(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:06 GMT+7)

1. Thời niên thiếu

           Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trong những trí thức yêu nước nổi tiếng của nước ta ở thế kỷ XX. Ông sinh ngày 15/5/1909 tại làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là khóm 1, phường 9, thành phố Vĩnh Long). Thời niên thiếu, ông là một học trò hiếu thảo, cần mẫn, thương người và học giỏi.

           Phùng Văn Cung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Cái nôi của Phùng Văn Cung là ngôi nhà số 113 nằm ẩn hiện trong vườn cây ăn trái ven phố thị, giữa con hẻm 249 khóm 1, phường 9, thành phố Vĩnh Long. Ngôi nhà xưa 3 gian, hai mái, còn lưu giữ những kỷ vật về trang trí nội thất xưa và nếp sống của một gia đình gia giáo, thuận hòa... Hơn một thế kỷ qua đi nhưng vẫn còn đó những nét cổ kính, trầm mặc, chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn của cậu bé Cung.

            Thân sinh ông là cụ Phùng Văn Thân, một nông dân có học thức nhưng không làm việc cho triều đình, phần vì ông căm ghét bọn cường hào ác bá và bọn thực dân Pháp hà hiếp nhân dân, phần vì ông sống vì con, cho con, ông sống tràn đầy tình làng nghĩa xóm, cần cù và là một người giỏi nghề nông nên tạo dựng được cuộc sống khá giả cho gia đình. Tuy nhiên, ông cũng rất nghiêm khắc trong giáo dục nhân cách, đạo đức, lòng yêu thương con người và xứ sở cho các con, ông quan tâm dạy dỗ con cái chí thú học hành để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chống lại giặc Pháp và tay sai vào làng khủng bố, đốt nhà cướp của, giất hại dân lành, ông bị chúng bắn gẩy chân và qua đời vào năm 1947. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Lới, là một tiểu thư con của một quan văn làm việc cho Triều đình Huế. Bà mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, cha bà luôn bận rộn công vụ của triều đình nên bà được cha gửi cho người dì ruột nuôi dưỡng (người dì ruột ở Đà Nẵng sau đó cùng gia đình, trong đó có bà, đi vào Nam bộ và định cư, lạc nghiệp ở vùng đất Vĩnh Long), lớn lên bà lấy chồng trên vùng đất Vĩnh Long. Thời trẻ, bà là một cô gái rất hiền thục, đảm đang, xinh đẹp trong vùng.

            Phùng Văn Cung là người con thứ năm trong tổng số 12 người con của gia đình[1]. Cậu bé họ Phùng thừa hưởng những đức tính chuẩn mực trong lối sống, tình yêu thương con người bao la, mộc mạc, tính cần cù một nắng hai sương trong lao động của cha và sự thông minh, thanh tú, chịu thương, chịu khó của mẹ, là người con trai hiếu thảo, hiền lành. Tranh thủ những khi nghỉ học, cậu thức khuya dậy sớm giúp cha mẹ làm ruộng, vườn và việc nhà, do vậy đã được bà con lối xóm và bạn bè trân trọng, quý mến.

             Năm lên bảy tuổi, Phùng Văn Cung vào học tại trường làng (Tân Bình, mở tại Nhà Hội Tân Bình, nay là trường tiểu học Lý Tự Trọng). Ngay từ bậc tiểu học, ông nhanh chóng thể hiện tư chất vượt trội về sự tài hoa, trí thông minh hơn người, cậu học rất giỏi, rất sáng dạ, thường nghe giảng một lần là hiểu bài và làm được bài, bài của cậu luôn đạt điểm cao, kỳ thi nào cũng đỗ cao, đứng đầu lớp, cậu được giáo viên thương yêu và trở thành một tấm gương sáng cho ý chí phấn đấu trong học tập, trong đạo đức, lối sống cho bạn bè noi theo. Do học giỏi, Phùng Văn Cung được hưởng học bổng (hưởng học bổng từ bậc trung học đến bậc đại học)và thi đậu đại học y khoa Hà Nội.

            Quê hương Vĩnh Long và gia đình họ Phùng đã để lại dấu ấn vô cùng đẹp đẽ, nghĩa tình và là hành trang quý báu trong đời Bác sĩ tài giỏi và đức độ. Đó là nhân cách sống, từ lòng thương người đến lòng yêu nước mãnh liệt trong ông, sự quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang để lao vào cuộc đấu tranh cách mạng đầy gian lao mà mục đích cuối cùng là để giải phóng con người và, chăm lo sức khỏe cho nhân dân chính là chăm lo cho con người có được cuộc sống tốt hơn. Đó là điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện cả một đời ông. Ông đã bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng đầy thăng trầm và rất đỗi vinh quang, chịu ảnh hưởng lòng yêu nước chói ngời cũng chính từ đây, trí tuệ và lòng nhân ái tiềm ẩn trong dòng máu nhân văn của mình thời thơ ấu cũng chính từ đây.

             Ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1969 tại Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Nội vụ chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, ông được các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức yêu nước kính nể, khâm phục và bầu ông làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của miền Nam, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam. Tại Đại hội thống nhất Mặt trận Tổ quốc tháng 2 năm 1977, ông được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

             Đôi điều đơn cử trên đây cũng đủ nói lên một nhân cách Phùng Văn Cung, suốt đời vì nước vì dân, vì tiền đồ của dân tộc, một trái tim đầy nhân ái, chan hòa gần gũi mọi người, lòng tận tụy chăm lo cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, một tấm gương mãi mãi tỏa sáng và sống mãi trong lòng người dân Vĩnh Long nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.

        2.  Phùng Văn Cung - tấm gương sáng mãi

           Noi theo tấm gương sáng ngời của đồng chí Phùng Văn Cung, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, liên tục đạt được nhiều thành quả quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; ngày càng vững tin trong quá trình hội nhập, tạo dựng nền tảng vững chắc, phát triển một Vĩnh Long giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thi đua cùng các địa phương trong cả nước hướng đến mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đặc biệt là nối tiếp những việc mà ông đã từng làm vì mục đích nhân sinh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho người nghèo, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tiếp tục được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi, khẳng định ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc của nó, đã đem lại nhiều niềm vui cho nhiều người nghèo, tạo niềm tin trong nhân dân, làm phong phú thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc. Các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động đã góp phần thiết thực vào việc tăng cường sự nhất trí trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

           Noi gương ông, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục ra sức rèn luyện, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ cao cả là: Tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thực hiện sứ mệnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà ông đã từng thực hiện, phát huy truyền thống yêu nước, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân.

           Tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua yêu nước, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động do Mặt trận phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động vì an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn)… phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của nhà nước để từ đó khẳng định mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

           Nhân kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của bác sĩ Phùng Văn Cung, một trí thức yêu nước nổi tiếng của nước ta ở thế kỷ XX, chúng tôi xin được trân trọng bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng thành kính, tri ơn ông, một tấm gương sáng ngời về tài năng, đức độ, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, đặc biệt là trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Xin dâng lên ông nén tâm hương của một thế hệ hậu bối kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang và tự hào của ông!       



[1]Thân mẫu Phùng Văn Cung sinh nở 12 lần nhưng nuôi được 8 người trong đó có 4 trai, 4 gái. 

Tác giả bài viết: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long