Nhà thơ Lê Huy Quang đã qua đời lúc 21h30 ngày 21/8, hưởng thọ 77 tuổi. Thơ Lê Huy Quang là chính yếu cống hiến của anh với văn học nghệ thuật. Mưu sinh bằng gì chẳng rõ nhưng rõ ràng Lê Huy Quang luôn dành tất tật tài năng và trí tuệ cho thơ.
Không phải bóng cây đâu
Đó là tay em xòe ngõ
Và mở... giấc anh về
Để - bắt - đầu - như - thế - lại - ra - đi
Tôi hoàn toàn không nhớ mình đã gặp nhà thơ Lê Huy Quang như thế nào, ở đâu, nhất là những buổi đầu tiên càng không sao nhớ được. Cũng chẳng nhớ để làm gì. Nhưng thơ anh thì tôi luôn nhớ, thuộc và đọc ở bất cứ đâu tùy thích như bài Đi trích dẫn ở trên.
Tôi vẽ lại Nam Cao từ trí nhớ
Làng Vũ Đại nơi Thị Nở, Chí Phèo cùng anh tâm sự
Rượu đầy rồi Nam Cao ơi...
Đó là trong Nam Cao với những Nam Cao ơi/ Hai giờ sáng nay tôi thức chong đèn/ Ba mươi năm rồi vai áo sờn trấn thủ mong manh... hoặc như Quê mưa: Anh yêu màu áo quê mưa em/ hong hong bạc nước/ ngập ngập ao làng/ ngập ngập đường ngang/ lối nhỏ hoa xoan xoan lá đỏ... hoặc như Sao đổi ngôi: Đêm hè/ sao đổi ngôi/ mặt người câm lặng/ đêm hè/ em đến màu xanh/ em đến tìm anh... hoặc như Đêm em: Không bao giờ như tôi đêm nay thương em/ vóc mặt em góc nhà sắc sẫm/ phố không đèn tôi dậy em hơn...
Ôi Lê Huy Quang! Làm sao kể hết ra được mà biết đâu Lê Huy Quang cũng đã quên rồi. Quên như: Cúi nhặt hình hài em/ chia làm ba khúc ngắn/ kết thành hình viên đạn/ bắn vào thinh không - Cúi nhặt hình hài nhân quả/ đặt kề bên vệ đường/ cúi nhặt hình hài ngọn cỏ/ úa - vàng - mùa - xuân (Mùa xuân)
Lê Huy Quang là người quá đặc biệt. Anh lúc nào cũng thúc giục chúng tôi phải làm điều này điều khác, nhất là trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Cuộc sống của anh là những khúc đời sống vừa bình yên vừa lẫm liệt. Từng đã có thống kê rằng, sự nghiệp của Lê Huy Quang bắt đầu từ nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam và kể từ đấy, anh đã gắn bó với Nhà hát Tuồng trong suốt ba mươi năm với bề dày thiết kế mỹ thuật sân khấu dân tộc, cùng với trên 300 vở diễn của các thể loại từ tuồng, chèo, kịch dân ca, cải lương, cho đến kịch nói, múa rối, xiếc và ca múa nhạc trên cả nước. Với trên 20 Giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc về mỹ thuật sân khấu, hội họa, đồ họa, minh họa, bìa sách và thơ ca; Lê Huy Quang đã khẳng định mình trong lòng đồng nghiệp, bạn bè và khán giả.
Thống kê như vậy có bình yên được chăng? Đời nào là được? Đời nào là không được? Trong khi Lê Huy Quang lúc nào cũng: Tôi lúc nào cũng đầy sương đêm/ sương từng ngày khác nhau/ sương từng tháng khác nhau/ sương từng mùa khác nhau/ sương từng người khác nhau/ sương con trai con gái.../ Tôi tự nuôi sống mình/ đơm hoa kết trái/ rồi trở về chôn chặt với đất sương (Sương). Càng quá lạ lùng khác biệt: Mở nhìn cửa sổ nhà em/ chấn song nhòe bóng nước/ ngước tìm xuôi ngược/ lăn phăn đan ngực gầy mưa/ anh vuốt vuốt môi mình/ kẽ nứt tê mùa gió/ vũng nước hè soi mặt trầm/ song song gờn gợn em/ mưa từ cao kia trở lại ao bùn/ ta từ ao bùn trở lại mùa xuân (Trở lại)...
