(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:32 GMT+7)

PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN

(Viện Văn học)

         

1. Phùng Khắc Khoan (1528-1613), tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử, thường gọi Trạng Bùng. Quê ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Phùng Khắc Khoan từng theo học bậc phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)[1]. Bấy giờ nhà Lê chính thống bị nhà Mạc đánh đuổi nên ông không chịu ra làm quan với triều Mạc. Năm 1553, ông vào Thanh Hóa tham gia cuộc Trung hưng của nhà Lê - Trịnh và được tin dùng. Năm 1580, ông thi đỗ Tiến sĩ. Năm 1592, nhà Lê đánh tan ngụy Mạc, trở về kinh đô Thăng Long, Phùng Khắc Khoan được xếp loại công thần, làm quan to trong triều. Năm 1597, được sung làm Chánh sứ sang nhà Minh. Tại đây ông có tập thơ Vạn thọ ngợi ca vua Minh nên được khắc in, được sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang (Yi Su - kwang) viết lời tựa. Trở về, được thăng Tả thị lang Bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu; sau thăng Thượng thư Bộ Công, Bộ Hộ, tước Mai Quận công, rồi mấy năm sau xin trí sĩ. Ông mất tại quê nhà, được nhân dân tôn thờ làm phúc thần.

2. Phùng Khắc Khoan sinh ra và sống một thời tuổi trẻ giữa khi nhà nước phong kiến tập quyền đã bước qua giai đoạn cực thịnh, đang từng bước tiếp nhận những yếu tố mới của xu thế phát triển thương mại, đô thị hóa và hội nhập khu vực. Điều này đã tác động mạnh mẽ tới đời sống tinh thần con người mà tiêu biểu là những suy tư, trăn trở đã được gợi ra chính từ thầy Tuyết Giang Nguyễn Bỉnh Khiêm của ông. Có thể thấy, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi sâu khai thác đề tài đạo lý, răn dạy đạo đức từ mức độ phổ quát đến cụ thể, chẳng hạn ở các bàiCương thường tổng quát, Răn đầy tớ thờ chủ, Khuyên nàng dâu thờ cha mẹ chồng...Tất cả những bài thơ đó nhằm nêu cao yêu cầu “tu thân”, tu rèn đạo đức cá nhân, hướng về bảo toàn khí tiết lối “đồ nho” hơn là vươn tới hành động; bảo vệ các quan hệ đạo đức lễ nghĩa Nho giáo hơn là đi tìm lối thoát mới cho cuộc mưu sinh; bảo vệ các tín điều đạo đức xưa cũ hơn là bắt nhịp với thực tế lối sống mới đang nảy sinh; hoặc có phê phán cũng là nhằm để sửa chữa và khẳng định trật tự cũ, không nhàm khám phá, lý giải bản chất các quan hệ xã hội, không nhằm phê phán để đổi thay; đồng thời lại cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, thực hiện phê phán đồng tiền, phê phán mọi biểu hiện có tính xu thế của xã hội mà ông lược qui vào cái gọi là “thói đời”; khinh mạn lối sống giàu sang, phú quý, công danh; tự mình rút lui và bằng lòng với giá trị thanh cao tưởng tượng, một sự thanh cao “không làm gì cả” - đó là những phương diện đạo đức nho giáo căn bản ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên nó có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lý, cách biệt với “thói đời” - khác hẳn với cái nhìn phân tích của dòng văn học hiện thực phê phán sau này - và bộc lộ thái độ kẻ cả, đo nhìn cuộc sống theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, không dễ chấp nhận những mầm mống lối sống mới, sự phát triển và đổi mới của toàn bộ đời sống tinh thần xã hội. Phải chăng đó là mối mâu thuẫn giữa nhận thức xã hội và lý tưởng, giữa khát vọng nhân văn và thực tại đời thường, giữa những tiêu chí đạo đức qui phạm và dấu hiệu cái mới đang vận động, nảy sinh. Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải trả giá cho bản tính thi sĩ và những ước vọng đầy tính ảo tưởng của mình: ý thức bảo vệ chuẩn mực đạo đức truyền thống không đồng hành với thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi được đổi thay, phát triển. Ở đây nhiều vấn đề đạo đức có ý nghĩa tiêu biểu cho một thời kỳ mới mà đương thời Nguyễn Trãi trước đây chưa hình thành rõ nét, và chỉ thấy xuất hiện đậm đặc từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm; chẳng hạn các vấn đề về nội chiến phong kiến, vai trò đồng tiền, lối sống thị thành... Và một cách không tự giác, trong khi phê phán những yếu tố khác lạ đang nảy sinh trong lòng xã hội như một xu thế tất yếu thì chính ông lại tỏ bày thái độ cản phá bước tiến của lịch sử nói chung. Từ đây có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hiện diện như một cây đại thụ của văn hoá phong kiến, thiên về phê phán để khẳng định chuẩn mực đạo đức cũ, khác xa lối phê phán đồng tiền, phê phán lối sống thị thành và phê phán xã hội kiểu Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương sau này[2]… Đến Phùng Khắc Khoan, có thể thấy một không khí phục hưng rõ nét trong đời sống kinh tế, thể chế xã hội và những qui phạm Nho giáo. Trên thực tế, Phùng Khắc Khoan đã trở thành rường cột trong triều đình, trong toàn bộ hoạt động xã hội cũng như mọi nấc thanh danh vọng mà ông đạt tới. Sáng tác thơ văn của ông cũng chính là hiện thân của quan niệm sống, quan niệm thẩm mỹ văn chương mà ông từng thể hiện qua các tập thơ, qua hệ thống chủ đề, đề tài mà ông quan tâm thể hiện.

