(Thứ hai, 22/02/2016, 12:01 GMT+7)
Phùng Khai Văn
 
 

Từ bùn sen mọc bông sen
Tạ nguồn cội nghĩa lửa đèn nghìn năm
Mát xanh đêm ánh trăng rằm
Thơm mây nước kết hương trầm in khuya
Mùa thu, những vạt đồi Sơn Tây đẹp lạ lùng. Nắng trải vàng miên man trên những vạt đồi thấp lúp xúp cây vụ đông đan xen từng chòm cây dại. Có những đụn đất nhô cao, từng chòm cổ thụ nhàn tản đứng riêng rẽ tạo cái thế an bình, thơ thới của vùng đất cổ xứ Đoài. Sơn Tây - vùng đất cổ, mảnh đất địa linh nhân kiệt tầng tầng trầm tích văn hóa hàng nghìn năm lịch sử. Sơn Tây vang danh với vùng đất cổ Đường Lâm, đất hai vua quật cường đánh đuổi giặc phương Bắc gây dựng nền độc lập từ hơn nghìn năm trước. Đức Vua Bố Cái Đại vương Phùng Hưng hội tụ linh khí núi sông, đức dày tổ tông dòng họ Phùng nối đời hưng dân lập nghiệp nơi đất Đường Lâm sớm có chí lớn trọng dụng hiền tài lãnh đạo muôn dân đánh đổ ách đô hộ nhà Đường, lập lại giềng mối của nước, lên ngôi quân trưởng, muôn đời được nhân dân ca ngợi, thờ phụng, xưng tụng là cha mẹ. Đền, đình thờ Bố Cái Đại vương không chỉ riêng ở Đường Lâm - Sơn Tây mà nhiều vùng miền quanh năm thờ phụng nhớ ơn đức Vua đã cho thấy tấm lòng của nhân dân các triều đại luôn biết ơn sâu sắc đến bậc vua hiền. Ngô Quyền, một vị vua khởi từ đất Đường Lâm anh dũng quả cảm, mưu trí quật cường, trong diệt phản thần yên ổn triều cương, ngoài đánh xâm lăng lập võ công Bạch Đằng ghi vào sử sách. Các nguồn sử liệu đã chứng minh đức Ngô vương là cháu về bên ngoại của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, mới thấy linh khí núi sông, chí lớn anh hùng luôn chảy liền mạch vậy. Tương truyền rằng, khi Ngô vương đánh trận Bạch Đằng, đêm nằm mộng thấy Bố Cái Đại vương hiện lên dặn: “Ta đã đem vạn đội thần binh mai phục nơi hiểm yếu, quân tướng ngày mai tiến binh đánh giặc tức khắc có âm trợ, tất sẽ toàn thắng”. Quả nhiên, trong trận Bạch Đằng thấy trên không trung có tiếng ngựa xe xung trận hãm giặc. Quân ta thắng lớn. Sau trận đánh, Ngô vương xuống chiếu lập đền thờ làm cỗ thái lao cảm tạ. Người đời sau, khi tôn vinh công trạng đức Vua đã để lại đôi câu đối: “Đất Bắc thạch bi truyền, vạn thuở nghinh vua Bố Cái - Trời Nam đồng trụ tạc, ngàn thu sự nghiệp đức Đường Lâm” đủ thấy ân đức của Vua luôn soi sáng muôn đời.
Từ thành quả của cha ông, dòng dõi họ Phùng trên mọi miền Tổ quốc như cây sinh ra từ một gốc, nước thơm mát từ một cội nguồn, theo năm tháng luôn kề vai sát cánh cùng các dòng họ khác, trên gánh vác trọng trách với đất nước, dưới chung sức đồng lòng với nhân dân lao động cần lao. Dòng dõi Tổ tiên luôn tâm truyền hướng con cháu vào việc thiện, việc nghĩa, sửa đức sáng, khơi nguồn trong ở mọi giai đoạn của lịch sử.
Mảnh đất ấy, cội nguồn ấy đã hun đúc chí hướng của những người con họ Phùng các thế hệ, dù họ làm bất cứ công việc gì đều hết tâm hết sức hướng về đức sáng Tổ tông, mưu lợi ích cho nhân dân, cho cộng đồng, làm những việc tươi đẹp, thảo thơm, ân tình trong cuộc sống.
