Ông ngoại tôi hành nghề bốc thuốc bắc, bốc cả thuốc nam và có chân trong hội Đông y tỉnh. Dân gian nói: “Thuốc nam đánh giặc thuốc bắc lấy tiền”, ứng vô trường hợp này đều một tay ông ngoại cả, giặc cũng đánh mà tiền cũng lấy. Ông thầy thuốc mang tên cả ba phương đông nam bắc kiêm coi tử vi, phong thủy được mọi người kêu là thầy Bốn Chuyên.
Minh họa: N.PHƯƠNG |
Ai tới chữa bệnh tranh thủ coi ngày khai hàng, đám hỏi đám cưới, ông ngoại coi luôn, khoản này miễn phí. Ở đời tréo ngoeo, ông ngoại cao to, da đồng hun đáng ra làm anh trai cày thì khăn đóng áo the, ngồi bốc thuốc. Trái lại mấy người đẹt đẹt, mỗi sáng dắt trâu ra đồng.
Ông ngoại được tín nhiệm bởi trị được căn bịnh sản hậu - gọi tổng hợp là các triệu chứng của đàn bà sau khi sanh. Ông nói đàn bà mang thai ăn uống kiêng khem vì sợ thai to khó đẻ, đẻ xong bắt nằm lửa, ăn mắm tiêu kho quẹt, mình đồng da sắt gì chẳng bịnh. Chỉ câu nhận định trên, ông ngoại còn hiểu dinh dưỡng học kiểu Tây y. Tiền bốc thuốc, ông ngoại sắm vàng đựng cả rổ và tậu ruộng. Mấy người nói ruộng thầy Bốn Chuyên chó chạy sạt đùi.
Xin mượn câu thơ cụ Nguyễn Du tả Từ Hải, tả lại ông ngoại cho sang: “Râu hùm hàm én mày ngài / Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, nhưng cánh mũi của ông ngoại quá to, to như mũi hà mã. Cánh mũi to làm ông ngoại thêm dữ tướng, oai phong như bậc công hầu. Chỉ tội má tôi, người giống ông ngoại cái lỗ mũi như cắt đặt qua. Trong nhà chỉ mình má tôi phụ ngoại chia thuốc đều các thang, rồi gói lại cho người bịnh. Người khác giúp, thường không đúng ý ngoại. Mấy bạn của ngoại đến chơi, khen má tôi: “Con gái giống cha giàu ba họ, chẳng lầm vào đâu được”, tức ý còn nói má tôi đích xác con thầy Bốn Chuyên chứ không phải con tay lý trưởng, chánh tổng nào gởi nuôi giúp. Vì cái lỗ mũi to mà má tôi đến tuổi băm chưa lấy được chồng. Trai ba mươi tuổi đang xuân / Gái ba mươi tuổi như đùm mắm nêm.
Sau ông ngoại chọn chồng cho má tôi thế này: Ông gọi hết trai làng chưa vợ đến nhà đào ao nuôi cá. Bà ngoại bưng cái bảy đồng cơm và xoong thịt gà kho mặn đặt giữa nhà ngang. Mọi người xúm vô ăn no để đi làm. Ông ngoại chọn người ăn sau cùng ở lại, cho mấy người kia về hết, chuyện đào ao tính sau. Người này đồng ý lấy má với hai mẫu ruộng bù chỗ lỗ mũi to, nói trắng ra như vậy. Quả nhiên kiểu chọn chồng “lành ăn dễ khiến”, trúng phóc anh chàng thiệt thà, siêng năng là cha tôi sau này.
Nhà cha tôi cách nhà ngoại quãng đồng. Rảnh việc đồng áng, má dắt tôi về nhà ngoại, phụ với ông bốc thuốc. Tôi rất thích những buổi sáng đi trên bờ mương, chân dẫm lên cỏ ướt sương, ngắm cánh đồng xanh um trải tít chân núi, xa tắp. Rồi những ngày ruộng đã cắt xong, khô nứt nẻ, dế gáy vang lừng khắp cánh đồng. Tôi cũng rất thích những buổi chiều trở về từ nhà ngoại, đứng trên bờ mương mải ngắm mấy con nhái phùng bong bóng kêu inh ỏi dưới ruộng nước. Má đi cách tôi rất xa, tôi ù chạy theo dọc bờ mương, gió nồm lồng lộng.
Trong lúc má giúp ngoại cán thuốc, xắt thuốc, sao vàng nhập thổ, cả nhà thơm lừng thuốc nam thuốc bắc, tôi chạy ra vườn hái ổi. Nhà ngoại có hai cây ổi to, vẫn không kịp chín cho tôi ăn. Tôi lẻn vô bếp lấy nhúm muối hột, leo lên cây mít, hái dái mít chấm muối, ngon tuyệt. Ngoại ngồi ở bộ phản bắt mạch, bốc thuốc. Tôi kiếm chuyện đi ngang, thể nào ông cũng kêu lại cho nắm táo khô, nhai ngọt lịm, thơm phức.
Lúc nhỏ ai cũng khen tôi đẹp trai, nhưng càng lớn thì lạ chưa, cánh mũi tôi cứ phình to dần. Phía nội, mấy chú mấy bác chê tôi “trai giống mẹ khó ba đời”. Mấy ông cậu tôi ông nào cũng đẹp trai, nhưng không ông nào theo nghiệp ông ngoại. Bất đắc dĩ ngoại truyền nghề cho má tôi, nhưng bà cũng chỉ bốc được thang thuốc chữa bịnh sản hậu. Biết bấy nhiêu đó, má hành nghề, cũng đủ tiền cho tôi vô Sài Gòn ăn học. Cái cánh mũi to chẳng ảnh hưởng lắm đến số đào hoa của tôi. Có người nói, người cánh mũi to dồi dào tinh lực, tôi sướng rộn.
