(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:03 GMT+7)
Ông Phùng Văn Cung một trí thức yêu nước nổi tiếng ở ba cương vị khác nhau: một bác sĩ tận tâm phục vụ bệnh nhân và hết lòng giúp đỡ cán bộ kháng chiến ở nội thành, một vị Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một sứ giả xứng đáng theo nguyện vọng của nhân dân Miền Nam, được cử làm Trưởng đoàn đại biểu ra thăm Miền Bắc ruột thịt, cám ơn cán bộ chiến sĩ và đồng bào miền Bắc hết lòng giúp đỡ cho cuộc kháng chiến đầy sinh tử của nhân dân miền Nam. Ông Phùng Văn Cung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một sứ giả đầy trọng trách có tiếng vang cả nước.

1. Xóm trí thức yêu nước

Sinh ngày 15/5/1909 tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, Phùng Văn Cung con gia đình nông dân khá giả gắn bó với ruộng vườn. Ông Phùng Văn Thân người cha hay chú ý đến công việc đời sống xã hội nên có nhiều uy tín. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lới, gốc người Miền Trung có ảnh hưởng nho giáo, chăm sóc dạy con biết lễ nghĩa hiếu thảo, yêu lao động, làm việc có ích cho xã hội. Trừ người chị ra, Phùng Văn Cung là con trai lớn trong tổng số 12 chị em. Được gia đình chăm lo việc học, ước mong sau này có cơ hội người anh lớn giúp đàn em bao bọc nên người. Phùng Văn Cung thông minh, học rất giỏi, sau khi học trường tỉnh, trường Mỹ Tho, thay vì thi vào trường đào tạo công chức chính quyền thực dân Pháp như trường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Nhưng sở nguyện gia đình muốn cho con học sẽ làm nghề gì có ích cho xã hội mà không ảnh hưởng, lệ thuộc đến chế độ thực dân Pháp, đã từng đàn áp nhân dân ta. Phùng Văn Cung thi đỗ vào học trường Đại học y khoa Hà Nội. Cùng xóm với Phùng Văn Cung có ông Trần Văn Được lớn hơn 12 tuổi, vốn học giỏi nổi tiếng, sau khi học ở Sài Gòn ra học Đại học Cầu Đường ở Hà Nội, đỗ kỹ sư hạng ưu, ông hướng dẫn đường đi nước bước cho Phùng Văn Cung trong việc chọn nghề định hướng học tập có ý nghĩa sau này. Cạnh nhà kỹ sư Trần Văn Được là nhà ông Nguyễn Hữu Thế[1], gốc con nhà nông phấn đấu học ra làm giáo viên tiểu học, nghề “kỹ sư tâm hồn” cho lớp trẻ. Trong chế độ thuộc địa, nghề dạy học, nghề xây dựng cầu đường, nghề chăm sóc sức khỏe luôn có ích cho xã hội. Nghĩ như vậy gia đình, bà con lối xóm động viên Phùng Văn Cung yên tâm phấn đấu học tập đỗ đạt nên người.

Hoàn cảnh đất nước đắm chìm trong nô lệ của thực dân Pháp, nhân dân ta bị khổ nhục trăm bề, chứng kiến cảnh mất nước lầm than đó ít nhiều có ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của từng lớp trí thức dân tộc ta thời bấy giờ.

Năm 1927, tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên đã phát triển đến tỉnh lỵ Vĩnh Long. Nguyễn Hữu Thế, người thanh niên tuổi 19 sớm giác ngộ, tích cực hoạt động được kết nạp vào tổ chức cách mạng, tiền thân của Đảng Cộng sản sau nầy. Tháng 2/1931, thành lập tỉnh Đảng bộ Vĩnh Long do Ngô Văn Chính làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Hữu Thế là thành viên. Mọi hoạt động chống Pháp của Nguyễn Hữu Thế tại thôn Tân Bình, làng Tân An tỉnh lỵ Vĩnh Long đều trực tiếp, gián tiếp ảnh hưởng đến từng lớp trí thức, nhân dân lao động và đồng bào yêu nước trong đó có Phùng Văn Cung, người bạn cùng tuổi cùng học thời niên thiếu và ông Trần Văn Được[2],  người đỡ đầu tinh thần cũng như nhiều người khác.

Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ cả nước, Nguyễn Hữu Thế, Phó Bí thư chi bộ đặc biệt, cùng với 5 đảng viên trong chi bộ lãnh đạo cuộc khỡi nghĩa tại tỉnh lỵ Vĩnh Long giành chính quyền thắng lợi, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, thành lập chính quyền cách mạng. Cùng thời gian đó, Phùng Văn Cung tham gia khởi nghĩa ở Sa Đéc, cùng nhân dân giành quyền làm chủ, cả nước độc lập ước mơ từ lâu đã thực hiện. Được tin ấy, tại Phnôm Pênh, Trần Văn Được rất vui mừng nước nhà được độc lập, nhưng chưa có điều kiện, chưa có cơ hội chung tay góp sức với cách mạng ở quê nhà.

Pháp tái chiếm Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Thế ra bưng biền cùng toàn dân kháng chiến trường kỳ. Cháy bỏng trong lòng nhưng chưa có điều kiện ra chiến khu hoạt động như bao nhiêu bạn bè khác, Phùng Văn Cung rất trăn trở và tìm cách hành động theo kiểu cách yêu nước của mình? Mà thời gian là câu trả lời thực tế đó!

Người ở quê liền xóm với Phùng Văn Cung là Phan Văn Chương, người trí thức được đào tạo bài bản tại trường chính quy Sài Gòn Chasseloup Laubat, làm Đô trưởng Sài Gòn thấy được trách nhiệm của công dân Việt Nam phải “đứng lên đáp lời sông núi”, ông từ bỏ mọi “danh vọng” tìm một “ngã rẽ thức thời” là về với nhân dân trong khí thế chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Một Trần Văn Được dù làm ăn tha phương, xa Tổ quốc, ông luôn luôn hướng về quê hương vận động kiều bào yêu nước trở về quê tham gia chiến đấu và vận động tiền bạc thuốc men gởi về ủng hộ kháng chiến. Bản thân gia đình ông còn bí mật nuôi chứa đồng chí Lê Duẩn và nhiều cán bộ cao cấp khác[3].

Xóm Tân Bình, làng Tân An giới trí thức giàu lòng yêu nước và bằng mọi cách hoạt động cách mạng mỗi người mỗi cách rất sinh động và nhiệt quyết.

          2. Người có nhiều uy tín

Chúng ta đặt câu hỏi bác sĩ Phùng Văn Cung do đâu có nhiều uy tín, được người đời kính phục?

Qua nhiều tài liệu sách báo và người đương thời kể lại, ông Phùng Văn Cung trước khi thành người cán bộ cách mạng, là người công dân tốt, người thầy thuốc có trách nhiệm cao hết lòng phục vụ nhân dân với câu châm ngôn lương y thực sự như từ mẫu. Phải thấy rõ xuất thân từ gia đình khá giả thời bấy giờ, cộng với ngôi thứ trong gia đình được chăm sóc rất mực, cưới vợ sớm để có người bạn đời giúp đỡ lo việc đèn sách ở phương xa “tận Hà Nội”, đây là sự việc hiếm có theo truyền thống người xưa. Như thói thường đáng lẽ được chăm sóc, Phùng Văn Cung càng đua đòi ỷ lại, nhưng trái lại được sự giáo dục của gia đình, nghĩa cử của người thân, ông càng thấy trách nhiệm của bản thân nên cố gắng bằng cách phấn đấu học tập, khắc phục thời tiết khắc nghiệt “khi trái gió trở trời” và có ý thức khi thành đạt trở về tìm việc làm phục vụ yêu cầu đồng bào mong đợi. Khi học xong, được ông Trần Văn Được giúp đỡ sang Phnôm Pênh mở phòng mạch trị bệnh, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó về hoạt động ở Thị xã Sa Đéc, thiết thực phục vụ bà con quê hương với sở nguyện vì nghề giúp người. Cho đến ngày nay, nhiều người còn nhắc đến ông là bác sĩ “như mẹ hiền”, “bác sĩ của người nghèo” vì ngoài tinh thần tận tụy phục vụ “hết bịnh chớ không tính giờ giấc”, “hết bịnh chớ không tính tiền bạc”. Ông còn quan tâm giảm miễn phí cho bịnh nhân và còn cho tiền đối với bịnh nhân nghèo ở xa đi về bằng tàu, xe. Tác phong, thái độ người thầy thuốc như ông không phải “lựa cơ hội hốt tiền” mà thật xứng đáng là người thầy thuốc có lương tâm, tấm gương mãi mãi lưu truyền cho hậu thế.