3. Phùng Khắc Khoan có số lượng tác phẩm lớn, đa dạng về thể loại, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Các tác phẩm chữ Hán được biên soạn theo chủ đề gồm Ngôn chí thi tập(Tập thơ nói chí),Huấn đồng thi tập (Tập thơ dạy trẻ),Đa thức tập(Tập thơ biết nhiều),Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập(Tập thơ đi sứ Trung Hoa của quan Mai Lĩnh)…; tác phẩm chữ Nôm có Lâm tuyền vãn(Bài vãn ca về cảnh sống nơi rừng suối)… Ngoài ra, ông có viết bi ký, soạn các loại sách bàn về quân sự, chiêm tinh, lý số, bói toán và tương truyền còn diễn nghĩa Kinh dịch ra quốc âm nhưng đã thất truyền.

Thơ Phùng Khắc Khoan in đậm phong cách cung đình, biểu thị nhân cách một bề tôi trung thời loạn, niềm tin vào con người và đất nước đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn phục hưng. Với các chủ đề “tải đạo”, “ngôn chí”, “thuật hoài”, “tự thuật”, tác giả thể hiện rõ vị thế con người chức năng, phận vị[3]. Ông làm nhiều thơ miêu tả sự việc, xướng họa với bạn bè, đề vịnh danh nhân lịch sử, cảnh vật, thiên nhiên và bộc lộ tâm tình thương đời loạn, nhấn mạnh niềm tin vào lẽ phải và nhân cách con người:

                   Vạn tử gian hùng vô địa táng,

                   Nhất sinh trung hiếu hữu thiên tri.

(Thương loạn, kỳ nhị)

(Kẻ gian hùng tội ngàn lần đáng chết, không miếng đất chôn,

Người suốt đời trung hiếu, đã có trời biết)

(Thương đời loạn, bài 2)

Tham Tuyền dịch thơ:

                   Muôn mạng gian hùng không đất táng,

                   Một niềm trung hiếu có trời soi(1)[4].

