(Thứ tư, 16/06/2021, 04:02 GMT+7)

 Ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang còn những hiện vật bằng đá của từ chỉ họ Phùng và phần lăng mộ của một vị quan trong triều nhà Lê. Khu di tích được xây dựng ở trung tâm thôn Triền (???) nhìn về hướng tây, nơi có hồ nước rộng được xem là điểm tụ thủy, mảnh đất tốt thường được các nhà địa lý chọn thế đất đặt lăng mộ cho các bậc công hầu khanh tướng. Đó là phần lăng mộ của Phùng Đức Nhuận, một vị quan từng giữ chức Tổng thái giám trong triều, dưới các đời vua Lê ở đầu thế kỷ XVIII.

Phùng Đức Nhuận là người xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Theo các tư liệu Hán - Nôm ở địa phương, ông sinh năm Quý Sửu (1673), niên hiệu Dương Đức thứ hai, đời vua Lê Gia Tông. Ông mất ngày 26 tháng 7, năm Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, đời vua Lê Duy Phường, hưởng thọ 59 tuổi, mộ táng tại xứ Rừng Ma (Ma Lâm), xã Nội Hoàng. Trước đây, khu di tích này có hai phần từ chỉ và lăng mộ. Từ chỉ là ngôi nhà 5 gian gỗ lim rất to, kiến trúc kiểu đao cong mái lượn, là nơi đặt bài vị tổ tiên họ Phùng và Phùng tướng công. Phía trước là lăng mộ có sập thờ, bia đá và tượng vũ sĩ canh hầu. Do thời gian, thiên nhiên tác động, phần từ chỉ đã bị hủy hoại hoàn toàn. Hiện nay, trên nền đất cũ vẫn còn phần lăng mộ và hiện vật bằng đá được sắp xếp theo trục dọc từ ngoài vào trong. Đầu tiên là hai chó đá đầu hơi to, thân nhỏ, mõm dài, trên đó có một vết đục hình nón tạo thành mồm và hai vết đục lõm bé như hai dấu chấm tạo thành mũi. Hai mắt chó được đục lõm, cách xa nhau, hai tai mỏng ép sát đầu như hai mảnh sứ. Cổ chó quàng một đai da to bản, giữa ngực đeo một quả chuông hình bầu nậm tròn nổi khối. Tiếp đến là cây hương đá cao 1,8m, một sập đá dài 1,68m, rộng 1,1m và bia đá dáng long đình, trên mỗi mặt bia khắc dòng chữ Hán, nội dung ghi tên từ chỉ họ Phùng và thời gian dựng bia. Phía sau là phần lăng mộ Phùng Đức Nhuận được đắp đất bên ngoài. Tấm bia đá ở khu di tích dựng năm 1732 ghi rất rõ: “Từ chỉ được xây dựng vào ngày tốt tháng 11 niên hiệu Đức Long nguyên niên (1732) để phụng thờ linh tổ họ Phùng, Xác Lộc Hầu và Phùng tướng công húy Đức Nhuận”. Như vậy, một năm sau Phùng Đức Nhuận mất, dòng họ đã xây dựng từ chỉ để thờ cúng tổ tiên và Phùng tướng công ngay cạnh phần lăng mộ của ông. Hậu duệ dòng họ Phùng ở Nội Hoàng hiện còn lưu giữ được khám thờ và bài vị ghi năm sinh, năm mất Phùng Đức Nhuận. Hằng năm dòng họ Phùng ở Nội Hoàng vẫn cúng giỗ tổ họ và vị tướng công Phùng Đức Nhuận vào ngày 26 tháng 7 âm lịch.

Cạnh trường phổ thông cơ sở xã Nội Hoàng hiện còn hai tấm bia đá của chùa Cả còn ghi rõ lai lịch và công trạng Phùng Đức Nhuận. Tấm bia thứ nhất niên hiệu Vĩnh Khánh Nguyên niên dựng năm 1729, nội dung ghi về việc hậu thần trong đó nói tới công trạng của Phùng Đức Nhuận “... Vị quan trọng yếu của triều đình giữ chức Tri thị nội thư, Tả lại phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám, kiêm Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Lệnh công. Nay bản xã trên dưới cùng ghi công nhớ ơn của ông, mong muốn được báo đáp, mọi người nguyện tôn thờ hai bên dòng họ nội ngoại của ông...”

Tấm bia thứ hai có nội dung ghi về việc trùng tu chùa Phúc Nghiêm tức chùa Cả. Bia dựng năm 1726, trên văn bia có đoạn ghi “... Do có nhiều công trạng trong việc xây dựng ngôi chùa và có công với nhân dân địa phương nên dân làng đã cho tạc bia ghi tên công đức của viên quan họ Phùng...”

Như vậy qua các tư liệu Hán - Nôm ở Nội Hoàng cho thấy, Phùng Đức Nhuận là vị quan trọng yếu của triều đình. Ông không những đóng góp trí lực cho vương triều nhà Lê ở đầu thế kỷ XVIII mà còn có nhiều công trạng với bản quán quê hương. Ông đã có công xây dựng và tu sửa các công trình văn hóa tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa ở Nội Hoàng, được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần đưa vào thờ cúng ở trong đình và được khắc ghi danh trên bia đá ở chùa Cả.

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong

Sau đây là một số hình ảnh đoàn các nhà nghiên cứu và thành viên Hội đồng họ Phùng đi Điền Dã