(Thứ hai, 31/05/2021, 02:23 GMT+7)

1. Danh nhân họ Phùng và họ Phùng trong lịch sử

Trong tiến trình lịch sử của đất nước, bên cạnh những khuynh hướng vận động mang tính khách quan của lịch sử, các cá nhân và dòng họ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những cá nhân và dòng họ này không chỉ phản ánh sự vận động của lịch sử mà còn là góp phần thúc đẩy lịch sử phát triển.

Trải qua một thời gian dài của chế độ đô hộ, tầng lớp quý tộc Văn Lang - Âu Lạc cũ đã nhanh chóng biến đổi, chuyển mình thành tầng lớp thổ hào, thủ lĩnh quân sự địa phương. Sự di dân của một bộ phận người Hán đến Giao Châu trong suốt thời kì Bắc thuộc đã góp phần hình thành nên một nhóm thế lực địa phương mới có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng lại hòa mình vào dòng chảy của lịch sử Giao Châu như trường hợp của Đỗ Tuệ Độ, Lý Bí, Tinh Thiều, họ Phùng ở Đường Lâm, họ Khúc ở Hồng Châu (Hải Dương) và một số sứ quân dưới thời Ngô [1].

Cùng với sự khủng hoảng của đế chế nhà Đường, sự trỗi dậy của các thế lực địa phương, thủ lĩnh quân sự tại Giao Châu - An Nam đã góp phần làm tan rã chế độ đô hộ của Trung Hoa. Khuynh hướng này đã dần bộc lộ qua tình trạng cát cứ của người đứng đầu chính quyền đô hộ. Do vị trí địa lý ở ở xa trung tâm của đế chế, các thế lực này đã tận dụng các thời thích hợp để duy trì tình trạng cầm quyền của mình hoặc dòng họ mình như trường hợp của Sĩ Nhiếp, Cao Biền.

Đến cuối thời Đường, tình trạng loạn lạc ở Trung Hoa càng tạo điều kiện cho sự nổi dậy của thế lực địa phương ở Giao Châu - An Nam. Một thổ hào khá nổi bật được chính sử Trung Hoa cũng như sách sử Việt Nam ghi lại là Đỗ Anh Sách. An Nam chí lược chỉ cho biết Đỗ Anh Sách là “một tay hào hùng ở Khê Động, thời Đường Đức Tông (780-804) làm An Nam phó Đô hộ” [2]. Minh văn khắc trên chuông Thanh Mai (798) cho biết thêm Đỗ Anh Sách là một thủ lĩnh ở Trường Châu (Ninh Bình). Từ sau cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, chính quyền An Nam đô hộ phủ đã không thể kiểm soát được khu vực Trường Châu, Quận Châu [3]. Họ Đỗ ở Trường Châu dần trở thành một dòng họ có thế lực, nối đời hùng cứ.

Dương Thanh cũng là một trường hợp tương tự như Đỗ Anh Sách. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết Dương Thanh đời đời là tù trưởng Man. Thế lực của Dương Thanh khiến cho Lý Tượng Cổ, tôn thất nhà Đường cai quản An Nam đô hộ phủ, lo sợ chiêu dụ làm tùy tướng [4]. Cựu Đường thư còn cho biết Dương Thanh trước khi về làm nha tướng cho Lý Tượng Cổ đang giữ chức Hoan Châu Thứ sử. Về lực lượng của Dương Thanh chúng ta có thể hình dung là tương đối lớn vì khi Thứ sử Đường Châu Quế Trọng Võ sang chiêu dụ được hơn 7.000 người của lực lượng Dương Thanh quy hàng. Dương Thanh bị bắt giết, con là Dương Chí Liệt và thân cận là Đỗ Sĩ Giao phải chạy về Trường Châu [5].