Trong bài tựa Đề ngôn chí thi tập tự, Phùng Khắc Khoan nhấn mạnh quan điểm “Ta đối với thơ, vốn thường có chí…” và ngay từ khi mới 16 tuổi (Quý Sửu, 1543) đã khẳng định vị thế con người nuôi chí lập công danh, giữ chức phận nô bộc, tôi trung theo khuôn thước tinh thần Nho giáo, khác biệt hẳn với mẫu hình nhà nho tài tử kiểu “trượng phu ngang tàng” trong bài thơ Tự thuật (Kỳ nhất):

                         Tự giác niên phương chí học thu,

                           Công danh dục toại mỗi cần cù.

                           Gia tàng hoạt kế thư kỳ bảo,

                           Lực đại canh sừ bút thị nô.

                           Ngộ sự xử tùy trung đạo hợp,

                           Trí thân tất xuất chính đồ do.

                           Nam nhi tự hữu hiển dương sự,

                           Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu.

Bản dịch nghĩa:

          Tự biết mình đang độ tuổi để chí vào việc học,

          Muốn thỏa chí công danh luôn phải cần cù.

          Trong số những sinh kế cất giữ trong nhà, sách là quý nhất,

          Thay cho sức cày bừa, bút ấy là kẻ nô bộc.

          Lúc gặp việc xử sự theo đạo trung,

          Khi hiến thân, ắt theo con đường ngay thẳng.

          Nam nhi tự có chí làm vẻ vang cho cha mẹ,

          Há đâu chỉ làm một kẻ trượng phu ngang tàng.

Có thể thấy nguồn cảm xúc, niềm tâm sự và chí hướng hành đạo ở Phùng Khắc Khoan thể hiện sâu sắc qua hệ thống chủ đề, đề tài, trở thành điển phạm cho dòng thơ nhà Nho hành đạo. Tinh thần “lập chí”, “trước thư lập ngôn” và ý thức trách nhiệm trước nhà vua, triều đình, đất nước được nhấn mạnh qua các bài thơ in đậm sắc màu “ngôn chí” như Trung (Lòng trung), Quá Quảng Bình bôn thoan (Đi qua chỗ dòng nước chảy mạnh ở Quảng Bình),Doanh trung trừ tịch (Đêm ba mươi tết ở doanh trại),Tòng quân ngộ phong hàn ngẫu tác (Theo việc quân, gặp gió rét, bất chợt làm thơ) và đi đến xác lập nguyên tắc nhà vua “thế thiên hành đạo”:

                   Thiên tâm thánh đức tương phù nghiệm,

                   Vật lý nhân tình tự trứ minh.

(Sinh niên tự thuật)

          (Đức vua hợp với lòng trời đã có chứng nghiệm,

          Tình người lý vật tự tỏ rõ)

(Tự thuật nhân năm sinh)

Nhà thơ đồng nhất vị thế nhà vua với trời đất, coi nhà vua là sự chung đúc tinh khí vũ trụ và vẻ đẹp đức nhân:

                   Khí hợp hòa đồng thiên địa đạo,

                   Chiếu thi khoan đại đế vương nhân.

(Lập xuân)

          (Khí hợp hòa đồng cái đạo của trời đất,

          Chiếu ban ra tỏ rõ đức nhân khoan hòa rộng lớn của bậc đế vương)

Phùng Khắc Khoan cũng nói rất nhiều đến chữ hiếu, luôn nhớ đến tổ tiên, cha mẹ, sự báo hiếu qua các bài Ký nghiêm phụ thị huấn thi (Chép bài thơ cha dạy bảo), Nguyên đán thọ phụ thân (Mồng một tết chúc thọ phụ thân),Dao thọ phụ thân (Từ nơi xa chúc thọ phụ thân)… Cho đến khi sáu mươi tuổi mới có con trai, ông vui mừng truyền lại cho con cháu niềm ưu tư về chữ hiếu:

                   Lục tuần lão tẩu mấn lam xam,

                   Hỷ hữu tường lai đế tứ nam…

                   … Thi thư trạch cập tri dư hạnh,

                   Trung hiếu danh thành vọng nhữ kham.

