(Thứ hai, 07/06/2021, 01:28 GMT+7)

1. Tưởng niệm Phùng Thanh Hòa mỗi khi có dịp hội thảo, viết sử

Năm 1988, Ban chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá biên soạn sách Truyền thống đấu tranh cách mạng xã Phùng Xá; trong phần Sơ lược về nguồn gốc làng xã có viết: “Xã Phùng Xá gồm có 2 thôn: Vĩnh Lộc và Phùng Thôn (thường gọi làng Bùng), thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây cũ. Năm 1965 hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây - Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Năm 1975 lại hợp nhất hai tỉnh Hà Tây - Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Từ năm 1979 xã Phùng Xá lại nhập vào thành phố Hà Nội.

Phùng Xá là một xã sớm hình thành và phát triền. Tổ tiên xã ta đến cư trú và sinh sống trên mảnh đất này từ lâu đời, xây dựng từ trang trại thành làng xã có đến nay đã trên 2.000 năm.

Theo thần phả thì làng Bùng xa xưa gọi là An Hoa trang. Nơi đây cũng là mảnh đất gắn với Hữu tướng Phùng Thanh Hòa. Ông có công phò nhà Tiền Lý đánh thắng quân xâm lược nhà Lương. Ông được vua phong là Hữu tướng, cùng thời với Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Nhân dân làng Bùng đã chiêm ngưỡng suy tôn tướng Phùng Thanh Hòa là Thần Thành hoàng và lấy họ Phùng của Ngài đề đặt tên làng. Từ đó đổi tên An Hoa Trang thành Phùng Gia Trang, sau gọi là Phùng Xá.

Cách nay gần 30 năm, tháng 10 năm 1993, trong báo cáo khoa học mang dấu ấn đề dẫn hội thảo về danh nhân Phùng Khắc Khoan, nhà văn Phượng Vũ với tư cách pháp nhân đương thời là giám đốc sở VHTT tỉnh Hà Tây, viết và đọc tại diễn đàn bài Làng Bùng, trạng Bùng trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc có đoạn: “Theo các nhà ngôn ngữ học, thì Bùnghay Phùngvốn là một từ Hán Việt. Bùngcó sớm hơn. Còn Phùngthì xuất hiện từ đời Đường về sau. Bùngchuyển sang Phùngnằm trong quy luật biến âm từ B chuyển sang Ph, như ở các từ bụt - phật, buồm - phàm, buồng - phòng v.v... Sở dĩ có tên gọi là Bùng hoặc Phùng là do dân gian giữ âm cổ, gọi là Bùng, còn giới chính thống thì theo âm mới đọc là Phùng.

Nhắc một chút về tên làng, để thêm một dẫn dụ minh chứng cho Bùng thôn, hay Phùng Xá, là một làng Việt cổ, sớm được lưu danh, và bản thân nó tiềm ẩn những giá trị mà hiện nay chúng ta thường gọi là di sản văn hóa của dân tộc. Di sản ấy do các thế hệ nhân dân làng Bùng từ bao đời nay tạo dựng lên, mà người có công đầu, được nhân dân tôn thờ là vị Thần Thành hoàng của làng là Phùng Thành Hòa.

Hữu tướng Phùng Thanh Hòa còn là vị phúc thần của nhân dân An Hoa trang (tên Nôm của làng Bùng xưa - TSH). Khi Ngài hành giá đến đất này, thấy địa thế đẹp, cục diện nổi cao lên một khu, mặt trước có đường bộ án ngữ, đàng sau có hành cung, hai luồng nước hợp dòng chảy xuôi; ngài liền dừng lại gom dân, lập công sở, sau mất tại An Hoa trang. Phùng Thành Hòa là người có công giúp triều Tiền Lý chống xâm lược, bảo vệ đất nước ở thế kỷ VI, và là người có ân huệ với xóm làng.