Từ các tư liệu lịch sử của Trung Hoa và Việt Nam đã cho thấy sự trỗi dậy và hoạt động mạnh mẽ của các thủ lĩnh quân sự địa phương ở Giao Châu - An Nam trong thời kì nhà Đường. Chính sách kimi quản lý lỏng lẻo đối với các khu vực xa trung tâm của đế chế đã tạo điều kiện cho các thủ lĩnh quân sự ở Giao Châu xây dựng thế và lực. Sự trỗi dậy của các lực lượng quân sự địa phương ở Giao Châu là một khuynh hướng tất yếu. Trong sự phát triển của các thế lực này chúng ta thấy có hai khuynh hướng đan xen khá phức tạp. Họ có thể hợp tác nhưng cũng có thể phản kháng đối với sự cai trị của quan lại đô hộ nhà Đường. Đồng thời khuynh hướng liên kết giữa các thế lực địa phương chống lại chính quyền đô hộ cũng mang tính phổ biến như trường hợp người của gia tộc họ Đỗ xuất hiện trong các cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, Dương Thanh. Tuy nhiên sự liên kết này cũng không đem lại thắng lợi sau cùng khi các cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, Dương Thanh,… đều thất bại do sự chênh lệch về mặt lực lượng cũng như tính chất cục bộ của chúng.

Trong sự phát triển của các thế lực địa phương ở Giao Châu - An Nam lúc này có thể kể đến họ Phùng ở đất Đường Lâm. Việt Điện u linh của Lý Tế Xuyên ghi chép về họ Phùng như sau:

“Vương họ Phùng tên Hưng. Đời đời cha truyền con nối làm tù trưởng biên khố ở châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang; gia tư giàu có, sức rất khỏe mạnh, có thể bắt hổ vật trâu. Em là Hải, cũng có sức khỏe có thể vác mười nghìn cân đá hoặc một chiếc thuyền nhỏ nặng mười hộc đi hơn mười dặm. Những dân Di, Lạo đều sợ tiếng tăm.”[6]

Lý Tế Xuyên cũng đề cập đến một nhân vật họ Đỗ là Đỗ Anh Hậu trong hàng ngũ của Phùng Hưng. Điều này cũng phản ánh khả năng tập hợp lực lượng của họ Phùng Hưng lúc này.Với tiềm lực và sức mạnh của họ Phùng ở Đường Lâm, năm 791, Phùng Hưng đem lực lượng vào thành Tống Bình sau cái chết của Cao Chính Bình. Tuy chỉ giành chính quyền trong một thời gian rất ngắn nhưng Phùng Hưng được nhân dân yêu mến, tôn xưng là Bố Cái Đại vương. Những ghi chép của sử cũ về cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng đã cho thấy họ Phùng là một cự tộc lâu đời ở vùng Đường Lâm, có sức tác động đến thế lực địa phương ở lân cận. Trải qua quá trình tích lũy lâu đời, sức mạnh của họ Phùng đã được bộc lộ mạnh mẽ qua cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, Phùng Hải.

Trong thời kì Bắc thuộc, một nhân vật họ Phùng khác cũng cần được nhắc đến là Phùng Thanh Hòa. Dù Phùng Thanh Hòa không được ghi chép trong các tài liệu lịch sử chính thống nhưng thần phả ở đình Phùng Thôn (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) có ghi chép lại về nhân vật này như sau:

“Khi ngài sinh ra, thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Chữ nghĩa văn chương đều giỏi. Ngài lại tinh thông binh thư võ nghệ, cung kiếm đao thương, môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài còn có năng khiếu về âm nhạc, khúc thức, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Lương đô hộ, nhân dân lầm than cực khổ vô cùng, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống giặc Lương, đánh đuổi Thứ sử Tiêu tư, chiếm giữ thành Long Biên (544). Tuy Ngài còn ít tuổi nhưng với tài năng xuất chúng đã đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng theo Lý Bí đánh giặc. Khi Lý Nam Đế lên ngôi vua đã phong Phùng Thanh Hòa làm hữu tướng quân...”