Khu danh thắng du lịch Thiên Sơn suối Ngà nhiều năm nay đã và đang là một điểm đến hấp dẫn vào bậc nhất ở phía Bắc. Người đến Thiên Sơn suối Ngà như trở về nguồn cội, tìm thấy sự thanh thản, sự gần gũi, thanh sạch cho tâm hồn trong cuộc sống sôi động và phức tạp hôm nay. Đến đó như trở về quê hương gốc gác. Một quê hương đi mấy vẫn gần, dạt trôi không lạc. Một quê hương thấm đẫm dệt nghĩa ta - người. Một quê hương mà nguồn lệ và tiếng cười chung riêng nối nhau cho ta cân bằng hơn, điềm đạm và vuông tròn hơn trong cuộc sống.
Khu danh thắng du lịch Thiên Sơn suối Ngà là công sức cũng là tâm huyết từ nhỏ của chàng trai xứ Đoài mang họ Phùng: Phùng Hệ. Ít ai biết anh chính là người tự thiết kế và chỉ đạo thi công mọi chi tiết ở khu du lịch đậm đà phong vị phương Đông, luôn coi sự thành kính, hài hòa, thâm trầm, giúp con người hòa vào thiên nhiên, mở mang chính mình làm tiêu chuẩn tối thượng. Khu danh thắng du lịch Thiên Sơn suối Ngà là một đỉnh cao độc đáo về kiến trúc, hữu hiệu về việc giúp con người tìm về nguồn cội, hướng tới bảo vệ một môi trường bền vững, hài hòa trong sự phát triển chung của vùng đất Thánh Tản Viên sơn.
Từ khá lâu, khu danh thắng du lịch Thiên Sơn suối Ngà là niềm tự hào không chỉ của riêng anh Phùng Hệ mà là của nhân dân Sơn Tây và người Hà Nội. Các nhà chính trị, văn hóa, nhân sĩ trí thức và đặc biệt là các nhà kiến trúc đều tìm thấy ở đây những nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt là sự an bình của một quần thể kiến trúc đẹp, hướng tới những giá trị nhân văn nhất của con người.
Vậy người làm ra nó là ai? Phùng Hệ là ai? Điều gì đã khiến người con họ Phùng bỏ nhiều tâm sức cho khu danh thắng du lịch Thiên Sơn suối Ngà đến vậy? Giá trị vật chất mang lại cho anh rất khiêm tốn so với biết bao công sức đã bỏ ra luôn là một câu hỏi vang lên với nhiều người. Người họ Phùng vốn vậy. Giản dị, khiêm nhường nhưng lẽ cương thường, đạo lý làm người luôn chảy trong huyết mạch. Đó là sự thật về những người con họ Phùng. Đó là sự thật về Phùng Hệ.
Nhắc về anh, không thể không nhắc đến một con người đã gắn bó với anh từ thuở hàn vi - chị Mạch. Anh chị là một cặp trời sinh không thể tách rời. Đạo vợ chồng là nghĩa tao khang. Yêu nhau dẫu xuống bể, lên ngàn, vàng tan, ngọc nát, chỉ nghĩa vợ chồng luôn còn mãi. Đạo vợ chồng không chỉ của riêng hai người mà còn là đạo hiếu với tổ tông, cha mẹ; đạo nghĩa với anh em, làng xóm; đạo trung với đất nước, nhân dân, thời đại. Đạo vợ chồng là đạo làm người - CON NGƯỜI viết hoa theo nghĩa trọn vẹn nhất. Anh chị luôn là tấm gương sáng của đạo vợ chồng.
