Đằng sau anh, tôi nào biết được những tháng năm gian lao của anh ở chiến trường, khuôn mặt xạm màu nắng gió. Một tâm hồn giàu có, tiềm ẩn năng lực sáng tạo mà đến khi anh mất, bạn bè cùng lứa ở Trường viết văn Nguyễn Du mới nhận ra. Lại càng xót thương và quý trọng anh hơn. Trước hương hồn anh, những hình ảnh chập chờn lại hiện về trong ký ức, kỷ niệm của ngày tháng ấy chẳng bao giờ quên được, trong đó có kỷ niệm về anh đối với tôi - người cùng quê xứ Bắc.
Về học khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du, ngoài anh em ở các địa phương khác, còn có Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Lê Hoài Nam, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Tính là các anh, các bạn viết trong quân đội. Chỉ có anh Phùng Khắc Bắc, trước đó anh chưa xuất hiện gì nhiều trên sách báo, nhưng khi nghe nói anh quê Kinh Bắc là tôi thấy quý anh ngay. Anh vốn là người trầm lặng, ít vồ vập nhưng sống đằm, cần mẫn và cẩn thận trong giao tiếp và công việc. Anh không ở trong khu nội trú của trường như những người khác. Hàng ngày anh đạp xe cà tàng từ khu nhà tập thể Văn nghệ Quân đội ở Lý Nam Đế đến lớp học (rất ít khi đến chậm). Anh học giỏi môn tiếng Nga (mà đối với anh em chúng tôi đó là môn "hắc búa" nhất!). Chẳng có buổi xê-mi-na nào là anh vắng mặt. Anh lặng lẽ ngồi ghi chép như tự bồi đắp những gì thiếu hụt để lấp đi lỗ hổng kiến thức do những tháng năm đi chiến trường anh không có điều kiện học.
Về mặt sáng tạo, anh Bắc cần mẫn viết văn xuôi. Cái thực tế ở chiến trường ngổn ngang đầy ắp là thế mà chuyển hóa vào trang viết chưa được như anh mong muốn. Có lẽ vì mặc cảm nên anh rất ít tham gia vào các cuộc tranh luận văn chương như bọn tôi - "lũ người bị ma ám" và đôi khi hơi huyễn hoặc về mình. Nghe chúng tôi tranh luận, anh Bắc chỉ tủm tỉm cười và đôi khi chêm vào một vài câu nói hóm hỉnh. Tôi và anh Bắc mặc dù là người cùng quê hương nhưng ít khi ngồi hàn huyên với nhau. Đôi lúc anh em ngồi với nhau, anh Bắc thường hỏi tôi về gia cảnh, đời sống… Giọng anh nhỏ nhẹ, không lên mặt dạy đời (mặc dù anh là người từng trải và cả nghĩ). Cái nét đáng quý ở anh Bắc là ít nói về mình, quan tâm đến người khác một cách tận tình, nhất là thói quen hay vê tai và hút thuốc lào vặt suốt ngày là ấn tượng tôi nhớ về anh. Bây giờ anh mất rồi, tôi mới thấy anh Bắc có lý…! Cuộc sống trong khu nội trú của trường viết văn cứ trôi qua: ngày lên lớp, chiều tự ôn và làm bài kiểm tra sau mỗi môn học thì xảy ra một "sự kiện": Anh Bắc được giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Chiều xuân nắng hanh. Cả lớp chúng tôi đều mừng cho anh vì bước nhảy nghệ thuật này. Anh Bắc chỉ cười - cái nụ cười rụt rè - vẫn pha hơi hướng tự ti" " Một truyện ngắn thì có gì đâu, mình còn phải cố nhiều!". Đấy, anh Bắc cứ khiêm nhường như vậy, cố thu mình lại và… lặng lẽ viết.
Học xong năm thứ 2, trường có tổ chức nhóm đi thực tế. Tôi cùng đi thực tế với anh ở Hà Nam Ninh (cùng với Đặng Ái và Lê Hoài Nam). Với cương vị là trưởng nhóm, anh Bắc rất tận tâm và chi ly trong chuyến đi. Anh luôn giữ được cân bằng trong nhóm không để xảy ra những gì đáng tiếc trong khi tiếp xúc với các cơ sở nên anh em rất quý và nể anh. Chúng tôi ở phòng khách của huyện Kim Sơn, sau đó xuống Cồn Thoi thâm nhập thực tế một đơn vị bộ đội lấn biển. Vốn là lính chiến trường nên anh Bắc liên hệ thế nào mà các đồng chí lãnh đạo đơn vị bộ đội xe đưa xe đón đàng hoàng, ăn ngủ tử tế. Chúng tôi vẫn thường đùa: "Nếu không có anh Bắc cùng đi thì chuyến thực tế này chúng mình mất duyên đấy". Sau chuyến đi (anh còn nán lại theo lời mời về thăm quê Nghĩa Hưng của Lê Hoài Nam), anh dặn dò chúng tôi cặn kẽ như người thân trong gia đình khi nhóm thực tế trở lại trường.
Có lẽ thật quá bất ngờ với anh em khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du chúng tôi là sau khi anh mất, trong di cảo ngoài bản thảo tiểu thuyết, truyện ngắn còn có hơn một trăm bài thơ mà anh viết tự lúc nào và rất ít công bố, dù chỉ là đọc cho bạn bè nghe. Nếu tôi nhớ không nhầm, ba năm học trong trường chỉ có một lần anh đọc thơ. Hôm đó, anh Bắc đọc bài Xô nát nhà dột (sau này khi đưa in vào tập Một chấm xanh đổi là Ngày hòa bình đầu tiên) và Một đôi Trống Mái. Không hiểu do không khí phấn hứng của anh em đọc thơ trong buổi ấy đánh thức phần đồng cảm trong anh hay anh muốn "công bố" tâm sự của mình, tôi cũng không biết nữa! Chỉ biết rằng, hôm ấy, anh đọc thơ rất hay, mỗi từ cứ vung ra như những viên sỏi cọ xiết trần trụi của vùng đồi trung du quê anh. Và tôi thấy ướt nơi đuôi mắt vì phút "phát lộ" tình cảm ấy, biểu hiện ít thấy ở anh trong trường.
Của tin gọi một chút này làm ghi - tập bản thảo thơ và tiểu thuyết của anh, nhà văn Xuân Thiều, Phạm Thị Minh Thư, Văn Chinh và bạn bè văn thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội được chị Tuất (vợ anh) trao lại biên soạn tập hợp hoàn thành cuốn Một chấm xanh và Đời thường, nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành (giải thưởng về thơ và tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam), phần nào ghi nhận một đời gắng gỏi sáng tạo của anh vào nền văn học Việt Nam hiện đại và tấm lòng thành của bạn bè với anh Phùng Khắc Bắc - một nhà văn tài hoa mà yểu mệnh.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Kim