(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:55 GMT+7)

 “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” vốn là câu dành cho người dân thường (sất/thất phu) nhưng lại ám vào tầng lớp xã hội xưa gọi là sĩ phu, nay gọi là trí thức như tấm gương soi cho hành xử của mình xứng với vị thế của mình.

 

 

Đánh giá mỗi nhân vật trong lịch sử luôn phải bàn đến thời đại họ sống để gắn tài năng của con người ấy đã tác động vào lịch sử như thế nào. Sự đánh giá ấy thực không đơn giản, không chỉ dựa vào những gì mà những bộ quốc sử ghi chép theo dòng chính thống, bên cạnh dòng dã sử, dân sử lưu truyền bền bỉ đôi khi lại đối ngược nhau trong lời khen chê.

Có điều, dường như với những thời dân ta phải chống giặc ngoại xâm hay nổi dậy giành độc lập tự chủ thì dễ dàng nhận ra những nhân vật anh hùng, tựa như ngôi sao sáng chói dễ nhận trên bầu trời đen thẳm. Nhưng thật không dễ nhận ra những ngôi sao sáng nhưng lại mọc trên một nền trời tranh tối tranh sáng hoặc bị bao phủ bởi mây mù mờ ảo. 

Nói cách khác, “sử gia, nhất là sử gia hiện đại... cơ hồ không có hứng thú đề cao những nhân vật kiệt xuất trong nước nếu họ không phải là “anh hùng chống ngoại xâm”. Những người “anh hùng thời loạn” xuất hiện trong những thời nội chiến và những bậc hiền thần trị nước giỏi trong thời bình lại chưa phải là đối tượng được quan tâm đúng mức của giới sử học nước nhà”. 

Đó là nhận xét trong bản tham luận của một vị giáo sư tại cuộc Hội thảo về nhân vật Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan vừa mới được tổ chức tại chính Kẻ Bùng, quê hương của nhân vật, nay đã trở thành một thị trấn phát triển là huyện lỵ của huyện Thạch Thất của Thủ đô Hà Nội.

Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan được đời nay biết đến vì đều có tên đặt cho đường phố hay trường học ở nhiều địa phương trong nước; thi ca của Trạng có trong sách giáo khoa và các bộ tuyển tập văn học thế kỷ XVI-XVII. Nhưng để lại dấu ấn đậm nhất lại chính là hành trạng của Phùng Khắc Khoan khi được Vua Lê cử làm chánh sứ qua phương Bắc theo lệ. Và chính vị Chánh sứ họ Phùng, theo truyền ngôn trong dân gian, lại là người đã phá lệ cống hình nhân đúc bằng vàng để triều cống cho Vua phương Bắc, một lệ tục đã tồn tại nhiều đời để biểu tỏ vị thế của chư hầu đối với Thiên Tử. 

Và như Lê Quý Đôn sau này thuật lại thì “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70 không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua” lại lấy tài thơ mà gây lòng khâm phục của Hoàng đế phương Bắc hay sứ thần Triều Tiên. Ngoài ra, vị lão thần đi sứ đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” này còn khôn ngoan, nghĩ đến dân mà kiếm mang về nước một số giống ngô, đậu và nghề dệt may học được từ xứ người... 

Còn theo cách nhìn của nhà văn bản học, thì danh tính của Phùng Khắc Khoan chỉ thấp thoáng đôi lần trong pho quốc sử của triều Lê là bộ “Đại Việt Sử ký Toàn thư” chẳng mấy nổi trội về phẩm trật như nhiều nhân vật khác đương triều. Phần còn lại đối với một bậc danh sĩ là sự nghiệp thi văn lại là cái di sản tồn tại bền vững nhất với thời gian mà cái hạn chế duy nhất là đến ngày nay người thưởng thức trực tiếp những áng văn thơ của người xưa qua các trước tác bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì ngày một ít, vì người sử dụng được hai loại tử ngữ này ngày một thưa.

Tại cuộc hội thảo với mục đích chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 400 năm năm mất của ông Trạng sẽ tổ chức vào sang năm (1613-2013), một chủ đề thú vị được bàn thảo. Đó là sự lựa chọn con đường, hay tự tìm minh chủ của các nhà nho vào một thời kỳ rất đặc thù và đặc sắc của lịch sử dân tộc.

