(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:00 GMT+7)

TRUNG THỰC VỚI LƯƠNG TÂM LÀ ĐIỀU CỐT TỬ ĐỐI VỚI NGƯỜI CẦM BÚT

( Phong Điệp phỏng vấn Phùng Văn Khai )

1. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của anh năm 1996: một anh lính binh nhì với bộ quân phục còn rất mới, bỡ ngỡ tham dự trại viết do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Đồ Sơn. Anh có thể kể lại những năm đầu vào lính của mình không? Có một kỷ niệm nào đáng nhớ?

Trại viết Đồ Sơn lần ấy tôi là người trẻ nhất trại được một tuần đầu(sau đó Phong Điệp xuống chiếm mất). Năm ấy tôi 23 tuổi, đã là binh nhất rồi. Lính ở cơ sở binh nhất binh nhì dút dát lắm nhưng kỷ niệm thì nhiều và có chuyện bây giờ còn chưa dám nói. Tôi đi lính muộn và tình cờ là không qua khám tuyển nghĩa vụ quân sự mà do em ruột đi khám, tôi ở xa về cứ thế đi. Quê tôi chuyện như thế là thường, nhiều người đi lính thay, hy sinh thay cho nhau đã trở thành chuyện bình thường. Như tôi là gặp may. Gặp may như mới nhập ngũ tháng 2-1994 thì tháng 8-1994 đã có giấy báo đoạt giải thưởng cuộc thi viết Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội do TCCT tổ chức. Gặp may như đang học lái xe trong Trường lái xe 255 thì đích thân Nhà văn Khuất Quang Thuỵ về trường xin cho đi dự trại viết và gặp Phong Điệp (cười). Mà nghĩ lại cái trại viết ấy thấy các nhà văn nhà thơ VNQĐ thật tinh tường. Hầu hết trại viên bây giờ đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, về công tác tại các toà báo lớn có uy tín cả.

2. Cũng tại trại viết ấy, hình như anh đã có cuộc gặp gỡ "định mệnh" với nhà văn, nhà báo Chi Phan của truyền hình Quân đội nhân dân?

Nói là định mệnh thì hơi quá. Thực ra Nhà văn Chi Phan (Trưởng ban biên tập Truyền hình Quân đội lúc bấy giờ) có cảm tình từ "cái nhìn đầu tiên" với tôi, mà không phải do kiểu "sét đánh" đâu. Nguyên do là hôm ấy Đoàn Truyền hình Quân đội xuống muộn giờ, các nhà văn thì đã ra biển hoặc đi tản mạn hết (vì trại có các trại viên nữ rất xinh). Nhà văn Lê Lựu phụ trách trại viết đi Hải Phòng có việc dặn với tôi: "Có ai đến thì cậu mời vào lễ tân bảo đợi tớ". Tôi thấy đoàn Truyền hình xuống liền chạy ra tươi tỉnh: "Mời các chú các anh vào lễ tân đăng ký". Một người hỏi: "Thế Ban tổ chức đâu?". Tôi ớ ra: "Nhà văn Lê Lựu đi Hải Phòng dặn thế". Người kia bảo: "Dẫn tôi đi gặp lễ tân. Chịu mấy bố nhà văn".Tôi nhanh nhẹn dẫn đi, rồi tìm phòng, rồi khuân đồ đạc, máy móc bở hơi tai mãi mới xong...Xong việc, người hỏi ban nãy dịu giọng: "Cảm ơn cậu, lính vệ binh ở đây hả. Nhanh nhẹn lắm. Hết trại lại khuân đồ cho chú". Tôi quệt mồ hôi nhễ nhại: "Không, cháu là trại viên". "Hả, trại viên à...?". Thế rồi ít lâu sau tôi trở thành Biên tập viên THQĐ.

3. Từ một anh lính binh nhì trở thành một biên tập viên của truyền hình Quân đội nhân dân, một người viết văn trẻ của Quân đội- chặng đường ấy đã diễn ra như thế nào vậy?