Những ngày ban đầu đến với nhau cách đây tròn 30 năm, trong những lúc cơ cực nhất, anh chị đã thấy được điều căn cốt đó. Gia đình anh chị có không ít sự tương đồng. Phùng Hệ và Nguyễn Thị Mạch đều là con út trong gia đình có 7 anh chị em 5 gái, 2 trai. Người mẹ yêu kính của anh chị đều đã mất. Cả hai đều rất cá tính, giàu tình yêu thương và đặc biệt đều có nghị lực sống phi thường. Chị kể về anh ân cần, thủ thỉ, đôi lúc không khỏi bật cười trước tính khí của người chồng. Phùng Hệ vô cùng chịu khó và gan góc. Làm việc gì phải làm cho bằng được, dẫu có là đào núi, đắp sông hay việc nhỏ như nấu nước, thổi cơm cũng phải làm đến kỳ cùng, kỹ lưỡng, ra tấm ra món mới thôi. Mới hơn 10 tuổi đầu, khi ấy cả nước đói thì nhân dân vùng đất Thanh Vị - Thanh Mỹ - Sơn Tây thiếu đói là đương nhiên. Dân ta hết chiến tranh đã phải lập tức đương đầu với giặc đói. Người dân làm ra hạt thóc nhưng có mấy khi được nhìn thấy hạt gạo. Nghĩ cũng kỳ lạ, vẫn đồng đất ấy, con người hôm nay còn đông đúc hơn nhiều mà nước ta xuất khẩu gạo đã vươn lên nhất nhì thế giới, thế mà ngày ấy đói vàng mắt, cơm quanh năm độn sắn, độn khoai. Những ngày tháng khó khăn ấy, cậu bé Hệ cùng chúng bạn  vừa học vừa  phải đi bắt cua bắt cá trên đồng để cải thiện đời sống cho gia đình. Cậu là tay sát cá cự phách của làng Thanh Vị. Bắt ăn không hết, đem phơi khô để ăn dần. Sau này ở tuổi thanh niên, các chị gái đi lấy chồng mỗi lúc về nhà mẹ, cậu Hệ đều gói cá khô biếu chị. Có một chuyện rất thú vị thể hiện rõ cá tính của Phùng Hệ lúc mới hơn 10 tuổi. Khi ấy xảy ra dịch cúm gia cầm, gà cả làng chết vãn. Nhà Phùng Hệ cũng vậy, từng đàn, từng lứa gà trống gà mái gà mẹ gà con cứ chết dần trong sự chua xót của mọi người. Đàn gà với người nông dân khi ấy rất quan trọng. Ngày giỗ ngày tết trông vào nó. Mua cho con cái áo, quyển vở trông vào nó. Có công có việc trong họ ngoài làng chỉ biết bán đi mấy con gà thêm thắt đồng hiếu hỉ. Đàn gà toi dần, mọi người còn loay hoay và nghĩ đến dịch chết hết sẽ càng khó khăn với mỗi gia đình. Cậu bé Hệ cũng có suy nghĩ ấy. Cậu đã nhìn thấy được ánh mắt buồn rầu, tiếng thở dài của bà mẹ lam làm quanh năm chỉ biết rau cỏ lợn gà cám bã trong làng trong xóm. Cậu đã nhìn thấy nay mai ngày giỗ tết chẳng còn con gà làm cỗ cúng gia tiên. Những chú gà tiếp tục lả đi, chết dần trong bàn tay chăm sóc đêm ngày của cậu bé Hệ. Con gà mẹ cuối cùng cũng sắp toi vì bệnh dịch. Có những lúc, nước mắt cậu bé hơn 10 tuổi đã rỏ ra vì thương lũ gà con đã mất. Những suy nghĩ thôi thúc cậu bé khéo tay, lam làm và hay cả nghĩ hành động. Cậu xin với mẹ cho được chữa chạy con gà mẹ còn sót lại đang ủ rũ, nhớn nhác vì bệnh tật và mất con. Cậu lục lọi sách vở, chạy quanh làng xóm hỏi kinh nghiệm chữa gà toi và không nề hà việc gì để cứu chú gà mẹ cuối cùng. Thật kỳ diệu, khi mọi thứ tưởng đã vô vọng thì gà mẹ cuối cùng tưởng chết nốt dần dà hồi sinh trở lại. Đó là một cô gà mái rất kiên cường không phụ công chăm sóc của cậu chủ. Cả làng chỉ còn được vài con sau đợt dịch bệnh trong đó có cô gà mái mẹ của cậu bé Hệ. Trong tình thương và sự chăm sóc chu đáo, cô gà mái khỏe dần lên, và lại đẻ, ấp trứng, rồi tục tục dẫn con đi kiếm mồi. Đàn gà  sinh sôi nảy nở trong sự vui mừng của cả nhà và sự thán phục của các anh chị em. Chàng thiếu niên Phùng Hệ có một đàn gà riêng vài chục con trống mái lớp nọ kế lớp kia thích mắt lắm. Giỗ tết, học hành đều có công sức của cậu. Mỗi khi chị gái lấy chồng, cậu út Phùng Hệ lại biếu anh chị mấy đôi gà làm giống. Của ít tình nhiều. Điều giản dị nhưng sâu sắc lẽ đời lẽ người đã phần nào nói lên tính cách của Phùng Hệ hôm nay: Lam làm, chịu thương chịu khó như lời câu ca dao cậu thuộc từ tấm bé:Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