Do còn nhiều hạn chế về mặt tư liệu, việc nghiên cứu về thân thế và hành trạng của Phùng Thanh Hòa cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ.

Ngoài các tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự, họ Phùng còn đóng góp cho lịch sử những nhân sĩ tài hoa, trong đó có hai nhân vật cần được chú ý là Phùng Tá Chu và Phùng Khắc Khoan. Phùng Tá Chu là một nhân vật nổi bật trên vũ đài chính trị Việt Nam vào cuối nhà Lý và cũng là một trong những người góp phần phò tá lập nên nhà Trần. Giữ vị trí quan trọng của nhà Lý nhưng trước sự suy yếu không thể nào cứu vãn nổi của triều đình Lý Huệ Tông, Phùng Tá Chu đã sớm nhìn rõ sự vận động khách quan của lịch sử, góp phần vào sự chuyển giao quyền lực một cách êm thấm, không đổ máu giữa hai họ Lý - Trần. Nhờ vào sự khéo léo này, Phùng Tá Chu trở thành viên gạch nối giữa hai vương triều Lý - Trần, cũng như giữa họ Trần với giới tinh hoa ở Thăng Long. Vì vậy chúng ta thấy, trong nền chính trị quý tộc quan liêu của nhà Trần, Phùng Tá Chu là một người ngoại tộc khá hiếm hoi được phong tới chức Đại vương vốn dành cho các đại quý tộc của nhà Trần. Thậm chí năm 1226, ông được đi trấn thủ Nghệ An, vùng biên viễn xa xôi của Đại Việt lúc bấy giờ, Phùng Tá Chu được Trần Thái Tông ban cho quyền phong chức tước cho người dưới quyền rồi tâu với triều đình sau. Đây là một biệt lệ mà sau này chỉ có Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn mới được ban cho trong 3 cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên xâm lược.

Cũng giống như Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan cũng sinh trưởng trong thời kì loạn lạc. Cuộc đối đầu của nhà Mạc và vua Lê chúa Trịnh diễn ra quyết liệt khiến cho nhân sĩ trong thiên hạ phân hóa mạnh. Một bộ phận tiếp tục phục vụ cho họ Mạc ổn định tình hình đất nước. Một bộ phận khác lại chọn con đường trung thành với vua cũ, tôn phù nhà Lê. Hoặc có trường hợp chán ghét “chốn lao xao” lui về ở ẩn như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phùng Khắc Khoan sớm đã lựa chọn lẽ trung quân của mình khi đứng vào hàng ngũ trung hưng của nhà Lê. Khí tiết của Phùng Khắc Khoan nổi bật nhất là khi đối diện với ngoại bang. Với tài biện bác của mình, ngay tại kinh đô của nhà Minh, Phùng Khắc Khoan đã buộc nhà Minh phải thừa nhận vị trí chính thống của vua Lê. Không chỉ vậy, sau chuyến đi sứ quan trọng này, Phùng Khắc Khoan còn du nhập các kỹ thuật dệt the lượt mỏng, trồng ngô, trồng mè từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Người họ Phùng còn góp hòa mình vào dòng chảy Nam tiến, cùng các tộc họ khác mở cuộc thiên di vào Nam. Hiện nay, các tài liệu gia phả, thần phả, địa chí địa Phương đã cho thấy dấu tích của họ Phùng trong việc khai hoang lập ấp ở phía Nam như họ Phùng ở làng Vĩnh Tuy, Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Bình; thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; làng Trà Long ở Quảng Nam; làng An Du, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị… Dấu vết của họ Phùng còn trải dài đến tận vùng đồng bằng sông Cửu Long như Phùng Tường Vân quê ở thôn Tân Lý, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường (nay là Châu Thành, Tiền Giang) đỗ cử nhân năm 1847. Phùng Tường Vân từng bước thăng tiến trên chốn quant trường, trải qua nhiều. Phùng Tường Vân làm quan tới chức tri phủ, vì thất thủ bị cách chức rồi được phục chức làm tri huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Trong cuộc chiến chống Tây xâm dưới triều Tự Đức, tên của con cháu họ Phùng như Phùng Văn Thìn, Phùng Tiến Lao, Phùng Sáng, Phùng Trọng Chân, Phùng Văn Hoan... được tạc bia lưu truyền sử xanh tại đền Trung Nghĩa ở kinh đô Huế. Và mạch ngầm yêu nước của họ Phùng lại xuất hiện một tên tuổi lớn ở phương Nam trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại thế kỷ XX, đó chính là bác sĩ Phùng Văn Cung.