Nếu nói là chặng đường gian khổ hy sinh chắc nhiều người cười ngay. Thực ra là thế này. Hơn mười năm làm lính và cầm bút tôi mới học được rất ít từ cuộc sống chính người lính, cụ thệ độ hai từ: Trung thực. Mà không phải lúc nào cũng thực hiện được hai từ ấy đâu dù sẵn sàng gian khổ, sẵn sàng hy sinh (bây giờ là hy sinh vật chất, quyền lợi). Tôi cũng được đi nhiều, khắp trong Nam ngoài Bắc, rồi Tây Nguyên, Trường Sa, Tây Bắc, Dầu khí... và được làm nhiều (theo tôi cũng chính là được học) mà mới chạm được phần nào cái chất  trung thực  của người lính, thấm thía về nó, tin tưởng vào đấy và dám sống vì đức tính ấy, rồi thì tựa vào đấy mà học, mà viết và biên tập bài vở của đồng đội, tham gia xây dựng và sản xuất các trương trình Truyền hình. Tôi cho rằng, dù làm gì trước tiên phải trung thực với lương tâm mình, trung thực với lương tâm mình là điều cốt tử làm lên mỗi nhà văn, cứ tựa chắc vào đấy sẽ ít ra không đánh mất mình là cái rất cần thiết với người viết văn, làm báo.

4. Từ một người lính rồi trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà văn trẻ- điều thay đổi lớn nhất đối với anh là gì?

Tôi được đi dự Đại hội Nhà văn trẻ Toàn quốc lần thứ 6 năm 2001, còn làm báo thì sớm hơn, từ tháng 2-1997 đã về làm ở Truyền hình QĐND, chủ yếu mảng Văn học nghệ thuật, trước đó đã viết tự do cho nhiều báo, tạp chí. Thay đổi nhiều lắm, nào môi trường sống, môi trường làm việc, các mối quan hệ xã hội, trên dưới, đồng nghiệp, bạn bè. Nhiều người đã cho rằng tôi thay đổi hoàn toàn. Nhiều người đoán tôi làm truyền hình nên thay đổi...Người bảo viết càng ngày càng hay, lại có người bảo càng dở...Nói thật thế này, điều thay đổi lớn nhất với tôi là mình nhận lấy kiến thức của mình còn quá mỏng và bằng mọi cách phải học để lấp vào đấy. Tôi học khá đặc biệt, thường là một thầy một trò và học khu biệt từng mảng một. Tất nhiên tôi yêu thích văn xuôi và các thầy tôi là Lê lựu, Hoàng Quốc Hải, Ma Văn Kháng... và sách. Sách là thầy cũng là món ăn khoái khẩu nhất của tôi hiện nay.

5. Tính cách một người lính bộc trực, đôi khi bỗ bã, có gì nói nấy, nói sai cũng không sợ có vẻ lại như làm anh đôi lúc bị khó xử khi nhập cuộc với cách văn chương, báo chí? Anh có nghĩ mình lên thay đổi?

Quá khó xử đã rất nhiều lần nhưng không phải với cách văn chương báo chí mà là với một số đồng chí cấp trên, đặc biệt là các ông cha bà chú trong gia đình đoàn thể. Và đương nhiên phần thiệt bao giờ cũng là kẻ dưới. Và chắc chắn nó còn diễn ra bởi một lẽ đã coi trọng tính trung thực  thì coi như chấp nhận những thiệt thòi kia thôi. Sợ nói sai chứ. Nói sai sau đó nhận ra thì thành thật xin lỗi và sửa mình. Ai người ta lỡ bắt bẻ mãi. ở đời ai nói cái gì cũng đúng được. Có cái đúng ngày hôm nay ngày mai đã sai rồi. Còn thay đổi ư? Thế thì khôn ngoan quá, làm gì còn "bộc trực, bỗ bã, thảng thắn" nữa để mà sai, để mà thay đổi. Nói điều chỉnh thì lại trung tính quá mà để yên thì bảo thủ. Thì thế này vậy, xin lấy phần sáng tác để bù vào, xin hứa là như thế, chứ hứa là thay đổi là điều chỉnh tính nết chắc chắn không thực hiện được.

