(Thứ ba, 11/05/2021, 02:21 GMT+7)

Gã tính làm đơn hoàn thuế tiền nhuận bút, giới văn nghệ khuyên: “Này, thay vì đóng bao nhiêu con dấu, qua bao cửa ải để nhận lại tiền, anh ráng viết cái khác cho rồi”. “Viết mà ráng được sao” - gã cãi.

Minh họa: Mạc Tuấn

Gã là giáo viên văn, viết lách tí đỉnh. Gã oai hùng đề cao cái nghèo: “Giáo viên nghèo dạy mới hay, giống như ca sĩ bụng đói hát hay hơn lúc ăn no”. Gã hài hước và chủ quan. Vợ gã giọng nẫu rặt, ca cẩm: “Ổng có chút ít trỏng”, ý nói gã khùng.

Gã thích gọi “gã” ở ngôi thứ ba. Gã nói gọi vậy nghe mạnh mẽ chứ lâu nay người ta tưởng giáo viên vừa yếu, vừa hèn. Gã để tóc dài chấm vai, râu phủ mồm, chân đi dép nhựa... ban giám hiệu nhắc nhở hoài. Gã dạy học hơn mười lăm năm, cái nghề thiếu ăn nhưng ổn định một cách đáng ngạc nhiên và chưa hề nhận bất kỳ danh hiệu thi đua nào. Gã thấy mình và mọi giáo viên cá mè một lứa, hèn kém như nhau. Nổi khùng, gã chỉ mặt một giáo viên: “Này, giáo viên cũng có năm bảy hạng nhé”. Nó nói thế ra mình thua kém nó à?

Hết năm, gã đến cục thuế. Gã khom người ngó qua lỗ kính, đón hồ sơ hoàn thuế từ nhân viên “phòng một cửa” và nghe dặn: “Anh về điền tổng thu nhập, tên người giảm trừ gia cảnh, số thuế đã nộp”. Chị nhân viên miệng nói, mắt không rời màn hình máy tính với trò chơi Pikachu. Ra về, gã thắc mắc “phòng một cửa” là phòng một lỗ kính chăng?

Hôm sau gã đem hồ sơ tới, khom người đưa qua lỗ kính. Nhân viên xem, bảo: “Thiếu rồi anh ơi, anh phải có giấy xác nhận hệ số lương, số tiền đóng bảo hiểm”. Không hiểu sao lúc ấy gã không bực mình, rằng hôm qua chị không nói luôn? Cơ quan công quyền nào cũng in dấu sợ hãi vô mỗi người dân. Vì sợ, gã không kịp bực mình.

Đến cục thuế hai lần gã ngán, định thôi. Tiền đóng thuế rồi, dân người ta đóng cả đời có sao. Nhưng rồi tiếc, gã lại mang hồ sơ đến khom người đưa qua lỗ kính, đóng dấu bộp bộp, nhập số liệu và in ra cái giấy hẹn hai mươi ngày sau nhận kết quả. Vậy đâu có nhiêu khê như nhiều người tưởng? Rằng lấy lại tiền thuế là thỏa đáng bởi mình nghèo, nghèo mới đi viết văn. Có thằng giàu nào khùng đi viết văn bao giờ? “Nói hay, tinh tướng lắm”, giới văn nghệ bảo cứ đợi hồi sau sẽ rõ.

Hai hôm sau gã nhận điện thoại từ cục thuế. Gã đến và leo lên tầng ba. Cục thuế có thang máy nhưng thay vì nhấn nút đứng chờ, gã chạy bộ cho mau. Khỏe như gã đi thang máy, phí. Gã phóng vô giữa phòng kê khai thuế, tướng tá nhếch nhác gồ ghề giữa bốn bề lịch thiệp.

Phòng làm việc đông người, mát lạnh. Mọi người đổ dồn ngó gã, ông này trông bộ dạng kỳ cục. Cô nhân viên phụ trách hồ sơ hoàn thuế rất xinh. Gã liếc màn hình trước mặt cổ, cũng Pikachu. Lãnh lương để chơi Pikachu hay chơi Pikachu để lãnh lương? Cô nói: “Anh thiếu phôtô giấy chứng minh, bản sao khai sinh của hai đứa con, giấy chứng nhận thu nhập theo mẫu chứ đâu có viết tay được”.