                   Kiêm hữu nãi huynh hòa nãi điệt,

                   Cộng liên quế ngũ tịnh hòe tam.

(Tự hạ sinh nam)

          (Ông già sáu mươi tuổi tóc tai dài rối, đốm bạc,

          Mừng điềm lành đến, trời ban cho con trai…

          … Thi thư ân kịp đến, biết ta may mắn,

          Trung hiếu danh sẽ thành, mong con gánh vác.

          Gồm cả anh em con chú bác của con,

          Cùng hợp nhau thành đám trai tài giỏi thành đạt)

(Tự mừng sinh con trai)

Trên thực tế, trong tập thơ Ngôn chí thi tập còn có nhiều bài có ý nghĩa ngẫu hứng (chợt hứng), ngẫu tác, ngẫu thành (bất chợt thành thơ), tự thuật, tự thán (tự than), thư hoài (tỏ lòng), khiển muộn (giải buồn), hữu hoài (nỗi niềm, nỗi lòng)… nhưng hầu hết là những buồn vui gắn với trách nhiệm con người hành đạo, những suy tư trước thời cuộc, những sự chia xa và gặp gỡ theo đúng lối thơ đề vịnh truyền thống. Xét trong tương quan với với những bài thơ hướng tâm, hướng về chính thống, hướng đến ngợi ca vua sáng tôi hiền thì những tiếng nói suy tư trên đây ít nhiều cũng hé mở những tâm sự riêng, phần nào bộc lộ cảnh ngộ cá nhân và tiếng nói con người cá nhân.

Tác phẩm Ngôn chí thi tập bao quát thời gian suốt một thời tráng niên của tác giả, trải rộng diện đề tài từ ghi chép các chuyến đi, thăm thú non nước, đề vịnh cảnh chùa Phật Tích (Chùa Thầy), chùa Phát Am, Tây Đô, Lan Lăng, Lam Sơn, động đá Tráp Sơn... Có thể nói chính hệ thống thể tài du ký kiểu này đã góp phần quan trọng giúp cho hồn thơ Phùng Khắc Khoan trở nên sinh động, phóng khoáng, gần với cuộc sống đời thường hơn. Điều này cho thấy rõ, ngay với kiểu tác gia nhà Nho thuần thành như Phùng Khắc Khoan thì vẫn có thể phân lập thành hai chiều hướng, hai xu thế thơ hướng tâm và ly tâm, quan phương chính thống và cảnh ngộ cá nhân đời thường, tụng ca vương triều và bày tỏ những vui buồn thế sự.

Tác phẩm Huấn đồng thi tập hiện còn vài chục bài, chép rải rác trong các tuyển tập thơ văn đời sau, nội dung chủ yếu đề vịnh cảnh bốn mùa, mô tả vẻ đẹp gió trăng và các thứ côn trùng, cây cỏ… Ở đây có thể coi Phùng Khắc Khoan là một trong những nhà lý luận thời trung đại qua bài tựa Huấn đồng thi tập tự bàn về phép làm thơ và nhấn mạnh đặc điểm quá trình sáng tác: “Về phép làm thơ: phải dùng chữ điêu luyện cân đối với nhau, trước hết phải nghĩ chữ đối nhau, rồi sau sẽ sáng tác cả câu, không nên nghĩ từng câu một”[5]. Tập thơ bằng chữ Hán hướng đến những chủ đề quen thuộc như đề vịnh bốn mùa và các loài cây trúc, mai, lệ chi (vải), ba tiêu (chuối)… Có thể nhận ra sự tiếp nối ở mạch thơ đề vịnh bốn mùa, loài vật và cỏ cây từ Hồng Đức quốc âm thi tập thời Hồng Đức đến Huấn đồng thi tậpcủa Phùng Khắc Khoan gắn với hiện tượng thẩm mỹ “lệch pha”, “lệch chuẩn”, “văn chương ngoại biên” thời trung đại rất đáng chú ý.

