(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:02 GMT+7)

TS Hoàng Thị Kim Thanh*

             Th.s Vũ Thái Dũng**



* Trưởng Ban Địa phương, Viện Lịch sử Đảng, Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh

** Giảng viên, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Bác sỹ Phùng Văn Cung sinh ngày 15-5-1909 tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, quận Long Châu (Châu Thành), tỉnh Vĩnh Long ( nay là Khóm I, phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Là một tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long, nơi nối liền giao thông với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ; ngược sang Campuchia và xuôi theo sông Tiền, sông Hậu ra Biển Đông tới các nước Đông Nam Á và thế giới. Tuy là miền đất mới nhưng đã sớm có tiếng là đất học. Nhiều danh nhân khoa bảng đã được sinh ra ở đây như: Phan Thanh Giản (1796-1867), Nguyễn Thông (1827-1884), Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Tống Hữu Định (1869-1932)… Ngay từ khi thực dân Pháp chiếm đóng (1867), đồng bào và sỹ phu ở Vĩnh Long đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp nổi bật như: phong trào đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh (năm 1926) và phong trào “Thiên địa hội”. Cũng như các phong trào cách mạng chung của cả nước, các phong trào cách mạng tự phát ở Vĩnh Long đều không thành công.

Là người con trai lớn, Phùng Văn Cung được gia đình chăm lo cho ăn học, ước mong sau này giúp đỡ chỉ bảo các em nên người. Với bản chất thông minh, nổi tiếng là học giỏi trong làng, sau khi học xong các trường sơ học và tiểu học ở tỉnh, ông thi đậu bậc trung học hạng ưu và gia đình cho sang học tại trường Collège Mỹ Tho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu), sau đó lên học bậc tú tài tại Trường Petrus Sài Gòn (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp tú tài theo mong muốn của gia đình và sự lựa chọn của mình, ông không thi vào các trường ở miền Nam như trường Chasseloup tại Sài Gòn để sau này ra làm công chức chính quyền phục vụ cho chế độ thực dân Pháp mà lại thi vào học ở trường Đại học Y khoa Hà Nội với niềm tin vào độc lập, thống nhất đất nước và mục đích sẽ đem sức lực, trí tuệ của mình trực tiếp chữa bệnh cứu người không phục vụ, tiếp tay cho thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột đứng lên theo Đảng làm cách mạng chống đế quốc và tay sai, giành lấy quyền sống. Lời kêu gọi khẳng định: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của thực dân Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”[1]. Là ngưòi thanh niên có tri thức< Phùng Văn Cung nhận thức và hiểu rõ lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, ông càng tin tưởng vào thành công của cách mạng, vào sự độc lập, thống nhất của đất nước. Năm 1936, khi đang học Đại học Y khoa Hà Nội, ông cưới vợ là bà Lê Thoại Chi (1913-1966), quê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, cũng là một trí thức yêu nước. Sau khi cưới, bà Lê Thoại Chi đã cùng ông ra Hà Nội để được bên ông và chăm sóc, động viên ông học tập.

Năm 1937, ông tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội, được đưa sang Phnôm Pênh (Campuchia) làm việc. Hồi đó những người không hợp tác với thực dân Pháp thường được bổ nhiệm sang Campuchia. Cũng như ông, sau này Luật sư Dương Minh Châu, năm 1938, khitốt nghiệp thủ khoa của khoa Luật trường Cao đẳng LuậtHà Nội cũng được đưa sangCampuchia làm Tham tán luật sư ở Toà án Nam Vang Phnôm Pênh(sau về tham gia kháng chiếnNam Bộ, năm 1946 là đại biểu Quốc hộinướcViệt Nam Dân chủ Cộng hoàkhóa I, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh tây Ninh, hy sinh năm 1947).

Tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ Pháp. Thực dân Pháp đầu hàng Nhật. Nhật giữ nguyên bộ máy cai trị ở Đông Dương để phục vụ cho Nhật, chỉ “quét” thêm một “lớp sơn” độc lập giả hiệu cho chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Thời gian này, Phùng Văn Cung về quê vợ ở làng Hội An, chợ Cái Tàu Thượng (Sa Đéc) mở phòng khám bệnh, trực tiếp giúp dân nghèo và tham gia cách mạng. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Sa Đéc. Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông đã mở các lớp đào tạo y tá, cứu thương, vợ ông chăm lo chuẩn bị, y cụ, hậu cần sẵn sàng phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy chưa trực tiếp ra bưng biền kháng chiến, nhưng với lòng yêu nước, niềm tin vào thành công của công cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, ông và gia đình đã thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc với cách mạng, với nhân dân, đã hết lòng chăm sóc bệnh nhân, che chở cán bộ cách mạng, chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền.

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự, tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Mặc dù thực dân Pháp buộc phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, nhưng chúng đã có nhiều hành động vi phạm Hiệp định. Trước khi rút, chúng phối hợp với đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn làm cho miền Bắc không ổn định. Chúng gây khó khăn trong việc trao trả tù binh và tù chính trị, tìm cách bắt lính, dụ dỗ và cưỡng bức đồng bào ta di cư vào Nam. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với niềm tin cách mạng thắng lợi, ông bí mật cho hai con trai đi tập kết ra miền Bắc học tập, tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần giải phóng miền, Nam thống nhất đất nước. Năm 1960, theo yêu cầu đào tạo con em miền Nam, Phùng Văn Cung tiếp tục cho hai con gái là Phùng Ngọc Sương và Phùng Ngọc Lan bí mật qua đường Campuchia ra miền Bắc học tập.

Đến năm 1955, ở miền Nam, về cơ bản tổ chức bộ máy chỉ đạo của Đảng ở các cấp đã được sắp xếp lại và rút vào hoạt động bí mật. Những cán bộ đã bị lộ được điều động sang hoạt động ở địa phương khác hoặc tạm ngừng hoạt động để che giấu lực lượng. Việc vận động ngụy quân, ngụy quyền và đưa người của ta vào hoạt động trong các tổ chức của địch cũng được chú ý. Năm 1957, bác sỹ Phùng Văn Cung ra làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Châu Đốc rồi Rạch Giá. Trong thời gian này, ông vẫn thường bí mật ra bưng biền giúp các bác sỹ kháng chiến điều trị cho thương binh. Có lúc bị địch phát hiện, chúng đã gọi ông đến để truy hỏi, ông trả lời: Tôi bị Việt Minh bắt vào bưng chữa trị cho thương binh rồi thả về. Các ông không bảo vệ được tôi tại sao còn tra hỏi…

Để ràng buộc bác sỹ Phùng Văn Cung, đồng thời tạo nghi ngờ từ phía kháng chiến, chính quyền Sài Gòn phong cho ông quân hàm Thiếu tá quân y và đưa ông ra làm Giám đốc bệnh viện quân đội. Ông đấu tranh quyết liệt, chúng phải để ông quay trở lại bệnh viện dân y ở thị xã Rạch Giá. Cuối năm 1958, bác sỹ Phùng Văn Cung lên Sài Gòn làm Giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi). Tại đây, ông và vợ thường xuyên góp tiền của, thuốc men, tổ chức chuyển ra chiến khu. Có lần bị theo dõi, phát hiện kẻ địch đã bắt ông giam vào phòng P42 của Tổng nha cảnh sát để tra hỏi. Chúng hỏi: tại sao ông lại cho con đi học ở Hà Nội. Ông bình thản trả lời: Sài Gòn cũng có các cháu đi học ở Nhật, Mỹ, Pháp…, ở đâu phù hợp với trình độ, với năng lực của các con thì tôi cho học. Tôi chọn nơi cho các cháu học không phải cho các cháu theo chế độ cộng sản. Chúng hăm doạ, buộc ông không được dính líu đến Cộng sản, nhưng bác sỹ Phùng Văn Cung vẫn một mực nói mình chỉ là một thầy thuốc có bổn phận chữa bệnh cứu người chứ không biết ai là Việt Cộng. Kẻ địch buộc phải thả ông, nhưng luôn bám sát, theo dõi, tìm cách hãm hại.

