(Thứ sáu, 19/02/2016, 09:02 GMT+7)

BÁC SĨ PHÙNG VĂN CUNG TRONG

KÝ ỨC CHÚNG TÔI THỜI KỲ ĐÁNH MỸ

 

           Lê Tiến Nam*

                                               

1.Chấp hành lệnh Ban Chỉ huy Đoàn 180, đúng 17h30 phút một ngày cuối năm 1960,  phân đội chúng tôi có mặt tại ngã ba Kherdol, sát chân núi Bà Đen của tỉnh Tây Ninh. Sau khi tiếp xúc cơ sở tại chỗ để nắm địch tình, quan sát kỹ địa hình, địa vật xung quanh, phân đội chia thành 3 toán mai phục, một án ngữ sẵn sàng đối phó bọn bảo an dân vệ ấp chiến lược Bào Cỏ, một áng ngữ vào ấp chiến lược Phan Suối Đá, và một chốt tại ngã ba Kherdol để đón chờ xe chở gia đình bác Sáu Cung đến.

18h30 phút, trời vừa tối, một chiếc xe hơi từ thị xã Tây Ninh chạy đến gần ngã ba Kherdol rồi dừng lại và tắt đèn. Đứng sát ụ mối bên vệ đường, tôi bấm đèn bin chĩa thẳng gầm đầu xe 3 lần, phía bên kia, xe nhá đèn xi nhan 6 hiệp. Đúng tín hiệu cấp trên đã phổ biến, chúng tôi rất mừng và tất cả nhanh chóng phóng lên mặt đường, ra hiệu cho xe chạy vào hướng Phan Suối Đá khoảng 300 mét rồi dừng lại.

Gia đình Bác Sáu Cung xuống xe và bắt tay chào mừng với chúng tôi, anh tài xế nhanh chóng cho tất cả hành trang xuống để sát bên vệ đường. Bác Sáu mốc trong túi ra một xấp tiền khá lớn đưa anh lái xe và bảo: “Chú cầm số tiền này dùng tạm, nhớ về đến Sài Gòn xem chỗ nào trống vắng bỏ xe ở đó và tạm lánh một thời gian để chờ liên lạc của tôi”. Chia tay anh tài xế, chúng tôi đưa gia đình Bác Sáu Cung lên đường trong đêm.

Tiết trời vào cuối thu nên vẫn còn mưa đường đi khá lầy lội và trơn trượt, qua các trảng trống có chỗ nước còn ngập lên đến đầu gối…, ba cô con gái gồm 2 người con và một người cháu của 2 bác và bác gái vốn là cành vàng lá ngọc nơi chốn đô thành, nay phải đi lại trong lầy lội trơn trượt và nước ngập, thật quá gian nan cực nhọc, nhiều lần vấp ngã mà không sao gượng dậy được. Bác Sáu Cung mặc dù trong lòng rất xót xa nhưng lúc nào cũng cười tươi động viên Bác gái và ba cô cố gắng vượt qua những thử thách ban đầu. Đêm hôm đó đoàn dừng chân tại trạm giao liên 40 ở Suối Đôi và nghỉ dưỡng sức ở đây 1 ngày. Hôm sau, đoàn tiếp tục lên đường và đã an toàn về đến căn cứ tại Trảng Chiên trong vùng Kà Tum, Tây Ninh.

2.Ở chiến khu, mọi sinh hoạt hằng ngày từ việc đi lại đến việc ăn ở ..v..v… đều khác hẳn so với thành thị. Bác Sáu nhanh chóng hòa nhập vào tập thể cơ quan. Bác luôn động viên ba cô gái được vui tươi phấn chấn trong điều kiện và hoản cảnh kháng chiến trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. Tiếp xúc với Bác Sáu, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười tươi đôn hậu và lạc quan, chưa bao giờ nghe được một lời than và nỗi ưu tư được thể hiện trên gương mặt như một số người khác.

Điều chúng tôi cảm mến và xúc động nhất là mỗi khi Bác đến thăm hỏi trò chuyện cùng anh em cán bộ nhân viên và chiến sĩ làm công tác bảo vệ, phục vụ. Bác luôn quan tâm đến việc ăn uống của chúng tôi (điều mà các nhân sĩ khác trong căn cứ chưa có ai làm). Bác tâm sự và trao đổi với bác sĩ Điệp: mỗi lần tôi sang làm việc bên Thường vụ, tôi thấy ngoài Trảng Tranh có rất nhiều dây chum bao, hà thủ ô… đề nghị chú bàn với anh em trong cơ quan tổ chức đi lấy về nấu nước cho anh em uống hằng ngày. Thỉnh thoảng, anh em trong cơ quan có người bị bệnh sốt rét, Bác Sáu hầu như vứt bỏ cái áo nhân sĩ, xắn tay áo cùng với bác sĩ Điệp chăm lo, điều trị bệnh nhân. Bác còn chỉ dạy và phổ biến kinh nghiệm trị bệnh cho bác sĩ Điệp (bác sĩ Điệp là người phục vụ chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong cơ quan vùng căn cứ).