Tôi có vợ sớm, vợ khá xinh. Không ai chê gì lỗ mũi to của tôi cả. Cô vợ còn hôn nhiệt tình lên cánh mũi, nhiều lần ngộp thở nếu không đẩy nhẹ nàng ra. Xét theo nghĩa sinh học, lỗ mũi to là tốt chứ, ít ra dễ thở hơn. Cũng như mắt một mí tốt hơn mắt hai mí, nhưng diễn viên Hàn Quốc nào cũng xẻ mắt thành hai mí cả. Nếu một ngày thế giới bỗng chuộng mũi hà mã hơn mũi dọc dừa để cổ động bảo vệ động vật hoang dã, tôi sẽ là nam người mẫu sáng giá chứ chẳng chơi.
Thật buồn, cánh mũi to di truyền sang con gái tôi. Con gái trắng trẻo, xinh xắn nhưng càng lớn cánh mũi càng nở to. Năm nó học lớp chín, nó nói trong bữa cơm:
- Lỗ mũi con giống ông ba, xấu quắc.
Mẹ nó cốc yêu:
- Nè, coi chừng bà nội nghe được, nội buồn đó.
Nếu con gái da ngăm đen, sẽ che bớt phần nào cánh mũi to như người châu Phi. Đằng này nó trắng, cánh mũi cứ lồ lộ, trống lổng, phập phồng. Để ý thấy con không có bạn trai, tôi nghĩ cho qua tua rằng nó đang tuổi học, vậy càng tốt, nó sẽ chăm học hơn.
Con gái tốt nghiệp đại học, ra làm ở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị. Đi nhiều, biết nhiều. Bây giờ đàn bà, con gái ra đường bịt kín mặt mũi, hóa ra phù hợp với con gái tôi, nó trở thành người đẹp từ dáng người đến đôi mắt. Vợ tôi buồn, chia sẻ:
- Em không thấy thằng nào đến lần thứ hai khi được con gái mời vô nhà.
Thương con gái phận hẩm, tôi chửi:
- Tổ cha cái lỗ mũi thầy Bốn Chuyên.
- Cái ông này hỗn - Vợ tôi la.
May mà con gái mạnh mẽ, vui tươi. Chỉ hơi buồn sao không thấy con gái nói chuyện chồng con chi hết. Miết đến năm con gái hai tám tuổi, nó nói với tôi:
- Chắc con đi tu đó ba.
Tôi ngồi chết sững hồi lâu. Nó nói:
- Không nghiêm trọng gì đâu ba, con vẫn ở nhà, chỉ là “quy y tam bảo” thôi. Ý con muốn mình là người nhà chùa, dễ giúp người nghèo khó.
Vợ chồng tôi không có cái lo của gia đình có con gái đẹp tưng tửng, sợ trai “tạm ứng”. Đằng này lo kiểu khác, lo con gái không lấy được chồng. Bây giờ đông đúc trai cày không đủ ruộng làm, tha phương tứ tản nhưng làm sao kiếm cho con tấm chồng như ông ngoại năm xưa đã cưới chồng cho má tôi. Vấn đề là con gái tôi học cao và thời thế đã khác.
Hôm con gái ẵm đâu về đứa nhỏ còn quấn tã, nói:
- Ai đã bỏ nó trước cửa chùa, con xin sư trụ trì về nuôi.
Nhân thằng nhỏ còn ngủ say, con gái chở mẹ ra siêu thị “thỉnh” đủ thứ món như nhà có người sanh cháu đích tôn. Con gái tôi được thủ trưởng cơ quan cho nghỉ bốn tháng chăm con. Thằng nhỏ mau lớn, khỏe mạnh.
Mấy năm sau tôi nghỉ hưu, có thằng cháu để sai vặt và thỏa nhu cầu dạy bảo người khác, cũng vui. Thằng nhỏ khôn lanh, mạnh mẽ, không có dấu hiệu mặc cảm không cha. Rất lạ là càng lớn cánh mũi nó cũng càng phình to? Thỉnh thoảng tôi cứ nhìn thằng cháu nuôi, nghĩ đến chuyện tâm linh chứ không thể lấy di truyền giải thích ở đây được. Chẳng lẽ cánh mũi to như một lời nguyền mà mỗi thế hệ, dòng họ nhà tôi phải có một người? Thằng nhỏ là con nuôi chứ có phải con gái tôi đẻ ra đâu. Tổ cha cái lỗ mũi thầy Bốn Chuyên. Tôi chửi thầm.
Đến năm ba mươi tám tuổi, con gái lấy chồng. Chồng là anh chàng người Đức, nhân viên của tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, đẹp trai có cỡ. Có lẽ theo mắt người Tây, con gái tôi là người đẹp kiểu Á đông. Mấy năm sau, con gái sinh hai thằng cháu tóc vàng, mắt xanh, mũi dọc dừa. Nó đưa chồng con về thăm ngoại, hai đứa cháu ngó tôi chăm chăm rồi nói: “Ông ngoại trông giống vua Hùng trong phim hoạt hình”.
Có vẻ như cánh mũi to không còn cơ hội để xuất hiện trong dòng họ nhà tôi nữa. Vậy mà buồn chứ không vui. May còn đứa cháu nuôi có cánh mũi to!