổ

 

PGS. TS Nguyễn Thanh Tú

   PGS. TS Nguyễn Thanh Tú là người đã tham dự và viết tham luận cho các cuộc Hội thảo của họ Phùng Việt Nam trong suốt thời gian qua như Hội thảo về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Hội thảo Phùng Tá Chu,... và sắp tới là Hội thảo về Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa. 


PGS. TS Nguyễn Thanh Tú trong Hội thảo Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám tháng 5 năm 2019
 

   Trong thời gian gần đây, Nguyễn Thanh Tú đã đích thân đi nghiên cứu ròng rã trên vùng đất Phùng Xá - quê hương của Trạng vật Phùng Thanh Hòa cũng như các thư viện lớn ở khắp miền Bắc để có thêm tư liệu, tài liệu viết về cụ Trạng đã cho thấy được sự nghiêm túc trong thực hiện bài tham luận cũng như lòng tôn kính với bậc tiền nhân của PGS. TS Nguyễn Thanh Tú. 


Cổng làng Bùng - Phùng Xá - Thạch Thất - quê hương của Tướng quân Phùng Thanh Hòa

   Khi được đề nghị viết về Trạng vật Phùng Thanh Hòa- Hữu tướng quân thời Tiền Lý (544 - 602), tự cá nhân tôi và nhờ mọi mối quen biết ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quân đội, Thư viện Viện Hán Nôm, Thư viện Viện Văn học...đã sưu tầm tư liệu một cách ráo riết về đối tượng nghiên cứu. Nhưng tài liệu tham khảo thật ít ỏi. Ngoài các sách lý thuyết và thần phả, thư tịch cổ..., chúng tôi đọc kỹ những cuốn sau:

-Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá (2007), Lịch sử cách mạng xã Phùng Xá (1945 - 2007).
- Hội Văn Giáp làng Bùng (1881), Bản thôn văn chỉ chư bi, tài liệu chép tay lưu tại Nhà thờ cụ Trạng.
-Trần Duy Phương, Phùng Khắc Đồng (1998), Làng Bùng Trạng Bùng, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
-Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (1993), Lý lịch di tích chùa Kim Liên - Phùng thôn, Hà Tây.
-Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (1993), Lý lịch di tích đình Phùng thôn, Hà Tây...
Và rất nhiều cuốn về thần tích, thần phả, địa chí, sử ký, truyền thuyết, thần thoại, cổ tích... về các Trạng, các Danh nhân lịch sử. Riêng về Trạng Vật thì người đời sau nhắc nhiều đến Vũ Phong quê Hải Dương hơn là Phùng Thanh Hòa ở Thạch Thất. Có lẽ thời gian càng xa thì lớp huyền thoại bao phủ hình tượng càng dày nên thông tin truyền lại ít hơn chăng?
     Nhưng Phùng Thanh Hòa là vị Thành hoàng và là Trạng Vật của làng Phùng Xá thì là sự thật.

