Không hiểu sao, mỗi lúc được trò chuyện với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, tôi luôn thấy vừa thoải mái vừa thanh thoát trong đường ăn nhẽ nói. Bỗng như thấy mình thông minh hẳn ra, dám nói thẳng những điều mà với người khác còn e ngại. Nói một cách đường hoàng không cần che chắn. Kể cả về lịch sử. Kể cả về những nhạy cảm trong thời cuộc bang giao với phương Bắc, phương Tây. Nguyễn Hữu Nhàn thường lắng nghe chân thành và lập tức có những câu đỡ chuyện rất tài tình, như khuyến khích người đối thoại hãy cứ nói hết suy nghĩ của mình. Ông đích thực là một trí thức.
Không hiểu vì sao và do đâu, chúng ta luôn đồng nhất trí thức với học hàm, học vị. Vậy các nhà văn với tác phẩm của mình được nghiên cứu sinh làm luận văn tiến sĩ, thạc sĩ thì đặt vào đâu? Tôi cho rằng họ mới là những trí thức đích thực.
Nguyễn Hữu Nhàn là một trí thức như vậy.
Trong các cuộc trò chuyện gần đây với Nguyễn Hữu Nhàn, tôi đã ngộ thêm một điều, làm nhà văn, dứt khoát phải phản biện bằng tác phẩm. Người đương thời, các khu vực khác nhau trong thể chế hiện hành có thể họ không lập tức lắng nghe những phản biện ấy, nhưng về lâu về dài, lúc này lúc khác, những phản biện đúng đắn chắc chắn sẽ được lắng nghe. Thể chế của chúng ta tuy không ít hôn quan, thậm chí là quan rất cao đã dùng mưu mẹo của loại trảo nha, thủ đoạn tinh vi, hung hiểm để làm băng hoại đạo đức, suy sụp niềm tin, nhưng nhất định những người hiền tài vẫn được trọng dụng. Và chính họ mới là trọng lực, trụ cột để phát triển bền vững đất nước. Điều này rất cần các nhà văn, nhất là các nhà văn trí thức đặt niềm tin.
Cái cách phản biện qua tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn luôn độc đáo khác người. Cảm giác ông luôn đơn thương độc mã xung trận giữa cái xấu cái ác mà ái ngại. Song, đó chỉ là suy nghĩ bề nổi mà thôi. Bên cạnh ông chính là nhân dân cần lao, họ vừa là nhân vật vừa đồng hành với ông trong từng trang viết. Bên cạnh ông còn là lẽ phải, là tinh hoa từ nguồn cội đã theo mạch ngầm thấm đẫm vào ông, từng trang viết, từng tác phẩm.
Trên tám mươi tuổi, gần 20 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, gần 20 công trình nghiên cứu văn hóa và kịch bản phim đã cho thấy sức lao động và tính phản biện xã hội quyết liệt của vị lão trượng trong làng văn bút. Ông không chỉ sừng sững với anh chị em văn nghệ sĩ vùng đất Tổ, mà cái chính yếu, cái khởi nguồn và cái bất tận nhất chính là sự ưu ái của bạn đọc, của nhân dân dành cho lão nhà văn. Trẻ con cũng biết ông qua những thước phim truyền hình mà ông là tác giả kịch bản. Người cao tuổi càng biết ông - một tay cự phách trong làng văn bút đã nói lên được những tâm can chất chứa, ẩn khuất thiệt thòi của cuộc đời mình. Giới lãnh đạo trong tỉnh, ngoài tỉnh các thời kỳ đều nể trọng ông, một lão mai cốt cách vững vàng, quyết liệt và trung thực. Từ những hiển hiện trên, tôi cho rằng Nguyễn Hữu Nhàn đích thị là một người thành công và hạnh phúc.
Điều gì làm nên một Nguyễn Hữu Nhàn?