Tác phẩm Đa thức tập hiện còn khoảng 100 bài là lối thơ nhân đọc tập thơ ca dân gian Kinh thi (Trung Quốc) mà mở rộng đề vịnh, bình phẩm các loài chim (chim câu, chim yến, chim nhạn, chim quạ, hoàng anh…), các loài vật (con sô ngu trong truyền thuyết, con chuột, con sâu dâu…), các giống lúa (lúa mạch, nếp, tẻ, tám thơm…), các loài rau (rau hạnh, rau tần, rau răm, tảo nước, sắn dây…), các loài hoa, cỏ cây (hoa sen, cây mai, cây mận, cây trúc, ngô đồng, bạch đàn)… Tập thơ có ý nghĩa nhập môn giáo dục cho trẻ em, chủ ý mở rộng kiến văn về thế giới tự nhiên bằng lối thơ vần vè, có tính phổ cập và tác dụng phổ biến tri thức, đặc biệt phù hợp với đất nước nông nghiệp…

Trong chừng mực nhất định, Phùng Khắc Khoan đã tiếp nối dòng thơ vịnh vật vốn phát triển từ thời Nguyễn Trãi và Hồng Đức Lê Thánh Tông. Điều khác biệt lớn nhất là Phùng Khắc Khoan đã chuyển đổi hệ thống đề tài thơ vịnh vật từ sáng tác bằng chữ Nôm sang chữ Hán. Theo lẽ thường, ngôn ngữ chữ Hán luôn gắn với các đề tài và thể loại mang tính chức năng, được coi là cao cả, chính thốngasnluoon gắn với những đề tài nghiêm túc, cao cả

; còn ngôn ngữ chữ Nôm thường gắn với dòng văn chương ngoại biên, nôm na, phi chính thống. Cần phải nói rõ thêm rằng ngay trong đối tượng vịnh vật cũng có hai loại: các mẫu đề vật biểu tượng cao cả (Long, ly, qui, phượng; Tùng, cúc, trúc, mai…) và các loài vật đời thường nằm ngoài danh mục biểu tượng vật cao cả (niềng niễng, cua rốc, ốc nhồi, cây bèo, rau muống, rau răm…). Như vậy, hiện tượng xâm nhập, chuyển đổi ngược chiều dòng thơ vịnh vật (đặc biệt với sự chèn lấn, lên ngôi của loại hình tượng thơ vịnh vật đời thường) từ dòng thơ Nôm dội  vào thơ chữ Hán Phùng Khắc Khoan là một dấu hiệu biến động trong quan niệm thẩm mỹ rất đáng được lưu tâm nghiên cứu.

3. Tác phẩm Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập của Phùng Khắc Khoan gồm hàng trăm bài, được viết trong thời gian đi sứ, đề tài chủ yếu là vịnh người, vịnh cảnh, vịnh vật và tặng đáp vua quan Trung Quốc, sứ thần Triều Tiên, Nhật Bản. Đặc biệt ở đây có chùm thơ xướng họa của Phùng Khắc Khoan với sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang. Nhà Việt học người Nga, Giáo sư Tiến sĩ N. I. Niculin xác định: “Các cuộc gặp gỡ được xem là có ý nghĩa lịch sử quan hệ văn hóa Việt Nam – Triều Tiên đã diễn ra ở Bắc Kinh từ năm Đinh Dậu (1597), trong thời kỳ gian khổ của nhân dân Triều Tiên tiến hành cuộc chiến tranh Im-đin chống quân xâm lược Nhật. Vị đại thần danh tiếng, sứ thần Việt Nam Phùng Khắc Khoan […] đã làm quen và kết bạn với nhà thơ Triều Tiên Lý Toái Quang (1563-1628)” và họ Lý đã hết lời ngợi ca đất Việt (qua lời kể - bút đàm của Phùng Khắc Khoan) và chính tập thơ của họ Phùng: “Tôi nghe nói Giao Châu ở về phía nam có nhiều của lạ châu báu, vàng ngọc, đồi mồi, ngà voi, tê giác. Đó là cái chí tinh anh thành thục mà có. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, nhất định sẽ có dị nhân xuất thế… Tập thơ Vạn thọ thánh tiết khánh hạ của ông Phùng lời du dương, ý tứ sâu rộng, đủ để thấy phun châu báu, nhả vàng ngọc, há không nói được là dị nhân đó sao”[6]