Tôi như nhìn thấy giọt nước mắt long lanh trong mắt chị Mạch khi chị tươi cười rạng ngời đón cậu bé mới sinh ấp vào mình. Anh chị mới sinh thêm hai cháu trai. Ở tuổi ngoài năm mươi mới lại sinh nở khiến chị trở lại thời con bận con mọn. Bây giờ mọi thứ đã rất khác, anh chị nuôi con với những gì tốt nhất nhưng tình máu mủ mẹ con vẫn luôn như thuở ban đầu, khi chị sinh cháu Phùng Thị Hương Mai năm 1986 và Phùng Thế Hùng năm 1989. Con nào chả từ ruột mẹ sinh ra. Con nào chả là tinh cha huyết mẹ. Cậu bé Hùng đang du học ở Anh hôm nào cũng gọi điện, email, facebook với gia đình hỏi han hai em. Gia đình nền nếp gia phong như càng vỡ òa trước niềm hạnh phúc mới. Đông con đông của. Chị Mạch tươi cười bảo chị học theo lời dạy của Bác Hồ: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây - Vì lợi ích trăm năm phải trồng người. Tôi thấy người mẹ đã ở tuổi ngoài năm mươi suy nghĩ giản dị mà sâu sắc. Anh chị Hệ - Mạch đã tạo ra những điều như huyền thoại của vùng đất Sơn Tây và hai cậu bé đang nô đùa khúc khích là huyền thoại riêng của anh chị.
Vẫn ôm con, chị kể về anh, chân thành, xen chút tự hào bịn rịn của người từng cơ cực mà lên. Anh chị lấy nhau hai gia đình không đồng ý lắm. Bởi gia đình chị khi ấy thuộc diện buôn bán, còn anh Hệ gia đình làm nông nghiệp, bố làm đội trưởng đội sản xuất. Hơn nữa, chị lại bị bại liệt một bên chân từ nhỏ, tuy vậy nhưng chị có rất nhiều người theo đuổi. Bố mẹ nào chả thương con, muốn gả con vào nơi nhàn hạ, không phải chân lấm tay bùn. Chị nghĩ khác. Khi ấy mới mười chín tuổi nhưng chị đã tỏ ra khá chín chắn. Chị nhìn và sớm nhận ra anh trong đám đông ồn ào nhiều màu sắc vây quanh chị. Anh ít tuổi, nhưng luôn tỏ ra sâu sắc, chín chắn có tư duy vượt trội và luôn nhìn ra những điều người khác không nhìn thấy. Con tim mách bảo cho chị biết điều đó, chị nói: Trai khôn tìm vợ giữa chợ đông, gái ngoan tìm chồng ở chốn ba quân. Đó là khẩu hiệu của chị. Anh chị cưới nhau từ tình yêu, từ sự đồng điệu và cao hơn là sự nhận ra con đường lớn, chí hướng lớn của nhau.
Cưới nhau xong hai vợ chồng nghèo lắm. Lại mang cá tính tự lập không muốn nhờ cậy mẹ cha nên cuộc sống càng khó khăn. Có nhờ cậy cũng khó vì cha mẹ hai bên đều đông con. Những ngày ấy muốn làm giàu cũng khó. Hai vợ chồng trẻ không nề hà bất cứ công việc gì. Nhất là Phùng Hệ. Anh hiểu phải vượt qua quãng này bằng chính nghị lực và đôi bàn tay, khối óc của mình. Quyết không để cái đói cái nghèo dìm con người xuống bùn đen. Bằng tất cả sự nỗ lực không biết mệt mỏi của hai anh chị, hai vợ chồng vừa sinh cô con gái đầu lòng năm 1986 vừa phải xây dựng căn nhà cấp bốn trên mảnh đất được Hợp tác xã nông nghiệp cấp theo tiêu chuẩn ở mặt đường quốc lộ để tiện buôn bán, làm ăn. Ngày ấy, ai nghĩ được ra phố để làm giàu. Không ít người còn coi khinh dân ở phố là đầu đường xó chợ. Không nghĩ nhiều đến những điều ấy, vợ chồng Hệ - Mạch vừa nuôi con vừa đón mẹ ra ở cùng, vừa buôn bán đủ thứ trên đời.