Tác phẩm thì đã hẳn, trùng điệp mang mang, vừa vạch ra những thiếu khuyết, tha hóa của con người vừa lặng thầm vun vén những hạt mầm nhân văn lấp lánh. Văn như người, khi gân guốc lẫm liệt, khi trầm hậu ẩn nhẫn đến kiệt cùng. Lại người cũng như văn, lúc thẳng băng bất chấp mọi uy quyền, nhưng luôn rất biết mềm mại uyên nguyên trong xử thế, kể cả là những việc tưởng như cỏn con nhất.
Đối thoại với Nguyễn Hữu Nhàn không chỉ luôn cảm thấy yên tâm mà còn luôn được bình tâm luận thẳng vào những chỗ khó nhất của cuộc đời, của văn chương. Luôn nhiều năm theo đuổi và dành nhiều tâm sức, trí tuệ cho mảng lịch sử dân tộc, đã nhiều lúc tôi cảm thấy rất có thể đã phạm đến lằn ranh đỏ, phạm đến những kỵ húy và phảng phất xuất hiện sự sợ hãi, song trước Nguyễn Hữu Nhàn, tôi luôn bình tĩnh trình bày được một cách trung thực tư duy, thậm chí chỉ là những suy đoán có khi là võ đoán về lịch sử, về văn chương viết về lịch sử. Nếu là với một người khác, chắc chắn tôi không nói được, không phải không dám nói, mà là không có hứng thú nói ra những nghiền ngẫm khác biệt của mình. Nhiều nỗi sợ đã làm nhỏ bé các nhà văn.
Tôi luôn cảm ơn ông và nhà văn Nguyễn Thị Hồng Chính đã mời tôi lên nói chuyện chuyên đề về sáng tác đề tài lịch sử. Nhất là sự lắng nghe, trao đổi, giao lưu, thậm chí là đặt ra những câu hỏi khó, để từ đó biết cách trưởng thành và cống hiến cho văn học đề tài lịch sử, một địa hạt hãy còn khá trống vắng.
Càng gần gũi Nguyễn Hữu Nhàn, tôi càng cảm nhận ông rất biết cách truyền cảm hứng cho anh chị em văn nghệ sĩ trẻ. Nguyễn Hữu Nhàn thường nói ít, nghe nhiều. Ông viết rất khỏe và đọc rất tinh. Trong tập sách Quê hương và bầu bạn (660 trang, gồm truyện ngắn, bút ký, khảo cứu văn hóa, tâm sự nghề văn, chân dung bạn bè và nhiều trang đồng nghiệp viết về ông), dường như đã định luận rõ nét nhất một Nguyễn Hữu Nhàn sum suê nguồn cuội. Chỉ có đam mê đến tận cùng, luôn thao thức và xông xáo vào vùng đất khó, luôn chất vấn tất cả, phản biện nhiều khu vực, mới có được đời văn vạm vỡ nhường ấy. Lao động nghề văn nếu chỉ cậy tài thì con đường đi tới ngõ cụt cũng dễ là gang tấc. Lao động nhà văn, nhất là văn xuôi, nhất là các nhà văn viết tiểu thuyết, không chỉ đòi hỏi sức khỏe tinh thần mà đôi khi thể chất cũng phải cần rất khỏe mạnh mới có thể đi trăm vùng đất, gặp muôn nghìn người, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, lại còn phải biết khái quát lên thành những câu chuyện có tính biểu tượng, quả thực đòi hỏi sức lực lớn lao của nhà văn. Điều này không phải ai cũng có được. Khi có rồi mà trái tim nguội lạnh, niềm tin chao đảo, tà tâm thiên kiến cũng chỉ là nước đổ lá khoai. Điều này tuy không nói ra, nhưng tôi luôn hiểu Nguyễn Hữu Nhàn đã từ lâu thuộc nằm lòng.