3.Từ khi Mỹ và các nước đồng minh Mỹ đưa quân ào ạt đổ bộ vào chiến trường miền Nam, cuộc kháng chiến ngày một ác liệt hơn nhiều. Cơ quan Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng phải nhiều lần dời đi nơi này đến nơi khác. Mỗi lần di chuyển như vậy có khi phải hành quân liên tục cả ngày lẫn đêm để vượt qua khu vực đánh phá của địch. Trên đường đi, có lúc các thành viên trong mặt trận có vị phải nhờ anh em chiến sĩ cận vệ cõng hoặc cáng võng qua những chặn đường khó khăn. Riêng Bác Sáu Cung thì không cho anh em làm như vậy, Bác bảo: “Các cháu đã mang vác hành trang cho Bác, trên vai các cháu còn cả sung đạn và lương thực thực phẩm và trà nước để lo cho Bác ăn uống dọc đường, như vậy đã là khá nặng nề và cực nhọc rồi. Cứ để bác đi bằng đôi chân của mình, cùng đồng cam cộng khổ với các cháu và anh chị em trong cơ quan một chút có sao đâu”. Anh em chúng tôi cố nén nước mắt và dìu Bác Sáu đi chậm rãi qua các chặng đường khó nhọc.

4.Gia đình Bác Sáu Cung về Cơ quan Mặt Trận không bao lâu, ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ mời gia đình Bác Sáu dung bữa cơm thân mật tại Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ. Trong cuộc gặp gỡ này ông Nguyễn Văn Linh và các thành viên trong Xứ ủy đều hết lời ca ngợi tấm lòng thủy chung yêu nước, thương dân của vợ chồng Bác Sáu Cung. Suốt cả quá trình Bác làm nghề trị bệnh cứu người, mặc dù luôn bị giặc Pháp rồi giặc Mỹ dùng mọi thủ đoạn lôi kéo để hợp tác với bọn chúng nhưng Bác và gia đình kiên quyết không làm tay sai cho giặc. Hăng hái tích cực và mưu trí để đóng góp kịp thời cho cách mạng ngay từ đầu Nam Bộ kháng chiến và suốt cả quá trình đế quốc Mỹ xâm lược vào miền Nam. Giờ đây, bác sĩ Phùng Văn Cung mang cả gia đình vào chiến khu để trực tiếp đánh Mỹ.

Trong suốt cuộc tiếp xúc này, Bác Phùng Văn Cung luôn nói những việc làm của hai bác là hết sức nhỏ nhoi so với quý anh chị trong cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền vào mùa thu tháng 8 năm 1945 và kháng chiến chống thực dân phản động Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2 (ngày 23 tháng 9 năm 1945) và sự nghiệp đánh Mỹ ngày nay. Việc đóng góp thuốc men, dụng cụ y tế và tiền bạc của hai bác là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước khi Tổ Quốc lâm nguy. Vợ chồng tôi rất xấu hổ vì đến lúc này mới rời bỏ Sài Gòn và vào đây với quý anh chị thật quá muộn màng. Bữa cơm thêm phần thân mật vui vẻ và sự cởi mở với nhau như trong một gia đình thực thụ không khách sáo mà chẳng e dè. Đây là đức tính khiêm tốn của Bác Sáu Phùng Văn Cung.

