(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:05 GMT+7)
Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức, một nhà cách mạng yêu nước. Ông sinh ngày 15/5/1909 tại Thôn Tân Bình, làng Tân An, Tổng Bình Long, Quận Long Châu (Châu Thành), Tỉnh Vĩnh Long (nay là Khóm 1, Phường 9, Thành phố Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long).

Cha ông là Phùng Văn Thân (1877-1947), mẹ là Nguyễn Thị Lới (1880-1967). Ông xuất thân trong một gia đình trung lưu, sống bằng nghề ruộng, vườn và buôn bán gạo giã. Tuy không phải là gia đình giàu có, nhưng với truyền thống đạo đức, nhân bản, cần cù, hiếu học, nên các anh, chị, em ông đều được cha mẹ cho đến trường ngay từ nhỏ. Thời niên thiếu, ông nổi tiếng là người học giỏi trong làng. Những năm theo bậc sơ học, ông học tại Trường làng Tân Bình (mở tại nhà Hội Tân Bình, nay là Trường Lý Tự Trọng, Phường 9), lên bậc Tiểu học ông học tại Trường Đình Tân Giai (nay thuộc Khóm 1, Phường 3). Qua bậc tiểu học, ông thi đậu bậc Trung học hạng ưu (đậu buộc) và được gia đình cho sang học tại Trường Collège Mỹ Tho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu) và sau đó lên học bậc tú tài tại Trường Petrus Ký Sài Gòn (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông thi vào trường y tại Hà Nội, một ngành nghề đòi hỏi đầy lương tâm và trách nhiệm. Nhờ tài học giỏi, nên ông được cấp học bổng từ trung học đến đại học [1].

Năm 1936, khi đang học đại học ông cưới vợ là bà Lê Thoại Chi (1913-1966), quê Sa Đéc, Đồng Tháp, cũng là một trí thức yêu nước. Năm 1937, ông tốt nghiệp đại học và được đưa sang Phnôm Pênh làm việc. Hồi đó, những người không chịu hợp tác với Pháp thường được bổ nhiệm sang Campuchia.

Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông về quê vợ ở làng Hội An, chợ Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) mở phòng khám bệnh, trực tiếp giúp dân nghèo và tham gia cách mạng. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Sa Đéc. Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông đã gấp rút mở các lớp đào tạo y tá, cứu thương, bà lo chuẩn bị y cụ, hậu cần sẵn sàng phục vụ cuộc kháng chiến sắp tới. Ông chưa có dịp ra bưng biền kháng chiến, nhưng với lòng yêu nước và trách nhiệm người thầy thuốc, ông hết lòng tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân, che chở cho cán bộ cách mạng, chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền.

Nhờ tài năng và đức độ, ông ngày càng nổi tiếng và được sự cảm mến của đồng bào.

Năm 1954, theo hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam tạm chia hai miền, quân đội các bên sẽ chuyển quân, tập kết. Khi đó, ông đồng ý cho hai con trai là Phùng Ngọc Thạch và Phùng Ngọc Ẩn tập kết ra Bắc học tập. Về sau, cả hai đều trở thành những bác sĩ giỏi. Đến năm 1960, theo yêu cầu đào tạo con em miền Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung tiếp tục gửi hai con gái là Phùng Ngọc Sương và Phùng Ngọc Lan bí mật qua đường Campuchia ra Bắc học tập.

Năm 1957, chính quyền Sài Gòn mời ông ra làm giám đốc Sở Y tế tỉnh Châu Đốc rồi Rạch Giá. Trong thời gian này, ông vẫn thường bí mật ra bưng biền giúp các bác sĩ kháng chiến điều trị cho thương binh. Có lúc bị địch phát hiện, chúng gọi ông đến truy hỏi, ông trả lời: “Tôi bị Việt Minh bắt vào bưng chữa trị cho thương binh rồi thả về. Các ông không bảo vệ được tôi tại sao còn tra hỏi...”

Để ràng buộc ông, đồng thời tạo nghi ngờ từ phía kháng chiến, địch phong quân hàm Thiếu tá quân y và đưa ông ra làm Giám đốc Bệnh viện quân đội. Ông đấu tranh quyết liệt, chúng phải để ông trở lại làm Giám đốc Bệnh viện dân y ở thị xã Rạch Giá.

Cuối năm 1958, ông lên Sài Gòn làm giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Tại đây, ông và vợ thường quyên góp tiền bạc, thuốc men, tổ chức chuyển ra chiến khu. Kẻ địch theo dõi và phát giác, chúng bắt ông giam vào phòng P42 sở mật thám để tra hỏi. Chúng hỏi: Tại sao ông cho hai con đi học Hà Nội. Ông bình thản trả lời:

- “Sài Gòn cũng có các cháu đi học ở Nhật, Mỹ, Pháp... ở đâu phù hợp với trình độ với năng lực của chúng thì tôi cho học. Tôi chọn nơi cho các cháu học không phải cho các cháu theo chế độ cộng sản”. Chúng buộc ông “không được dính líu đến Việt cộng, nếu không sẽ bị đẩy xuống hầm a-xít”. Tuy bị hăm dọa, nhưng bác sĩ Phùng Văn Cung vẫn một mực nói mình chỉ là một người thầy thuốc có bổn phẩn chữa bệnh cứu người chứ không biết ai là Việt cộng. Kẻ địch buộc phải thả ông, nhưng luôn bám sát, theo dõi, tìm cách hãm hại.