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn sinh thời gắn bó rất mật thiết với nhà văn Sao Mai. Hai ông như hai kiếm khách vùng đất trung du phía Bắc. Sao Mai nhiều giai thoại. Có giai thoại hư hư thực thực nhưng tựu chung cũng như hạt lúa củ khoai làm ấm bụng người buổi nhỡ nhàng. Nguyễn Hữu Nhàn khác hơn, những câu chuyện ông viết, những câu chuyện về ông đều là sự thực. Ngay cả những tếu táo của cánh trẻ dành cho ông cũng chân thực, sinh động tới ngỡ ngàng. Trước mắt tôi, một nữ nhà văn trẻ đang rất nghiêm trang “báo cáo bố Nhàn” xin ý kiến mà bất thình lình lại bảo “anh Nhàn ơi, em uống với anh chén rượu nhé”. Lão nhà văn cứ tủm tỉm nâng ly khiến mấy người đẹp bàn bên đột ngột ghen tị ào đến vây lấy ông. Một bạn trẻ xinh lắm, áo trắng thướt tha, khuôn ngực căng đầy, đôi mắt lúng liếng tiến sát sạt vào ông như muốn ôm chặt mở miệng hoa nói lớn: “Em cấm anh từ rày trở đi không được kể chuyện ngày trước anh chơi với ông em, đến nhà bế em xi tè làm em ngượng chết đi được. Anh nhớ chưa!” Nói đoạn, “tiểu hồ ly” dí tay lên trán “anh Nhàn”. Mọi người cười lớn mà trong bụng ai cũng thầm ghen tị với lão nhà văn.
Đối với văn chương, nhất là nguồn cội, Nguyễn Hữu Nhàn luôn đau đáu. Ông lúc nào cũng viết mà lúc nào cũng xắn tay áo quán xuyến chuyện viết lách của giới văn bút trẻ vùng đất Tổ. Chi hội nhà văn Phú Thọ với con số trên 20 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thấm đẫm không ít mồ hôi nước mắt, nhất là thấm đẫm tấm lòng ông với mỗi người. Ông bề ngoài trông nhàn nhã ung dung nhưng thực ra bên trong luôn lo toan tất bật cho mọi người, mọi chuyện, nhất là chuyện sáng tác. Chính ông đã nhiều lần giật mình vì những ì ạch không đáng có của một số cây bút trẻ. Ông sốt ruột như chính mình đang bế tắc và luôn dằn vặt để tìm cách khơi thông các khu vực sáng tác. Quả thực những lúc như thế, Nguyễn Hữu Nhàn rất đáng yêu và có phần hồn nhiên. Có lẽ nào ông cho rằng những người viết trẻ ai cũng phải phấn đấu một mạch để trở thành Hữu Thỉnh? Chuyện này là không thể. Nhưng không vì thế mà Nguyễn Hữu Nhàn không đặt ra. Thì chính văn chương và nguồn cội đã luôn thôi thúc ông điều đó.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn luôn tìm mọi cách để tạo ra những cuộc giao lưu, hội thảo, hội nghị về văn học nghệ thuật, nhất là về sáng tác. Trong những cuộc ấy, ông luôn là người đến sớm đón khách và dời đi sau cùng. Ở những cuộc như thế, chính là ngọn lửa trong trái tim ông được cháy sáng, được thu nhận những năng lượng của nhiều người, dẫu chưa xuất sắc nhưng đã là những nhen nhóm, gợi mở, thậm chí là những thách thức để chúng ta có được nhiều tác phẩm hay hơn.
Đối với cá nhân tôi, thế hệ sau ông, mỗi khi soi rọi vào tấm gương lứa các ông, với vùng đất Tổ là Sao Mai, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Hữu Nhàn... mà bỗng thấy chộn rộn điều khó tả. Chúng ta phải sống và phải viết tốt hơn, dày dặn hơn, bởi quê hương và nguồn cội đã cho chúng ta thật nhiều, nhất là sự mạnh mẽ để có được niềm tin trong cuộc sống.
Mà niềm tin và sự mạnh mẽ ấy, nhất định có sự đóng góp của văn học nghệ thuật, của những cá nhân như nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.
Theo Nhà văn Phùng Văn Khai / Văn nghệ số 24/2022