  1. Phùng Thanh Hòa Nhà phong thủy.

Theo tài liệu phong thủy cổ thì Phùng Thanh Hòa là người giỏi địa lý, phong thủy trước Cao Biền(821- 887), người U Châu (Bắc Kinh, Trung Quốc), nhờ có công đánh bại quân Nam Chiếu xâm chiếm phương Nam nên năm 868, Cao Biền được vua Đường cho trấn giữ Giao Chỉ, giữ chức Tĩnh Hải tiết độ sứ và giữ chức này đến năm 875. Về sau thất bại trong việc trấn yểm các yếu mạch xứ Giao Chỉđể rồi cuối cùng Cao Biền bị chết thảm.. Người nước Nam kế thừa Phùng Thanh Hòa là Tả Ao (thế kỷ XVI), một thầy phong thủy nổi tiếng của nước ta. Có tài liệu nói nhờ cùng thời và đọc tài liệu từ Phùng Khắc Khoan (sinh 1528), có tài liệu nói Tả Ao gặp Phùng Khắc Khoan bên Trung Quốc và hai người trở nên thân thiết. Tả Ao vốn học phong thủy từ một thầy người Tàu nên đọc tư liệu về phong thủy của Phùng Thanh Hòa thì càng “ngấm” nhanh!
“Thành tựu” cũng như “thành quả” tài năng của Phùng Thanh Hòa còn lưu dấu đến ngày nay chính là việc tìm ra mảnh đất “địa linh” ngàn đời. Đó là mảnh đất Phùng Xá bây giờ.
Từ góc nhìn phong thủy cổ xưa cho thấy Phùng Xá là vùng đất “địa linh nhân kiệt”: “Trước mặt có chu tước, xa xa phía Tây từng lớp núi xanh biếc thế đứng tựa vân hán chầu huyền vũ, đằng sau là thanh long ôm giữ lấy lưng kèm theo dáng bạch hổ chót vót, phô bày ngọn bút là dãy gò đất cao cao, có thể nói đây là chỗ đất thiêng đúc kết”[1]. Nhìn từ bối cảnh xã hội, địa lý hôm nay sẽ thấy đây là vùng đất thuận tiện giao lưu, phía Đông có đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, phía Tây Nam có tỉnh lộ 419. Truyền thuyết và các di chỉ khảo cổ cho thấy Phùng Xá đã có những cộng đồng dân cư sinh sống từ khoảng đầu Công nguyên tạo nên hai trang ấp Vĩnh Lộc trang (làng Lộc) và An Hoa trang (xã Phùng Xá). Khởi thủy Phùng Xá thuộc kẻ Nủa, về sau thuộc huyện Câu Lậu (huyện Giao Chỉ).
Làng Bùng nằm trong trung tâm những di tích và danh thắng xứ Đoài nổi tiếng. Đó là núi Sài Sơn, còn gọi là núi Phật Tích, có chùa Thầy nổi tiếng cùng tên tuổi Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đó là chùa cổ Tây Phương nổi tiếng. Là chùa Cực Lạc. Là làng Hương Ngải nổi tiếng văn vật, khoa bảng. Có động Hoàng Xá, dãy Răng Cưa, gò Đống Thóc… Nhìn từ phong thủy học hiện đại cũng thấy một địa thế đẹp, “sơn cao, thủy tụ” nằm giữa hai dòng chảy: Sông Đáy ở phía đông, sông Tích ở phía tây, giữa là vùng đồi gò cùng 12 ngọn núi đá của dãy Sài Sơn, Hoàng Xá.
    Người đầu tiên và có tầm mắt nhìn ra và có công chọn mảnh đất “linh” ấy là Phùng Thanh Hòa.

