(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:23 GMT+7)
Khi người ta yêu, nhược điểm hóa thành ưu điểm. Câu nói: "Cái đẹp không phải ở trên má hồng thiếu nữ mà ở trong con mắt của kẻ si tình" không chỉ là nhận thức của một người… Huống hồ, cô gái trong thơ Phùng Khắc Bắc có… xấu gì? Sự si mê quá độ có thể khiến tác giả nhìn cái nốt ruồi trên má cô thành "hạt ngọc đen", chứ một khi "hạt ngọc" ấy "rơi vào đáy giếng của lúm đồng tiền", mà tác giả "mỏi mắt tìm không thấy", thì có nghĩa là cái cười ấy phải tươi tắn đến mức độ nào...

 

Cái nốt ruồi trên má em

Như hạt ngọc đen lóng lánh
Mỗi lúc em cười
Hạt ngọc rơi vào đáy giếng của lúm đồng tiền
Khiến:
          Anh mỏi mắt tìm không thấy
À phải rồi!
               Anh cứ thích tìm như vậy
Để trong đời nghèo được thấy em vui 

Thật là khó nói một chuẩn mực về cái đẹp trong lĩnh vực này. Khi người ta yêu, nhược điểm hóa thành ưu điểm. Câu nói: "Cái đẹp không phải ở trên má hồng thiếu nữ mà ở trong con mắt của kẻ si tình" không chỉ là nhận thức của một người… Huống hồ, cô gái trong thơ Phùng Khắc Bắc có… xấu gì? Sự si mê quá độ có thể khiến tác giả nhìn cái nốt ruồi trên má cô thành "hạt ngọc đen", chứ một khi "hạt ngọc" ấy "rơi vào đáy giếng của lúm đồng tiền", mà tác giả "mỏi mắt tìm không thấy", thì có nghĩa là cái cười ấy phải tươi tắn đến mức độ nào. Và cái "lúm" ấy, cái "giếng" ấy phải có sức hút đến đâu! Thực tình, hình ảnh này với tôi có ấn tượng chẳng kém gì cái "Nét cười đen nhánh sau tay áo" trong thơ Lưu Trọng Lư. Có chăng, nó chỉ non hơn tí chút so với Hữu Thỉnh, khi ở một trường ca, anh viết: "Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền". Câu thơ ở một cấp độ cao, vượt ngoài giá trị hình tượng.

Nhưng - dừng lại ở đây chưa đủ. Phùng Khắc Bắc cần phải tìm cho bài thơ của mình một cái kết thật "ra nhẽ"… "À, phải rồi" - tuy nói là mỏi mắt tìm không ra… hạt ngọc đen kia, nhưng anh lại phát hiện ra được cái khác lớn hơn: Ấy là lý do để anh say mê với "công cuộc tìm kiếm" đó: "Anh cứ thích tìm như vậy/ Để trong đời nghèo được thấy em vui".

Cái kết thật thông minh, lại có duyên, không thể không làm tôi nhớ đến bài thơ của một nhà thơ in ra cách đây dễ đến ba mươi năm. Bài thơ kể lại chuyện ngày bé tác giả hay đùa giấu đồng năm xu dưới giàn thiên lý nhà mình, để cho cô bạn nhỏ hàng xóm mỗi lần chơi trốn tìm lại phải reo lên khi phát hiện ra có đồng xu ai đánh rơi ở đó. Cuối bài, tác giả kết luận: Mặc dù cuộc đời có biến thiên, giá cả có đổi thay nhưng "đồng xu ấy trong ta không bao giờ mất giá"… Bài thơ của Phùng Khắc Bắc cũng chung nguồn cảm hứng về một thứ "niềm vui đời nghèo" như thế.

Kể ra, bài thơ của Phùng Khắc Bắc còn có những chỗ chữ nghĩa hơi thật thà, cách diễn giải có phần gần với văn xuôi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên: Khi yêu, nhược điểm có thể hóa thành ưu điểm. Phùng Khắc Bắc là một thi sĩ quá cố mà chúng ta yêu mến. Lẽ nào ta không nhìn nhận nhược điểm ấy của anh như "hạt ngọc đen lóng lánh" mà anh nhìn ra từ nốt ruồi của cô gái? Không qua đó mà thấy thêm được tâm hồn đôn hậu của tác giả? Và, phải chăng có gì bất nhẫn khi ta đề cập tới điều ấy, với Phùng Khắc Bắc - người mà thơ viết ra không hề có ý định in thành sách, càng không phải để người đời bật đèn pha rà soát, mổ xẻ… 

Tác giả bài viết: Phan Ngọc Trường (chọn và bình)