6. Trước đây, từ một chàng thanh niên quê mùa, quen việc chân lấm tay bùn bước chân vào quân ngũ, rồi có những tác phẩm ra mắt bạn đọc, tôi thấy anh đầy những mặc cảm tự ti. Thế còn bây giờ, anh tự nhận mình là người thế nào- tự tin hay tự ti, hay...?

Với tôi quãng thời gian ấy mới là đẹp nhất, cả tuổi thơ lấm láp, nghịch ngợm, lếu láo, đói khát là quãng đời đẹp nhất của tôi. Nếu không có nó, chắc chắn tôi không viết một dòng thơ dòng văn nào. Còn về tự ti khi trình làng những tác phẩm đầu tay ư. Cũng không đến mức ấy đâu. Cũng chẳng phải là khiêm tốn mà là bản tính, bản năng thì đúng hơn. Cái lỗi chính là nền tảng tri thức mỏng, vốn sống ít, năng khiếu bập bõm làm nên cái trạng thái nửa vui nửa buồn, nửa hãnh diện nửa dụt dè ấy mà. Bây giờ vẫn thế. Lắm lúc tưởng chẳng sợ gì ai rồi lại cái gì cũng sợ, có lẽ tạng tôi nó thế, mà cũng cũng thấy các bạn viết bảo thế.

7. Sau hai tập truyện Khúc dạo đầu của binh nhì (NXB Quân đội- in chung với Phùng Kim Trọng) và Đêm trăng thiêng (NXB Hội nhà văn 2002) Hương đất nung (NXB Phụ nữ 2004) bạn đọc lại bất ngờ thấy anh ra mắt tập thơ đầu tay  Lửa và hoa. Lẽ nào văn xuôi chưa đủ cho anh "vẫy vùng"? Anh có thấy mình "hơi liều" không?

Liều lĩnh gì đâu. Nếu cứ đang viết văn xuôi lại sáng tác và in thơ mà bảo là liều thì có khi có đến hàng trăm hàng ngàn người liều. Hai tập sách rưỡi trên trong vòng 10 năm trời là tôi viết chậm, chất lượng lại chưa cao mới là liều thực sự. Nhưng không viết nó bức bách thế nào ấy. Kể cả thơ. Ví như một cô gái đẹp tự nhiên yêu tôi chẳng hạn, lúc ấy đang viết văn xuôi bỏ đấy đi làm thơ đã.

8. Tôi đọc khá nhiều truyện ngắn của anh và nhận thấy những trang văn anh viết về quê hương luôn có một sức nặng nhất định. Những dòng trữ tình nhất, sinh động nhất, chân thành nhất cũng có thể tìm thấy ở đây. Ví dụ như các truyện Hương đất nung, Đêm trăng thiêng, Đầm Vạc...Anh lấy cho mình cảm xúc từ đây- có phải từ chính vùng đất Như Quỳnh, Hưng Yên mà hiện gia đình anh đang sinh sống?

Thì tôi đã nói ở trên đến mức có phần "gắt gỏng" về tuổi thơ và quê hương đó thôi. Gia đình tôi hiện đang ở vùng đất cổ Như Quỳnh, nơi địa đầu xứ Đông với rất nhiều huyền tích dân gian. Tôi đặc biệt yêu thích các áng văn cổ dân gian về thuyết âm dương, nhất là các huyền tích về ma của đồng bằng Bắc Bộ. Nói là đã viết thật nhất, rung cảm nhất của cá nhân tôi với quê hương thì chính xác hơn, chứ "sức nặng, trữ tình, sinh động nhất" thì còn phải cố gắng lắm. Nói mắc nợ quê hương, trả nợ cuộc đời trong khi viết là nói quá lên thôi chứ người cầm bút nên trả nợ chính mình đã. Ăn hạt lúa củ khoai để lớn lên bây giờ bà con mua tờ báo xem, mở chương trình ti vi có chữ mình, tên mình mà dở mà sạn thì cũng đáng nghĩ ngợi lắm.

9. Là một người viết trong Quân đội- tất nhiên người đọc sẽ kỳ vọng những trang viết của anh về người lính. Điều này liệu có tạo nên một sức ép tâm lý cho anh?

