(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:28 GMT+7)

Chiến công của người anh hùng trong chiến đấu là điều được nhiều người biết đến, nhưng những chiến công thầm lặng của họ giữa đời thường không phải ai cũng có thể biết. Anh hùng Lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu là một người như thế.

Từ người anh hùng trong chiến đấu

Ông Phùng Văn Khầu, dân tộc Nùng, sinh năm 1930 tại xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bố mẹ ông đều mất sớm. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Khầu đã phải đi ở đợ để kiếm ăn. Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc đời đi ở của ông được giải phóng. Năm 16 tuổi (1946), người thanh niên dân tộc Nùng này đã tự giác tham gia hoạt động ở địa phương, khi làm liên lạc, khi làm công an...
 

Tháng 12 năm 1949, Phùng Văn Khầu xung phong vào bộ đội. Năm 19 tuổi, ông gia nhập quân đội chính qui và được chọn vào binh chủng pháo binh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội Phùng Văn Khầu làm nhiệm vụ bắn phá cứ điểm đồi E, ông đã chỉ huy khẩu đội bắn 22 phát đạn đều trúng mục tiêu, góp phần tích cực tiêu diệt sinh lực địch tại đồi này. Khi nhận nhiệm vụ chuyển sang phòng ngự, ông đã cùng anh em khẩn trương, tích cực đào trận địa. Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bắn phá rất ác liệt, có lúc tiểu đội chỉ còn 2 người, bản thân nhiều lần bị sức ép và bị thương, nhưng đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C1. Có lần đơn vị hết người, bản thân Phùng Văn Khầu vừa làm pháo thủ ngắm bắn, vừa quan sát mục tiêu và điểm nổ để điều chỉnh, liên tiếp bắn trúng 2 khẩu pháo 105 ly và 1 khẩu đại liên của địch. Nhiều lúc bị sức ép ngất đi, khi tỉnh dậy lại tiếp tục chiến đấu, bộ binh vừa yêu cầu chi viện, chỉ một phát đạn đầu, ông đã bắn trúng mục tiêu, dập tắt hỏa điểm địch.

Chỉ tính riêng trong thời gian phòng ngự ở đồi E, với một khẩu pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã bắn phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi. Phùng Văn Khầu là một cán bộ gương mẫu, sâu sát đơn vị, luôn luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Với đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, ông luôn được mọi người mến phục, tin yêu.

Ông đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 7 lần được đại đoàn và trung đoàn khen, 2 lần là Chiến sĩ thi đua đại đoàn. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Phùng Văn Khầu được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu AHLLVT. Năm 1957, ông vinh dự được cử đi tham dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan.

Đến người hùng giữa đời thường

Anh hùng, đại tá Phùng Văn Khầu quan niệm, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi bảo vệ biên giới phía Bắc, đã qua nhiều chiến trường ác liệt như: Điện Biên, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968... ông và bao đồng đội phải chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh để giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc.

Biết bao máu xương đã đổ, bao nhiêu người anh dũng hy sinh... Vậy mà khi đất nước hoà bình, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới ấm no cho nhân dân, một số cán bộ địa phương lại cố tình làm trái các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để vụ lợi. Chứng kiến những vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, những người lính như ông không thể nào chịu được vì cảm thấy mình và đồng đội, nhất là những đồng chí đã hy sinh bị xúc phạm ghê gớm... Chính vì lẽ đó, ông là người gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở địa phương. Đặc biệt là từ năm 1986, ông được về nghỉ hưu tại Khu phố 8, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Thấy nhiều việc làm chướng tai gai mắt của một số cán bộ địa phương, ông Khầu quyết định tham gia trận chiến đấu mới này. Trong số hàng chục vụ tiêu cực điển hình mà người hùng Phùng Văn Khầu trực tiếp "phá án", có hai vụ nổi đình đám được dư luận cả nước biết đến. Đó là vụ một số cán bộ xã C, thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây cũ từ năm 2002 - 2004 lợi dụng quyền hạn đã cho thuê và xác nhận trái phép quyền sử dụng hơn 300.000m2 đất, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng; Vụ chính quyền sở tại lén lút cho người quen thuê hàng nghìn mét vuông đất mặt phố với giá rẻ gần như cho, khi ấy ông và một số người quyết liệt đấu tranh, buộc chính quyền phải đưa ra đấu giá đã thu về cho ngân sách 16 tỉ đồng...