Thì ra Lê Huy Quang làm mới thơ. Tôi biết anh rất được các ngài như Văn Cao, Hoàng Cầm... yêu thích và tự hào về thơ Lê Huy Quang. Còn cho rằng thiên hạ có Lê Huy Quang đã là ổn lắm. Thiên hạ nhân thiên hạ tài. Người đời phải sống với những tai ách của mình không nhất thiết phải như thơ. Không nhất thiết phải: Không phải bóng cây đâu/ Đó là tay em xòe ngõ/ Và mở... giấc anh về/ Để - bắt - đầu - như - thế - lại - ra - đi (Đi). Cuộc sống là cuộc sống. Cũng như Lê Huy Quang là Lê Huy Quang. Anh dẫu guốc mộc phong sương vẫn phải thực thi công việc đời giao cho mình. Những niềm riêng cất riêng vào một góc. Còn những sự chung vẫn phải lao động đến tận cùng. Đó là thuận theo lẽ phải trong cuộc sống. Đã có một thống kê rằng: “Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, với cảm xúc của một nhà thơ, một tấm lòng đam mê sân khấu, Lê Huy Quang đã bắt đầu viết kịch. Từ đó, ông sáng tác khá đều đặn, đến nay đã có trên 20 tác phẩm; một số vở diễn đã được các Nhà hát Trung ương, Hà Nội dàn dựng; cũng như phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà viết kịch Ngọc Thụ - Ủy viên BCH, Trưởng ban Sáng tác Hội Sân khấu Hà Nội - đã cảm nhận về kịch của Lê Huy Quang: Lấy cảm hứng chủ đạo là cuộc kháng chiến chống Mỹ và công cuộc xây dựng Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước; hình tượng người lính - anh bộ đội Cụ Hồ - luôn là một nhân vật trung tâm của các vở diễn, trong chiến đấu trước đây, cũng như trong cuộc sống thường nhật hôm nay. Đậm đặc chất thơ, cấu trúc mạch lạc, dung dị và nhiều cảm xúc, suy tưởng, đó là phong cách viết kịch của Lê Huy Quang”.
Nhà thơ Lê Huy Quang
Tôi luôn lấy làm lạ rằng, người đời rất ít luận bàn về thơ Lê Huy Quang, trong đó thơ anh mới là chính yếu. Như anh viết: Trắng đêm còn trắng nữa/ trắng cả hai bàn tay/ trắng vô cùng giọt sữa/ trời đất pha vơi đầy - Ta đi lơ đễnh giữa đời/ cạn dòng nước mắt không lời hát ru/ ngửa bàn tay tính cuộc cờ/ bao năm là thế bây giờ là đây (Ở giữa bình yên); Đừng tìm nhau nữa em ơi/ những câu thơ mùa hè đã chết/ hoa phượng đỏ thắp cao trời ngọn đuốc/ ta gập ghềnh qua buốt gió heo may - Váy em bay căng một cánh buồm/ Hon-đa lướt giữa chiều nhạt nắng (Mùa hè)...
Thơ Lê Huy Quang là chính yếu cống hiến của anh với văn học nghệ thuật. Mưu sinh bằng gì chẳng rõ nhưng rõ ràng Lê Huy Quang luôn dành tất tật tài năng và trí tuệ cho thơ. Thơ Lê Huy Quang dường như bất chấp mọi cung bậc thẩm mỹ thông thường. Đúng sai logic có là quái gì với thơ. Càng không thể nào từ thơ mà vinh quang lẫm liệt hay thua thiệt muôn trùng. Thơ là thơ. Thơ là phải khác và phải mới. Tất tật những khúc thơ: Bài hát mở mùa 1988; Sao đổi ngôi; Đêm em; Mùa xuân; Bâng quơ; Mưa mây; Biển trăng; Mốt và em; Sài Gòn hè 1993; Khát vọng; Giao thừa; Tay em; Hững hờ; Ba khúc viếng; Cầu vồng; Chân dung hai mươi mốt; Biển cuối; Chợ sinh viên... đều là như vậy. Đó như là: Nghe như gió chuyển sang mùa/ giọng nói bạn bè đã pha màu đố kỵ/ bay đi một cọng lá vàng - Tất cả mọi người đều tiến lên hối hả/ riêng ai lùi lại một mình/ Tất cả mọi người đều reo lên hỉ xả/ riêng ai ngơ ngác lặng câm/ Tất cả mọi người đều vỗ tay như sấm/ ai như vô hình bay lên (Phải khác).
Lê Huy Quang là vậy, đâu như gió rầm rì, đâu như gió mở, đâu như gió động chân bèo ngơ ngẩn bình minh. Nghĩa là lật bất cứ trang nào Thơ Lê Huy Quang đều thấy sự đồng hành chia sẻ nhưng cũng quá đỗi mịt mùng sông biển. Thế giới vô cùng vạn vật giai không. Lê Huy Quang dẫu Phật tính đầy mình song cuộc đời bãi bể nương dâu không phải lúc nào cũng áp đặt cái thành thạo riêng mình cho thiên hạ. Lê Huy Quang rất biết điều ấy. Âu cũng là lẽ thường để chúng ta cất bước trong hành trình giúp đời hữu ích hơn, sáng trong hơn.