Ra về, gã choáng ngợp chiếc áo đỏ của cô gái. Vợ gã làm ruộng nuôi heo cả đời không biết nước hoa, giày cao gót. Gã ao ước được ôm phụ nữ công sở một lần, chắc các nàng thơm lắm, hít hà cho sướng. “Thì gà mái chưn vàng đương nhiên ngọt thịt hơn gà mái chưn chì”, gã trần trụi so sánh.

Gã mang đầy đủ giấy tờ cô nhân viên dặn đến cục thuế. Gã say sưa ngắm cô ả.

- Không được rồi, con gái anh quá 18 tuổi, hết diện giảm trừ gia cảnh rồi.

- Nó đang đi học mà cô.

- Vậy phải có giấy chứng nhận nó đi học.

- Nó học tận Sài Gòn giờ biết làm sao, thôi gạt tên nó ra.

- Nhưng anh phải về viết lại giấy giảm trừ gia cảnh chớ.

Gã tiếp tục nhận điện thoại từ cục thuế. Cô nhân viên nói:

- Hóa đơn nộp thuế của anh có mấy tờ không ghi tên anh.

- À, họ ghi bút danh ấy mà.

- Vậy đâu có được.

- Tôi chứng minh bút danh đó của tôi thì được chứ gì.

Gã tiếp tục đến, đưa giấy xác nhận bút danh do chủ tịch hội văn nghệ ký. Khổ chưa? Nếu cô thuế không xinh gã đã trổ quạu. Gã biết cái đẹp luôn làm lú lẫn thế giới.

Năm ngày sau gã nhận lá thư của cục thuế đề nghị đến làm việc. Gã vô phòng kê khai thuế. Nhân viên đâu không thấy, thấy viên công an trạc ba mươi hàm trung úy, ngồi phía sau cái bàn kê giữa phòng. Anh ta chỉ cái ghế:

- Tôi mời anh đến để trao đổi một số việc - viên công an bày hồ sơ hoàn thuế của gã ra bàn.

Gã co rúm, chẳng hiểu sao chuyện hoàn thuế lại dính đến công an? Nói là trao đổi nhưng viên công an hạch tội gã:

- Thứ nhất, hóa đơn đóng thuế của anh có một tờ nghi giả. Thứ hai, việc hoàn thuế của anh gây phiền cho cục thuế trong khi nhà nước trả lương anh đủ nuôi sống vợ và hai con. Thứ ba, xét góc độ một công dân yêu nước, vài đồng thuế xây dựng quê hương việc gì anh nằng nặc đòi lại.

Mỗi tội công an nêu gã dạ một lần. Viên công an tiếp:

- Chúng tôi không tin một giáo viên như anh lại hành xử như vậy. Bây giờ chúng tôi tạm giữ anh để điều tra, xem có ai đứng đằng sau xúi giục.

Dứt lời, một công an khác tra ngay còng. Gã vùng vằng la: “Tôi tội gì đâu, xin các ông xem xét lại”.

Gã bừng tỉnh giữa đêm, khát nước.

Sáng gã tới cục thuế. Dắt xe vô cổng, tay bảo vệ hỏi:

- Anh cần gặp ai, phòng nào?

Chống xe rồi chống nạnh, gã trợn:

- Tôi liên tục đến đây, ông hỏi tôi mãi câu đó nghe lờn quá, động não lên chút đi - gã chỉ tay vô đầu mình.

Lần này nam nhân viên phụ trách hồ sơ hoàn thuế. Họ chuyền hồ sơ từ người này sang người kia như đá banh. Cậu này lạ, làm việc trong mát, máy lạnh phà hơi ngày tám tiếng mà da đen mốc. Lạ hơn, cậu trông tựa viên công an trong giấc mơ tháo mồ hôi hột đêm qua. Cậu nói:

- Đầu năm anh đâu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho con đâu mà giờ ghi tên nó vô? Anh phải làm lại hồ sơ, tính lại các số liệu. Mà có khi phải đóng thêm thuế đấy.