          Vấn đề thức hai là từ sau khi Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại hiệp định Giơnevơ (1954), ra sức bắt bớ khủng bố bắn giết, tù đày người yêu nước, ông Phùng Văn Cung người thầy thuốc có trách nhiệm không khỏi nghĩ đến vận mệnh của đất nước, cuộc sống khốn khổ của đồng bào? Khi ông làm giám đốc Sở y tế tỉnh Châu Đốc, tỉnh Rạch Giá cũng như trực tiếp làm giám đốc bịnh viện Phúc Kiến (Chợ Lớn) nay là bệnh viện Nguyễn Trãi, bất chấp bọn mật vụ của Mỹ Diệm rình rập theo dõi khủng bố ám hại, bác sĩ Phùng Văn Cung mưu trí qua mắt địch trị bịnh cho cán bộ cách mạng ở nội thành hoặc che dấu trị bịnh cho cán bộ tại nhà riêng hết lòng vì cách mạng chẳng tính bất trắc, rủi ro?

Tại Rạch Giá, Tỉnh trưởng Lâm Quang Phòng rất phản động gian ác, thừa biết việc làm “vì nước vì dân” của ông, chúng cho bọn công dân vụ (tình báo) nhiều lần vây ráp, hạch sách, đe dọa, ông luôn đấu lý buộc địch phải chùn bước, bình tỉnh mưu trí tiếp tục hoạt động qua mắt chúng. Tại bệnh viện Phúc Kiến, trước hành động và việc làm đầy nhân cách của người thầy thuốc có lương tâm và trách nhiệm, bọn địch coi như cái gai nhọn chĩa vào mắt chúng. Vả lại, bọn chúng thừa biết Phùng Văn Cung làm Thiếu tá, nắm cơ hội cho xe chuyên dùng chở vũ khí, thuốc men và vận động cả tiền bạc gởi ra chiến khu cho cách mạng. Tổng nha cảnh sát đô thành Sài Gòn đe dọa: “đòi ném ông xuống hầm a xít nếu còn hoạt động có dính liếu đến cộng sản!” Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, việc làm chính nghĩa yêu nước của Phùng Văn Cung dựa vào dân được dân hết lòng ủng hộ, nên ông luôn giành được ưu thế về phía mình.

Vấn đề thứ ba là ông Phùng Văn Cung[4]luôn luôn có niềm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng nhứt định giành thắng lợi. Hoàn cảnh sống trong lòng địch với cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của quân Mỹ - ngụy: quân đông, vũ khí tối tân, bọn mật vụ đông như bầy kiến, bom đạn nhà tù hàng loạt để khuất phục lòng người, nhưng Phùng Văn Cung đánh giá đúng và hiểu mặt trái của nó: đông mà không mạnh, chính nghĩa bao giờ cũng thắng phi nghĩa. Từ niềm tin đó, ngày từ năm 1954, ông có tầm nhìn xa gửi hai con trai ra miền Bắc học tập, vì ông tin chắc địch sẽ phá hoại Hiệp định Giơ neo vơ, cuộc chiến sẽ kéo dài. Với núm ruột của mình ý nguyện bản thân ông phải tạo điều kiện để vừa góp phần chiến đấu xây dựng và bảo vệ đất nước, khi “tre già” phải có “măng mọc” nối tiếp.

Từ niềm tin đó ông luôn luôn sẵn sàng cống hiến cho cách mạng từ của cải cơ nghiệp gây dựng lâu dài, cả sự nghiệp danh vọng sẵn sàng từ bỏ tất cả khi có cơ hội, với “mình không” ra chiến khu kháng chiến. Cái đặc biệt của ông là vợ chồng các con, cả gia đình đồng tâm nhất trí vì nghĩa lớn dám hy sinh cái riêng, hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước.

Uy tín của Phùng Văn Cung chính là qua hành động cụ thể được cán bộ chiến sĩ và đồng bào biết đến, một trí thức biết gắn liền bản thân với sự nghiệp cách mạng và với tiền đồ của dân tộc.

          3. Sứ giả miền Nam

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Mỹ và tay sai thua đau khắp chiến trường, buộc chúng phải vào bàn hội nghị Pari và Mỹ rút quân về nước. Thế chúng đang giẫy chết, xong càng tỏ ra ngoan cố gian ác chúng gượng dậy đánh phá, phản kích ác liệt với âm mưu “tìm diệt” và “bình định”. hòng lấn đất, giành dân, tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị.

Tại miền Nam, nhân dân ta thừa thắng xông lên vượt qua mọi gian khổ hy sinh tiếp tục anh dũng chiến đấu giành thắng lợi. Đồng bào hai miền Nam Bắc dồn sức người sức của cho kháng chiến. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, ông Phùng Văn Cung, người có danh dự lớn được cử làm Trưởng đoàn theo nguyện vọng của nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, báo cáo tình hình chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Miền Nam với Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng bào ruột thịt miền Bắc đã thắt lưng buộc bụng hết lòng ủng hộ chí tình, chí nghĩa đối với cuộc kháng chiến vĩ đại của đồng bào Miền Nam.