Tháng 9 năm 1959, theo yêu cầu của cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ[2]cho người vào Sài Gòn mời ông bà ra chiến khu. Ông bà đã bỏ hết sự nghiệp, cả nhà bí mật vào chiến khu Miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tôc giải phóng Miền Nam Việt Nam (ngày 20-12-1960) và ông được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

 Là một trí thức yêu nước, ông được vợ đồng tình, sẵn sàng chấp nhận ra đi với hai bàn tay trắng, để lại cơ ngơi đồ sộ mà ông bà đã nhiều năm tạo dựng bằng tài năng và trí tuệ của mình mới có được để tham gia kháng chiến, chấp nhận cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt cùng các lực lượng yêu nước đánh đuổi ngoại xâm đem lại độc lập cho dân tộc. Khi đến căn cứ, mặc dù cuộc sống, sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ, bom đạn ác liệt, song vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung chấp nhận mọi hoàn cảnh như bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác. Với bộ bà ba đen giản dị, bàn ghế làm việc đơn sơ, giường vạt chõng tre, mái lá, cơm vắt muối vừng, hai ông bà sống chan hòa với anh em cơ quan. “Bác Sáu”[3], cái tên gọi thân mật mà cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong chiến khu dành cho bác sĩ Phùng Văn Cung thật thân tình và quý mến. Hình ảnh người lãnh đạo giản dị, nghiêm túc với tinh thần làm việc cần mẫn là mẫu mực về chịu đựng gian khổ, là tấm gương về nếp sống, cách cư xử với anh em...

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Mặt trận Dân tộc giải phóng, nhân dân ở các đô thị đã nêu cao lòng yêu nước, tập hợp lực lượng liên kết với mặt trận để đánh bại kẻ thù. Lúc này, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời, đứng đầu là luật sư Trịnh Đình Thảo đã liên hiệp với Mặt trận Dân tộc giải phóng, thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào tháng 6/1969. Bác sĩ Phùng Văn Cung được tín nhiệm cử làm Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Để trực tiếp báo cáo với Bác Hồ về sự trưởng thành của cách mạng Miền Nam, đồng thời chuyển lời thăm của Mặt trận, Liên minh tới Bác, một đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do bác sĩ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm Bác Hồ và miền Bắc. Bác sĩ Phùng Văn Cung và đoàn đại biểu được Bác Hồ tiếp thân mật, ân cần. Thay mặt nhân dân miền Nam, Bác sĩ Phùng Văn Cung chúc Bác, mong Bác mạnh khỏe và sống lâu để có thể vào thăm miền Nam. Đáng tiếc chỉ vài tháng sau, Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa.

Trở lại miền Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung tiếp tục cùng các vị lãnh đạo Mặt trận, Chính phủ chỉ đạo cuộc chiến đấu kiên cường, liên tục giải phóng các vùng rộng lớn - trong đó vùng Lộc Ninh  thuộc Chiến Khu D, nơi trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tại đây, Chính phủ đã có nhiều cuộc đón tiếp ngoại giao và bạn bè quốc tế, đón tiếp các giới đồng bào và nhân sĩ yêu nước từ Sài Gòn và mọi miền Tổ quốc đến thăm và ủng hộ lực lượng kháng chiến. Bác sĩ Phùng Văn Cung được giữ những chức vụ: Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, nhiều lần đi công cán các nước trên thế giới, đem tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam tố cáo tội ác đế quốc Mỹ trước dư luận rộng rãi trên thế giới

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 2/1977, tại Đại hội thống nhất Mặt trận toàn quốc, bác sĩ Phùng Văn Cung được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do tuổi tác đã cao, ông bị bệnh và trở về sống trong ngôi nhà đơn sơ của người con trai và đã qua đời ngày 7/11/1987.

Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Phùng Văn Cung tại quận Phú Nhuận.

Trong một bài báo có nhan đề Bác sĩ Phùng Văn Cung - một trí thức lớn hết lòng vì nhân dânđăng trên Báo Xuân Vĩnh Long (Năm Quý Tỵ),tác giả Đinh Phong viết:

“Nhắc đến bác sĩ Phùng Văn Cung phải nói đến sự yêu thương, chăm sóc của vợ ông là Lê Thoại Chi. Bà không chỉ là một nhà yêu nước mà còn là chỗ dựa vững chắc cho ông hoạt động cách mạng, tạo điều kiện cho cả bốn người con đều ra Bắc học trở thành các bác sĩ giỏi của ngành.