Biết lắng nghe nhau trong mỗi cân bằng
Nghĩa chồng vợ âm thầm như mạch nước
Không ngừng chảy, ngừng trôi, ngừng luân chuyển
Để dâng cao bát ngát mọi bến bờ
Tuổi đôi mươi đầy khao khát ước mơ
Để rộng lớn cùng rộng dài đất nước
Giọt giọt mồ hôi lặng thầm sau trước
Thành suối, thành sông ấm sáng chân trời
Trời không đóng cửa nhà ai. Nghị lực và đức tính lam làm của anh chị khiến ai cũng thương mến, cảm phục, hợp tác làm ăn. Anh chị buôn vàng, buôn nước mắm, buôn gạo đủ cả. Sau này là buôn bán sắt vụn, tiến tới phụ tùng ô tô vào Nam ra Bắc, buôn gỗ bạch đàn xuất khẩu… dần dà gây dựng cơ ngơi vững mạnh lên.
Những năm 1986, 1987 là năm khó khăn cơ cực nhất. Mới ra ở riêng, hai vợ chồng có hai cái xe đạp phải bán đi một cái để lấy vốn buôn bán. Chị còn được mẹ đẻ cho thêm một chiếc máy khâu Singe để may vá thêm thắt hàng ngày. Khi đẻ bé Mai, cả nhà chỉ ăn cơm cá mắm. Phùng Hệ ăn đầu. Chị Mạch ăn khúc đuôi còn khúc giữa nhai cơm cho con và để phần cho mẹ. Chị rơi nước mắt bảo: Cái con Mai bây giờ chỉ thích ăn cơm cá mắm chú ạ. Vợ chồng nó cũng y như cái nết của anh, chỉ thích tự lập. Bố mẹ muốn cho con cái gì cũng khó. Nó mới mua căn nhà chung cư trả góp theo suất lương công an của chồng chứ nhất định không chịu nhận tiền bố mẹ. Lại còn kế hoạch chưa sinh con sớm. Các cháu ngoan là điều được lớn nhất của anh chị.
Tôi nhìn chị, thấy cuộc đời thật dài rộng, luôn mở ra tới mọi chân trời, mở ra cho người dám đi và dám đến. Cái đích đến phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Năm 1987, sau khi bé Mai sinh được một năm anh chị dành dụm được 13.000 đồng làm vốn cân thuê sắt vụn ăn chênh lệch đầu sáng cuối ngày. Đúng là ông trời có mắt, vợ chồng Hệ - Mạch làm ăn ngày càng tấn tới. Bạn hàng tin tưởng tìm đến đông dần. Các đơn vị quân đội quanh vùng luôn tin tưởng và hợp tác cùng vợ chồng chị. Lòng tin nuôi dưỡng con người. Uy tín làm nên thương hiệu. Sự trung thực, nghĩa tình luôn gắn bó và tạo ra những nền tảng, những giá trị không phải lúc nào con người cũng ý thức hết được. Đó như một mối duyên trời.
Có được chút vốn liếng vật chất, vợ chồng Hệ - Mạch luôn nghĩ đến tổ tông, cha mẹ, anh em. Mọi công việc lớn nhỏ từ góp công của xây dựng đình đền, đường sá đến nhà thờ họ, phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ anh chị em, các công to việc lớn trong dòng họ, vợ chồng anh chị đều thành tâm tham gia hết sức hết lòng. Dường như vợ chồng anh chị sinh ra để làm công việc này. Anh chị làm tự nhiên, đầy tâm nguyện, rất khoa học và luôn khiêm nhường không muốn nêu danh tính của mình. Đó cũng là một điều thú vị của vợ chồng Hệ - Mạch.