Sau này An Hoa trang được gọi là làng Bùng, rồi Phùng Xá. Việc lấy họ của một phúc thần đặt cho tên làng là để ghi nhớ bậc tiền bối họ Phùng đã có công với dân, với nước. Trải qua bao đời, nhân dân Phùng Xá luôn tôn thờ Phùng Thanh Hòa. Công lao, sự nghiệp của Ngài được nhân dân ngưỡng mộ, coi đó là niềm tự hào của quê hương. Nhiều cặp câu đối sơn son thiếp vàng ở đình làng còn ghi rõ: Phụ Tiền Lý kiến độc lập kỳ nhất thống sơn hà tôn đế quốc/ Chuẩn Phùng thôn vi Phùng tự sở thiên thu miếu mạo phúc cư dân.

Nghĩa là: Giúp Tiền Lý, độc lập phất cao cờ, thu giang sơn về một mối/ Chọn Phùng thôn làm nơi hướng tự, miếu đường dân để phúc muôn thu).

Và: Vị hà nhạc vị nhật trinh quốc sử cao huân kim thượng tại/ Thử nhân dân thử thổ địa linh thân hiển tích công như tư.

 Nghĩa là: Núi sông rạng rỡ, sử nước huy hoàng, nay vẫn đó, mai sau vẫn đó/ Bởi đất đai, tốt tươi dân dã, thần linh hiển hách, xưa cũng vậy, nay cũng vậy.

Vậy là muộn nhất thì từ thế kỷ VI, quý địa làng Bùng đã được quý nhân họ Phùng biết tới. Ấy là chưa tính đến khả năng trước đó người họ Phùng và các dòng họ khác đã có mặt ở đây. Sự gặp gỡ giữa địa linhvà nhân kiệtlàm cho làng Bùng trở thành một làng quê văn hiến. Các vị giáo sư: Bùi Duy Tân, Trần Lê Sáng, Trần Quốc Vượng trong các công trình nghiên cứu, các bài viết của mình về Phùng Khắc Khoan, dựa vào những nguồn tư liệu điền dã tại địa phương, như sách Ngọc phả văn chỉcủa làng, cho chúng ta biết về các bậc tuấn kiệt của Bùng thôn. Sau cụ Phùng Thanh Hòa nhập tịch làng Bùng từ thế kỷ VI, thời Lý có Đại tư mã Nguyễn Cảnh Câu, thời Trần có Thị thư viện Hàn lâm thám hoa Nguyễn Đăng Đạt, thời Lê có Thái tể Mai quận cộng tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, có Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tiến sĩ Vũ Đình Dung. Ngoài ra số người đỗ phó bảng, hương cống, tú tài cũng khá nhiều. Quan văn võ trong làng dường như đời nào cũng có. Các bậc hiền sĩ làng Bùng đã làm cho quê hương mình thêm rạng rỡ.

Tuy nhiên, không thể không kể đến vai trò của làng quê thôn Bùng, là cái nôi sinh thành, một môi trường văn hóa sinh ra những nhân tài lương đống.