5. Chúng tôi còn nhớ rất rõ, sau đồng khởi ở Trà Bồng thuộc tỉnh Quảng Ngãi đến phong trào Đồng khởi rộng khắp ở Bến Tre. Chi khu quân sự của đồn điền cao su Dầu Tiến ở Bình Dương và Tua Hai ở Tây Ninh bị ta tiêu diệt, vùng giải phóng được mở rộng. Trước tình hình đó, Mặt trận dân tộc giải phóng phải được nhanh chóng ra mắt kịp thời hiệu triệu quốc dân đồng bào nhất tề xông lên đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị và Bác Hồ chỉ đạo“Không cần chờ giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ về rồi mới ra mắt Mặt trận dân tộc giải phóng, phải tổ chức ra mắt Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ngay, sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ tổ chức cuộc họp khẩn cấp có mở rộng tới một số cán bộ cao cấp và mời bác sĩ Phùng Văn Cung cùng tham dự. Khi bàn bạc về nhân sự của Mặt trận, một số vị trong hội nghị đề cử bác sĩ Phùng Văn Cung vào chức Chủ tịch của Mặt trận. Bác Sáu Cung chẳng những từ chối cương vị này mà còn phân tích những lý lẽ xác đáng, so sánh ảnh hưởng và uy tín của luật sư Nguyễn Hữu Thọ rất to lớn (không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài). Anh Thọ giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam là tối ưu nhất. Xin quý anh chị cho tôi được một phần việc trong Mặt trận dân tộc giải phóng. Đây là một sự khiêm tốn rất thấu tình đạt lý luôn thể hiện trong con người của bác sĩ Phùng Văn Cung. Nhiều thành viên trong cuộc họp khẩn cấp của Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ ngày 19 tháng 12 năm 1960 đều bày tỏ sự kính trọng đối với bác sĩ Phùng Văn Cung hay còn gọi là Chú Bảy Ẩn. Khi ra mắt Ủy ban Trung ương lâm thời của Mặt trận, bác sĩ Phùng Văn Cung là người đứng đầu trong danh sách này, Đại hội lần thứ I, Bác Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

6.Sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Chính phủ tổ chức trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho các nhân sĩ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bác Sáu Cung nhận Huân chương cao quý nhưng trong lời đáp từ của bác có câu “Lẽ ra phần thưởng cao quý này phải được trao tặng cho vợ tôi (Bà Lê Thoại Chi) thì mới đúng hơn”. Với lời nói như trên có một số người cho rằng bác sĩ Phùng Văn Cung còn uẩn khúc trong việc nhà nước chưa công nhận vợ ông là liệt sĩ.

Riêng với chúng tôi, những người đã trực tiếp sống và chiến đấu bên cạnh Bác Sáu Cung suốt cả thời kỳ đánh Mỹ ở Cơ quan Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam xin khẳng định rằng:

Lời phát biểu trên của Bác Sáu Cung là chân tình và thể hiện bản chất khiêm tốn vốn đã có trong con người của Bác. Đây cũng là lời nói rất đỗi ân tình với bà Lê Thoại Chi, người vợ thủy chung, đức độ, hiền lành, người bạn đời đã từng tạo mọi điều kiện để Bác được trở thành bác sĩ và trị bệnh cứu người; luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Bác Sáu Cung hoạt động cách mạng trong lòng địch, giữa sự sống và cái chết luôn cận kề trong gang tấc. Xin quý vị lãnh đạo, quý vị khách có mặt hôm nay đọc bài Bó hoa lòng của cô Hai Được sẽ thông cảm hơn với bác sĩ Phùng Văn Cung.

Hôm nay, vinh dự được dự cuộc hội thảo này và nói lên những ký ức của chúng tôi về bác sĩ Phùng Văn Cung trong thời kỳ đánh Mỹ tại Cơ quan Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam mà lòng vẫn còn mang nặng nỗi niềm ưu tư vì bác sĩ Phùng Văn Cung là một nhân vật có tầm cỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Là một trí thức đầu tiên đưa cả gia đình gồm hai vợ chồng Bác, hai người con trai lớn đã cho đi tập kết ra miền Bắc, hai cô con gái và một cháu gái cưng của mình trực tiếp tham gia đánh Mỹ ngụy. Đây là một nghĩa cử rất lớn lao chưa từng có ở các vị nhân sĩ khác trong Mặt trận giải phóng miền Nam. Vậy mà từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cho đến hôm nay, trên những trục đường chính ở các tỉnh và thành phố lớn, đâu đâu cũng thấy có những tên đường được mang tên người này, người khác mà không thấy tên đường Phùng Văn Cung.

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh còn ưu ái đôi chút nên có tên đường Phùng Văn Cung trong hẻm nhỏ của Quận Phú Nhuận. Nhưng con đường đó không xứng đáng tầm cỡ, vị thế của ông. Xin đọc mấy câu thơ và rất mong sự chia sẽ đến quý vị với hy vọng rằng sau cuộc hội thảo lần này, đâu đó sẽ lần lượt có các con đường được mang tên bác sĩ Phùng Văn Cung. Mấy câu thơ như sau:

“Ở Phú Nhuận có tên đường Phùng Văn Cung

Càng nghĩ càng thêm thấy chạnh lòng

Bề ngang chỉ được gần bốn thước

Không có vỉa hè - vạch cách ngăn”.

Xin chân thành cám ơn Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, Ban Tổ chức hội thảo và tất cả quý đại biểu.