Gã giựt mình, thôi chết rồi. Nhân viên lấy máy tính bấm bấm, bảo:

- Anh còn nhận khoảng ba trăm ngàn thôi.

Gã thở ra, gãi đầu. Cậu ta hỏi: “Sao, tiếp tục làm hay bỏ?”. Ôi dào, rặn cái tạp bút đăng ở hội văn nghệ tỉnh chỉ được trăm ngàn, mắc gì bỏ cuộc. Cậu thuế nói lia lịa cách tính các số liệu, cộng trừ nhân chia phần trăm loạn lên. Gã tiếp thu không kịp, bùng tai, nói:

- Tôi ngồi đây ghi nộp luôn.

- Anh cầm về nhà ghi chớ.

Gã đi ra, đầu không cất lên nổi. Nó làm như nhà mình ở bên kia đường đối diện cục thuế vậy. Lấy xe máy, gã chạy vù ra cổng. Tay bảo vệ chạy theo, gào: “Anh kia, xuống xe dắt bộ”.

Gã đến cục thuế. Chỗ bàn tiếp khách có vị hiệu trưởng già của trường gã và tay giám đốc sở. Hiệu trưởng mở lời:

 

- Nghe anh làm đơn hoàn thuế, anh rảnh quá hỉ.

- Ai cho phép anh thầy giáo để tóc dài? Anh biết gì cán bộ mà viết truyện nói xấu, anh nói ai, cụ thể ra? - giám đốc tiếp lời.

Gã chưa biết ứng phó ra sao. Tay giám đốc lạnh tanh:

- Anh nhận quyết định tăng cường miền núi một năm. Nếu còn viết bậy bạ tôi cạo khô anh. Bây giờ dẹp, không hoàn thuế hoàn thiếc gì ráo.

Gã gồng người, bung hai tay như gọng kìm, chụm mạnh hai cái đầu của hiệu trưởng và tay giám đốc, bốp. Hai cái đầu vỡ toang nhưng không có máu, có não gì bên trong cả. Còn gã bị phản lực, văng ra, đầu va vô thành ghế đau điếng. Tỉnh giấc. Lại mơ. Gã bặm trợn, không hiểu sao trong mơ cứ bị người ta ăn hiếp vô lý thế. May là khi tỉnh, gã chính là gã chứ không thành con bọ.

Sáng dậy đầu sưng một cục, đánh răng rửa mặt gã tới cục thuế. Cậu thuế chưa tới, gã để giấy tờ lên bàn rồi ra về.

Vừa về đến nhà nghe gọi điện: “Anh mang xuống chỗ một cửa đóng dấu lại chớ”. Chết tiệt, gã năn nỉ: “Tôi về đến nhà rồi, có gì bạn giúp tôi đem xuống chỗ đó”. “Không được, anh phải đến, chuyện của anh mà”. Thiệt bất cận nhân tình. Gã tới lấy hồ sơ đi đóng dấu, khom người đưa qua lỗ kính, mặt nhăn như đau bao tử.

Hai mươi ngày sau gã cầm giấy hẹn đến cục thuế, ngó qua lỗ kính, chờ. Nhân viên “phòng lỗ kính” nói: “Nó (cậu thuế) xin nghỉ phép một tuần anh à”.

Tuần sau gã đến. Gã chạy từ tầng một lên tầng ba mấy vòng, quay mòng mòng, hóa ra bảng kê thuế bị mất. Cậu thuế hỏi:

- Anh còn giữ bản lưu không?

- Không - gã bầm gan, lưu cái ông nội mày.

- Giờ phải làm lại thôi.

Nói xong cậu thuế lại bàn riêng mình ngồi, tỉnh bơ. Một là thằng này không phải người, hai là mình đang mơ? Gã giận run, thò tay rút máy hình lập cập chụp, hù: “Xin tấm hình viết bài báo chứ các anh hành tôi quá”. Thiệt ra các chị cũng hành nhưng gã không nhớ, gã chỉ xung gan nam nhân viên thôi. Gã từng nói: “Nữ ca sĩ hát dở mấy tôi nghe cũng được nhưng hễ thằng đực hát là tôi muốn dộng à”.