Làng Bùng nằm trong một vùng văn hóa, nói gọn lại là vùng văn hóa xứ Đoài.Cách làng Bùng không xa là núi Sài Sơn, còn gọi là núi Phật Tích, chân núi có chùa Thầy nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa Thầy và cả quần thể di tích Sài Sơn đã đi vào lịch sử, được xem như một biểu tượng văn hóa của dân tộc. Bên chùa Thầy, dưới chân núi Sài Sơn, làng Sài Sơn cũng là một làng xã khá tiêu biểu của làng xã Việt Nam. Nơi đây cũng sinh ra nhiều bậc có tên tuổi trong lịch sử. Sài Sơn, chùa Thầy là một trong những biểu hiện nổi trội của văn hóa xứ Đoài. Cách làng Bùng khoảng 5km về phía tây bắc là chùa cổ Tây Phương, và cạnh đó là chùa Cực Lạc. Theo thuyết phong thủy và truyền thuyết dân gian ở địa phương thì chùa Tây Phương xây dựng trên quả núi hình con trâu. Tiếng Việt cổ gọi tlâu hoặc clâu, sau chuyển thành Câu Lậu. Gần đây chúng tôi được biết có những thuyết đã bác lại thuyết này, giáo sư Trần Quốc Vượng cũng là người chủ trương thuyết bác bỏ. Mong có dịp nào đó được các vị giáo sư, các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, luận bàn, để nhận thức của chúng ta về mặt địa lý học - lịch sử ở chùa Tây Phương được thống nhất. Còn Tây Phương là ngôi chùa cổ nổi tiếng, có giá trị độc đáo về cảnh quan, về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, chắc hẳn mọi người đều cảm nhận. Và điều đó làm cho trường(vùng) văn hóa của làng Bùng - Phùng Xá rộng lớn hơn.

Trở lại với Phùng Xá, nằm trong vùng văn hóa xứ Đoài. Từ bao đời nay người Phùng Xá đã thích ứng được với môi trường tự nhiên không mấy ưu đãi, bằng sức lao động cần mẫn, sáng tạo của mình đã tạo dựng những giá trị văn hóa mang bản sắc xứ Đoài, và cả những nét riêng, độc đáo không dễ tìm thấy ở những nơi khác.”(2)

Năm 2005, huyện ủy Thạch Thất xuất bản sách Địa chí huyện Thạch Thất, trong chương III, Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng có viết: “Trong cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương (thế kỷ VI) ở Chàng Sơn - Thạch Xá có ông Trương Chủng (520-549) đã đứng ra chiêu tập nghĩa binh, luyện võ nghệ tham gia đánh giặc. Ông được Lý Bí phong chức Thái úy. Thời Hậu Lý Nam Đế phong ông là Đương Cảnh Thành hoàng Trần Đồng quý vương, ở trangAn Hoà. Phùng Thanh Hòa có công giúp vua đánh giặc, được phong Hữu tướng. Khi ông mất được dân làng tôn thờ Thành hoàng làng và lấy họ ông để đặt tên làng là Phùng Gia Trang, Phùng thôn, Phùng Xá...”(2) Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương của cộng đồng người Việt buổi đầu kiến tạo nền độc lập dân tộc; ở Thạch Thất cổ xưa ít nhất cũng có hai tướng lĩnh tổ chức luyện binh theo cờ nghĩa của vua Lý Bí.(3)

