VỀ MỘT PHỐ RIÊNG
Dòng sông thở mù sương bến nước
Em xanh lá cây ta trắng hải âu
Những đồi cát ngủ mê
Những góc trời sao lịm
Những sóng đưa nôi lúc biển gọi ta về
Em như mùa bấc lén phố khuya thả gió
Những đọt khô thoắt nên nụ nên mầm
Từng đốm xanh mưa tháng giêng giọt mọng
Mái phố già rực rệt rêu non
Xanh như giấc trưa chiêm bao thấy lá
Môi má thơ ngây lao xao ngấn cười
Phố ngắn quá con đường mệt lả
Nét mày con phố khuyết trăng soi
Ta về sớm hay heo may thức muộn
Biết chiều không nên đứng với trưa chờ
Về đâu phố ướp trầm hương nếp áo
Khăn san màu phơ phất mưa tơ
Đi với xanh xưa tóc người không hẹn
Nên chiếu chăn nên võng nên rèm
Ta đứng hiên thềm xoè bàn tay mắc mưa ký ức
Bao nhiêu cuối năm trời chiều nhện giăng
Như đoá sen giấy hồng tự đắm xuống dòng
sông rực nến
Bằng đắng đót riêng mê muội riêng
Rồi như một cỏ rêu non run lên trong chiều
gió cả
Mùa chết khô tự mùa hồi sinh
Phùng Tấn Đông.
VỀ MỘT PHỐ RIÊNG-
ẤN TƯỢNG THƠ PHÙNG TẤN ĐÔNG
Không chỉ ấn tượng một phong cách, một lối sống có phần điệu đàng,
phóng túng, dân dã nào đó rất Quảng Nam, trong thơ của nhà thơ Phùng
Tấn Đông xứ Hội cũng rất ấn tượng với cách sử dụng ngôn ngữ tinh,
chắc, đầy cảm hứng, ngồn ngộn mỹ từ và những giai điệu đẹp, để “bày
biện’ bao cung bậc của tình yêu trước độc giả. Bài Về một phố riêng đã
mang đầy đủ hơi thở của nhà thơ.
Dòng sông thở mù sương bến nước
Em xanh lá cây ta trắng hải âu
Những đồi cát ngủ mê
Những góc trời sao lịm
Những sóng đưa nôi lúc biển gọi ta về
Một hình ảnh qui khứ của cảm xúc trở lại miền hợp hôn của tâm hồn.
Câu chữ đẹp, lóng lánh nhờ tác giả tỉ mẩn, cẩn trọng gọt tỉa những từ
ngữ trung gian “thì, và, là”. Như một cô gái đã nắm vững nghệ thuật
cắm hoa. Cô cắm hoa. Cô ngắm nghía. Cô tỉa rót, và rồi người đọc chỉ
biết “ trầm trồ”. Những “mù sương bến nước ,ngủ mê ,sao lịm, sóng đưa
nôi biển gọi về” nếu để riêng rẻ chỉ là tư duy ngôn ngữ cũ kỹ, nhưng
để vào mạch cảm xúc thì đoạn thơ đã lạ lẫm, thăng hoa.
Tiếp là một đoạn thơ khá hay tả về quê hương với tất thảy tình cảm
trìu mến, gắn bó từng giờ từng ngày, với nỗi khát khao tiềm thức như
muốn ôm chầm hình bóng của cái đẹp:
Em như mùa bấc lén phố khuya thả gió
Những đọt khô thoắt nên nụ nên mầm
Từng đốm xanh mưa tháng giêng giọt mọng
Mái phố nhà rực rệt rêu non
Đọc đến đây, tôi lại nhớ bài Riêng với Thu bồn của anh. Quê hương
đẹp vậy nhưng mênh mang hơn với giấc mơ trần thế: Trôi cả tuổi thơ tôi
lá mục cành khô những hạt sầu đông đắng/ trôi cả đáng em thon thả non
mềm lá cỏ bờ sông/ con dế gáy giọng buồn nhớ mùa dâu xanh mướt. Và tôi
có cảm giác, tình yêu quê hương và tình yêu trai gái đã hoà tan nhuần
nhuỵ nhuần nhuyễn trong tâm hồn của anh. Chính tình yêu nồng nàn sâu
đậm ấy với cảm hứng sáng tạo mênh mang không cưỡng nổi tạo nên một
giọng thơ Phùng Tấn Đông đa cảm đa tình, ấn tượng như một giấc ợ huyền
ảo, xa lạ
Xanh như giấc trưa chiêm bao thấy lá
Môi má thơ ngây lao xao ngấn cười
Phố ngắn quá con đường mệt lả
Nét mày cong phố khuyết trăng soi
Một nét vẽ của hoạ sĩ tượng trưng và lập thể. Hình ảnh cái đẹp-kỷ
niệm-tình yêu-quê hương-khát vọng được “phản chiếu hồi quang” ở nhiều
góc độ, thực như mộng, mộng như thực, gợi sức cuốn hút của thác ghềnh
đời sống, của một “tâm hồn cao thượng”. Nhưng ẩn sâu cảm giác “viên
mãn”, sau hình ảnh đẹp dẽ đầy khát vọng ấy là gì?. Sau “heo may thức
muộn”, “ướp trầm hương nếp áo. Khăn san maù phơ phất mưa tơ” là gì?
Phải chăng một tâm trạng u ẩn chan chứa tình yêu, một góc riêng của
tâm hồn, nhà thơ còn giấu nỗi bàng bạc sầu đau về “thời gian đã mất”.
Nỗi nuối tiếc của nhà thơ là nuối tiếc vĩnh hằng của tâm trạng cao
đẹp, nỗi buồn bi tráng muôn đời của thi nhân cổ điển, cái ta không
quyết định được. Chính cái “bảng lảng khói sương”ấy tạo nên nét đẹp mơ
hồ bí ẩn của thi ca. Và rồi, từ cái chung của cảnh của tình, kết thúc
bài thơ là giòng nến, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, gợi lòng độc
giả một chút xốn xang, nghẹn ngào trước cảm xúc mênh mông ngưỡng vọng
quê nhà :
Như đoá sen giấy hồng tự đắm xuống dòng sông rực nến
Bằng đắng đót riêng mê muội riêng
Rồi như một cỏ rêu non run lên trong chiều gió cả
Mùa chết khô tự mùa hồi sinh
Đọc xong bài thơ này, có thể nhận định, Phùng Tấn Đông đã từ bỏ một
số ý niệm triết học đậm đặc u huyền trong thơ anh những năm trước đây,
thay vào đó là một ý niệm nhân sinh ngọt ngào, đầy hồi ức. Theo thiển
ý, Về một phố riêng , tác giả cũng muốn khẳng định một tư duy, một
phong cách thơ mới mẻ như vậy. Đường còn dài. Thơ còn treo trên đỉnh
núi. Ấn tượng thơ Phùng tấn Đông vẫn còn đó.