Thơm vào tượng thơm vào bia
Thơm từ cổ tích nong nia giần sàng
Tháng mười đồng lúa mênh mang
Sen ôm bóng nước hồn làng xưa sau
Từ ân đức tổ tông, từ sự cố gắng phi thường của anh chị, cơ ngơi của anh chị dần dà sum suê, vững vàng, không ngừng phát triển. Trong tay anh chị giờ đã có hẳn một tập đoàn lớn với gần chục công ty đa ngành nghề làm ăn có hiệu quả, giúp đỡ hàng ngàn lao động trên các tỉnh, thành phố. Anh chị cũng vừa  xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả nhà máy xi măng Trung Sơn ở Hòa Bình với sản lượng hàng năm lên tới trên 1,2 triệu tấn, thu hút 350 lao động phần lớn là người địa phương. Ngay như khu du lịch sinh thái Thiên Sơn suối Ngà hàng chục năm nay vừa tiếp tục xây dựng hoàn thiện vừa khai thác đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa bàn. Đây vừa là khu du lịch vừa là địa chỉ văn hóa của Ba Vì, của Hà Nội.
Khởi từ những khúc nông sâu
Tự áo nâu tự bùn nâu chân trần
Cùng người thắp sáng nghĩa ân
Kết vàng đá thắm trong ngần ca dao
Ngày trước, từ những lúc khó khăn nhất, anh chị luôn ý thức sâu sắc đạo lý Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn. Hôm nay, khi mà đường đã đi được một chặng, đôi lúc ngoảnh nhìn lại mới thấy ân đức tổ tông đùm đậu cho mình để vợ chồng càng thấy được trọng trách lớn lao mà bước tiếp chặng đường phía trước. Người cha Phùng Hệ, cụ ông Phùng Văn  Lâu, người con của làng Thanh Vị đã bước sang tuổi 94, râu tóc đã bạc trắng luôn dạy con phải ghi sâu ơn đức tổ tông, ghi ơn dòng họ Phùng đất Thanh Mỹ - Sơn Tây đã cho mình khôn lớn thành người. Những buổi họp dòng họ, những cuộc gặp gỡ, hội thảo khoa học ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, cụ Phùng Văn Lâu ngồi im lặng dõi theo nết ăn nết ở của cậu con út Phùng Hệ chốn nghi lễ thâm nghiêm. Dường như cụ rất yên tâm và tự hào về cậu con trai út. Mới đó mà đã mấy chục năm. Thời gian nát đá tan vàng, chỉ sự trưởng thành của những người con mãi vững bền trước thời gian khiến bậc lão trượng như cụ thấy không hổ công sinh thành, dưỡng dục. Vợ chồng Hệ - Mạch ăn ở thảo thơm trong họ ngoài làng, rộng ra là nhân dân quanh vùng, những việc lớn nhỏ trong xã hội anh chị đều ứng xử trên tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, cũng là để răn dạy các con lễ nghĩa ở đời.
Không e thấp không quản cao
Xanh cùng trời biếc ấm vào thịt da
Ông bà ta mẹ cha ta
Cầm sen đi suốt đường xa nẻo gần
 
Trùng trùng thân đứng bên thân
Cao dày hơn sóng ân cần hơn mây
Hỡi người đi đó về đây
Cùng ta hát khúc ca này dâng sen
Vợ chồng anh chị Hệ - Mạch những ngày tháng hôm nay như thanh thản hơn trong cuộc sống đời thường. Mới sinh thêm hai cháu Phùng Anh, Phùng Dũng vào ngày 27 tháng 2 năm 2015, người cha Phùng Hệ như trẻ ra đến chục tuổi. Cái cách anh chăm con, chơi với con, bế ẵm, vui đùa cứ như mới làm bố lần đầu. Bên con, anh như một đứa trẻ to xác khiến mọi người không khỏi bật cười. Trong thế giới này, trẻ con luôn là hạnh phúc nhất. Trẻ con đem hạnh phúc đến cho mẹ cha, cho ông bà, cô dì chú bác. Trẻ con là tương lai đất nước, là thước đo của gia đình, xã hội, là niềm tin và lẽ sống ở đời. Hai thằng bé trứng gà trứng vịt chừng như cũng láng máng hiểu được cái vui mừng hết cỡ của người lớn. Chúng rộn rã khua chân múa tay, cười liên tục, bơi đạp lọc xọc trên chiếc xe khắp trong căn phòng khiến chúng tôi như được trở về thời chăn trâu cắt cỏ. Các ông con! Hãy mau hay ăn chóng lớn! Hãy mau chóng trưởng thành nhận trọng trách của tổ tiên cha ông truyền lại. Thế giới ngày mai là của các con.