Sự xuất hiện Trưởng phái đoàn, vị sứ giả miền Nam Phùng Văn Cung như vì sao sáng rực trong tình hình trong nước và thế giới rất quan tâm theo dõi và chú ý. Cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam hàng chục năm qua từ thế bị động đối phó chuyển sang thế chủ động giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau cao hơn thắng lợi trước trên khắp chiến trường. Bản báo cáo của ông Phùng Văn Cung như bản anh hùng ca tuyệt đẹp vừa thắm đượm tình nghĩa Bắc Nam được các chiến sĩ và đồng bào Miền Bắc lắng nghe đầy cảm kích và xúc động. Đây là niềm tự hào trước sự thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của đồng bào Miền Bắc đã không tiếc sức người sức của hết lòng chi viện cho nhân dân Miền Nam.

Ông Phùng Văn Cung được Bác Hồ ôm hôn thắm thiết biểu tượng hình ảnh nhân dân Miền Nam đầy gian khổ, luôn luôn trong trái tim của Người. Sau đó, ông Phùng Văn Cung còn đi thăm các đơn vị quân đội, các cơ sở xí nghiệp, sản xuất một số tỉnh thành phố miền Bắc và thăm một số nước Á –Âu, đem tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam cám ơn bạn bè các nước trên thế giới đồng thời vạch trần thủ đoạn gian ác của đế quốc và tay sai đối với nhân dân ta, kêu gọi các nước tiếp tục ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đã phát đi phát lại nhiều lần có sức cỗ vũ to lớn động viên quân dân mỗi miền đất nước xông lên lập thành tích to lớn hơn nữa sớm kết thúc cuộc kháng chiến, Bắc Nam thống nhất, sớm rước Bác vào Nam.

Cuộc kháng chiến đầy gian khổ và vinh quang, giữa cái sống và cái chết, giữa sự hy sinh tính mạng và tài sản, song tính mạng là cái quí nhất. Ông Phùng Văn Cung là người sẵn sàng hy sinh tất cả vì đất nước, vì dân tộc, ông là người có uy tín lớn, xứng đáng thay mặt cho nhân dân Miền Nam làm sứ giả xuất sắc, một phần thưởng to lớn và danh dự đối với ông mà đời làm cách mạng như ông hiếm ai có được.

Hình ảnh Bác Hồ với Phùng Văn Cung và Phùng Văn Cung với Bác Hồ một biểu tượng cao quí đối với nhân dân Miền Nam, một sứ giả rất đặc biệt thời kháng chiến có ý nghĩa to lớn luôn sống mãi với nhân dân ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

 1. Sách đã xuất bản

-   Lịch sử tỉnh Vĩnh Long, NXB CTQG Hà Nội 2002: Tr.109 – Tr.171

-  Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long qua các thời kỳ NXB Trẻ - TP Hồ Chí Minh, 2005: Tr.94 – Tr.99

Những người con trung hiếu NXB VN.TPHCM - Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long 2005 Tr.23 – Tr.30 và Tr.31 – Tr.38

-  Trí thức Sài Gòn – Gia Định – Hồ Hữu Nhựt (chủ biên) NXB CT QG, Hà Nội 2001: Tr.461 – Tr. 465

-  Chung một bóng cờ NXB CTQG, Hà Nội 1993 – T.890

2 .Các nhân vật sống:

- Bà Phùng Thị Ngọc Hà, giáo viên cháu kêu ông Phùng Văn Cung bằng Bác ruột ở K1, P9, TP Vĩnh Long.

- Ông Huỳnh Hữu Nguyên, cháu ông Nguyễn Hữu Thế, ở K1, P9, TP Vĩnh Long.

- Bà Trần Thị Thiệt, cháu ông Trần Văn Được ở TP Hồ Chí Minh.

- Bà Lê Kim Hà anh hùng lực lượng vũ trang, con dâu ông Phùng Văn Cung.



[1]Tên thật là Huỳnh Hữu Thế.

[2]Bí danh Lâm Kiết Khánh, Ba Kính (1897-1997) Chủ tịch hội Việt kiều yêu nước ở Campuchia.

 

[3]Khi cơ quan Xứ ủy Nam Bộ bị địch khủng bố, phải chuyển sang Campuchia.

[4] Ông vào Đảng tháng 3/1964.

*  Nguyên Ủy viên Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chiến Thắng*