(Thứ năm, 22/07/2021, 01:42 GMT+7)
(ĐCSVN) – Sinh năm 1929, xuân này người anh hùng dân tộc Nùng, tên tuổi lừng lẫy gắn liền với những chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào đã bước sang tuổi 83. Dù tuổi cao, nhưng nước da vẫn rám đỏ, mọi cử chỉ, hoạt động vẫn hoạt bát, minh mẫn, nhất là giọng nói vẫn sang sảng như ngày nào còn hô khẩu lệnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Người dân tộc Nùng (Cao Bằng), mồ côi mẹ từ lúc một tháng tuổi, lớn lên phải đi ở đợ để trả nợ và kiếm sống... Cứ tưởng tuổi thơ lam lũ, bất hạnh sẽ mãi mãi chôn vùi ước mơ và hoài bão của người thanh niên sống trong cảnh nước mất, nhà tan. Dù chữ không biết một nét, tiền không có một xu, nhưng cái nghèo, cái dốt...không thể nào kìm hãm và trói buộc được bước chân của người thanh niên luôn khát khao kiếm tìm tự do và luôn tìm cách để đền nợ nước, trả thù nhà. 16 tuổi, Phùng Văn Khầu trốn nhà vào bộ đội, rồi được biên chế vào đơn vị pháo binh. Không biết chữ, suốt ngày chỉ quen với cái nương, cái rẫy, giờ làm quen với khẩu pháo với biết bao chi tiết, kỹ thuật...thật khó khăn. Không thể sử dụng máy ngắm, Phùng Văn Khầu ngắm bắn qua nòng. “Trăm hay không bằng tay quen”, dù lúc đầu chưa thật chuẩn, nhưng tập mãi cũng thành quen, Khầu ngắm bắn qua nòng không thua gì ngắm máy.Trong chiến dịch Điện Biên Phủ vô cùng ác liệt, toàn khẩu đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Lần lượt đồng đội trong khẩu đội đều đã hy sinh, chỉ còn lại một mình Phùng Văn Khầu với khẩu pháo 75ly nặng 500kg. Vậy là công việc của 9 người trong khẩu đội giờ dồn lên vai một mình Khầu. Bao nhiêu căm hờn và quyết tâm trả thù cho đồng đội anh đều dồn lên khẩu pháo. 22 quả đạn pháo lên nòng thì 21 quả trúng mục tiêu quân thù. Tổng cộng, Khầu đã tiêu diệt 5 khẩu pháo 105ly, 6 khẩu đại liên, 4 lô cốt, 1 kho đạn của địch....Chiến công của anh đã đóng góp một phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
Trong chiến tranh hay ở thời bình, dù ở cương vị nào Phùng Văn Khầu vẫn luôn là một anh hùng, một tấm gương sáng để mọi người noi theo. Và cũng vì những thành tích vang dội đó, anh đã vinh dự được gặp Bác nhiều lần.
 

Anh hùng Phùng Văn Khầu - Ảnh: Hà Phương
 
Lần thứ nhất, đó là khi chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc, tháng 5 năm 1955 Phùng Văn Khầu được thay mặt đơn vị lên báo công với Bác tại Chiến khu Việt Bắc. Dù đã 60 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc tới kỷ niệm đó anh hùng Phùng Văn Khầu vẫn không thể  cầm nước mắt vì xúc động. Ông kể "Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi mới chỉ được nghe kể về Bác Hồ và trong những lúc chiến đấu ác liệt nhất giữa cái sống và cái chết, Bác Hồ chính là động lực để chúng tôi vượt qua mọi nỗi sợ hãi, anh dũng chiến đấu. Giờ được gặp Bác, lại được Bác trực tiếp gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, người tôi run bắn. Trong rất nhiều người trong đoàn, Bác Hồ tiến tới ôm hôn tôi, dặn tôi chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, Chiến sĩ Điện Biên Phủ phải luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành; phải trung thực, thật thà, thẳng thắn học hỏi để tiến bộ"....
Lần thứ hai anh hùng Khầu được gặp Bác Hồ trong Đại hội tuyên dương danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Cũng như lần trước, Bác Hồ trực tiếp gắn Huân chương Quân công hạng Ba và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Phùng Văn Khầu. Bác còn ân cần dặn dò: Không được tự kiêu, tự mãn, luôn khiêm tốn, thật thà, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm...
 
Thấm thía lời Bác dặn, năm 1957, dù lúc đó đã 27 tuổi nhưng Phùng Văn Khầu mới bắt đầu đi học vỡ lòng và được cử tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Trong dịp này, Phùng Văn Khầu lại một lần nữa vinh dự được gặp Bác Hồ. Lúc đó Bác Hồ chuẩn bị đi thăm 12 nước XHCN, Bác trực tiếp đến giao nhiệm vụ cho đoàn Thanh niên Sinh viên đi dự Liên hoan.
 
Theo trí nhớ của anh hùng Phùng Văn Khầu, mặc dù lúc đó đã có tuổi lại vất vả vì phải lo xây dựng đất nước sau chiến tranh nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian quan tâm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, sinh viên. Bác Hồ dặn dò: thanh niên, sinh viên chính là những chủ nhân tương lai của Đất nước, việc tham dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới lần này chính là cơ hội để thanh niên, sinh viên Việt Nam giao lưu và hội nhập với thanh niên, sinh viên thế giới. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, thanh niên, sinh viên tham dự Liên hoan phải biết tận dụng cơ hội để học hỏi, lĩnh hội kiến thức từ thanh niên, sinh viên các nước bạn.
 
Tháng 7/1965, Bác Hồ lên thăm Khu Tự trị Việt Bắc, nhân dịp này Bác đã đến thăm gia đình anh hùng Phùng Văn Khầu, khi anh hùng Khầu đang chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Thân mật như người trong gia đình, Bác Hồ ân cần chia bánh kẹo cho hai con gái của người anh hùng. Bác dặn cô Cay (Vợ anh hùng Khầu) phải nuôi con khoẻ, dạy con ngoan và thường xuyên liên lạc, động viên "để chú Khầu yên tâm chiến đấu ở chiến trường".
 
Năm 1969 khi đang chiến đấu ở Huế, Phùng Văn Khầu được cử ra Hà Nội gặp Bác Hồ và dự mít tinh 2/9.
 
5 lần được gặp Bác Hồ là 5 niềm vinh dự và hạnh phúc nhất trong đời anh hùng Phùng Văn Khầu. Những lời dặn dò ân cần của vị Cha già mỗi khi gặp mặt đã định hướng, nâng đỡ và soi sáng suốt chặng đường đời của người anh hùng. Năm nay đã 83 tuổi, nhưng anh hùng Phùng Văn Khầu vẫn khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác.

Nguồn: Theo dangcongsan.vn
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/anh-hung-phung-van-khau-va-ky-uc-ve-bac-ho-110055.html