Nói riêng về những tác phẩm xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Túy Quang vốn được thâm canh kỹ về nội dung nhưng nhà nghiên cứu Lý Xuân Chung đã thêm một lần chú trọng quan tâm khai thác và đặt lại vấn đề văn bản trong tính hệ thống; đặc biệt đã khảo sát 6 văn bản khác nhau của Phùng Khắc Khoan và so sánh, thẩm định với nguyên bản Chi Phong tập để đi đến kết luận chắc chắn, dứt điểm: “Như vậy, tổng cộng số thơ văn xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Túy Quang, Kim Tiêu dật sĩ là 32 bài thơ, 6 bài văn xuôi”[7]… Đặt trong mối quan hệ bang giao, Phùng Khắc Khoan đã góp phần quảng bá văn hóa Đại Việt, khiến cho người Triều Tiên thời bấy giờ hiểu hơn về nước Đại Việt. Chính sứ thần Lý Túy Quang đã trân trọng ghi nhận điều này trong bài An Nam sứ thần vạn thọ thánh tiết khánh hạ thi tập tự (Bài tựa tập thơ chúc mừng vạn thọ thánh tiết của sứ thần An Nam): “Trong khoảng trời đất có cái khí tinh anh trong lành, hoặc chung đúc vào vật, hoặc chung đúc vào người. Cái khí ấy chung đúc đầy rẫy khắp nơi, ắt sinh ra nhân tài tuấn tú kỳ dị, không chỉ ở nơi gần mà cả ở nơi xa, không chỉ phú cho muôn vật mà còn phú cho người. Tôi nghe Giao Châu là nơi cực nam, có nhiều vật báu vàng ngọc, ngà voi, sừng tê. Là vì cái khí tinh anh trong lành đặc biệt chung đúc vào nơi ấy cho nên ắt sẽ có bậc dị nhân sinh ra ở đấy, há chỉ có vật báu mà thôi đâu. Nay sứ thần Phùng công, đầu tóc bạc phơ, thân hình gầy guộc, tuổi bảy mươi mà vẻ mặt còn trẻ, đi đường xa phải qua phiên dịch ba lần mà chân không mỏi, xem lễ minh đình, triều cống thượng quốc”; và trong tâm thức sâu xa, dường như vị sứ thần Triều Tiên muốn tỏ bày niềm cảm thông với nước Việt trong cách nhìn nhận, ứng xử với nước lớn: “Nay ngài tới đây cũng chưa rõ trời quả thực không có gió lớn, biển quả thực không nổi ba đào như đời Thành Chu xưa kia”[8]… Câu văn mang đầy ẩn ý chất vấn, hoài nghi, ngờ vực, bất bình về thực tại hôm nay đâu phải yên bình như thời Thành Chu!...

Không chỉ có thơ xướng họa với sứ thần Triều Tên, Phùng Khắc Khoan còn có thơ đề tặng sứ thần Nhật Bản. Trong bài giới thiệu tư liệu Phùng Khắc Khoan tặng thơ sứ thần Nhật Bản, nhà nghiên cứu Lý Xuân Chung đã dịch toàn văn bài thơ Tống Lưu Cầu quốc sứ (Chia tay quốc sứ nước Lưu Cầu):

Các tin liên quan