(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:05 GMT+7)

Bác sĩ Phùng Văn Cung sinh ngày 15/5/1909 tại thôn Tân Bình, xã Tân An, tổng Bình Long (nay là khóm 1, phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học và yêu nước. Người cha thân yêu của ông là Phùng Văn Thân có tinh thần chống lại ách nô dịch của thực dân Pháp và đã ngã xuống trong một cuộc đấu tranh với lính Pháp đến cướp của, đốt nhà của dân. Ngay từ nhỏ, Bác sĩ Phùng Văn Cung đã bộc lộ tư chất thông minh, có chí học tập, có lòng  thương người. Học hết phổ thông, ông thi vào đại học Y với ước mong trở thành bác sĩ giỏi để chữa bệnh cứu người. Với khát vọng cống hiến và làm việc có ích cho đồng bào, kể từ khi vào ngành y đến khi chuyển sang hoạt động chính trị - xã hội, trở thành người chiến sĩ cách mạng, dù trong điều kiện hoàn cảnh nào, dù ở trên cương vị nào, Phùng Văn Cung vẫn luôn là tấm gương tiêu biểu của một nhà trí thức yêu nước, sẵn sàng dâng trọn đời mình vì một lý tưởng sống phụng sự nhân dân.

Phẩm chất tốt đẹp thể hiện rõ nét của Bác sĩ Phùng Văn Cung chính là  tấm lòng nhân đức, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm của trí thức đối với cách mạng.

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1937, Bác sĩ Phùng Văn Cung mở phòng mạch ở thủ đô Phnôm Pênh - Camphuchia. Khi Nhật đảo chính Pháp, Bác sĩ trở về quê hương Sa Đéc, mở phòng mạch chữa trị bệnh, giúp đỡ dân nghèo. Ông coi những bệnh nhân như những người thân, tận tâm chăm sóc. Đối với những bệnh nhân nghèo, ông khám và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, đồng bào, bệnh nhân  rất mực tin yêu, kính nể và quý mến ông.

Trong Cách mạng tháng Tám -1945, Bác sĩ Phùng Văn Cung cũng như bao thanh niên khác đã tích cực tham gia đấu tranh giành chính quyền ở Sa Đéc. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, vì nhiều lý do, Bác sĩ Phùng Văn Cung tuy chưa ra bưng biền kháng chiến, song, với trách nhiệm người thầy thuốc, với lòng thương yêu sâu sắc đối với người nghèo khổ, Phùng Văn Cung tiếp tục tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo.  Năm 1957, ông được cử làm giám đốc Y tế ở các tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang) và Rạch Giá (nay là Kiên Giang) và sau đó làm bác sĩ tại bệnh viện Phúc Kiến ở Chợ Lớn. Tuy là một công chức cao cấp của chính quyền Việt Nam cộng hòa, nhưng ông vẫn gần gũi nhân dân, hết lòng tận tuỵ phục vụ bệnh nhân.

Bác sĩ Phùng Văn Cung không những là một thầy thuốc được đồng bào mến phục vì lòng tận tụy phục vụ bệnh nhân mà còn được kính phục bởi lòng nhiệt tình yêu nước nồng nàn của ông. Sống trong lòng địch, Bác sĩ Phùng Văn Cung luôn đau đáu nỗi đau của người dân mất nước, đồng tình và tích cực ủng hộ cách mạng. Ông luôn tận dụng mọi cơ hội để chuyên chở dụng cụ, thuốc men và vũ khí cung cấp cho lực lượng cách mạng ở ngoại thành bất chấp mọi hiểm nguy cho bản thân để bảo vệ, giúp đỡ cán bộ kháng chiến hoạt động trong nội thành. Bác sĩ còn bí mật ra bưng biền giúp các bác sĩ kháng chiến điều trị cho thương binh  bất chấp nguy hiểm của bản thân.

Bác sĩ Phùng Văn Cung còn tích cực đấu tranh chống các chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với trí thức như: âm mưu trưng tập bác sĩ đưa vào quân đội, bắt y, bác sĩ học tập và “tố cộng”. Những hoạt động yêu nước và cách mạng của ông bị chính quyền địch phát hiện, chúng dùng mọi thủ đoạn, dụ dỗ, mua chuộc, "đãi ngộ" , phong hàm Thiếu tá biệt phái trong ngành y cho ông; đồng thời hăm dọa ông "đừng có dính líu đến cộng sản". Nhưng những thủ đoạn thâm độc và trắng trợn của chính quyền Sài Gòn  không làm ông chùn bước, không ngăn được ý chí của ông hướng về cách mạng. Tấm lòng nhân đức hết lòng cứu chữa bệnh nhân của ông là một biểu tượng sáng ngời của người bác sĩ nhân dân tận tâm, tận lực vì sự nghiệp cứu người, và cao cả hơn, đó là một bác sĩ không ngại hy sinh gian khổ, mang lại liều thuốc sống cho biết bao chiến sĩ cách mạng đang đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là tấm gương về cống hiến, không ham phú quý, không màng danh lợi.