Giáo sư Bùi Duy Tân trong sách Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (2000) đã nghiên cứu rất công phu và khẳng định: “Theo thần phả thì làng Bùng xa xưa có tên là An Hoa Trang, sau đó đổi thành làng Bùng do liên quan đến họ của vị Thành hoàng làng. Vị Thành hoàng đó húy là Phùng Thanh Hòa, quê quán ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu thân (528), bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Phùng Thanh Hòa từ nhỏ đã có thiên tư khác lạ, thông minh, học một biết mười, lớn lên có khiếu văn chương, thông hiểu âm nhạc. Các ban võ nghệ cung kiếm, binh thư đều giỏi giang, xuất chúng. Bấy giờ nước ta bị nhà Lương bên Tàu đô hộ, chính sự hà khắc bạo ngược, muôn dân lầm than cực khổ. Năm Tân Dậu (541), Lý Bí khởi nghĩa đuổi giặc Lương, giành thắng lợi, dựng nước Vạn Xuân, cải nguyên là Thiên Đức, xưng hiệu là Vạn Xuân Đế. Ngài còn trẻ vẫn hăng hái cùng nhiều nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng cuộc dấy binh cứu nước. Nhà Lương sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên đem binh mã sang chiếm lại nước ta. Ngài ngày đêm luyện tập quân sĩ chờ ngày báo nước. Năm Bính Dần (546), Ngài được phong là Hữu tướng, cùng Tả tướng Triệu Quang Phục chiến đấu giữ nước, bảo vệ nhà Tiền Lý, giành nhiều thắng lợi. Mấy năm sau, Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ mới ở Dạ Trạch, xưng là Triệu Việt Vương, còn Ngài thì trụ lại ởAn Hoa Trang gom dân lập nghiệp, mở mang trang ấp, sau mất tại đó. Nhân dân An Hoa Trang thờ Ngài là phúc thần ngay nơi Ngài ở lúc còn sống. An Hoa Trang được đổi tên thành Phùng Gia Trang, rồi thành làng Bùng, Phùng Xá, Phùng thôn. Sau này, chỗ thờ cúng Ngài được đựng thành đình làng và Ngài được thờ là Thành hoàng làng. Như vây, dòng họ Phùng ở Phùng Xá mà Phùng Thanh Hòa là thủy tổ đã hiện diện ở An Hoa trang từ giữa thế kỷ VI, và do công tích đức độ của Phùng Thanh Hòa với dân với nước mà khi mất được thờ làm phúc thần, rồi Thành hoàng và họ Phùng được lấy để đặt đổi tên làng. Không biết khi Phùng Thanh Hòa đến ở thì An Hoa Trang đã có họ Phùng ở đó từ trước hay chưa? Song dầu có thì tên làng Bùng - Phùng cũng chỉ xuất hiện khi có Phùng Thanh Hòa được cả làng tôn thờ.

Đến đây, xin được bàn sâu thêm về sự liên hệ giữa Phùng Thanh Hòa (thế kỷ VI), Phùng Hạp Khanh (Bố Phùng Hưng - thế kỷ VIII) và Phùng Khắc Khoan (thế kỷ XVI). Đây là ba nhân vật ở ba thời đại, lần lượt xuất hiện ở làng Bùng, hoặc theo huvền sử, hoặc theo chính sử. Ngay từ những năm sáu mươi, khi bắt đầu tìm hiểu sự nghiệp trạng Bùng, tôi đã có linh cám về sự liên thông dòng dõi của bộ ba họ Phùng, trước hết là từ Phùng Hạp Khanh đến Phùng Khắc Khoan. Trong cuốn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan(4) dựa vào lời kể của các cố lão qua đợt khảo sát thực tế các năm 1962, 1963, tôi đã nhận xét: “Tương truyền họ Phùng ở đây vốn dòng dõi Phùng Hạp Khanh (bố Phùng Hưng), nhưng gia phả không ghi rõ điều này”. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã chia sẻ với dự đoán này: “Thế cho nên đình làng Bùng thờ Phùng Thanh Hòa từ thế VI và giáo sư Bùi Duy Tân ghi lại được huyền tích nói gốc tổ trạng Bùng là Phùng Hạp Khanh, phụ thân của Phùng Hưng, là đúng”(5). Tác giả bài viết về: Những phát hiện quanh vua Maicho rằng: Phùng Hạp Khanh là quan lang đạo châu Đường Lâm, thân phụ Phùng Hưng, chính là một hào kiệt cầm đầu đạo quân Đường Lâm ứng nghĩa cùng Mai Thúc Loan lật đổ ách thống trị của nhà Đường vào năm Nhâm Tuất (722). Bà Phạm Thị Uyển, vợ của Mai Thúc Loan chỉ huy thủy binh vốn người Đường Lâm; Phùng là họ hàng bên ngoại của bà. Hoạt đông của nghĩa quân Mai Thúc Loan như thế là dã rộng ra cả vùng Từ Liêm đổ ngược về Sơn Tây ngày nay, trong đó có vùng Bùng - Phùng. Giáo sư Trần Quốc Vượng thì cho rằng: “Chả phải một mình quê Trạng mới có tên Bùng - Phùng mà cả một miền rộng lớn của xứ Đoài - từ Đan Phượng ... đến Phúc Thọ (quê Phùng Hưng) - Thạch Thất... đều cố tên chung là Phùng”(6) Và “Đó là địa bàn quản lý của thủ lĩnh địa phương, bố con, anh em Phùng Hưng ‘cha truyền con nối’ (Việt điện u linh tập I của Lý Tế Xuyên: 1329) gọi là quan lang”.