2. Bác sĩ Phùng Văn Cung với sự nghiệp cách mạng Miền Nam

Phùng Văn Cung (1909-1987) là một nhân sĩ yêu nước, xuất thân từ một gia đình nông dân có tư tưởng tiến bộ ở tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ, Phùng Văn Cung được phụ thân là ở Phùng Văn Thân (1877-1947) tạo điều kiện cho theo học nền giáo dục Tây học. Ông theo học ở trường làng, rồi Collège Mỹ Tho và trường Trung học Petrus Ký ở Sài Gòn. Tốt nghiệp trung học, Phùng Văn Cung lựa chọn nghề y để tiếp tục con đường học vấn. Ông học và lấy bằng bác sĩ tại Hà Nội vào năm 1937.

Sau một thời gian làm việc ở Phnom Penh, đến tháng 3 năm 1945, ông về quê vợ ở Sa Đéc, Đồng Tháp mở phòng khám chữa bệnh cho dân nghèo. Cũng chính trong thời gian này, Phùng Văn Cung bắt đầu móc nối với cách mạng, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sa Đéc. Sau khi Pháp tái chiến Nam bộ, Phùng Văn Cung đã dùng thân phận nghề nghiệp của mình giúp lực lượng kháng chiến đào tạo cán bộ y tế, chuẩn bị nguồn cung cấp vật tư y tế cho của kháng chiến của nhân dân miền Nam.

Từ những hoạt động của Phùng Văn Cung trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp đã tạo cho ông một vỏ bọc hết sức thuận lợi cho cuộc đấu tranh chính trị, trở thành cơ sở nội tuyến của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1957, ông nhận lời chính quyền Sài Gòn làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Châu Đốc, rồi Rạch Giá. Từ vỏ bọc này, Phùng Văn Cung có điều kiện thuận lợi hoạt động, hỗ trợ lực lượng kháng chiến về y tế. Thậm chí, có nhiều lần ông vào thẳng chiến khu tham gia chữa trị trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ. Bị phát giác, Phùng Văn Cung hết sức bình tĩnh và khéo léo trả lời chính quyền Sài Gòn như sau:

“Tôi bị Việt cộng bắt vào bưng chữa trị cho thương binh rồi thả về. Các ông không bảo vệ được tôi tại sao còn tra hỏi?” [7]

Cuối năm 1958, Phùng Văn Cung được chuyển lên Sài Gòn làm giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Ngay tại đầu não của chính quyền Sài Gòn, ông và vợ tìm mọi cách quyên góp tiền bạc, thuốc men, tổ chức chuyển ra chiến khu.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết Trung ương 15 ra đời vào tháng 1 năm 1959, hình thái cuộc đấu tranh ở miền Nam chuẩn bị chuyển từ đấu tranh chính trị sang con đường đấu tranh vũ trang kết hợp với chính trị. Tiếp thu Nghị quyết 15, Hội nghị lần thứ tư Xứ ủy Nam Bộ đã họp vào tháng 11 năm 1959 bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau khi thảo luận, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ hoàn toàn tin tưởng vào đường lối cách mạng do Trung ương vạch ra và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất, Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ nhất trí với chủ trương của Trung ương và nhấn mạnh thêm:

“Không ngừng củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ -Diệm. Muốn củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm phải ra sức củng cố khối công nông liên minh. Vì phong trào công nông mạnh mẽ bao nhiêu thì tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc củng cố mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ - Diệm bấy nhiêu” [8].