Đã nửa thế kỷ được sinh thành dưỡng dục lên người, vợ chồng Hệ - Mạch đã cùng nhau đi qua biết bao thăng trầm, đã từng biết xuống biển ơn sóng lên trời ơn mây, đã từng lắm phen có đôi cánh mỏng rũ đầy nắng mưa để hiểu được giá trị thiêng liêng của đạo làm người là dâng tặng, là kết đoàn trong cộng đồng gia tộc, dòng tộc họ Phùng, trong cộng đồng lớn dòng giống Việt Nam.
Thơm thảo lắm những trái tim nóng bỏng
Góp một bàn tay chung một tấm lòng
Cùng họ mạc đi tới nơi biển rộng
Thấy thêm mình từ sức vóc cha ông
 
Năm mươi tuổi đã nghe nhiều câu hát
Đã bồn chồn cha tóc bạc sương khuya
Đã vững chãi mọi cung đường bát ngát
Sen thơm hồng nơi đá sáng ngoài kia
Những năm gần đây, ngày giỗ Tổ đức Vua Phùng Hưng mùng 8 tháng Giêng, người khắp xứ đổ về vùng đất hai vua Đường Lâm đông đúc. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc trong tiết mưa phùn. Con cháu họ Phùng các cành nhánh trên toàn quốc về viếng đức Vua tỏ lòng thành kính. Con người có tổ có tông - Như cây có cội như sông có nguồn. Năm nào cũng vậy, từ trước Tết, khi nơi thờ tự đức Vua còn thanh vắng, dân trong vùng Đường Lâm còn bận rộn với cái tết riêng mỗi mái nhà, anh chị Hệ - Mạch đã sớm có mặt nơi đình thờ đức Vua. Sau những trao đổi ngắn gọn với cán bộ chính quyền và Ban Quản lý di tích về công việc ngày giỗ Tổ, vợ chồng người con họ Phùng thanh thản đi dạo một vòng quanh khu di tích, lẫn vào cỏ cây, sương khói buổi cuối năm. Tôi thấy anh nhìn ra xa, nơi xưa kia dòng Tích Giang dâng nước cho đôi bờ ngô lúa, cây cối, vạt rừng trùng điệp nối đến tận chân núi Tản. Ngay phía trước, rặng ruối cổ thụ có từ ngày đức Vua buộc voi ngựa đứng trầm mặc buổi cuối năm như cứa vào tâm can những người con họ Phùng. Những gì con người đã và đang làm ra, được biên chép trong lịch sử dù nhỏ bé đã như những hạt vàng góp nhau đong đầy lấp lánh. Ngày lễ hội. Dân quanh vùng, dân tứ xứ đổ về tỏ lòng thành với vùng đất hai vua. Sáng sớm mùng 8 tháng Giêng, tôi thường đến sớm đã thấy anh chị lặng lẽ thành kính dâng lễ cúng đức Vua trong đoàn người nhộn nhịp. Những năm gần đây, con em họ Phùng ngày giỗ Tổ kéo nhau về đông đúc. Tay bắt mặt mừng, má ửng hồng, vai náo nức không khí mùa xuân. Ai cũng như thấy mình phải có thêm trọng trách từ những điều thiêng liêng nguồn cội.
Cũng hàng năm, mùng 6 tháng Giêng, tại Nhà Bái đường Văn Miếu Quốc Tử Giám, vợ chồng anh chị Hệ - Mạch với cương vị Ban tổ chức luôn đến sớm, cùng với các thành viên Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng cho các cháu họ Phùng trên toàn quốc đỗ đại học trong năm. Trong không khí trang nghiêm, giữa các bậc trưởng thượng trong dòng họ, tôi thấy anh chị tươi tắn, khiêm nhường đến hỏi han từng người. Anh ngắm nghía bộ huân huy chương lấp lánh dưới mái tóc chòm râu phơ trắng của lão anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu với vẻ mặt rạng ngời lắm. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, ấm sáng, vững vàng như đá núi. Mùa sen này thơm lên mùa sen trước đầy đặn nghĩa tình. Những bạn trẻ họ Phùng đứng sát bên nhau, nối vào nhau như sóng trong hàng bia Văn Miếu. Anh chị Hệ - Mạch bước lẫn vào lớp trẻ đang ríu rít. Như có mùi sen thơm thoảng ra từ bia đá bảng đồng.