Sử cho biết, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có một người thầy rất nổi tiếng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; và đương thời với cả hai ông Trạng này còn có một tên tuổi danh tiếng khác là Đào Duy Từ. Cả ba nhân vật tuổi tác có chênh nhau nhưng đều sống trong một thời đoạn lịch sử khớp nối giữa hai thế kỷ XVI và XVII. Đó là thời kỳ Đại Việt hình thành ba thế lực chính trị đan xen và xung đột lẫn nhau: Lê-Mạc tạo nên cuộc chiến tranh “Nam-Bắc triều”; Lê (dựa vào Trịnh)-Nguyễn tạo ra cuộc phân tranh giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. 

Lòng lưu luyến với triều Lê vốn được mở đầu bằng cuộc chiến tranh giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của giặc Minh với hình tượng người anh hùng dân tộc Lê Lợi cũng là vị Vua khai triều Lê Thái Tổ, lại được ghi chép bởi các sử thần nhà Lê nên nhà Mạc xuất hiện với sự kiện tiếm ngôi, lập triều ngay tại Thăng Long rồi dạt lên Cao Bằng trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều chỉ có thể là một “nhuận triều” hay “nguỵ triều” trong chính sử.

Tuy vậy, ngay cả chính sử triều Lê cũng phải dành những dòng mô tả tốt đẹp về thời kỳ nhà Mạc trị vì như một thời yên bình và phát triển, cùng với những di sản vật thể mà ngày nay chúng ta còn được chiêm ngưỡng như những ngôi đình, mái chùa với những kiến trúc mỹ thuật đặc sắc hay dòng gốm Mạc không dễ sánh nổi... Đó là những bằng chứng của những mặt tích cực mà triều đại này đóng góp cho lịch sử dân tộc. 

Và điều đáng nói là người thầy kiệt xuất không chỉ của Phùng Khắc Khoan là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại là người phò triều Mạc. Cho dù Trạng Trình với tầm nhìn xa rộng về vận nước không hề ngăn cản những ai muốn phò nhà Lê như Trạng Bùng hoặc khích lệ Nguyễn Hoàng trở thành Chúa Nguyễn ở phương Nam...

Nguyễn Hoàng làm theo lời khuyên của Trạng Trình lấy “Hoành Sơn nhất đái” làm chốn “vạn đại” không chỉ để dung thân mà đã mở ra cả một không gian rộng lớn cho giang sơn Đại Việt ở những thế kỷ sau... Và đương thời với Trạng Bùng còn có Đào Duy Từ, người cũng từng muốn phò Lê nhưng bị khước từ bởi thân phận bị rẻ rúng theo quan điểm chính thống Nho giáo đối với gốc gác “xướng ca” của triều đại này nên đã vượt sông Gianh vào phò Chúa Nguyễn, được trọng dụng như bậc thầy. 

Chính Đào Duy Từ đã dựng Lũy Thày tạm thời ngăn đôi chiến tuyến để chấm dứt cuộc đụng độ vũ trang lâu dài giữa Trịnh và Nguyễn bên hai bờ sông Gianh, tạo điều kiện cho Trịnh phò vua Lê gìn giữ Đàng Ngoài và Nguyễn yên ổn tập trung vào công cuộc mở mang bờ cõi Đàng Trong hướng vào phương Nam.

Còn Phùng Khắc Khoan phải chăng muốn lập thân theo đạo chính thống của nhà Nho mà không theo thầy phò Mạc, chẳng theo Nguyễn phiêu lưu chốn xa xôi mà gắn bó sự nghiệp của mình với triều Lê và đương nhiên là với cả Chúa Trịnh. Ngoài văn chương, đóng góp đặc sắc nhất của Trạng Bùng là hoàn thành trách nhiệm chánh sứ khi tuổi đã cao gánh mệnh nước ứng phó với phương Bắc, giữ được yên ổn chủ quyền và biên cương cũng như danh dự quốc gia với người ngoài. 