Qua một số tư liệu có tính chất huyền sử, huyền tích trên đây, có thể nghĩ rằng Phùng Khắc Khoan là hậu duệ của Phùng Hạp Khanh và cũng có thể Phùng Hạp Khanh là hậu duệ hoặc họ hàng của Phùng Thanh Hòa. Vùng Bùng - Phùng đất tổ nghiệp của nhiều nhánh họ Phùng, trong đó có họ Phùng Khắc - Phùng Khắc Khoan, một trong những họ đã hiện diện ở làng Bùng từ thuở xa xưa.

Làng Bùng nằm trong cảnh vực văn hóa xứ Đoài, xa gần quanh quất là những danh lam thắng cánh nổi tiếng: Chùa Thầy núi Sài Sơn, Chùa Tây Phương, động Hoàng Xá, dãy Răng Cưa, gò Đống Thóc... Thổ cư của làng là một quả đồi được san bằng bóc mòn dần. Cư dân đến đây lập nghiệp chọn chỗ cao tránh lũ lụt, ẩm thấp, dễ phòng thủ. Người đến trước, kẻ đến sau lần lượt tụ hội thành các phiên (lượt) thôn làng còn tên 4 xóm chính: Phiên Nhất, Phiên Nhì, Phiên Ba, Phiên Tư, rồi sau phát triển thêm các xóm Đồng Cả, xóm Đình, xóm Chợ, trại Quýt. Làng Bùng hợp với làng Vĩnh Lộc thành xã Phùng Xá theo kiểu “nhất xã nhị thôn”, cùng chung một khoán ước làm giỗ tế cúng ở đền thờ đức cụ (Phùng Khắc Khoan) vào ngày 24 tháng 9 Âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ công ơn của trạng.

Nhân dân làng Bùng trải qua hàng ngàn năm làm ăn sinh sống ở một vùng “đất nâu vàng và đá ong... có thềm phù sa cao xen đồi sét”, chẳng mấy thuận lợi cho nông nghiệp, đã vượt qua những thử thách của đất trời, dũng cảm, cần cù tạo dựng cho làng những giá trị văn hóa phong phú đặc sắc, đậm đà phong vị xứ Đoài, cùng với Bùng - Phùng độc đáo. Lượt Bùng chẳng hạn, cùng với cày bừa Vĩnh (Nủa cày) tương truyền do Trạng Bùng dạy dân làm, nổi tiếng khắp xứ Đoài. Văn vật làng Bùng còn được bảo tồn xếp hạng, cho đến nay đủ minh chứng cho một LÀNG VĂN - LÀNG NGHỀ giàu truyền thống.

Đình Bùng thờ Thành hoàng Phùng Thanh Hòa có từ thời Lê, trải qua nhiều lần tu bổ, vẫn giữ được dáng vẻ bề thế tôn nghiêm. Đình còn nhiều di vật thờ tự: kiệu, cờ, tàn, lọng, hoành phi, câu đối... đặc biệt là tập Thần phảcó lẽ sao chép từ bản do Nguyễn Bính soạn giữa thế kỷ XVI và hai đạo sắc phong. Đình được xếp hạng cùng với chùa Kim Liên từ 1993. Làng Bùng cổ đến hai chùa. Chùa Hoa Nghiêm (Hoa Nghiêm tự) cổ hơn, thờ duy nhất một tượng Đức Ông, chùa Kim Liên (Kim Liên tự) dựng vào thời Mạc (1574), có bia đá, chuông đổng và một số tượng độc đáo, quý hiếm.