Để chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo của cách mạng, từ tháng 9 năm 1959, lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ đã cho mời vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung vào chiến khu chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ ở miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết 15 và Nghị quyết Đại hội III của Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, tang cường mặt trận đại đoàn kết dân tộc, ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại vùng căn cứ địa cách mạng thuộc xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh đã diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua và công bố Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Hội nghị khẳng định:

“Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam Việt Nam không phân biệt xu hướng chính trị, để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thực hiện độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc” [9].

Hội nghị đã cũng đưa ra Chương trình hành động của Mặt trận gồm 10 điểm với những nội dung sau:

1. Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ.
2. Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
3. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
4. Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.
5. Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ.
6. Tổ chức lại và xây dựng một quân đội trung thành với Tổ quốc và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
7. Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8. Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập.
9. Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
10. Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới. [10]

Một Ủy ban Trung ương lâm thời được thành lập gồm các nhân sĩ, trí thức, cán bộ cách mạng: Nguyễn Văn Linh, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Trần Bạch Đằng, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi” [11]. Và Hội nghị cũng nhất trí giới thiệu bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương lâm thời. Đến năm 1962, Đại hội lần thứ I của Mặt trận đã cử luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Phùng Văn Cung được tín nhiệm giữ vị trí Phó Chủ tịch Mặt trận.

Từ đây, bác sĩ Phùng Văn Cung đã trở thành một nhân vật chủ chốt cho khối đại đoàn kết của nhân dân Nam bộ và cách mạng miền Nam. Ông cùng với các thành viên Mặt trận củng cố khối đại đoàn kết, tập hợp nhân sĩ trí thức cùng đứng vào ngọn cờ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bài đáp từ bác sĩ Trần Duy Hưng trên báo Nhân dân, bác sĩ Phùng Văn Cung đã khẳng định vai trò và sức mạnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam:

“Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam là tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của 14 triệu đồng bào miền Nam, dũng sĩ vô địch đang đánh bại quân thù trên khắp các mặt trận. Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam có lực lượng vũ trang anh dũng đã lập nên những chiến công hiển hách, có vùng giải phóng rộng lớn…, trong đó có một hệ thống chính quyền nhân dân cách mạng thật sự đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.”[12]

Trước những bước tiến không ngừng có cách mạng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1969. Bác sĩ Phùng Văn Cung được tín nhiệm cử làm Phó Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chính trên cương vị này, bác sĩ Phùng Văn Cung đã dẫn đầu phái đoàn của Mặt trận ra thăm miền Bắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Phùng Văn Cung đã trở thành một trong những khoảnh khắc đầy ý nghĩa của khối đoàn kết toàn dân tộc và ý chí thống nhất quốc gia.

Sau ngày thống nhất đất nước, bác sĩ Phùng Văn Cung vẫn tiếp tục cống hiến cho việc xây dựng khối đoàn kết quốc gia thông qua cương vị Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cho đến ngày cuối đời. Năm 1987, bác sĩ Phùng Văn Cung từ trần, dặn dò con cháu trả lại ngôi nhà công vụ mà Nhà nước bố trí cho ông và gia đình [13]. Đến lúc cuối đời, Phùng Văn Cung vẫn giữ gìn cho mình một nhân cách cao đẹp của một người cách mạng.