Tay trưởng phòng lại chỗ gã, vỗ vai:

- Thôi, anh em với nhau mà. Mẹ nó cùng quê anh đó.

- Trời đất, sao rành vậy? Vậy cậu ấy biết nhà tôi cách đây mười lăm cây số, sao còn hành tôi thế - gã giận dữ.

- Không phải đâu anh.

Tay trưởng phòng xoa dịu rồi lệnh nghe hăng sằng cho nhân viên:

- Cậu lấy bảng kê mới, ghi giùm cho ảnh luôn đi.

Trưởng phòng quay lại:

- Tụi tôi theo đúng thủ tục thôi. Không sai sót thì nhận tiền liền ấy mà. Chiều nay anh có thể đưa vợ đi siêu thị.

Cách tay trưởng phòng nói, hiểu ra ít ai đòi được tiền thuế đã bị khấu trừ.

Cậu thuế ghi xong, gã ký. Cậu hẹn: “Anh ngồi đây năm phút, làm xong anh lên kho bạc nhận tiền ngay”. Dáng đi cậu nhân viên tất tả, cặp chân lỉa ra như người mắc chiêm la.

Gã ngồi chỗ bàn khách, nhẩm tính hơn chục lần đến cục thuế, mỗi lần cả đi lẫn về 30 cây số, đổ bao nhiêu xăng? Khốn khổ khốn nạn, nếu không hù viết báo thì còn đến cục thuế đến bao giờ?

Gã đứng lên bảo tay trưởng phòng: “Thôi tôi bận. Cậu ấy làm xong cứ để đó chiều mai tôi xuống lấy”. Gã chạy đến gặp nhà báo, kể hết đầu đuôi. Bạn cười đỏ mặt tía tai: “Tôi đích danh nhà báo có thẻ hẳn hoi, hồi giờ chưa dám hù ai như ông”.

Chiều tối, cậu thuế đến nhà, khúm núm thưa:

- Mong thầy bỏ chín làm mười.

Kêu gã bằng thầy cơ đấy. Mấy hôm trước nhìn mặt nó thấy gai, gã nói:

- Cậu có biết cậu hành tôi đi tới đi lui, tôi đã có ý định bóp cổ cậu chết tươi không? Tôi sẽ viết báo nhưng không nêu tên cậu là được chứ gì.

- Thầy thương thì thương cho trót, thầy không nêu tên nhưng đằng nào sếp cũng lần ra em.

- Cậu thiệt là, tôi không hiểu cậu khó dễ tôi để được gì? Hay xưa cậu học dốt quá nên thù giáo viên?

- Dạ do thầy khó tính chứ em có gì đâu. Em trước cũng có học thầy.

- Trời, sao cậu không giấu mà khai ra.

Vĩ thanh: Năm sau gã đến cục thuế, nghe kể cậu thuế bị khiển trách sau bài báo đăng và chuyển sang làm ở bộ phận lưu trữ. Tiếp cậu mắc tiểu đường, biến chứng nặng, nằm viện hai tháng rồi mất. Biết thêm vợ cậu thuế là cô học trò xinh xắn từng học văn gã. Gã và bạn nhà báo gặp nhau.

Gã: Tôi đã nói anh bỏ qua vụ đó.

Bạn: Khi ông nói thì bài gửi đi rồi.

Gã: Chuyện hành dân đâu mỗi cậu ấy. Nhưng vì tôi, cậu ta chịu thiệt.

Bạn: Thằng đó để lại căn nhà tầng to đùng ở phố Hùng Vương. Ông dán mỏ ông và vợ con hết đời không mua được căn nhà như thế.

Gã: Cứ coi cậu ta rỉa mỗi người một ít chẳng qua trầy vi tróc vảy, đằng này mạng sống cậu ta không còn.

Bạn: Hàng vạn thằng rỉa dân như thế, thấu tới xương chứ sao trầy vi tróc vảy? Hay ông đến đó gánh vác mẹ trẻ con thơ để chuộc tội, chỉ sợ không tới lượt ông.

Theo: tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/ga-di-hoan-thue-587604.htm