Phải nói thẳng là cũng có người kỳ vọng vào tôi, cụ thể là đồng đội và bạn hữu. Có những người thủa cùng học lớp ba lớp bốn giờ làm giám đốc, tổng giám đốc các công ty lớn, bạn lính giờ xuất ngũ đi xe ôm, có cả bạn học bị nghiện, bị đi tù vẫn kỳ vọng vào tôi là chuyện có thật. Tôi cũng tự biết sức lực thật của mình trong nghiệp viết để mà còn dấn thân, chuẩn bị cho thất bại hay thành công, hoặc có thể không thất bại mà cũng chẳng thành công nữa chứ. Những sức ép tâm lý thì không có. Tôi vẫn nghĩ về người viết văn xuôi phải có một độ trầm tĩnh nào đó, một cái nhìn chín chắn trong bức tranh toàn cảnh phức tạp của xã hội đang diễn ra. Sức ép là sức ép lương tâm thôi. lương tâm ép tôi viết về người lính hôm nay là có thật. Không có tài có vốn sống ư? Cơ chế sáng tạo, môi trường thẩm mỹ khe khắt quá ư? Hay sự đáp ứng quá eo hẹp về vật chất, về tinh thần? Toàn là những câu hỏi hóc búa mà tôi có mỗi câu trả này: Không phải tác phẩm lớn nào ai cũng có thể viết được, lại càng không phải muốn viết lúc nào cũng được. Mù mờ thế đấy.

10. Đọc các sáng tác của anh, tôi nhận thấy anh có ý thức rất rõ về vai trò là một người viết trong Quân đội, nhiều sáng tác của anh đã đi sâu khai thác đề tài này, về thơ có: trường ca Hoa bên cột mốc hoặc các bài Những người lính, Nhắn tìm đồng đội..., về văn xuôi có các tác phẩm như: Những người đốt gạch, Bên bến đò Lăng, Đảo mù sương, Bác tôi, Tiếng khèn...Tuy nhiên chắc anh cũng đồng ý với tôi rằng đây là đề tài khó, hơn thế nữa đã có rất nhiều thành tựu văn học trong mảng đề tài này xuất hiện trước chúng ta, và thật khó có thể vượt qua được. Vậy theo anh, những người viết trẻ trong quân đội hôm nay như anh liệu có cách nào để tạo nên những thành tựu văn học mới của chính thế hệ mình, đặc biệt trong mảng đề tài về chiến tranh cách mạng?

Nói điều này mong các bạn chia xẻ. Tôi quả tình không xác định đề tài. Các sáng tác của tôi đến nay có hai mảng chính: nông thôn và người lính. Thực ra thì cũng là một. Người lính không đi chiến đấu thì ở hậu phương sản xuất, không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì ở nhà làm ra lúa ngô, ra hoa trái bốn mùa. Chứ ở thành phố mấy ai đi lính, đã đi là có khi đi để tính chuyện khác. Nên hai mảng tôi thuộc thì tôi viết. Như tôi vừa làm anh nông dân ngoài giờ vừa là anh sĩ quan trong giờ hành chính. Thứ bảy, chủ nhật hết tụ tập thơ văn lại hò nhau ra đồng bắt cua, bắt cá, hun chuột, bắt ếch như trẻ con ấy. Còn về thành tựu văn học các loại đề tài xin cho tôi khỏi bàn đến. ý cuối cùng của PV thực ra là một sự trả lời quá sức với tôi vì mọi người đều đã thấy, nếu có một cách nào đó thì hẳn chúng ta phải áp dụng ngay thôi, để còn thu ngay lấy "những thành tựu văn học thế hệ mình, đặc biệt trong mảng đề tài CTCM". Nhưng trả lời nghiêm túc là thế này. Tôi không gánh hộ được cho ai phần của họ nhưng sẽ cố gắng hết sức không để ai phải gánh hộ phần của mình.

11. Về các bạn viết đồng lứa với mình, anh học được gì ở họ.

Rất nhiều thứ. Đặc biệt là những thứ mình còn khiếm khuyết.

(bài thực hiện năm 2004)

Phongdiep.net 

http://phungvankhai.vnweblogs.com/