Trong không khí sục sôi căm thù và trước xu thế vùng dậy của quần chúng nhân dân miền Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, giành độc lập cho Tổ quốc, tháng 1- 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 chủ trương cách mạng miền Nam cần có một Mặt trận dân tộc thống nhất riêng với tính chất, nhiệm vụ và thành phần thích hợp, nhằm tập hợp rộng rãi tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai. “Đảng ta cần nghiên cứu và chủ động sử dụng khuynh hướng hoà bình, trung lập đang nảy nở trong tư sản dân tộc và trí thức lớp trên”[2]. Tháng 9 -1959, do yêu cầu của cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Xứ uỷ Nam Bộ cho người vào Sài Gòn mời bác sỹ Phùng Văn Cung ra chiến khu. Tháng 10 – 1960, bác sỹ Phùng Văn Cung và gia đình bí mật vào chiến khu miền Đông Nam Bộ để chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi đến căn cứ, mặc dù sống cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, gian khổ, song vợ chồng bác sỹ Phùng Văn Cung vẫn chấp nhận mọi hoàn cảnh như bao cán bộ, chiến sỹ khác. Với bộ bà ba đen giản dị, gian nhà tre lợp lá trung quân, bàn ghế làm việc đơn sơ, giường bạt, chõng tre, cơm vắt, muối vừng, rau rừng… hai ông bà lao vào công việc không mệt mỏi, sống chan hoà cùng với anh em trong căn cứ. Cái tên thân mật “Bác Sáu” mà anh em cán bộ, đồng bào chiến sỹ trong căn cứ đặt cho bác sỹ Phùng Văn Cung thật thân tình và quý mến. Ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 27-2-1961, tổ chức Hồng thập tự giải phóng của Mặt trận ra đời. Bác sĩ Phùng Văn Cung giữ chức Chủ tịch Hội.

Tháng 2-1969, bác sỹ Phùng Văn Cung dẫn đầu Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Ngày 28-2-1969, đoàn vinh dự được Bác Hồ tiếp đón. Trong buổi tiếp, để động viên đồng bào miền Nam Bác Hồ đã nói: “Hôm nay, đồng chí bác sỹ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để mà hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép nói một câu thôi: Bao giờ Nam Bắc một nhà, Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”[3].

Từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam họp Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, bầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch; Hội đồng Cố vấn Chính phủ do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch. Bác sỹ Phùng Văn Cung vinh dự được bầu là Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ. Chính phủ Cách mạng lâm thời ra đời là một thắng lợi trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, một chính quyền thực sự mang tính dân tộc và dân chủ. Theo chủ trương của Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Cách mạng của nhân dân miền Nam đã thi hành những cải cách dân chủ ở vùng giải phóng, đặc biệt là chính sách ruộng đất. Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã được thực hiện. Đại bộ phận nông dân ở miền Nam đã có ruộng để cày cấy, sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển. Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả quan trọng. Những cải cách dân chủ được thực hiện bước đầu ở vùng giải phóng đã làm nổi lên những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai chế độ đang đấu tranh quyết liệt ở miền Nam: Chế độ dân chủ nhân dân và chế độ thuộc địa kiểu mới. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng miền Nam, được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước anh em và bạn bè trên thế giới. Ngay trong tháng 6-1969 đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.

Là một trí thức yêu nước, sinh ra và lớn lên ở miền Nam, học đại học ở miền Bắc, làm việc phục vụ dân nghèo và tham gia hoạt động cách mạng giành độc lập cho Tổ quốc. Suốt chặng đường dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lúc nào bác sỹ Phùng Văn Cung cũng có niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, vào độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Lúc công cuộc cách mạng giải phóng miền Nam có yêu cầu, gia đình ông sẵn sàng chấp nhận ra đi tham gia kháng chiến, chịu đựng gian khổ và ác liệt, từ bỏ cuộc sống sung túc nơi thành phố, bỏ lại cơ ngơi đồ sộ mà vợ chồng ông đã bao năm tạo dựng bằng tài năng và sức lực của mình. Trong suốt cuộc kháng chiến hy sinh, gian khổ, hiểm nguy ở chiến trường chống Mỹ và tay sai, bác sỹ Phùng Văn Cung đã cùng các thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam luôn hướng về miền Bắc với niềm tin son sắt. Ông đã cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho việc ra đời của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới miền Nam; Hội Chữ thập đỏ miền Nam Việt Nam.