  1. Phùng Thanh Hòa -Vị thành hoàng.

Theo Thần phả, làng Phùng, sau đổi thành làng Bùng do “húy” đến tên gọi họ của vị Thành hoàng Phùng Thanh Hòa. Ông vốn quê ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, sinh ngày 12-11-528 (Mậu Thân). Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Tương truyền từ nhỏ ông đã có thiên tư thông minh, học một biết mười. Đương thời nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) xâm lăng. Năm 541 (Tân Dậu), Lý Bí khởi nghĩa. Phùng Thanh Hòa mang quân ủng hộ, được phong làm Hữu tướng quân (Tả tướng quân là Triệu Quang Phục).Lý Bí lên ngôi đếđặt tên nước là Vạn Xuân. Lý Nam Đế đã qua đời. Nhà Lương sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên đem binh tướng sang chiếm lại nước ta. Tả tướng Triệu Quang Phục rút về đền Dạ Trạch lập căn cứ, xưng là Triệu Việt Vương. Hữu tướng Phùng Thanh Hòa về An Hoa lấy tên mới là Phùng Gia trang. Thần phả còn ghi: “An Hoa cổ tự truyền non hiệu/Phùng Xá tân thừa cải Việt danh”.(Từ xưa tên làng là An Hoa/ Sau này cải tên mới là Phùng Xá). Phùng Thanh Hòa được dân tôn làm Thành hoàng làng.
An Hoa trang, được thần phả ghi: “Khi Ngài đến đất này thấy địa thế đẹp, cục diện lồi cao lên một khu, mặt trước có đường bộ án ngữ, đằng sau có hành cung, hai bên là nước hợp dòng chảy xuôi... sự gặp gỡ giữa địa linh nhân kiệt...”. Thư tịch cổ cho biết Phùng Gia trang có 5 cổng lànggồm Phiên Nhất, Phiên Nhì, Phiên Ba, Phiên Tư, Cổng Chợ. Có 4 xóm là Phiên Nhất, Phiên Nhì, Phiên Ba, Phiên Tư. Về cơ cấu tổ chức được chia thành 8 giáp, gồm: giáp Đông nhất, Đông nhì, Đông tam, Đông tứ, Tây nhất, Tây nhì, Tây tam, Tây tứ. Họ Phùng ở đây vốn dòng dõi Phùng Hạp Khanh (thân phụ Phùng Hưng); Phùng Thanh Hòa, Phùng Hạp Khanh, Phùng Khắc Khoan…
Thần phả ở Đình làng Phùng Xá, Thạch Thất, do tiến sĩ Nguyễn Bính, thế kỷ 17 soạn, chép như sau:
“Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528), ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra Ngài”.
Hiện nay Đình Phùng Thôn hướngmặt về phíaNam tụ nhân, tụ phúc, tụ lộc với kết cấu chữ nhị, có Đại bái và Hậu cung. Nhà Đại bái được xây dựng từ lâu đời, nhiều lần trùng tu, được sửa chữa lớn vào năm 1936.Đặc biệt ở đây có“Di vật thời Lê, ở đình có cỗ kiệu bát cống, đôi hạc chạm nổi trên các bức bàn cửa khám thờ cao 80 cm làm kiểu bức bàn chạm nổi hoa văn. Di vật thời Nguyễn khá phong phú, gồm ngai thờ, hương án, hoành phi, câu đối, đặc biệt là bức cuốn thư trạm trổ sơn son thiếp vàng đề thơ ca ngợi công đức của vị Thành hoàng”[2].
     Trong đình có bài Minh ghi công lao của vị Thành hoàng:
Thanh linh từng hách hách
Chính khí tự nguy nguy
Ba cổn hương thần hóa
Sơn hà thuỷ thánh cung
Công minh tiền Lý sử
Tích hiển hậu Lê thì
Phú tài đồng thiên địa
 Hồng ân vạn cổ thuỳ.
 Tạm dịch là:
Trong sáng linh thiêng tồn mãi mãi
 Chứng thực khí tiết sáng lâng lâng
Sóng dậy nước dân thần làm được
 Non sông tươi sáng ghi công lực
Công lao tươi sáng triều tiền Lý
Đến hậu Lê công tích rõ ràng ghi
Đất trời để lại đời giàu đẹp
Muôn đời ghi tạc ơn sâu.
Quán xã Phùng Xá thờ Tướng quân Phùng Thanh Hòa, được xây dựng từ lâu ở phía Đông Nam của làng, hướng về núi Hoàng Xá. Theo thư tịch thì cấu trúc quán hình chữ nhị (=), gồm Hậu cung, Sân lọng và Bái đường. Bức hoành phi "Thiên cổ linh từ" được treo ở quán, về sau đem treo tại đền cụ Trạng[3].
Thư tịch cổ ghi: Thời Lý có Đại Tư mã Nguyễn Cảnh Câu; thời Trần có Thị thư Viện Hàn lâm Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt; thời Lê có Thái tể Mai Quận Công, Nhị giáp Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Đặc tiến Kim tử Vĩnh Lộc đại phu Phùng Lĩnh Hầu và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vũ Đình Dung.Vũ Đình Dung, Tiến sĩ khoa Quý Sửu 1733 niên hiệu Long Đức thứ hai đời Lê Thần Tông, làm quan đến Hàn lâm viện Thừa chỉ.Thời Lê, ở Phùng Xá còn có một nhà hai cha con kế tiếp đỗ Tiến sĩ: Cha là Nguyễn Nham, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (năm 1715), đời Vua Lê Dụ Tung, làm quan đến chức Học sĩ, thự Tham chính Nghệ An. Con là Nguyễn Thì Lượng đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (năm 1731), đời Vua Lê Duy Phường. Ngoài ra, số người đỗ Phó bảng, Hương cống, Cử nhân, Tú tài, Sinh đồ cũng khá nhiều... Đặc biệt, có Tiến sĩ Thái tế Mai quận công Phùng Khắc Khoan, người đời thường gọi là Trạng Bùng.