Lập luận dễ thuyết phục nhất giải thích việc Phùng Khắc Khoan đã không theo thầy phò Mạc chính là điều mà chính sử nhà Lê đã viết về những hành vi tự nhục mạ quốc thể khi dâng đất vùng biên cương cho nhà Minh, chỉ mưu được dựa vào phương Bắc để có chốn dung thân chống lại nhà Lê... Những điều sử thần nhà Lê viết đã hằn sâu vào tâm thế một dân tộc luôn phải lo giữ nước để khỏi mất nước, đã tạo nên những mặc cảm lịch sử và phán xét khắt khe về một triều Mạc đã đạt tới trình độ văn hiến cao mà lại hành xử trái ngược như vậy? Cũng đã có nhiều thế hệ sử gia tiền bối đặt ra câu hỏi và tìm trong sử sách, kể cả sử sách của nhà Minh để chiêu tuyết rằng việc vua quan nhà Mạc dâng đất và tự hạ nhục mình là điều không có căn cứ và chỉ là sự ác cảm dễ hiểu của sử quan nhà Lê từng là cừu thù với nhà Mạc trong cuộc tranh chấp quyền lực được ghi thành sử sách(!?).

Chỉ có một sự thật ai cũng thấy là trong suốt hơn ba thế kỷ mà chính sử luôn chép là sử “Đại Việt triều Lê” ấy không một lần phương Bắc đem quân xâm lăng nước ta cho đến khi chính cuộc tranh chấp trong nội bộ nhà Lê dẫn đến sự kiện Vua Lê Chiêu Thống thân sang cầu viện nhà Thanh rồi dẫn đến sứ mệnh nhà Tây Sơn của Hoàng đế Anh hùng Quang Trung thay thế nhà Lê kế tục nắm giữ sự nghiệp giữ nước sau trận đại thắng quân Thanh (và quân Xiêm cũng như chấm dứt phân tranh để Trịnh-Nguyễn khởi động cho công cuộc thống nhất lãnh thổ quốc gia). Và ta cũng biết, sau này khi các Chúa Nguyễn đã thành công để trở thành triều Nguyễn thì nhà Tây Sơn từng hiển hách cũng trở thành “nguỵ triều” trong sử Nguyễn...

Hơn ba thế kỷ ấy, Đại Việt cũng chứng kiến sự xuất hiện của Hội An ở Đàng Trong, Phố Hiến ở Đàng Ngoài cùng những bằng chứng của công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá và lãnh thổ quốc gia; là thời mở mang giao thương với bên ngoài và mở mang tầm nhìn không gian chủ quyền quốc gia hướng ra biển đảo...

Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan hay bất kể một nhân vật nào trong lịch sử cũng chỉ là con người của một thời. Sự lựa chọn con đường của một đấng “sĩ phu” hay “trí thức” phải gắn với thời đại của họ. Tính chính thống không thuộc về lợi ích một triều đại hay một thế lực chính trị luôn coi mình là chính thống mà phải là lợi ích dân tộc gắn với chủ quyền quốc gia; là lợi ích xã hội gắn với sự tiến bộ và phát triển mà thước đo cuối cùng là sự cảm nhận của dân chúng. Chính dân chúng là người gìn giữ nhưng giá trị bền vững nhất của lịch sử, có thể đồng nhất với những pho sử chính thống nhưng cũng có thể khác biệt bằng dòng sử học dân gian...

Trong những áng văn thơ để lại, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan có một bài “tự thuật” gửi gắm chí hướng của mình. Thơ bằng chữ Hán dịch ra quốc ngữ: “Cây tùng, cây bách lẽ nào lại chịu hàng phục trước mùa Đông giá rét/ Cá kình, cá nghê đâu chịu luyến tiếc vũng nước nông hẹp/ Biển Nam từng trông thấy cá côn hoá thành chim bằng cất cánh/ Bay bổng cao ngang sông Hà, sông Hán”.

Cái chí hào sảng ấy cũng không giúp Phùng Khắc Khoan vượt lên cao hơn thời đại của mình nhưng nó cũng cho hậu thế một cách nhìn công bằng giữa những con người cùng thời và so sánh với những người khác thời, trước và sau Trạng Bùng. Điều đó cho thấy, mọi sự đánh giá của đời sau, như thế hệ chúng ta có thể soi vào chính thời đại của mình để biết trân trọng tất cả những giá trị đáng trân trọng mà không bị cái được gọi là “chính thống” làm méo mó.

Phùng Khắc Khoan chưa từng được phong Trạng ở chốn trường ốc nhưng được dân phong là Trạng của Kẻ Phùng chính là một sự vinh danh mà không phải người danh giá nào cũng có được.