Gia đình bà Chi rất khá giả. Bà có một cuộc sống rất sung túc nhưng lại yêu thương, giúp đỡ người nghèo ngay từ hồi còn nhỏ. Bà lập gia đình với ông Phùng Văn Cung- lúc đó là sinh viên học ở Hà Nội. Bà sắp xếp ra Bắc nuôi chồng để ông đậu bằng bác sĩ. Khi ông tốt nghiệp hai ông bà làm việc ở Phnôm Pênh rồi trở về Châu Đốc.

Cũng như ông, bà gắn bó với cuộc chiến đấu của nhân dân ta đánh thực dân Pháp. Bà cùng ông nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, chữa trị thương tích cho bộ đội, giúp đỡ người nghèo. Có lần bà đã mạnh dạn cho ông nhận một nữ cán bộ cách mạng là người yêu để đề nghị chính quyền địch thả khỏi trại giam.

Khi lên rừng tham gia cách mạng cùng ông, là phụ nữ quán xuyến gia đình bà đã chấp nhận bỏ lại sau nhà cửa, tiền bạc. Bà mạnh dạn dắt hai con gái còn nhỏ cùng vào rừng tham gia kháng chiến. Tháng 3/1965 bà được bầu vào Ban thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. Để tạo điều kiện cho hai ông bà yên tâm tham gia kháng chiến, năm 1960 được gửi hai con gái là Phùng Ngọc Sương và Phùng Ngọc Lan ra Bắc học tập. Bà đã hy sinh trong một chuyến công tác tại tại chiến khu.

Sau này khi bác sĩ Phùng Văn Cung nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, ông xúc động nói:

- Đáng lẽ tấm huân chương này dành cho vợ tôi...

Bác sĩ Phùng Văn Cung - người mà nhân dân và chiến sĩ miền Nam gọi với tên thân mật là ông Sáu Cung - đã cống hiến trọn đời cho dân cho nước. Bà Lê Thoại Chi- vợ ông cũng nêu một tấm gương “trung hậu, đảm đang” hết lòng vì dân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai ông bà đã từ bỏ cơ ngơi lớn lao tại Sài Gòn để đi vào cách mạng với hai bàn tay trắng. Ông bà đã nêu một tấm gương cao quý cho bao trí thức ngày đó, bỏ lại giàu sang phú quý để đi vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ, ác liệt vì nước, vì dân.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức lớn, với lòng yêu nước cao cả đã sát cánh cùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ giương cao ngọn cờ mặt trận vẻ vang, tập hợp mọi lực lượng yêu nước góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc”.

Kết thúc bài viết này, để bày tỏ lòng cảm phục đối với Bác sĩ Phùng Văn Cung - Trí thức cách mạng, người con tiêu biểu của Vĩnh Long, chúng tôi xin nghiêng mình và mượn lời thơ mà tác giả Lê Anh Xuân đã viết về người chiến sĩ Giải phóng quân trong bài “Dáng đứng Việt Nam” đó là:

“Anh chẳng để gì lại cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”

Ông, Anh, Người bạn, Người đồng chí, Người Thầy, Người Bác sĩ Phùng Văn Cung.

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Ghi chép theo lời kể của người thân Bác sĩ Phung Văn Cung:

*    Bác sĩ Lê Kim Hà - Anh hùng lực lượng vũ trang (vợ Bác sĩ Phùng Ngọc Ẩn) ĐT. 0989.002.199, và Anh Phùng Ngọc Minh, Giám đốc Tài chính Quân cảng (Phú Nhuận - TPHCM) ĐT: 0913.920.970, Cháu nội duy nhất của Bác sĩ Phung Văn Cung. Địa chỉ nhà riêng: 671/4 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận).

*    Anh Phùng Minh Hải (ĐT 0939.791.416), Chị Phùng Thị Thu, Phùng Thị Ngọc Hà (con ông Phùng Văn Giỏi, em thứ 9 Bác sĩ Phùng Văn Cung). Địa chỉ: 113, Khóm 1, Phường 9, Thành phố Vĩnh Long

2.     Bác sĩ Phùng Văn Cung - Một trí thức đức độ, tài năng và uy tín,Tác giả Nguyễn Túc Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

http://hophungvietnam.com.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Chuyen-de-nhan-vat/Bac-si-Phung-Van-Cung-385

3.     Bác sĩ Phùng Văn Cung- một trí thức lớn hết lòng vì nhân dân,Tác giả: Đinh Phong, đăng trên Báo Xuân Vĩnh Long (Năm Quý Tỵ).

4.     Phùng Văn Cung, Bách khoa toàn thư,

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9ng_V%C4%83n_Cung



[1]Theo lời kể của những người thân gia đình, hiện đang sống tại Khóm 1, Phường 9 .

[2]Từ Đại hội II (1951), Trung ương Cục miền Nam thành lập, thay cho Xứ ủy Nam Bộcó từ năm 1946. Đến tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam và lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Ngày 23 tháng 1năm1961, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 10-1961, Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính thức được thành lập.

[3]Bác sĩ Phùng Văn Cung là người con thứ năm trong gia đình. 

Tác giả bài viết: Trương Quang Phú*