Theo ông, mình là một người lính Điện Biên năm xưa, đã từng vào sinh ra tử, lại vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và dặn dò nhiều lần thì phải sống sao cho xứng đáng với lời dạy của Bác. Nếu mình không gương mẫu, sống bàng quan, vô trách nhiệm với công sức của người dân, tài sản của Nhà nước nghĩa là có tội với Bác Hồ, với những đồng đội mình đã từng kề vai sát cánh chiến đấu và đã anh dũng hy sinh.

Còn cụ bà Hà Thị Cay, vợ ông Khầu, là Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1955 cho biết thêm, những năm chiến tranh, ông Khầu cứ đi biền biệt. Về hưu, ông ấy không chỉ "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" với nhiều chức vụ không lương cho đến tận bây giờ mà còn mải đấu tranh với các tệ nạn, tiêu cực. Ở đây, ai biết vụ tiêu cực nào, bức xúc việc gì cũng đến mách ông Khầu. Nhiều đêm nhìn ông ấy vò đầu, bứt tai bên đống giấy tờ hồ sơ, tôi còn lo hơn lo đạn thù thời chiến. Khuyên ông ấy nên nghỉ ngơi vì tuổi đã già, sức yếu nhưng ông chỉ cười rồi nhắc lại những lời Bác Hồ căn dặn: "Chiến sĩ Điện Biên phải luôn luôn khiêm tốn, giản dị, chân thành, trung thực, thật thà, thẳng thắn...". Ông ấy nói thế thì tôi đành chịu.
 

Và một công dân mẫu mực

"Xứng danh anh hùng" là nhận xét của nhiều người dân trong vùng dành cho anh hùng, đại tá Phùng Văn Khầu. Là cán bộ cao cấp của quân đội, đạt nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu và công tác, nhưng ông Khầu từ ngày nghỉ hưu đến nay vẫn sống rất mộc mạc, giản dị, gần gũi và tích cực giúp đỡ mọi người.

Bác Nguyễn San, Bí thư Chi bộ Khu phố 8, phường Sơn Lộc thán phục cho biết: Bác Khầu là người không ai có thể chê được điều gì. Bác ấy và gia đình luôn mẫu mực từ những việc nhỏ nhất cho đến những việc lớn. Về hưu đã 24 năm, hiện nay ở vào tuổi tám mươi, nhưng hầu như bác Khầu không phút nào ngơi làm việc, chưa bao giờ bỏ một buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, học tập nghị quyết. Được bà con tín nhiệm bầu làm nhiều công việc của địa phương, suốt ngày "chạy long tóc gáy", về đến nhà là hăng hái ra vườn, giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa. Mấy năm trước, bác Khầu còn mở lớp học tại nhà, trực tiếp dạy môn toán miễn phí cho các cháu học sinh trong khu phố...

Ngoài việc nuôi dạy các con chăm ngoan, học hành tiến bộ, ông còn nhiệt tình khuyên nhủ, động viên các cháu thanh, thiếu niên trong khu phố phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ và các tổ chức ở địa phương, ông luôn chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến, giúp các đồng chí có thiếu sót khuyết điểm phấn đấu tiến bộ. Vì theo quan niệm của ông "tốt một mình là chưa đủ" mà cần làm cho mỗi gia đình, địa phương và cả nước phải ngày càng tốt hơn lên.

Tác giả bài viết: Ngọc Tâm

Nguồn tin: baomoi.com