(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:04 GMT+7)
 
Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức nổi tiếng ở của nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông sinh ngày 15-5-1909 tại xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân. Được cha mẹ chú ý việc học tập, Phùng Văn Cung học rất giỏi và đỗ đạt cao. Ông đã sớm ý thức được những tủi nhục của người dân thuộc địa, ông hiểu được nỗi thống khổ của người dân mất nước vì vậy ông đã chọn học ngành Y tại Đại học Y Hà Nội, với mong muốn làm bác sĩ trị bệnh cho dân chứ không muốn làm quan chức cho chính quyền thuộc địa. Năm 1937, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, ông hành nghề bác sĩ tại Phnôm Pênh. Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông trở về quê vợ ở Sa Đéc mở phòng mạch chữa trị bệnh, giúp đỡ dân nghèo. Ở bất cứ nơi nào có phòng mạch của ông, bệnh nhân đến khám đều rất đông, phần vì ông giỏi nghề, song, quan trọng hơn là ông thương yêu bệnh nhân như những người thân và tận tâm với nghề, đặc biệt là với đồng bào nghèo, nhiều khi ông khám và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, đồng bào, bệnh nhân của ông và đồng nghệp rất mực tin yêu và quý mến ông.

 

BÁC SĨ PHÙNG VĂN CUNG - MỘT TRÍ THỨC TIÊU BIỂU

TRONG MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

                                                                

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia giành chính quyền tại Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, Phùng Văn Cung với lòng sục sôi khí thế cách mạng, nhưng do nhiều lý do, ông chưa có dịp ra kháng chiến. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, Phùng Văn Cung tiếp tục tận tụy chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo không lấy tiền trị bệnh và còn giúp tiền tàu xe… Ông thực sự được sự cảm mến của đồng bào.

Sau năm 1954, ông bí mật cho hai con trai tập kết ra miền Bắc, học tập[1].  Từ năm 1957, ông lần lượt làm Giám đốc y tế tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang) rồi tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) và sau đó là Giám đốc bệnh viện Phúc Kiến – Chợ Lớn (nay là bệnh viện Nguyễn Trãi). Ở đây, ông được chứng kiến và sống trong trung tâm của chế độ Mỹ - Diệm, trực tiếp chứng kiến sự đối lập giữa cảnh xa hoa trụy lạc của tầng lớp phản động và sự nghèo khổ của đồng bào.

Tháng 8-1956, Mỹ - Diệm tiến hành thực hiện quốc sách “tố cộng - diệt cộng” giai đoạn hai với khẩu hiệu: “tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm, đạp lên oán thù để thực hiện dân chủ nhân vị quốc gia”. Ngụy quyền bắt cán bộ hồi cư ra trình diện, học “tố cộng”, khống chế số cán bộ đầu thú; đồng thời tiến hành thanh lọc nội bộ. Lực lượng bảo an, công dân vụ kết hợp với bộ máy kềm kẹp ở cơ sở, vây ráp, đón chặn, bắt bớ, tra tấn, giam cầm cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng; bắt buộc gia đình cách mạng đi học “tố cộng” tập trung, treo bảng đen trước nhà để phân biệt đối xử, cấm không cho tập tụ đông người. Đến năm 1958, ngụy quyền tiến hành tố cộng trong các tầng lớp nhân dân bằng cách tập trung học tố cộng, tổ chức mít tinh đưa các phần tử đầu hàng phản bội ra đọc tờ ly khai, xé cờ Đảng, chúng cho rằng đây là dịp tẩy não tư tưởng thân cộng sản. Bên cạnh đó, ngụy quyền còn mỵ dân bằng cách đầu tư hàng hóa vào nông nghiệp, cho nông dân vay tiền, xây dựng kế hoạch phát triển nông thôn... hòng nắm nông dân. Trong bối cảnh đó, Bác sĩ Phùng Văn Cung luôn tỏ thái độ chống lại chính sách của Ngô Đình Diệm “Quân sự hóa công chức” và bắt học tập “Tố cộng”. Địch tìm mọi cách, vừa dụ dỗ và vừa hăm dọa “thủ tiêu”, nhưng ông vẫn mưu trí hoạt động qua mắt chúng, trị bệnh cho cán bộ cách mạng ngay tại bệnh viện; vận động tiền bạc, thuốc men giúp đỡ cách mạng và luôn luôn chờ cơ hội, tìm đường ra chiến khu, cùng nhân dân làm cách mạng.

Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, trên cơ sở nhận định bối cảnh quốc tế, phân tích tình hình trong nước đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng: khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới ánh sáng đường lối đúng đắn của Đảng đề ra, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra toàn miền Nam thành cao trào “Đồng khởi” (1959-1960), “thực chất là những cuộc khởi nghĩa từng phần của nhân dân để giành quyền làm chủ ở từng địa phương thuộc vùng nông thôn miền núi và đồng bằng[2].  Cuộc “Đồng khởi” của nhân dân ta đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm ngày càng lan rộng, thu hút tất cả từ các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, đến các đảng phái như Bình Xuyên, Đảng Dân chủ, các nhóm trí thức… Một số công chức, sĩ quan, binh lính Sài Gòn đã bắt đầu có thiện cảm khiến cho mặt trận chống Mỹ - Diệm dần dần được mở rộng, lôi kéo được cả một số thuộc tầng lớp trên. Vấn đề đặt ra lúc này là phải có ngay một Mặt trận, một liên minh giữa các lực lượng xã hội để thực hiện một chương trình hành động tối thiểu cho miền Nam đã trở nên vô cùng cấp bách, nhất là trong hoàn cảnh kẻ thù ngày càng độc tài hóa, phát xít hóa bộ máy thống trị.

Trong tình hình đó, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân ta, là sự kiện ghi nhận, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.

Do yêu cầu của cách mạng, bác sĩ Phùng Văn Cung và gia đình đã bí mật thoát ly ra chiến khu, không ngại gian khổ và không nuối tiếc gia tài đồ sộ, cơ ngơi mà công sức từ lâu tạo dựng. Ông chính thức đi ra chiến trường hoạt động, vừa là có điều kiện trực tiếp giúp đỡ, chưa trị cho những chiến sĩ cách mạng, vừa là người đại diện uy tín cho tầng lớp trí thức của Sài Gòn. Với uy tín và đức độ của người bác sĩ, của một chiến sĩ luôn luôn hết lòng vì đồng bào, vì cách mạng, ông đựoc bầu làm Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 

 Ngay từ khi ra đời, Mặt trận chủ trương đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và các sĩ phu yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ và đánh đổ ách thống trị của bọn tay sai phản động, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc[3].

Ngay sau khi Mặt trận công bố thành lập, ngày 21-12-1960, tại Trảng Bàng (Tây Ninh), một cuộc mít tinh lớn với hơn 2000 người tham dự, gồm công nhân các đồn điền cao su, nhân dân các vùng nông thôn, các tín đồ, chức sắc Cao Đài, cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn, một số nhà tư sản dân tộc… đã biểu thị sự hoan nghênh và nhiệt liệt ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên nhiều vùng, miền khác nhau tại miền Nam - Việt Nam, các tầng lớp nhân dân cũng có nhiều hình thức chào mừng sự ra đời của Mặt trận.

Ngay khi Mặt trận ra đời, hàng loạt các tổ chức của Mặt trận được thành lập và các tổ chức cách mạng ra đời tham gia Mặt trận. Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, bác sĩ Phùng Văn Cung được các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức yêu nước kính nể, khâm phục và bầu ông làm Chủ tịch Hội Hồng thập tự Giải phóng (Hội chữ thập đỏ) của miền Nam, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam.

Gần hai tháng sau ngày công bố thành lập, nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc, đúng ngày mồng 1 Tết Tân Sửu (15-2-1961), tại căn cứ Tây Ninh diễn ra sự kiện lịch sử: Lễ ra mắt Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, gồm: Bác sĩ Phùng Văn Cung, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Võ Chí Công.

Đoàn Chủ tịch buổi lễ gồm: Bác sĩ Phùng Văn Cung đại diện Ủy ban Trung ương lâm thời, đồng chí Nguyễn Văn Linh đại diện cho Đảng bộ miền Nam, đồng chí Lê Thanh đại diện cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và các ông: Ung Ngọc Ky đại diện Đảng Dân chủ miền Nam Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng ban sáng lập của Đảng Cấp tiến[4]. Cũng tại buổi lễ, Mặt trận đã kết nạp Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Mặt trận.

Tháng 3-1964, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, dù lúc đó ông đã tuổi 55.

Năm 1969, có hai sự kiện lớn đối với Phùng Văn Cung là đầu năm 1969, ông được cử làm Trưởng phái đoàn quân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, chuyển tấm lòng biết ơn và tình cảm ruột thịt của nhân dân miền Nam đối với Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc và tháng 6-1969 tại Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trên cương vị mới, bác sĩ Phùng Văn Cung tiếp tục có nhiều đóng góp cho Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhất là cho chính phủ Cộng hòa lâm thời miền Nam Việt Nam, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Lịch sử Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ghi nhận những đóng góp lớn của một số trí thức yêu nước, nổi tiếng, như: Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; Phó Chủ tịch, kiêm Phó Tổng thư ký: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch: bác sĩ Phùng Văn Cung. Họ là những người lăn lộn trong các phong trào yêu nước, đóng vai trò quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết nhân dân miền Nam trong Mặt trận dân tộc thống nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đi đến thắng lợi./.



*Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

[1]. Năm 1960, theo yêu cầu đào tạo con em miền Nam, Phùng Văn Cung tiếp tục cho hai con gái bí mật qua đường Campuchia ra Bắc học tập.

[2] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (In lần thứ hai, có bổ sung), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.19.

[3]Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyển II (1954-1975), NXB Chính trị quốc gia.  H, 2007, tr. 290

[4]Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyển II (1954-1975, sđd, tr. 295.

Tác giả bài viết: Đỗ Văn Phương*