Làng Bùng không những có đình, chùa, mà còn có Quán,có Văn chỉ,Võ chỉ, Đền, Nhà thờ các bậc tiên hiền, trong đó đình làng, chùa Kim Liên, nhà thờ Phùng Khắc Khoan đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Quán làng Bùng, vốn um tùm, rậm rạp, cảnh quan u tịch thanh vắng, trải bao dâu bể, nay chỉ còn một bức hoành phi Thiên cổ linhtừ (Quán thiêng ngàn xưa). Văn chỉ, Võ chỉ của làng, qua di chỉ, bia sách, khoán ước còn lại, cùng với những lời tương truyền của các cố lão, được dựng đặt từ niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời Lê Hy Tông. Võ chỉ hiện vẫn còn nền xưa dấu cũ, cùng tên tuổi các bậc võ quan hiển đạt từ thuở Lý, Trần. Văn chỉ còn nhiều chứng tích hơn, đặc biệt quyển tư liệu: Bản thôn văn chỉ chư bi(Các bia ký văn chỉ của bản thôn).(7)

2. Lễ hội làng Bùng vẫn được duy trì để tưởng niệmcông ơn cứu dân giúp nước, dựng lại chiến tích xưa của Phùng Thanh Hòa

Như vậy nhà Tiền Lý(544-602) 前李朝là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, quốc hiệu Vạn Xuân. Ba đời vua kế nghiệp, trong đó có hai vua họ Lý và một vua họ Triệu: Lý Bí, xưng vương là Lý Nam Đế 李南帝(503-548), thế danh còn có gọi là Lý Bôn (李賁), Sự nghiệp của Lý Bí thể hiện hai giai đoạn lịch sử:

1- Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thứ sử Giao Châu chiếm thành Long Biên khi Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, năm 541. Đương thời Tiêu Tư bằng mọi thủ đoạn đã vơ vét tài sản, bóc lột của cải và sức lực rất tàn bạo, làm cho cuộc sống dân chúng lầm than cực khổ. Hào trưởng Lý Bí vốn là một quan chức sở tại; võ nghệ song toàn được của các thủ lĩnh địa phương ủng hộ hết lòng. Các vị tướng nổi danh như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc thực tâm quy tụ theo cờ nghĩa của minh chủ. Quân xâm lược nhà Lương cưỡng ép Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cất quân sang đánh Vạn Xuân, nhưng bị quân dân Vạn Xuân đánh trả tan tác tác ở trận Hợp Phố. Tàn quân thất trận chỉ còn không đầy 30% tháo chạy thê thảm, vào đúng dịp xuân năm 542). Vào mùa hạ năm 543, ở phía nam của Vạn Xuân, quân Lâm Ấp cũng đang gây chiến tranh xâm lược cướp quận Nhật Nam. Lý Bí phải cử tướng quân Phạm Tu vào ngăn chặn. Trận Cửu Đức thắng lợi vang dội của quân Vạn Xuân, gây chấn động các địa giới lân bang. Đến năm 544, khi những mối hiểm họa từ phía bắc lẫn phía nam đã tạm thời được dẹp yên, Lý Bí quyết định lên ngôi vua, xưng đế và xác lập nhà nước Vạn Xuân, thành lập các cơ quan vương triều, bổ nhiệm quan chức. Triệu Túc được phong Thái phó, Trưởng ban văn là Tinh Thiều, trưởng ban võ là Phạm Tu.