  1. Phùng Thanh Hòa -người thanh niên sớm có chí yêu nước.

 Tương truyền lúc nhỏ ông có sức khỏe hơn người, tinh thông binh thư, võ nghệcao cường. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Lương (Trung Quốc) đô hộ. Năm, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, ông đã triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng.Thần phả làng Bùng ghi: “Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần, Đại vương (tức Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa) dẫn quân đến Liên Trang, hợp binh cùng nhà vua (Lý Bí) đóng tại hồ Điển Triệt, ra sức sửa sang và đóng nhiều thuyền chiến dàn kín mặt hồ, làm cho quân Lương thấy mà khiếp sợ...”[4].Sau khi thắng giặc, Lý Bí xưng đế và lập ra nước Vạn Xuân, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đóng đô ở thành Long Biên. Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “… Giáp Tý (544), Lương Đại Đồng năm thứ 10 - Mùa xuân, tháng Giêng, Vua (Lý Bí) nhân thắng giặc tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi, đặt niên hiệu (Thiên Đức năm thứ 1), lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng Văn, tướng Võ”. Nhà Lương lại cho quân xâm lược nước ta, Phùng Thanh Hoà được vua phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục xông ra trận tiền đánh giặc. Giặc tan, Phùng Thanh Hoà trở về, lấy đất An Hoa trang làm nơi lập nghiệp và đổi tên làng thành Phùng Gia trang. Ông ở đây chỉ được 2 năm rồi mất vào cuối năm Kỷ Tỵ (549). Sau khi ông mất được phong phúc thần và dân làng suy tôn là Thành hoàng làng.
      Tổng hợp các sách sử có thể thấy cái mạch cụ thể như sau: Trướckhi lên ngôi, Lý Nam Đế phải đối phó với giặc ở phía nam là quân Lâm Ấp sang xâm chiếm. Vua sai tướng Phạm Tu (tức Lý Phục Man) đi đánh dẹp giành thắng lợi. Năm Giáp Tý (544), Lương Đại Đồng năm thứ 10 - Mùa xuân, tháng Giêng, Vua (Lý Bí) nhân thắng giặc tự xưng là Nam Việt đế, lên ngôi, đặt niên hiệu (Thiên Đức năm thứ 1), lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Năm Bính Dần, Thiên Đức thứ 3 (546) mùa xuân, nhà Lươnglạisai bọn Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân cướp lại nước ta. Vua Lý Nam Đế phải chạy về Gia Ninh, nay thuộc xã Gia Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Phùng Thanh Hòa, ở quận Nam Xương đất Giao Châu đã đem quân lính hưởng ứng. Phùng Thanh Hòa được Lý Bí phong làm Hữu tướng cùng với Tả tướng Triệu Quang Phục đem quân đánh giặc ở hồ Điển Triệt (Đầm Vạc - Vĩnh Yên ngày nay). Trần Bá Tiên thua chạy. Vua (Lý Nam Đế) rút về động Khuất Lão rồi mất ở đó (548). Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục (con Triệu Túc) được trao quyền đuổi giặc. Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch (Hưng Yên) tiếp tục chống quân Lương. Phùng Thanh Hòa về lập nghiệp ở Thạch Thất - Sơn Tây.
Năm 557, Triệu Quang Phục đánh tan quân Lương, thành lập chính quyền độc lập xưng là Triệu Việt Vương (548-571). Tiếp đó, Lý Phật Tử(cùng họ với Lý Nam Đế)lại đem quân đánh Triệu Quang Phục. Không phân thắng bại, hai bên giảng hòa lấy vùng đất Từ Liêm ngày nay làm gianh giới.