Tôi với nhà thơ Lê Huy Quang biết bao phấn khởi phập phồng càng biết bao niềm tin cậy. Anh như một người anh siêng năng và thông thái, cái gì cũng biết, cái gì cũng tường minh chỉ bảo chúng tôi. Tại sao với riêng thơ, tuyệt đối Lê Huy Quang không chỉ bảo, mà chỉ bằng vào những sắc vóc riêng để đàn em tự ngộ ra từng sát na: Nâng giọt rượu vui buồn đắng cay san sẻ/ nỗi đau nào đầy nước mắt nhân gian/ cạn đi em... và say đi em nhé/ trọn tình quê lắng đọng suốt ngàn năm (Rượu quê); Anh yêu màu áo quê mưa em/ trẻ con đẵm mình rộn bờ ao/ non non mạ cấy/ khơi khơi mắt giếng tròn/ tre làng lớp lớp măng/ xuôi bè lá/cây đa già tán ô che khắp ngả (Quê mưa)... và nhất là Lê Huy Quang luôn cách ngôn nhắn gửi riêng chung: Không còn Ông đồ nữa/ giữa phố hè như nêm/ chỉ còn hàng và hóa/ người và xe chật đường (Ông đồ); Đường phố em về sau lưng áo/ cái cây chờ cao một bóng xanh/ ai dắt ai về ai thức dậy/ sang đông úa lá khô cành/ có những nấm mồ mùa nào cũng xanh (Ba khúc viếng Thâm Tâm).
Có những nấm mồ mùa nào cũng xanh như những câu thơ xanh thắm của Lê Huy Quang đã nửa thế kỷ an nhiên bền vững. Một Lê Huy Quang từng khiêng vác trường ca thuở hai mươi tuổi xanh vằng vặc với tâm sự hết sức chân thành: “Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Việt Nam - đã đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ đồng bào cả nước, bầu bạn khắp năm châu chia niềm đau thương vô hạn, mà ngay cả đất trời, vũ trụ cũng nghiêng mình tưởng niệm Bác. Hà Nội nghiêng mưa suốt cả tuần... Mới ngoài hai mươi tuổi, quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nghệ An, rong ruổi trên chiếc xa đạp cà tàng quanh quanh Hà Nội, tôi bắt đầu viết Trường ca Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 1969 đáng buồn đó. Đúng tám tháng sau, ngày 19 tháng 5 năm 1970, kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Bác, tập trường ca hoàn thành. Vậy mà, mãi hai mươi năm sau, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (tháng 5 năm 1990), Trường ca Hồ Chí Minh mới được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành ra mắt bạn đọc”.
Vậy mà thấm thoắt đã hơn ba mươi năm.
Chớp mắt Lê Huy Quang đã lừng danh với nhiều tập sách, nhiều chức danh hội hè đông tây nam bắc. Nhưng nào có hề gì? Lê Huy Quang vẫn là Lê Huy Quang với chân thành và đắm say đến tận cùng như những bài thơ anh viết thuở ban đầu: Quê cha; Những bài hát ru là mẹ; Xóm ca; Giêng xuân; Hành hương; Đầu ô chuyển gió; Sông Hồng; Lời hát; Chợ hoa; Hương nắng; Chiều phố; Thanh âm; Những khúc hát em; Quê mưa; Người con gái ấy; Tháng ba Quy Nhơn; Nhớ Hàn Mặc Tử... nghĩa là đã riêng một Lê Huy Quang tuyệt không trộn lẫn với ai.
Quê hương đi mấy vẫn gần. Lê Huy Quang dù có đi đâu về đâu vẫn dành tìm đường về quê cha đất Tổ. Chúng ta dẫu thành bại thế nào thì hai tiếng quê hương vẫn hết sức thiêng liêng. Lê Huy Quang từng tâm sự bằng giấy trắng mực đen: “Vì thế, cứ mỗi lần có dịp trở về thăm quê hương Nghệ - Tĩnh, nơi sinh ra, lớn lên, rồi phải cách xa; trong tôi bao giờ cũng có cảm giác như tự nhìn lại chính mình. Những học hành, làm ăn, công việc, gia đình, bạn hữu, tiền bạc, đất đai, nhà cửa. Những được thua, còn mất, ngọt ngào, cay đắng. Những danh vọng hào nhoáng, hão huyền... đan xen giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một gã trai quê tự ném mình ra giữa chốn Thăng Long phồn hoa đô hội. Nhưng nghĩ cho cùng, hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ, chính là được vẽ, được viết, được sáng tạo với những niềm vui, nỗi buồn của riêng lòng mình và của nhân dân...”
Đó cũng là sự tự cân bằng từ quê hương của Lê Huy Quang vậy.
Nào riêng gì Lê Huy Quang, trước đó các bậc tiền nhân, những nhân sĩ trí thức suốt đời cống hiến cho nhân dân, Tổ quốc đã ra đi như vậy. Ra đi tới những biển lớn dài rộng, để hiểu được sức vóc, trí tuệ của mình khi trở về xây dựng quê hương. Và chính Lê Huy Quang chứ không phải ai khác, đã cảm nhận sâu sắc điều đó từ khi anh còn rất trẻ, khi anh thực hiện Trường ca Hồ Chí Minh nhiều lần tái bản đã cho thấy một mỹ cảm rất mới, rất khác của anh.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI