(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:12 GMT+7)
Tôi với Phùng Trung Tập là bạn chiến đấu với nhau từ thời ở miền Tây Nam bộ, cách đây gần 4 thập niên rồi. Những ngày còn học tiếng Nga với nhau ở số 97 Võ Văn Tần thuộc trường đại học Tiền Giang trước khi đi du học ở Liên Xô (cũ), tôi đã phát hiện thấy Phùng Trung Tập có nhiều biểu hiện "bất thường”, đó là lẩm nhẩm làm thơ. Chính vì lẽ đó mà nhiều khi anh đánh vần mãi cũng không nói trôi mấy từ tiếng Nga dài ngoằng khó nhớ. Đời thế là khổ rồi, tôi nhìn Phùng Trung Tập ngồi ở cổng trường gặm cái bánh mỳ khô buổi sáng theo tiêu chuẩn sinh viên mà lòng thấy vui vui, khi nghĩ tương lai chắc anh sẽ thành một nhà thơ!
 
Bây giờ cầm mấy tập thơ của bạn trên tay, thoạt đầu vẫn thấy bất ngờ rồi lại nhớ tới "biểu hiện” từ mấy chục năm trước hóa ra mình dự đoán không sai. Đọc thơ Tập đẫm hương đồng nội. Cái mùi hương này chỉ có thể được giữ lại cho riêng mình, bởi một gã nhà quê chính hiệu, dù đã đi khắp thế giới như chính tác giả của nó thì cũng không làm sao đánh mất chất quê mùa, bơ sữa, bánh mỳ kẹp thịt cũng không ngon hơn canh cua đồng nấu với rau mồng tơi. "Miền yêu thương”, "Mắt bão con tim” và "Hồn quê một cõi” là ở đâu thế nhỉ, nếu đó không phải là những bờ tre, rãnh khoai ngứa, ruộng lúa mà Phùng Trung Tập đã đi qua.
 
Bài đầu tiên trong tập "Miền yêu thương” được Phùng Trung Tập đặt tên là "Tự bạch”. Ai ra sân khấu mà không phải xưng danh, còn nhà thơ thì cũng phải có mấy lời tâm thơ, chí huyết, tuyên ngôn chứ. Phùng Trung Tập đã tự bạch thế này: "Ta tự vấn mình sao lại viết thơ/ Khi cơ chế thị trường đang cần tiền để mạnh/ Ta đã thấm đời trong từng cơn nóng lạnh/ Nhận rõ mình vùng vẫy giữa mưa giông…”. Tự vấn mình sao lại viết thơ ư? Phùng Trung Tập tự vấn mình như một lời tự bạch hay còn có ý trách cứ số phận đã vướng vào thơ như một nỗi khổ giữa ngã ba đường. Cơm áo gạo tiền nuôi mình, nuôi con đã là vắt kiệt sức rồi, đời lại bắt làm thơ nữa, rõ khổ chưa! Vâng, số phận bắt Phùng Trung Tập làm thơ, trút nỗi lòng nặng trĩu với nhân gian. Xin đọc mấy câu hồn cốt của anh: "Ta quặn đau trên những cánh đồng trống ngô khoai lúa/ Rằng bội thu ư?/ Người nông dân vẫn mải mê mót từng hạt thóc lép trên mảnh ruộng của mình!” Đây mới đích thực là tâm hồn Phùng thi sĩ. Sinh ra từ gốc rạ, lớn lên từ luống cày thì làm sao quên được gốc gác nhà quê chứ! Gốc gác là một gã nông dân chính hiệu.
 
Là bạn với nhau bao nhiêu năm rồi, hôm nay ngồi đọc thơ của anh tôi mới rắp tâm để ý đến cách uống rượu của Phùng Trung Tập, một khi đã cố ý thì sẽ tìm ra một cái gì đó mà trước đây không nhìn ra. Cầm ly rượu  có mác sản xuất tận bên trời Tây mà Phùng thi sĩ tợp một cái như thể uống chén rượu cuốc lủi ở quê mình. Nông dân có bằng tiến sĩ, hàm phó giáo sư nhưng cách uống rượu thì không thể khác được, cách uống của người nông dân. Thế nên đọc thơ anh ta thấy tiếng lòng đồng cảm với những phận đời "bán mặt cho đất bán lưng cho trời” trong khắp nhân gian.
 
Thơ anh luôn phảng phất một chút buồn, thậm chí là buồn vu vơ, thế nên chỉ một con trâu cô đơn cũng làm anh trăn trở: "Con trâu đứng trong chuồng cũng mơ màng thức ngủ/ Nhìn đống rơm trước mặt sợ đông về”. Một trong những nội dung trong thơ Tập khiến người đọc xúc động chính là những bài viết về mẹ cha, những vần thơ hiếu nghĩa với bậc sinh thành. Mặc dù cha mẹ đã đi xa về nơi vĩnh hằng nhưng với Phùng Trung Tập thì họ vẫn còn nguyên đó. Anh đã in 2 bài có tựa đề "Mẹ ơi”, bài "Nhớ mẹ”, "Nhớ cha”, "Quà của cha”, "Đi xa về nhớ cha”… Ngồi ăn một miếng ngon cũng thấy nhớ tới công cha, đi sang tận trời tây cũng nghĩ về nghĩa mẹ. Những câu thơ mà Phùng Trung Tập viết về mẹ cha đọc lên thấy thổn thức trong lồng ngực: "Hôm nay con nhớ mẹ nhiều/ Tim con nhói buốt giữ chiều tháng ba/ Linh thiêng mẹ trở lại nhà/ Bánh trôi thơm ngọt trắng ngà con dâng…” Hay như: "Khi con thi đỗ vào cấp ba/ Cả xóm dưới làng trên chúc mừng con đỗ đạt/ Cha hạnh phúc, mắt sáng bừng khuôn mặt/ Nói nhỏ với con, cha sẽ tặng quà…”.
 
Một trong những mảng mà người đọc không thể bỏ qua trong tập "Miền yêu thương” đó là cái cười của nhà thơ với nhân tình thế thái, một chút châm biếm, một chút đắng cay, một tí bất cần. Có lẽ bài thơ gây ấn tượng nhất với tôi là bài "Hiện tượng”. Tác giả đã thống kê bằng bút pháp hài hước hơn 20 kiểu cười khác nhau ở đời: "Cái cười đã có từ lâu/ Cười mỉa mai, cuời bắc cầu, cười vui/ Cười nịnh bợ, cười nước đôi/ Cười không thành tiếng, cười ruồi, cười to/ Cười đắc ý, cười thơm tho, cười trừ/ Cười nhận lỗi, cười tiễn đưa/ Cười xỏ xiên, cười giả vờ, cười chơi…”
 
Lê Tự

Nguồn tin: http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=6579