  1. Phùng Thanh Hòa -Trạng Vật

Thần phả đình Phùng Xá ghi rõ: “Khi ngài sinh ra, thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Chữ nghĩa văn chương đều giỏi. Ngài lại tinh thông binh thư võ nghệ, cung kiếm đao thương môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, khúc thức, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Lương đô hộ, nhân dân lầm than cực khổ vô cùng. Khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống giặc nhà Lương, đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (541), tuy ngài còn ít tuổi nhưng với tài năng xuất chúng đã đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng theo giúp Lý Bí. Khi Lý Nam Đế lên ngôi vua đã phong ngài làm Hữu tướng quân”.


    Chúng tôi xin nhấn mạnh lại các chi tiết thời trẻ Phùng Thanh Hòa do Thần phả làng Phùng Xá ghi để thấy ông là người khá toàn diện,thông minh, võ nghệ giỏi, văn chương hay, âm nhạc, đàn sáo đều biết. Tại sao ông lại được dân gian tôn làm Trạng Vật? Mà vật thì phải có sức khỏe, có tài, có ý chí, có tinh thần thượng võ. Xin nhắc lại những chi tiết được nhà văn Phùng Văn Khai kể rất hay trong bài báo Phùng Thanh Hòa -Trạng Vậtvùng đất cổ: “Các đô vật từ khắp nơi về xin tỷ võ dẫu bại trận đều được ông và dân làng Bùng đón tiếp rất ân cần, giao lưu võ thuật cổ truyền trên tinh thần cầu thị. Tương truyền rằng, có công chúa con vua giả trai về đánh bại hàng loạt trai tráng trong vùng để thách đấu với tráng sĩ họ Phùng. Khi biết địch thủ là nữ nhi, Phùng Thanh Hòa đã khôn khéo chịu hòa để giữ thể diện cho công chúa, không bóc mẽ địch thủ ở chốn đông người khiến công chúa cảm phục lắm. Lại có chuyện kể rằng, có đô vật tận từ vùng Châu Ái với miếng đánh nổi tiếng bẻ giò đối thủ gây thương tích cho nhiều đô vật khiến các tráng đinh ấm ức mà không làm gì được. Để dạy cho đô này một bài học, Phùng Thanh Hòa đã vờ giả thua để đối thủ ra tay tàn độc. Đúng lúc y đột ngột bộc lộ sự hiểm độc, Phùng Thanh Hòa đã vạch trần giữa sới vật đồng thời ba lần nhấc bổng đô này quẳng xuống chiếc ao trước cửa đình khiến đô này tâm phục khẩu phục, từ đó bỏ ngón nghề triệt hạ đối thủ của mình. Võ đức của Phùng Thanh Hòa càng ngày càng lan xa, ông được nhân dân suy tôn là Trạng Vật của vùng đất cổ.
Trạng Vật Phùng Thanh Hòa sớm theo nghĩa quân, được Lý Nam Đế phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục là những trụ cột của triều đình Vạn Xuân lập nhiều chiến công trong công cuộc chống nhau với giặc Lương sau này”.
      Qua khảo sát, tham khảo các tài liệu cổ liên quan, chúng tôi xin bổ sung một vài ý nhỏ sau:
      Một là, một vài tài liệu nói Phùng Thanh Hòa cùng với dân làng Bùng tham gia đấu vật với trai tráng tứ chiếng là khó có khả năng xảy ra vì Hữu tướng quân chỉ sinh sống ở làng Bùng khoảng hainăm rồi mất, do tuổi tác, do tham gia chiến trận mà sức khỏe hao mòn. Nhưng chắc chắn tinh thần võ vật của dân làng Bùng trở thành mỹ tục, thành truyền thống tốt đẹp được bắt nguồn từ chính vị Thành hoàng Phùng Thanh Hòa. Đến nay làng vẫn có sới vật riêng và nhiều đô vật nổi tiếng trưởng thành từ lò vật này.
      Hai là, tinh thần thượng võ của Hữu tướng quân là sự kết tinh và trở thành tiêu biểu cho tinh thần thượng võ, tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục ngoại bang của người dân xứ Giao chỉ bấy giờ.
     Ba là, một tài liệu quân sự cổ có nói về một phương thức rèn luyện quân sỹ thời Lý Nam Đế là võ vật. Rất nhiều khả năng người tổ chức huấn luyện, đưa ra “giáo án” thực hành chính là Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa.
     Bốn là, có tài liệu nói Lý Nam Đế đuổi giặc thành công là nhờ hai tướng giỏi Tả tướng quân Triệu Quang Phục giỏi đánh thủy chiến, Hữu tướng quân giỏi đánh bộ mà sở trường là giáp chiến trực tiếp (giáp lá cà). Điều này có cơ sở vì sau này, khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lui về Đầm Dạ Trạch (thuận tiện cho thủy quân) tiếp tục kháng chiến, Phùng Thanh Hòa trụ lại vùng Sơn Tây -Xứ Đoài vì quen với đánh bộ.
    Tóm lại, về chân dung Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, theo chúng tôi là tiếp tục nên làm rõ các phương diện đặc sắc của nhân vật lịch sử thật sự tài năng và có công lớn với quốc gia.Tư liệu tham khảo nên được mở rộng từ nguồn cổ sử Trung Hoacác triều để thêm khách quan và khoa học.
 