2- Giai đoạn thứ hai kể từ năm 545. Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu và Tư mã Trần Bá Tiên, cầm đầu một đội quân từ Quảng Châu, có ý định hội nhập với cánh quân của Tiêu Bột đương nhiệm thứ sử Định Châu; dồn sức tiến đánh Giao Châu. Cánh quân của Trần Bá Tiên đi trước đánh bại Lý Nam Đế ở Chu Diên. Lực lượng quân đội của Vạn Xuân lui dần về thành Tống Bình. Ba cánh quân của Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu lần lượt bị thua trận ở cửa sông Tô Lịch. Tuy nhiên, hai vị tướng trẻ là Triệu Quang Phục và Phùng Thanh Hòa đã anh dũng chiến đấu vẫn kiên trì bám trụ, dùng chiến thuật đánh lấn, từng bước thay đổi kế hoạch tác chiến làm thay đổi tình thế mặt trận. Vua Lý phong chức Tả tướng cho Triệu Quang Phục khi vừa qua tuổi 20 và phong chức Hữu tướng cho Phùng Thanh Hòa. Trong khoảnh khắc thời gian; hai cánh quân sung lực số đông là binh sĩ đã được huấn luyện thành thạo và vẫn đang cuốn hút thêm trên đường hành quân, đến hồ Điển Triệt tức tốc giải vây cứu vua Lý Nam Đế. Thắng trận ở hồ Điển Triệt, quân tướng đưa vua thoát khỏi vòng vây, rút vào cố thủ ở động Khuất Lão.

Ở động Khuất Lão, Lý Nam Đế nhuốm bệnh, vài năm sau thì qua đời vào tháng 4 năm Mậu Thìn (548). Trong lúc đau yếu, thấy tình thế đất nước vẫn đang bị giặc ngoại xâm lăm le đe dọa, Lý Nam Đế đã ủy thác quyền cai trị vương quốc cho Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục rút về lập căn cứ tại đầm Dạ Trạch, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, tự xưng là Triệu Việt Vương (548-571). Cánh quân của tướng Phùng Thanh Hòa hành quân trở về An Hoa trang, tiếp tục huấn luyện quân sĩ, xây dựng xóm làng, sinh cơ lập nghiệp.

Với địa hình núi đồi xen kẽ sông suối, ruộng đồng, thấp thoáng những ô ruộng trũng bên cạnh những hồ, đầm, vực khá rộng; cây cỏ lau lác um tùm bao phủ, An Hoa Trang là một căn cứ địa khá thuận lợi cho việc đánh bắt tôm cá làm thực phẩm và trồng cấy lúa, hoa màu làm lương thực nuôi quân. Tướng quân Phùng Thanh Hòa đã giữ nếp trung quân ái quốc, gìn giữ hòa bình, trợ sức dân sinh. Song, phải khẳng định thêm rằng, tướng quân Phùng Thanh Hòa còn là một nhà chiến lược kinh tế, hẳn là ông đã lãnh đạo đội ngũ quân sĩ của mình xây dựng một hậu phương vững chắc, có tiềm lực sức mạnh cả về vật chất và tinh thần đảm bảo bền vững, sẵn sàng ứng chiến lâu dài một khi đất nước Vạn Xuân có kẻ ngoại xâm. Căn cứ địa của tướng quân Phùng Thanh Hòa nằm giữa hai dòng sông Đáy và sông Tích coi như là ưu đãi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tiếc thay, khi mọi lý tưởng cao đẹp của Phùng Thanh Hòa đang sôi nổi vận động chưa được trọn vẹn, ông đột ngột qua đời năm 549, khi tuổi đời đang độ thanh xuân.

Hình ảnh tướng quân Phùng Thanh Hòa đã in đậm dấu ấn trong ký ức nhân dân Vạn Xuân ngay từ khi ông tạ thế. Không chỉ dân bản xứ trang An Hòa, mà dường như hầu khắp các vùng cư dân trung du, đồng bằng Bắc Bộ thường có hình thức tổ chức hoạt động lễ hội theo lịch tiết “xuân thu nhị kỳ” để nhắc nhở mọi người chuyên chủ chăm lo công việc cấy trồng, tăng gia sản xuất, luôn kết hợp những nội dung giáo dục thẩm mỹ, hướng tâm mọi tầng lớp xã hội chú ý rèn uyện đạo đức theo quan niệm Nho giáo. Quan sát các chu kỳ diễn xướng lễ hội, ai cũng dễ dàng nhận ra ẩn ý sâu xa, toàn dân đoàn kết, luôn cảnh giác với thù trong giặc ngoài để bảo vệ và giữ vưng chủ quyền độc lập dân tộc.