3. Lời kết

Nhìn lại một chặng đường dài của lịch sử dân tộc, họ Phùng là một dòng họ lớn, nhiều hậu duệ của họ Phùng có đóng góp quan trọng cho đất nước. Từ thời kì nghìn năm mất nước cho đến các triều đại phong kiến độc lập, những tên tuổi của họ Phùng như Phùng Thanh Hòa, Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan, Phùng Tường Vân… đã làm nên một truyền thống hào hùng, thấm đẫm tinh thần yêu nước của họ Phùng. Không chỉ vậy, những thành viên thầm lặng của họ Phùng còn đóng góp vào sự nghiệp Nam tiến của dân tộc, hình thành nên một dòng chảy của họ Phùng ở phương Nam.

Và trong dòng chảy đó của họ Phùng, bác sĩ Phùng Văn Cung nổi lên như một ngôi sao sáng. Ở Phùng Văn Cung không chỉ có một trí tuệ, tài năng hiếm có mà còn có cả một nhân cách cao vời, thiên lương trong sáng. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, học thức, Phùng Văn Cung có thể dễ dàng lựa chọn con đường trở thành một bác sĩ phục vụ chế độ thuộc địa và sau này là chính quyền Sài Gòn. Nhưng Phùng Văn Cung đã lựa chọn cho mình một vị thế đầy khó khăn, là cơ sở bên trong của cách mạng, đào tạo cán bộ, chi viện về hậu cần y tế cho lực lượng kháng chiến. Và khi kháng chiến cần, ông sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ở đô thành Sài Gòn vào chiến khu sống cuộc sống gian khổ. Hành trình cách mạng của Phùng Văn Cung đã là biểu tượng cho con đường của giới nhân sĩ, trí thức miền Nam đến với cách mạng.  Và Phùng Văn Cung đã viết tiếp và làm rạng rỡ thêm truyền thống hào hùng của họ Phùng ở phương Nam cũng như là họ Phùng trong cả nước.

Sau đây là một số hình ảnh:










TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Báo Nhân dân, số 5440, ngày 6 tháng 3 năm 1969.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến (2010), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960 - 1977), Nxb. Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.
4. Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb. Lao động.
5. Lý Tế Xuyên (2012), Việt điện u linh, Nxb. Hồng Bàng.
6. Nhiều tác giả (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin.
7. Nhiểu tác giả (2013), Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia.
8. Phạm Lê Huy (2017), Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời đô hộ Tùy Đường, luận án Tiến sĩ sử học tại ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
9. Polyakov A.B (1998), “Quá trình hình tầng lớp thống trị trong xã hội Giao Chỉ - Đại Cồ Việt thế kỷ X”, kỷ yếu hội thảo Việt Nam học - Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất.
10. Trần Bạch Đằng (1993), Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.


[1] Theo Polyakov A.B (1998), Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Thủ Tiệp, Trần Lãm đều có nguồn gốc là người Hán. Polyakov A.B (1998), “Quá trình hình tầng lớp thống trị trong xã hội Giao Chỉ - Đại Cồ Việt thế kỷ X”, kỷ yếu hội thảo Việt Nam học - Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất, tr.367
[2] Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb. Lao động, tr. 251.
[3] Phạm Lê Huy (2017), Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời đô hộ Tùy Đường, luận án Tiến sĩ sử học tại ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, tr. 49.
[4] Nhiều tác giả (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.172.
[5] Phạm Lê Huy, “Khảo cứu lại cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh”, kỷ yếu Việt Nam học- hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư, 424.
[6] Lý Tế Xuyên (2012), Việt điện u linh, Nxb. Hồng Bàng, tr.45.
[7] Nhiểu tác giả (2013), Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.31.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.997.
[9] Trần Bạch Đằng (1993), Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 957.
[10] Trần Bạch Đằng (1993), Chung một bóng cờ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 958 -962.
[11] Hà Minh Hồng, Trần Nam Tiến (2010), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960-1977), Nxb. Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, tr.46.
[12] Báo Nhân dân, số 5440, ngày 6 tháng 3 năm 1969.
[13] Nhiểu tác giả (2013), Nhà trí thức yêu nước Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.22.

Tác giả: Tiến sĩ Lưu Văn Quyết - Thạc sĩ Võ Phúc Toàn