Là một trí thức yêu nước đã có nhiều năm đóng góp và ủng hộ cho cách mạng, tài năng và đức độ của Phùng Văn Cung ngày càng nổi tiếng và được đồng bào nhiều nơi biết đến và yêu mến. Nhận thấy rõ sức ảnh hưởng cũng như tấm lòng kiên trung, yêu nước của bác sĩ Phùng Văn Cung, năm 1960, để chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ cho người vào Sài Gòn mời Bác sĩ ra chiến khu tham gia kháng chiến. Mặc dù đang sống trong cảnh giàu sang, ổn định, có địa vị trong chính quyền Ngô Đình Diệm, Bác sĩ Phùng Văn Cung không chút đắn đo, theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, sẵn sàng hy sinh tính mạng, từ bỏ sự nghiệp, cơ ngơi lớn ở Sài Gòn mà vợ chồng ông dày công gây dựng, bí mật đưa cả nhà vào chiến khu Miền Đông Nam bộ với hai bàn tay trắng, chấp nhận cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt. Đó là một hy sinh lớn lao của một nhà trí thức có nhân cách lớn như bác sĩ Phùng Văn Cung; là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu bước chuyển trong cuộc đời của  ông, từ một bác sĩ  yêu nước dấn thân trở thành chiến sĩ cách mạng kiên trung, xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại căn cứ cách mạng, mặc dù cuộc sống, sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ với giường vạt chõng tre, mái lá, cơm muối, bom đạn ác liệt khác hẳn với cuộc sống trước đây trong đô thành Sài Gòn, bác sĩ Phùng Văn Cung vẫn bình tĩnh, điềm đạm, chấp nhận mọi hoàn cảnh, nhanh chóng hòa nhập và thích nghi cuộc sống mới, vượt qua gian khổ. Hình ảnh ông giản dị, nghiêm túc với tinh thần làm việc cần mẫn là mẫu mực về một nhân cách lớn, là tấm gương trí thức hết lòng vì dân, vì nước cho các cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tấm lòng ấy, nhân cách ấy vẫn tiếp tục phát huy và tỏa sáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay cả khi ông tuổi cao sức yếu, ông muốn dành trọn tâm, sức, trí tuệ và tài năng cho dân, cho nước. Cho đến sắp mất, ở tuổi 78,  bác sĩ Phùng Văn Cung  vẫn luôn giữ được phẩm chất cao quý của một nhà trí thức, một người chiến sĩ cách mạng đã dành trọn cuộc đời cho dân cho nước, “không màng danh lợi, không ham giàu sang”.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức lớn, có khả năng tập hợp mọi lực lượng yêu nước góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

 Ngay khi vào chiến khu - nơi rừng thiêng nước độc để tham gia kháng chiến, bác sĩ Phùng Văn Cung đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. Ngoài việc chữa bệnh cứu người, ông đã làm việc với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tham gia dự thảo Chương trình 10 điểm và Lời kêu gọi nhân dân miền Nam đoàn kết đứng lên giành chính quyền: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu duới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”[1]. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập, trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên cương vị mới, bác sĩ – nhà trí thức – người chiến sĩ cách mạng Phùng Văn Cung đã phát huy vai trò, uy tín và ảnh hưởng của mình, cùng Mặt trận kêu gọi và thu hút tất cả những lực lượng yêu nước đấu tranh giành độc lập.

Sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân (1968), dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Mặt trận dân tộc giải phóng, nhân dân ở các đô thị đã nêu cao lòng yêu nước, tập hợp lực lượng liên kết với mặt trận để đánh bại kẻ thù. Ngày 20-4-1968, nhóm trí thức ra vùng giải phóngđã cùng một số nhân sĩ yêu nước mở Đại hội thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam” do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch nhằm đoàn kết và tranh thủ thêm một số trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các thành thị và một số người có xu hướng chính trị hòa bình, trung lập nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1969, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam đã liên hiệp với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết toàn dân chống Mỹ, cứu nước. Bác sĩ Phùng Văn Cung được tín nhiệm cử làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trên cương vị mới, bác sĩ Phùng Văn Cung đã làm việc hết mình, góp phần kêu gọi các tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu và thủ đoạn nham hiểm, ngoan cố, lật lọng của Mỹ - ngụy; đồng thời kêu gọi toàn dân tăng cường đoàn kết, tích cực đẩy mạnh hoạt động để chống lại âm mưu phá hoại hiệp định Pari.

Để trực tiếp báo cáo với Bác Hồ về diễn biến cũng như tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam, đồng thời chuyển lời thăm của Mặt trận, Liên minh tới Bác, năm 1969, một đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm Bác Hồ và miền Bắc.  Bác sĩ Phùng Văn Cung và đoàn đại biểu được Bác Hồ tiếp thân mật, ân cần. Thay mặt nhân dân miền Nam, Bác sĩ Phùng Văn Cung chúc Bác, mong Bác mạnh khỏe và sống lâu để có thể vào thăm miền Nam.

Trở về sau chuyến ra thăm miền Bắc, ông càng thêm tin tưởng mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp tục cùng các vị lãnh đạo giương cao ngọn cờ mặt trận, tập hợp các lực lượng yêu nước. Đồng thời, chỉ đạo cuộc chiến đấu kiên cường, liên tục giải phóng các vùng rộng lớn - trong đó vùng Lộc Ninh  thuộc Chiến Khu D, nơi trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại đây, Chính phủ đã có nhiều cuộc đón tiếp ngoại giao và bạn bè quốc tế, đón tiếp các giới đồng bào và nhân sĩ yêu nước từ Sài Gòn và mọi miền Tổ quốc đến thăm và ủng hộ lực lượng kháng chiến.

Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, ông được các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức yêu nước kính nể, khâm phục và bầu ông làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam, đem tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam, tố cáo tội ác đế quốc Mỹ, gây dư luận rộng rãi trên thế giới, góp phần đẩy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Phùng Văn Cung cũng như của nhiều trí thức tiêu biểu như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là tấm gương tiêu biểu của trí thức miền Nam nói riêng và trí thức Việt Nam nói chung không chỉ trong 30 năm chiến tranh giải phóng mà còn là tấm gương ngời sáng cho trí thức Việt Nam ngày nay./.



[1]Trần Bạch Đằng (chủ biên), Chung một bóng cờ, NxbCTQG, H. 1993, tr 22.

Tác giả bài viết: TS. Lê Thị Minh Hạnh - TS. Trần Thị Mỹ Hường