  

[1]Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá (2007), Lịch sử cách mạng xã Phùng Xá (1945 - 2007), Công ty Cổ phần in và Thương mại Hà Nội, Tr 8.
 
[2]Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá (2007), Lịch sử cách mạng xã Phùng Xá (1945 - 2007), Công ty Cổ phần in và Thương mại Hà Nội.Tr 16.
[3]Nơi ở của Phùng Thanh Hòa lúc còn sống về sau được dựng đình làng, nơi có bài vị, sắc phong, câu đối, hoành phi, kiệu, tán lọng để thờ ông.
Tích nhật An Hoa kim Phùng Xá
Công minh Tiền Lý hiển Lê thì
và:
Phụ Tiền Lý, kiến độc lập kỳ - thống nhất sơn hà tôn đế quốc
Chuẩn Phùng Thôn, vi phụng tự sở - thiên thu miếu mạo phúc cư dân.

 
[4]Thần phả Đình Phùng Xá chép: “Khi Ngài sinh ra thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh học một biết mười. Ngoài việc học chữ nghĩa văn chương, Ngài lại học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi. Không những thế Ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Nam Lương đô hộ. Nhân dân lầm than đói rách khổ cực vô cùng. Năm Tân Dậu (541), Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đuổi được thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên. Tuy Ngài còn ít tuổi nhưng vốn tài năng xuất chúng, cũng triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng. Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi vua tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức. Quân nhà Lương lại cho Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù. Vua Lý Nam Đế bị vây hãm ở thành Gia Ninh. Thế giặc rất mạnh, ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần (546), Ngài được phong là Hữu tướng quân, rồi đem quân giải vây, cứu vua cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục ở hồ Điển Triệt”.