Lễ hội dân gian của làng Bùng cũng phản ánh rõ nét những nét bản chất đó. Để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân làm nghề thì người dân nơi đây tổ chức lễ hội làng vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Phần lễ chính sẽ được diễn ra vào đúng ngày 10, nhưng những sự chuẩn bị chu đáo và không khí đón chào ngày lễ hội thì đã xôn xao náo nhiệt ngay từ sau dịp Tết Nguyên đán.Các vị bô lão trong làng tụ họp tại đình bàn luận, nhắc nhở công việc sắm sửa lễ vật, bao sái linh tượng, vật thờ; hương đăng trà quả sao cho đầy đủ dôi dư. Dân làng ai ai cũng thể hiện niềm phấn khích hướng về ngày lễ hội.

Song song với bầu không khí sôi nổi ấy, lực lượng thanh niên trai tráng trong làng cùng nhau tổ chức các xới thi đấu vật, từ sớm ngày 6 tháng Giêng. Những cuộc thi đấu vật võ cổ truyền ở Phùng Xá vốn đã nổi tiếng khắp xứ Đoài xưa đã đi vào thành ngữ, ca dao. Có lẽ vì muốn tôn vinh vị Thành hoàng làng Phùng Thanh Hòa mà Phùng Thanh Hòa được người đời sau còn tôn là tổ nghề đấu vật. Ngoài ra, các trò chơi dân gian khác như đánh đu, cờ tướng… cùng các trò chơi con trẻ cũng ồn ào tái hiện.

3. Một vài kiến nghị

1- Lễ hội làng Bùng vẫn được duy trì để tưởng niệmcông ơn cứu dân giúp nước, của tướng quân Phùng Thanh Hòa, nhưng hiện vẫn được xem nhẹ như một thông lệ. Phải chăng, trong diễn xướng nội dung những ngày hội, chính quyền địa phương cần chú trọng cổ vũ, động viên các xới vật trong và ngoài địa bàn thủ đô Hà Nội đăng ký tham gia theo lịch trình hằng năm, dựng lại chiến tích xưa của Phùng Thanh Hòa. Các xới vật như là hiện diện nối tiếp truyền thống thượng võ.
2- Cơ quan Văn hóa Thông tin nên in ấn tài liệu mang tính phổ cập về lịch sử hình thành làng xã ở xã Phùng Xá nói riêng và cả phía tây nam Hà Nội, nhằm quảng bá sâu rộng bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt.
3- Các nghề thủ công mỹ nghệ nên chế tạo mẫu đồ chơi, vật trang trí, túi, ví xách tay có in hình cờ ngũ sắc hoặc chiến binh cổ biểu tượng thời Nam Việt, Vạn Xuân dựa theo hoa văn đương thời để khách du xuân dự lễ hội giữ lại là kỷ niệm.

  1. Ban chấp hành Đảng bộ xã Phùng Xá, Truyền thống đấu trang cách mạng xã Phùng Xá, tr.5, Sở VH Hà Nội ,1988.
  2. Phượng Vũ, Phùng Khắc Khoan - Cuộc đời và thời đại, tr.8,9,10, Sở VHTT Hà Tây, 1993.
  3. Huyện ủy Thạch Thất, Địa chí huyện Thạch Thất, tr. 79, Sở VHTT Hà Tây, 2005.
  4. (5) (6) Bùi Duy Tân - Tạ Ngọc Liễn, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Sở VHTT Hà Tây, 1984.

Tác giả: Phó Giáo sư Trương Sỹ Hùng

Sau đây là một số hình ảnh: